31/08/2018, 15:24

‘Kaizen’ là chìa khóa thành công của tôi

“Điều quan trọng là luôn phải có suy nghĩ ‘Kaizen’ trong đầu. Nghĩ rằng cái hiện tại của tôi vẫn chưa được tốt, nó vẫn còn có thể cải thiện hơn nữa. Nếu người CTO không có tố chất này, họ sẽ sử dụng một hệ thống hoặc một kỹ thuật nào đó suốt đời, dẫn đến tụt hậu so với thời đại, ...

“Điều quan trọng là luôn phải có suy nghĩ ‘Kaizen’ trong đầu. Nghĩ rằng cái hiện tại của tôi vẫn chưa được tốt, nó vẫn còn có thể cải thiện hơn nữa. Nếu người CTO không có tố chất này, họ sẽ sử dụng một hệ thống hoặc một kỹ thuật nào đó suốt đời, dẫn đến tụt hậu so với thời đại, và mất khách hàng là điều hiển nhiên.”

Đọc bài phỏng vấn của ITviec với anh Trần Trường Đức Giang – CTO của ZIGExN VeNtura – để nghe anh chia sẻ về:

  • Những con đường anh đã trải qua, cùng tư tưởng ‘Kaizen’ đã giúp anh trở thành một CTO thành công
  • Lời khuyên anh dành cho những bạn muốn trở thành một CTO
  • Lời khuyên anh dành cho những bạn muốn thành công tại một công ty Nhật

Tiểu sử: Anh Giang sinh ra và lớn lên ở Tp.HCM. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ CNTT tại Nhật, anh làm Kỹ Sư Phần Mềm tại công ty Yahoo Japan (một công ty Internet lớn nhất ở Nhật) trong hai năm. Sau đó anh chuyển sang làm Kỹ Sư Phần Mềm cho tập đoàn ZIGExN ở Nhật. Được tập đoàn ZIGExN tin tưởng, anh trở về Việt Nam thành lập công ty ZIGExN VeNtura và đảm nhận vị trí CTO vào đầu năm 2013. Đến nay ZIGExN VeNtura đã được hơn hai năm tuổi.

Anh có thể cho biết nhiệm vụ và công việc thường ngày của một CTO là gì?

Trước tiên anh muốn nói là khái niệm về CTO cũng khác nhau ở những công ty khác nhau. Như ở công ty anh, quy mô công ty nhỏ và vừa thì khái niệm CTO sẽ khác với những tập đoàn lớn như Microsoft, Facebook.

Tại công ty anh, CTO chịu trách nhiệm chính về toàn bộ kỹ thuật của công ty, bao gồm:

  1. Lên kế hoạch phương hướng kỹ thuật của công ty, sử dụng nền tảng, kỹ thuật, các quy trình làm việc như thế nào.
  2. Khi khách hàng có những yêu cầu về dự án thì anh tiến hành làm việc trực tiếp với khách hàng để nhận yêu cầu, phân tích, rồi phân bổ nguồn lực phù hợp cho từng dự án khác nhau.
  3. Tìm hiểu những xu hướng công nghệ mới, các công cụ mới mà có thể áp dụng ngay để cải thiện hiệu quả công việc.
  4. Ngoài ra, một phần quan trọng nữa là tuyển dụng nhân tài cho công ty. Hầu như anh đứng ra trực tiếp tuyển các bạn kỹ sư, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển của công ty.
  5. Đào tạo kĩ thuật/qui trình/công nghệ mới cho các developer để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Anh có thể cho em biết những con đường anh đã trải qua để trở thành một CTO ngay từ độ tuổi rất trẻ? Và những con đường đó đã giúp anh trong việc trở thành CTO như thế nào?

Để đến được vị trí CTO, dĩ nhiên anh đã phải trải qua nhiều vị trí thấp hơn như developer, team leader… Tất cả những công việc trước giúp anh hiểu được cảm giác của những nhân viên ở vị trí thấp hơn như là họ cần gì, mong muốn gì. Từ đó anh có thể quản lý tốt hơn toàn bộ team của mình.

