31/08/2018, 15:27

3 cách tạo ấn tượng cho CV

“CV giống như một tấm ảnh để em gửi cho cô bạn gái em đang muốn làm quen. Vì vậy hãy làm nó thật nhất có thể, để tránh trường hợp khi gặp nhau thật ngoài đời đối phương thất vọng khi so sánh em và bức ảnh.” Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Lê Nguyễn Cao Nguyên – .NET ...

“CV giống như một tấm ảnh để em gửi cho cô bạn gái em đang muốn làm quen. Vì vậy hãy làm nó thật nhất có thể, để tránh trường hợp khi gặp nhau thật ngoài đời đối phương thất vọng khi so sánh em và bức ảnh.”

Cùng đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Lê Nguyễn Cao Nguyên – .NET Developer tại Aswig Solutions – để tìm hiểu:

  • Cách anh xác định một công ty có phù hợp với mình
  • Tips để tạo ấn tượng cho CV và thuyết phục nhà tuyển dụng
  • Lời khuyên anh dành cho các bạn để tăng cơ hội ứng tuyển thành công

Xem việc làm .NET Developer tại ITviec

Tiểu sử: Anh Lê Nguyễn Cao Nguyên tốt nghiệp Đại học Hoa Sen ngành CNTT năm 2011. Anh là từng là Software Developer của một công ty outsourcing lớn tại Tp.HCM trong ba năm.

Sau hai lần ứng tuyển thông qua ITviec, anh đã thành công với lời mời làm việc chính thức ở vị trí .NET Developer tại Aswig Solutions.

Lúc anh làm cho công ty outsourcing cũ, anh biết qua nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như Java, Python, PHP… Anh cũng từng làm các project về Automation Test.

Công việc hiện tại của anh ở công ty Aswig Solution là .NET Developer, tức là chỉ chuyên về .NET.

Vì sao anh lại muốn đi chuyên về mảng .NET thay vì mở rộng kiến thức đồng thời ở nhiều mảng khác nhau?

Ban đầu, anh chọn làm cho công ty outsourcing vì anh nghĩ biết càng nhiều ngôn ngữ/framework thì mình càng giỏi.

Nhưng không phải tự nhiên mà ông bà ta có câu “trăm hay không bằng tay quen.”

Trong ba năm làm việc ở công ty đầu tiên, anh tiếp xúc nhiều dự án, mỗi ngôn ngữ/framework đều biết một ít, nhưng nhìn lại, anh chẳng giỏi cái nào cả.

Trong một lần làm dự án về Android, có một vấn đề mà anh tìm hoài trong nửa ngày nhưng chưa ra cách giải quyết.

Tối đó, khi đi chơi với đám bạn, anh có chia sẻ vấn đề và bạn anh – một đứa có ba năm kinh nghiệm về Android – giải quyết bài toán đó của anh trong vòng chưa đến ba mươi phút. Đó là lúc anh thật sự nhận ra mình cần phải tập trung vào một thứ và thật giỏi ở thứ đó.

Từ lúc học Đại học, anh đã thích Bill Gates và Microsoft. Vì vậy khi có ý định phát triển sự nghiệp tập trung vào một thứ, anh muốn phát triển niềm đam mê của mình là .NET.

Lí do anh muốn phát triển tập trung vào một thứ là vì khi em có kiến thức chuyên sâu mảng đó, em theo dõi sự phát triển của nó, các công nghệ mới nhất về ngôn ngữ/framework đó nên khi gặp một vấn đề, thời gian giải quyết cũng nhanh hơn.

Việc có hiểu biết chuyên sâu về một thứ cũng giúp em dễ dàng tích luỹ kinh nghiệm và thăng tiến trong công việc.

Được biết lần đầu ứng tuyển vào Aswig Solutions năm 2014, anh đã không thành công. Lần này anh đã thay đổi gì để được nhà tuyển dụng chú ý?

Năm 2014, anh ứng tuyển vào vị trí .NET Developer nhưng anh không có nhiều kinh nghiệm .NET vì khi làm ở công ty cũ, anh tham gia nhiều dự án thuộc nhiều ngôn ngữ/framework khác nhau.

