11/08/2018, 20:33

JAVASCRIPT OBJECT – LAST BUT NOT LEAST

Nếu bạn theo dõi các bài viết của tôi từ đầu tới giờ thì có thể thấy tôi đã giới thiệu với các bạn về number, string, boolean và array. Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục với thành phần cơ bản cuối cùng, đó là object (đối tượng). Tiêu đề của bài viết: last but not least , tức là cuối cùng nhưng không kém ...

Nếu bạn theo dõi các bài viết của tôi từ đầu tới giờ thì có thể thấy tôi đã giới thiệu với các bạn về number, string, boolean và array. Hôm nay, tôi sẽ tiếp tục với thành phần cơ bản cuối cùng, đó là object (đối tượng). Tiêu đề của bài viết: last but not least, tức là cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng. Thực tế, JavaScript là ngôn ngữ dựa trên đối tượng (object-based), nên việc hiểu rõ về JavaScript Object sẽ là chìa khoá giúp bạn trở thành master trên con đường JavaScript học.

Để hiểu JavaScript object là gì, tôi xin đưa ra một ví dụ. Máy tính của tôi có những đặc điểm sau:

  • Loại: laptop
  • Hãng: Sony
  • Hệ điều hành: Windows 7
  • Card đồ hoạ: NVIDIA
  • Hoạt động: Đang chạy (running), sleep, hibernate, shut down.

Ở đây, máy tính của tôi: chính là một JavaScript object. Đối tượng này có các thuộc tính (properties): loại, hãng, hệ điều hành, card đồ hoạ với các giá trị tương ứng là laptop, Sony, Windows 7, NVIDIA. Tiếp theo, các hoạt động (phương thức) là: running, sleep, hibernate, shut down.

Vậy JavaScript Object là gì?

Object là một khái niệm trừu tượng dùng để biểu diễn một vật thể (cụ thể). Trong đó, các thuộc tính dùng để miêu tả đặc điểm, tính chất của đối tượng. Và các phương thức dùng để chỉ các hoạt động của đối tượng.

Chú ý:

  • Object có thể chỉ tồn tại thuộc tính hoặc chỉ có phương thức, không nhất thiết phải có cả hai.
  • Object phải là một danh từ riêng, không phải danh từ chung. Trong ví dụ trên, nếu chỉ nói máy tính thì đó không phải đối tượng, mà phải là máy tính của tôi.

Biểu diễn JavaScript Object

JavaScript sử dụng cặp dấu ngoặc nhọn {} để biểu diễn object:

{
  key1: value1,
  key2: value2,
  key3: value3,
  ...
}

Trong đó: key1, key2, key3,… là tên thuộc tính với các giá trị tương ứng là value1, value2, value3,… Nếu value là một function thì đó chính là phương thức của object.

Áp dụng cho ví dụ trên:

var myComputer = {
  type: "laptop",
  brand: "Sony",
  os: "Windows 7",
  graphicCard: "NVIDIA",
  running: {...},
  sleep: {...},
  hibernate: {...},
  shutDown: {...}
};

Chú ý:

  • Key: có thể đặt theo quy tắc của biến số, hoặc có thể là một string. Nếu key là một string thì phải được đặt trong cặp dấu ngoặc đơn hoặc ngoặc kép.
  • Value: có thể là một trong các loại numbers, strings, Boolean, array, function, null,… hay thậm chí là một object khác.

