31/08/2018, 15:26

3 bí quyết hòa nhập môi trường làm việc mới

“ Nên rèn khả năng quan sát và tự học để tăng khả năng tương thích với môi trường mới. Đây cũng là điều mà nhiều bạn làm trong ngành IT Việt Nam thiếu. Quy luật khắc nghiệt của ngành IT là nếu không thích ứng được với môi trường mới thì dù giỏi tới đâu cũng sẽ bi đào thải.” Đọc ...

Nên rèn khả năng quan sát và tự học để tăng khả năng tương thích với môi trường mới. Đây cũng là điều mà nhiều bạn làm trong ngành IT Việt Nam thiếu. Quy luật khắc nghiệt của ngành IT là nếu không thích ứng được với môi trường mới thì dù giỏi tới đâu cũng sẽ bi đào thải.”

Đọc phỏng vấn của ITviec với anh Huỳnh Long Điền, Mobile QA Lead tại Lazada Group để tìm hiểu:

  • Bí quyết hòa nhập với môi trường làm việc mới.
  • Kỹ năng cần có để làm trong môi trường thương mại điện tử.
  • Quan điểm của anh về một QA giỏi.

Xem hàng trăm việc làm QA trên ITviec

Tiểu sử: Anh Huỳnh Long Điền đã có 8 năm làm việc tại Gameloft với vị trí chính là Project Manager, chủ yếu đảm nhiệm phần QA cho Game.

Sau đó, anh chuyển sang Lazada Group, sở hữu trang thương mại điện tử Lazada với vị trí Mobile QA Lead.

Anh có thể cho biết công việc QA cho game khác với công việc QA cho một trang bán hàng như thế nào?

Để làm một Game Tester/QA giỏi, anh phải vừa đóng vai trò người chơi thật sự vừa phải có suy nghĩ của một Tester/QA, nghĩ ra những vấn đề mà không người chơi nào nghĩ được.

Tóm lại, phải đam mê game thì mới có thể làm Game Tester/QA giỏi.

Để làm được QA cho một trang bán hàng, anh phải “chăm” sản phẩm của mình từ A tới Z.

Mỗi khi Developer làm xong gì, anh coi qua toàn bộ kết quả, thiết lập quy trình Test và phân công cho các bạn trong team thực hiện.

Tóm lại, QA phải tự quyết định và cam kết với sếp công việc của mình sẽ làm như thế nào, hoàn thành trong bao lâu.

Ngoài ra, khi có lỗi đột xuất xảy ra thì anh cũng phải là người trực tiếp nhận và phân công xử lý.

Về công việc QA nói chung, anh rất thích một chức danh chỉ có ở công ty Atlassian là Quality Assistant.

Khác với Quality Assurance là đảm bảo chất lượng, Quality Assistant hỗ trợ Developer đảm bảo chất lượng, làm việc trực tiếp hằng ngày với họ, định nghĩa cho họ cái nào cần test, giúp họ kiểm tra lại phần đó đã được test đúng chưa.

Theo anh, để làm một người QA giỏi, cần phải đảm nhiệm cả hai vai trò Assistant và Assurance.

Công việc của anh tại môi trường game đang rất ổn định. Vì sao anh lại quyết định chuyển sang làm thương mại điện tử – một lĩnh vực hoàn toàn mới với mình?

Vào năm 2013, một số đồng nghiệp trong Gameloft nghỉ việc và họ nói với anh: cần phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đi ra để thấy thế giới IT rộng như thế nào, để xem mình có thể làm được đến đâu.

Cùng thời gian đó, anh cảm thấy rằng mình đã quá quen thuộc với công việc Project Manager tại Gameloft và anh thấy đã đến lúc bước ra khỏi vùng an toàn của mình như các bạn.

Do đó, anh quyết định nộp CV sang nhiều chỗ, và cuối cùng dừng ở vị trí Mobile QA Lead tại Lazada.

Dù tính chất công việc vẫn là QA nhưng những gì anh học được trong ngành game phải xếp lại hết và phải tích lũy kinh nghiệm lại từ đầu vì hai lĩnh vực không hề có một điểm gì tương đồng.

Vậy anh đã vượt qua thử thách này như thế nào? Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn sắp bước sang một lĩnh vực mới như anh?

10422596_939596792719868_4495841769237358011_n

Anh Điền và tập thể Lazada trong một chuyến làm từ thiện.

1) Dù không thể áp dụng được kiến thức cũ nhưng có thể áp dụng được phương pháp làm việc. Có phương pháp làm việc tốt sẽ giúp mình rút ngắn thời gian hòa nhập hơn.

Chẳng hạn, anh luôn giữ cách làm việc của mình đó giờ là phải kết nối mình với nội bộ team và team khác. Một ngày anh luôn đọc và chat ít nhất là 2000 dòng, từ group chat với bộ phận Chăm sóc khách hàng, với team của mình, với team Business, với team giải quyết sự cố… và khoảng 4 video call cho các sếp, đồng nghiệp từ nước khác.