Ngoài ra, lý do lớn nhất là anh không “khoe” được những kinh nghiệm .NET mình có trong CV.

Anh nhận ra hai điều này và quyết tâm rèn luyện kỹ năng .NET nhiều hơn thông qua tự học và tự đề xuất tham gia vào nhiều dự án .NET tại công ty cũ + chăm chút CV để “khoe” kinh nghiệm .NET.

Để nâng cao kiến thức .NET của mình thì anh thường vào Stack Overflow và Pluralsight để tự học + nghiên cứu các vấn đề về .NET người khác gặp phải. Anh làm vài sample nhỏ để hiểu thêm về cách vận hành của nó.

Còn về CV, anh tập trung ghi các kinh nghiệm về .NET, không lan man đề cập những cái khác. Ví dụ, anh nhắc đến những dự án là sản phẩm của công ty có dùng công nghệ của .NET như MVC, JavaScript, SQL server.

Anh nghĩ rằng, CV giống như một tấm ảnh để em gửi cho cô bạn gái em đang muốn làm quen.

Vì vậy hãy làm nó thật nhất có thể, để tránh trường hợp khi gặp nhau thật ngoài đời đối phương thất vọng khi so sánh em và bức ảnh.

Trong CV, anh ghi những kinh nghiệm thật nhất mà mình có được từ các project thực tiễn. Anh đặc biệt không dùng “camera 360” cho CV.

Anh Nguyên (đứng thứ hai từ trái sang) cùng team bên Aswig đang thảo luận dự án

Anh Nguyên (đứng thứ hai từ trái sang) cùng team bên Aswig đang thảo luận dự án

Trước khi đi phỏng vấn, anh đã chuẩn bị những gì?

Thông thường, nhà tuyển dụng hỏi những kinh nghiệm được đề cập trong CV của em. Ví dụ, trong CV anh có ghi anh biết MVC2 và MVC5, thì khi phỏng vấn, người ta hỏi lại những thứ anh biết về MVC2 và MVC5 chứ không hỏi MVC3,4,6. Vì vậy, chỉ cần chuẩn bị kĩ những thứ có trong CV trước lúc đi phỏng vấn.

Anh đánh giá một offer dựa trên những tiêu chí nào?

Bản thân anh có bốn tiêu chí đánh giá offer: 1) thời gian làm việc, 2) phúc lợi cho nhân viên, 3) lương thực nhận và lương trên hợp đồng, 4) nơi làm việc.

Theo anh, “phúc lợi cho nhân viên” là tiêu chí quan trọng nhất, vì nó phần nào thể hiện văn hoá công ty và thể hiện sự quan tâm của cấp lãnh đạo đối với đời sống cũng như sự phát triển của nhân viên.

Anh lấy ví dụ như ở Aswig, mỗi nhân viên đều có 20 ngày phép thường và 10 ngày phép bệnh.

Anh nghĩ ít có công ty nào ở Việt Nam lại có hai loại phép và nhiều ngày nghỉ như vậy. 100% môi trường làm việc là tiếng Anh, và anh phải meeting, làm việc với team của Úc hàng ngày.

Công ty có nhiều chương trình training kỹ năng mềm. Lương tháng 13 – 14 và còn cả company trip ở nước ngoài…

Anh có thương lượng lại mức lương không? Anh đã thương lượng như thế nào?

Anh không thương lượng vì anh nghĩ mức offer đã hợp lý.

Thật ra khi phỏng vấn, anh cũng áp dụng bí quyết của Chris – Founder & CEO của ITviec – về việc tránh đưa ra con số cụ thể cho mức lương.

Anh để cho nhà tuyển dụng tự định giá mình rồi thương lượng sau. Nhưng không ngờ mức offer đã đạt được yêu cầu của anh, vì vậy anh không thương lượng tiếp.

Theo anh mức lương thay đổi khoảng bao nhiêu % có thể tạo đủ động lực cho một người nhảy việc?

Theo anh, khi nhận được offer với mức lương thay đổi >30% là có thể cân nhắc.

Tuy nhiên đây không phải là yếu tố chủ yếu để em nhảy việc.