Cách sử dụng JavaScript Object

Khi đã biểu diễn được object rồi thì vấn đề tiếp theo là làm sao sử dụng được nó. Cụ thể là cách thức để truy cập vào thuộc tính của Object. Có 2 cách để lấy ra giá trị của một thuộc tính trong object:

  • Sử dụng toán tử chấm (.) theo sau là tên thuộc tính (theo kiểu biến số)
  • Sử dụng toán tử [], bên trong là tên thuộc tính (theo kiểu biến số hoặc kiểu string)

Ví dụ sau đây mô tả cách sử dụng Object:

var myComputer = {
 type: "laptop",
 brand: "Sony",
 "operating system": "Windows 7",
 "graphic card": "NVIDIA"
};

console.log(myComputer.type);                // => laptop
console.log(myComputer.brand);               // => Sony

console.log(myComputer['type']);             // => laptop
console.log(myComputer["brand"]);            // => Sony
console.log(myComputer['operating system']); // => Windows 7
console.log(myComputer["graphic card"]);     // => NVIDIA

Thay đổi giá trị của thuộc tính

Để thay đổi giá trị thuộc tính của object, bạn chỉ cần sử dụng cách truy cập ở trên và gán giá trị mới cho thuộc tính đó.

var myComputer = {
 type: "laptop",
 brand: "Sony",
 "operating system": "Windows 7",
 "graphic card": "NVIDIA"
};
console.log(myComputer.type);               // => laptop
console.log(myComputer['operating system']);// => Windows 7

myComputer.type = "desktop";
myComputer['operating system'] = 'Ubuntu';
console.log(myComputer.type);               // => desktop
console.log(myComputer['operating system']);// => Ubuntu

Cách duyệt tất cả các thuộc tính của object

Đối với array, bạn có thể sử dụng vòng lặp for, while, do/while với chỉ số là number để duyệt từng phần tử của mảng. Nhưng với object thì hơi khác một chút.

Để duyệt các thuộc tính của object, bạn có thể sử dụng vòng lặp for với từ khoá in như ví dụ sau:

var myComputer = {
 type: "laptop",
 brand: "Sony",
 "operating system": "Windows 7",
 "graphic card": "NVIDIA"
};

for(var prop in myComputer){
  console.log(prop, myComputer[prop]);
}

// => type laptop
// => brand Sony
// => operating system Windows 7
// => graphic card NVIDIA

Khi đó biến prop sẽ chạy hết tất cả các thuộc tính của object myComputer.

So sánh JavaScript object

JavaScript cung cấp cho chúng ta 2 toán tử so sánh là == và ===. Trong đó:

  • Toán tử === trả về true khi và chỉ khi hai biến số có cùng kiểu dữ liệu và cùng giá trị, ngược lại thì trả về false.
  • Toán tử == trả về true khi hai biến số có cùng giá trị và có thể có kiểu dữ liệu khác nhau (JavaScript sẽ cố gắng convert về cùng kiểu dữ liệu để so sánh), ngược lại thì trả về false.

Hãy xem ví dụ sau để thấy sự khác biệt giữa hai toán tử

var x = 1;
var y = true;

console.log(x == y);  // => true
console.log(x === y); // => false

Khi sử dụng ==, JavaScript sẽ convert x = 1 thành giá trị true, nên kết quả trả về là true. Ngược lại, khi sử dụng toán tử ===, kết quả trả về sẽ là false vì x có kiểu number và y có kiểu Boolean.

Áp dụng toán tử == và === để so sánh object

Bây giờ, tôi sẽ thử áp dụng hai toán tử trên để so sánh object:

var obj1 = {
 x: 10,
 y: 10
};

var obj2 = {
 x: 10,
 y: 10
};

var obj3 = obj1;

console.log(obj2 == obj1); // => false
console.log(obj2 === obj1); // => false

console.log(obj3 == obj1); // => true
console.log(obj3 === obj1); // => true

Qua ví dụ trên, bạn có thể thấy rằng: hai object bằng nhau khi và chỉ khi chúng trỏ vào cùng địa chỉ bộ nhớ (obj3 và obj1). Trường hợp obj1 và obj2, mặc dù các thuộc tính và giá trị hoàn toàn giống nhau nhưng hai object này không bằng nhau.