Đừng chỉ bao giờ chú tâm vào công việc của mình thôi vì sẽ không hiểu các team khác làm gì, tương tác với mình ra sao, nghĩ gì về mình, từ đó sẽ không thể làm công việc chung của cả guồng máy tốt hơn được.

Vả lại, chính việc chat này cũng sẽ giúp mình thư giãn, công việc sẽ bớt căng thẳng hơn.

2) Nên rèn khả năng quan sát và tự học để tăng khả năng tương thích với môi trường mới. Đây cũng là điều mà nhiều bạn làm trong ngành IT Việt Nam thiếu.

Quy luật khắc nghiệt của ngành IT là nếu không thích ứng được với môi trường mới thì dù giỏi tới đâu cũng sẽ bi đào thải.

Khi anh vừa sang Lazada, đứng giữa một team toàn Developer, anh cũng rất bối rối không biết nên bắt đầu từ đâu.

Thế là đầu tiên, anh tới nói chuyện với họ, quan sát cách họ làm việc, quy trình như thế nào và xác định ngay mình sẽ làm gì để giúp đỡ họ tốt hơn.

Bên cạnh đó, anh xác định vừa làm vừa học, không được ngại sai mà không làm, không học vì nếu sai mình sẽ được Product Manager phản hồi ngay và chắc chắn mình sẽ có kinh nghiệm liền.

3) Phải thoát được vùng an toàn ở công ty cũ.

Trước đây, anh làm trong môi trường Game rất thoải mái nhưng khi qua môi trường thương mại điện tử đòi hỏi sự chính xác thì anh phải xác định ngay từ đầu là phải bỏ nhiều thời gian và công sức hơn.

Chẳng hạn, anh thường đến công ty trước 1-2h để check mail, lên to-do-list cho ngày, giải quyết công việc tồn đọng hôm qua chứ không được quen thói cũ là đến trễ vài ba phút.

Không nên có tư tưởng uể oải và tiếc nuối. Một số người bạn cũ của anh sau khi qua một lĩnh vực mới bị “ngộp” nên xin về lại công ty cũ.

Điều này làm mất rất nhiều thời gian của bản thân mà không thu lại được gì. Khi quay lại công việc cũ, hứng thú cũng không còn.

Anh nhận xét như thế nào về môi trường thương mại điện tử?

1) Môi trường này cực kì khắc nghiệt, đòi hỏi mình phải chuyên nghiệp hơn, không có chỗ cho sự do dự, không rõ ràng.

Do đó, nó yêu cầu tinh thần Teamwork lẫn khả năng làm việc độc lập trong từng giai đoạn nhất định.

Chẳng hạn, sếp sẽ yêu cầu anh làm việc này trong 2 giờ và hỏi thời gian đó có xong kịp không.

Nếu trả lời không xong kịp mà không đưa ra lý do cụ thể, họ sẽ giao cho người khác làm, hoàn toàn không du di cho mình và lúc đó mình sẽ là người bị đánh giá năng lực ngay.

2) Thương mại điện tử không có Deadline. Nếu làm trong môi trường game, bạn chỉ cần hoàn thành công việc đúng Deadline là xong việc luôn.

Tuy nhiên, ở môi trường này, Deadline chỉ là một thời hạn tương đối. Dù đã fix xong lỗi nhưng ngay hôm đó vẫn có thêm bug phát sinh thì phải fix và deploy liền.

Do đó, anh phải dành 8h -10h để làm việc và làm dưới giám sát của 1 bộ phận là On-call Duty.

Khi có lỗi sẽ báo ngay cho người phụ trách và phải có trách nhiệm từ đầu tới cuối.

Tóm lại, lúc nào mình cũng phải sẵn sàng…nhận bug và công việc không bao giờ dừng lại.

3) Đòi hỏi sự chính xác cao độ. Thương mại điện tử liên quan đến túi tiền của mọi tầng lớp khách hàng, với hàng trăm tính cách nên rất nhạy cảm và đòi hỏi người làm công việc QA phải cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác tới từng ly từng tí cho các trang, mục.

Chẳng hạn, anh luôn dành vài lần trong ngày mua thử một sản phẩm, nếu không load được hay tới bước thanh toán bị lỗi thì phải báo ngay để sửa.

Nếu cứ để có lỗi, khách hàng gặp phải và báo lên thì một loạt team, đầu tiên là team Tech sẽ bị các sếp phàn nàn.

Tóm lại, phải nghiêm túc và hết sức chặt chẽ về lỗi trên trang.

Anh có lời khuyên nào cho các bạn IT muốn gia nhập môi trường này?

1962793_1107409295938616_4358253930705210045_n

Anh Điền được trao giải “Exterminator of the Year 2015” từ Lazada.

1) Luôn giữ tinh thần cầu tiến, sáng tạo vì thương mại điện tử và IT thay đổi từng ngày.