Lý do chính anh thay đổi công việc là vì anh muốn phát triển chuyên về một mảng mà công ty cũ không thể đáp ứng yêu cầu này của anh.

Cộng thêm việc mức lương cao hơn, phúc lợi của Aswig tốt, anh mới sang đầu quân cho Aswig.

Tùy vào định hướng công việc mà em nên đặt ba câu hỏi trước khi tìm kiếm một công việc mới: 1) em có hài lòng với công ty hiện tại không, 2) em có hài lòng với công việc hiện tại không, 3) em có cơ hội phát triển bản thân ở công ty mới không.

Anh Nguyên cùng đồng đội trong team đá banh tại công ty cũ

Anh Nguyên cùng đồng đội trong team đá banh tại công ty cũ

Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ áp dụng ngay và tăng khả năng thành công khi ứng tuyển?

Anh có ba lời khuyên dành cho các bạn:

  1. Nghiên cứu kĩ những điều mà nhà tuyển dụng mong muốn rồi viết những kinh nghiệm liên quan đến kinh nghiệm nhà tuyển dụng yêu cầu trong bảng mô tả công việc.
  2. Không dùng “camera 360” cho CV, chỉ ghi những kinh nghiệm thật mà mình có.
  3. Chuẩn bị kỹ mọi thứ viết trong CV, vì đó là những thứ mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi lại bạn.

Ngoài ra, anh ứng tuyển có chọn lọc chứ không “rải đơn.”

Khi đọc một thông tin tuyển dụng, anh xem kỹ các yêu cầu của nhà tuyển dụng đó rồi so sánh xem mình đáp ứng được bao nhiêu phần trăm công việc. Nếu đáp ứng được 60-70% thì anh nộp đơn.

Anh khuyên các bạn đừng cố gắng gượng ép bản thân vào những vị trí công việc không phù hợp chỉ vì thấy công ty đó hay, phúc lợi tốt, lương cao. Bởi vì công việc không phù hợp thì 1) bạn sẽ sớm bị nhà tuyển dụng loại khỏi quy trình ứng tuyển, hoặc 2) bạn may mắn trúng tuyển nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm việc, dễ dẫn đến nản và nghỉ việc.

Ngoài ra, với mỗi đơn ứng tuyển cho mỗi công ty khác nhau, vì anh đều ứng tuyển vào vị trí .NET nên anh không sửa CV, nhưng đối với thư ứng tuyển (cover letter) thì mỗi công ty anh ghi một thư khác nhau, phù hợp với yêu cầu của từng công ty.

Giữa một công việc mình có khả năng làm và một công việc mình muốn làm, anh chọn công việc nào? Vì sao?

Anh không chọn con đường nào cả, anh muốn dung hoà cả hai.

Vì làm một công việc trong khả năng nhưng em không đam mê, em sẽ không tự tạo động lực cho mình tìm tòi phát triển bản thân.

Hơn thế, em không thể làm một công việc em thích nhưng lại không có khả năng, vì chẳng ai thuê em vì đam mê của em cả.

Lấy anh làm ví dụ. Anh thích làm việc trong môi trường mà tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày dù khả năng Anh Văn của anh rất kém.

Anh đoán đó cũng là một trong những nguyên do anh bị đánh rớt ở lần ứng tuyển đầu tiên, nên anh cố gắng học tiếng Anh sau giờ làm.

Giờ khi khả năng tiếng Anh khá hơn, anh cũng có cơ hội làm việc trong đúng môi trường 100% Anh Văn.

Hãy chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển của bạn tại phần bình luận cuối bài để cùng giúp các bạn tech guy/girl trẻ tuổi ứng tuyển thành công.

Tham khảo các việc làm .NET Developer tại ITviec và download ebook “9 Bí Quyết Đàm Phán Mức Lương Cao Hơn” ở khung bên dưới.



Bạn muốn download file này?

Đăng ký với ITviec Blog để được gửi file ngay qua email bạn nhé!

__CONFIG_tve_leads_additional_fields_filters__{“group_id”:8682,”form_type_id”:8683,”variation_id”:null}__CONFIG_tve_leads_additional_fields_filters__
Gửi cho tôi nhé!

ITviec Robby

0