31/08/2018, 17:36

Series UI/UX cho developer – Phân biệt UI và UX

Chào mừng các bạn đã quay lại với series UI/UX cho developer. Bài viết này sẽ gồm nội dung: Tổng quát về UI và UX Sự khác nhau giữa UX và UI Vai trò của chúng trong ngành lập trình Hai khái niệm này thường dễ bị nhầm lẫn với nhau . UI không phải là UX mặc dù chúng có quan ...

Chào mừng các bạn đã quay lại với series UI/UX cho developer. Bài viết này sẽ gồm nội dung:

  • Tổng quát về UI và UX
  • Sự khác nhau giữa UX và UI
  • Vai trò của chúng trong ngành lập trình

Hai khái niệm này thường dễ bị nhầm lẫn với nhau. UI không phải là UX mặc dù chúng có quan hệ rất gần gũi. Một phần cũng do bản thân trong ngành IT, nhiều công ty cũng “gom nhóm” hai khái niệm này lại (Gọi chung là UI/UX Designer) nên gây ra sự lẫn lộn trên.

Lưu ý: UI và UX đã là đối tượng nghiên cứu từ cách đây vài chục năm. Để nói về UI hay UX cũng cần đến vài quyển sách giáo khoa. Bài viết chỉ giải thích các khái niệm chính yếu cho các bạn đọc có một nền tảng cơ bản để tìm hiểu thêm.

Định nghĩa về UI và UX thông qua… phụ nữ

Thay vì đưa khái niệm “chuẩn” về UI và UX trong sách giáo khoa, mình sẽ giải thích ngắn gọn hai khái niệm này. Đây là cách giải thích được phần lớn cộng đồng chấp nhận.

  • UI (User Interface) – Giao diện người dùng: Đây là những gì người dùng nhìn thấy và giúp họ tương tác với hệ thống (giao diện Web, button, …).
  • UX (User Experience) – Trải nghiệm người dùng: Đây là những gì người dùng trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm và dịch vụ (Bao gồm cảm xúc, suy nghĩ trong quá trình sử dụng). UI chỉ là một phần của UX.

Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng trong công ty bạn có một em gái tên M

Em M da trắng trẻo, gầm cao máy thoáng, ba vòng đầy đặn, mặt mũi dễ thương. Nhan sắc và ngoại hình của em M chính là UI. Có thể thấy em M là một sản phẩm có UI rất tốt.

Hãy tiếp tục tưởng tượng, sau một thời gian tán tỉnh, bạn đã cưa được em M. Sau khi quen nhau, bạn mới biết em rất hay mè nheo, nhõng nhẽo, nửa đêm đòi bạn mua trà sữa qua cho uống. Em cũng rất ít khi quan tâm bạn mà chỉ biết đòi quà, lại hay đi rắc thính lung tung.

Bạn cảm thấy bực mình, buồn, khó chịu. Những trải nghiệm khó chịu này chính là UX. Có thể thấy UX của bé M không tốt chút nào!

Quan hệ giữa UI và UX

Chỉ có UI mà ko có UX sẽ làm cho sản phẩm trông rất đẹp và bắt mắt nhưng không dùng được (Như bé M ở trên). Có UX mà ko có UI sẽ tạo ra một ứng dụng ổn, được việc nhưng… trông thấy gớm (Giống như mấy bạn nữ tốt, ngoan hiền nhưng “mặt tiền” xấu thường khó kiếm người yêu).

UI và UX không bao giờ đứng riêng rẽ mà luôn song hành với nhau để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Một trang web với font chữ cẩu thả, màu sắc lòe loẹt, button nhỏ xíu (UI tồi) thì khó mà mang lại UX tốt cho người dùng được.

Trang web Craiglist, UI hơi tởm nhưng do UX khá ổn nên vẫn thu hút được người dùng

Bản thân UX không chỉ gói gọn trong sản phẩm (phần mềm) mà còn liên quan tới nhiều khía cạnh như: dịch vụ khách hàng, giá trị thương hiệu.

Ví dụ như UX của sản phẩm Apple rất tốt vì ngoài sản phẩm tốt, họ còn chăm sóc khách hàng tận tình, thương hiệu “sang chảnh”. Trong phạm vi bài viết chúng ta thảo luận về UX trong ngành lập trình, tức là UX của sản phẩm.

Tầm quan trọng của UI và UX

Ngày xưa, hầu như các chương trình máy tính đều chạy trên màn hình Console, người dùng phải gõ lệnh vào để sử dụng. Ngày nay thì khác, các ứng dụng có mặt ở khắp nơi, từ web, mobile cho tới các thiết bị điện tử.

Các ứng dụng cạnh tranh với nhau rất gay gắt (có đến vài chục ứng dụng to-do-list, vài chục ứng dụng nghe nhạc, vài chục ứng dụng quản lý tiền bạc….).

Ứng dụng có UI đẹp và chuyên nghiệp thì sẽ thu hút được người dùng. Ứng dụng có UX tốt thì sẽ chiếm được thiện cảm của người dùng, được họ sử dụng thường xuyên và giới thiệu cho bạn bè.

Người dùng ngày một trở nên “lười” và khó tính. Dù sản phẩm bạn làm ra có tốt đến mấy, nếu trông nó “xấu xấu”, người dùng sẽ chẳng thèm sử dụng. Nếu UX thiết kế tồi, quá rườm rà khó sử dụng, người dùng sẽ bỏ cuộc ngay sau 5 phút dùng thử.

Có thể nói chính UI và UX góp phần quyết định sự thành bại của một sản phẩm!

Developer thì cần gì phải biết UI và UX?

Tất nhiên, ở các công ty lớn thì họ có sự tách bạch rất rõ ràng cho các vị trí UX Designer, UI Designer và Developer. Chúng ta chỉ việc nhận thiết kế từ tay designer rồi code.

Mặc dù vậy, trong các công ty startup hoặc các công ty vừa và nhỏ, đôi khi developer chỉ nhận được yêu cầu từ khách hàng, phải tự tay thực hiện toàn bộ các khâu từ thiết kế UX, vẽ UI cho tới code.

Kiến thức về UI/UX đều hữu dụng trong cả hai trường hợp trên. Ở các công ty lớn, biết về UI/UX sẽ giúp bạn dễ trao đổi với designer và hiểu điều họ muốn làm. Ở công ty vừa và nhỏ, biết về UI và UX sẽ giúp bạn tạo ra chức năng tốt hơn, phù hợp với người dùng hơn.

Nguồn: Techtalk via toidicodedao

0