Bên cạnh đó, chính sự khắc nghiệt của thương mại điện tử cũng làm nhân sự biến thiên liên tục.

Bạn phải biết cách học mọi lúc, học từ sếp, từ đồng nghiệp, từ cộng đồng và đề xuất nhiều cải tiến để thích ứng được với mọi thay đổi.

Nếu chủ quan nghĩ mình làm tốt rồi, không học nữa, không cải tiến quy trình thì nay mai sẽ có người khác thay thế mình.

2) Rèn luyện nhiều kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng phản biện. Môi trường thương mại điện tử và IT đòi hỏi tính bắt kịp thời đại rất cao nên khi bạn đề xuất một cải tiến gì, chắc chắn sẽ có người đồng tình và người phản đối.

Bạn phải tranh luận làm sao để họ vui vẻ đồng ý thay đổi và làm trang bán hàng của mình tốt lên.

Chẳng hạn, có lần khi anh đề nghị bộ phận Developer làm thêm một tính năng cho trang sản phẩm nhưng họ không chịu làm vì mất thời gian.

Nếu lúc này tranh luận gay gắt chắc chắn sẽ làm mất lòng nhau mà công việc cũng không tốt hơn.

Thay vào đó, anh lập một group chat và lập luận cụ thể để chứng minh cho họ thấy rằng tính năng này giúp tăng trải nghiệm khách hàng.

Khi họ hiểu rõ mọi thứ rồi thì đều vui vẻ thực hiện. Để phản biện tốt, đừng đưa ra những lý do chung chung mà lúc nào cũng phải rõ ràng.

3) Công việc IT rất chán, làm IT cho thương mại điện tử còn…chán gấp đôi.

Do đó, bạn nên tìm một phong cách làm việc thư giãn hơn để tránh stress và mất đi hứng thú với sự nghiệp.

Chẳng hạn, anh cho phép team anh cứ việc nghe nhạc, xem Youtube thoải mái trong giờ làm việc nhưng khi giao việc thì phải cam kết làm đúng deadline.

Anh cũng không bắt các bạn OT mỗi ngày nhưng khi việc nhiều thì phải ở lại làm thêm nghiêm túc.

Nếu đã chấp nhận bước vô thương mại điện tử thì phải tìm cách thư giãn trong bận rộn, đổi lại, bạn sẽ có một mức thu nhập cao, networking rộng và học được rất nhiều công nghệ mới, kỹ năng mới.

Anh đã từng mắc phải sai lầm nào và học được gì từ đó?

Mới ban đầu vào Lazada, anh rất hay bị mắc sai lầm trong việc phán đoán tình hình.

Lúc đó, anh thường trả lời câu hỏi của sếp ngay mà không suy nghĩ kĩ trước.

Có một lần sếp hỏi anh là công việc đó cần phải hoàn thành trong bao lâu.

Anh đã trả lời ngay là 1 tuần. Ngay lúc đó, anh bị sếp hỏi “vặn” lại chi tiết từng ngày anh sẽ làm gì. Lúc đó anh rất lúng túng, không biết trả lời như thế nào.

Từ đó, anh rút kinh nghiệm là phải luôn suy nghĩ ít nhất 10 giây trước khi trả lời và phải trả lời chi tiết từng phần nhỏ, từng vấn đề nhỏ.

Nếu sếp hỏi “Tại sao”, “Như thế nào” thì mình cũng có thể trả lời tiếp được.

Anh thấy kĩ năng này rất quan trọng vì môi trường thương mại điện tử đòi hỏi sự chính xác. Nếu mình không làm rõ mọi công việc, deadline trước khi làm rất dễ bị “ngộp” và cuối cùng không hoàn thành được công việc.

Anh có thể chia sẻ các resource hữu ích cho các bạn làm nghề QA?

  • Techwell hay có những khóa học miễn phí chuyên sâu về Testing và Developement từ những chuyên gia. Anh chủ yếu xem và học kiến thức chuyên môn ở đây.
  • Agile Vietnam hay tổ chức những buổi hội thảo chuyên đề về Agile, Scrum, Programming… rất hữu ích. Anh thường tham dự các event ở đây để cập nhật tin tức, hiểu được cách họ tiếp cận và xử lý vấn đề như thế nào.
  • Nhờ các bộ phận Developement, Buying, Production… chỉ cho mình về công việc, quy trình của họ sẽ giúp mình học được những kiến thức thực tế và quan trọng nhất mà chưa bao giờ biết đến.

Cảm ơn anh Điền về bài phỏng vấn thú vị. Chúc anh luôn thành công trong công việc.

Tham khảo việc làm QA tại ITviec

ITviec Robby

Bạn muốn đặt câu hỏi cho anh Điền về công việc QA, kỹ năng “sống sót” ở môi trường mới và ngành thương mại điện tử? Bạn muốn chia sẻ về nghề và kỹ năng của riêng mình? Đừng ngại bình luận phía dưới nhé! 

0