Xây dựng hàm so sánh object

Trường hợp, bạn muốn quy định obj1 và obj2 như trên là bằng nhau thì bạn có thể tự viết một hàm riêng để so sánh hai đối tượng này:

function isEqual(obj1, obj2){
 for(var prop in obj1){
   if(obj1[prop] !== obj2[prop]) return false; 
 }
 for(var prop in obj2){
   if(obj2[prop] !== obj1[prop]) return false; 
 }
 return true;
}

var obj1 = {
 x: 10,
 y: 10
};

var obj2 = {
 x: 10,
 y: 10
};

var obj3 = {
 x: 10,
 y: 11
};

var obj4 = {
 x : 10,
 y : 11, 
 z : 12
};

console.log(isEqual(obj2, obj1)); // => true
console.log(isEqual(obj3, obj1)); // => false
console.log(isEqual(obj4, obj1)); // => false

Hàm isEqual trả về true khi và chỉ khi hai object có các thuộc tính và giá trị của chúng giống nhau, ngược lại thì trả về false.

Một số đối tượng sẵn có trong JavaScript

JavaScript cung cấp sẵn cho chúng ta một số đối tượng. Qua đó, việc lập trình sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Đối tượng Arguments

Mỗi khi hàm số được gọi, có một biến số đặc biệt có tên là arguments được thêm vào bên trong phạm vi của function. Biến số này chứa một thuộc tính là length, để xác định số lượng tham số truyền vào.

Bởi lẽ, bạn có thể truyền vào nhiều hơn, hay ít hơn số lượng tham số mặc định. Nên việc biết số lượng tham số truyền vào là vô cùng cần thiết.

Ví dụ sau miêu tả cách sử dụng arguments để xác định số lớn nhất trong tất cả các số truyền vào:

function maxOf(){
  var max = -1;
  for(var i = 0; i < arguments.length; i++){
    if(arguments[i] > max)
      max = arguments[i];
  }
  return max;
}

console.log(maxOf(1, 2));
// => 2

console.log(maxOf(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7));
// => 7

Rõ ràng, hàm maxOf của tôi không chứa một tham số nào. Nhưng khi sử dụng, tôi lại có thể truyền tham số với số lượng tuỳ ý.

Đối tượng Math

Cái tên đã nói lên tất cả. Đúng vậy, đối tượng Math chứa các hàm số phục vụ cho tính toán số học như: Math.min, Math.max, Math.sqrt, Math.abs,…

Sử dụng Math giúp giảm thiểu đáng kể thời gian viết code, vì bạn không cần phải viết lại những hàm số cực kì cơ bản.

Tôi sẽ không giới thiệu nhiều về đối tượng này. Bạn có thể tham khảo thêm về Math tại đây.

Đối tượng Global

Trong JavaScript, cụ thể là đối với browser, đối tượng lớn nhất chính là window. Mọi biến global đều thuộc đối tượng này.

var x = 6;
console.log("x" in window);
// => true
console.log(window.x);
// => 6

Trên đây là một số kiến thức cơ bản về JavaScript object. Nếu bạn đã hiểu hết những nội dung ở trên, bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về object. Còn bây giờ thì tạm dừng lại và thực hành một chút về những gì đã học được nhé.

Thực hành

Giả sử, ta định nghĩa cấu trúc dữ liệu dạng List như sau:
Complete JavaScript Practice

Trong đó, value1, value2, value3 là những phần tử của mảng.

Cho mảng array = [1, 2, 3, 4, 5, 6].

  • Viết hàm arrayToList(array) trả về một object dạng list như trên. (tham khảo)
  • Từ object dạng list trên, viết hàm listToArray(list) trả về array ban đầu. (tham khảo)

Chúc bạn thực hành vui vẻ và hẹn gặp lại ở những bài viết tiếp theo trong series JavaScript cơ bản.

Thân ái,

Tham khảo

  • Data Structures: Objects and Arrays

Bản gốc: Blog Complete JavaScript

Theo dõi Lam Pham trên Kipalog để nhận thông báo khi có bài viết mới nhất:

  • Facebook Fanpage: Complete JavaScript
  • Facebook Group: Hỏi đáp JavaScript VN
  • Portfoflio : Lam Pham
0