Anh Giang (ngoài cùng bên phải) cùng đại gia đình ZIGExN VeNtura

Anh Giang (ngoài cùng bên phải) cùng đại gia đình ZIGExN VeNtura

Như chính anh, khi làm nhân viên, anh luôn nung nấu trong người mong muốn được làm cái mới, tìm kiếm cái mới, áp dụng vào công việc để giúp công việc hiệu quả hơn, nhanh hơn, ít bug hơn. Do đó khi trở thành CTO, anh xây dựng một môi trường để lúc nào sáng kiến của các bạn, nếu đúng, cũng luôn được áp dụng vào quy trình làm việc của công ty.

Theo anh thì những kỹ năng và tố chất nào là quan trọng nhất với một CTO?

Anh nghĩ cái quan trọng nhất là phải có đam mê về công nghệ. Bản thân CTO có chữ “technology” trong đó, vì vậy một CTO mà không có đam mê công nghệ là chuyện không thể, đúng không? Không đam mê công nghệ, hiển nhiên sẽ không trở thành CTO. (Cười.)

Có rất nhiều cách để thể hiện bạn đam mê công nghệ. Như anh, gần đây anh thay đổi một thói quen hàng ngày từ khi anh biết về công nghệ “wearables.” Anh cảm thấy ấn tượng và quyết định áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Từ nhà anh đến công ty đi và về gần 30km, anh quyết định không đi xe máy, mà đi xe đạp đi làm. Thay đổi thói quen này, ngoài việc giúp cơ thể khoẻ mạnh, tăng hiệu quả công việc, anh còn có thể áp dụng công nghệ “wearables” để theo dõi hoạt động của mình. Anh thấy thích thú khi có những công nghệ giúp mình theo dõi hoạt động cá nhân và giúp biến đổi + duy trì thói quen tốt trở nên dễ dàng hơn.

Điều quan trọng kế tiếp là trong đầu luôn phải có suy nghĩ ‘Kaizen rằng cái hiện tại của tôi vẫn chưa được tốt, nó vẫn còn có thể cải thiện hơn nữa. Nếu người CTO không có tố chất này, họ sẽ sử dụng một hệ thống hoặc một kỹ thuật nào đó suốt đời, dẫn đến tụt hậu so với thời đại, và mất khách hàng là điều hiển nhiên.

Như gần đây, anh khuyến khích các bạn developer sử dụng công nghệ “Cloud Computing” và áp dụng “Automation” vào qui trình làm việc. Sau khi lập trình, thay vì các bạn phải tự làm server, tự đặt code, test thủ công thì giờ các bạn hoàn toàn có thể tự động hóa, gần như là 90% những vấn đề về phát triển và vận hành hệ thống web.

Cuối cùng, quan trọng nhất là thích giúp đỡ mọi người đạt được mục tiêu của họ, giúp họ làm tốt hơn công việc hiện tại. Cái này ý anh nói là về mặt quản lý. CTO là người quản lý team, quản lý dự án, người định hướng xu hướng công nghệ trong công ty, nếu chỉ nghĩ cách làm sao để mình giỏi thì toàn bộ tổ chức sẽ đứng yên.

Để giúp đỡ nhân viên của mình, anh hay tổ chức các buổi nói chuyện (gọi là feedback meeting) với các bạn nhân viên hàng tháng. Anh nói chuyện riêng với từng bạn một để nghe về những mong muốn của các bạn, các bạn muốn trải nghiệm thêm những kỹ thuật nào, muốn làm thế nào, có yêu cầu gì, cần anh làm những gì để các bạn phát triển thêm để làm tốt hơn công việc của mình… Anh lắng nghe ý kiến của từng bạn và tiến hành thảo luận với ban giám đốc để thực hiện những yêu cầu có thể thực hiện để giúp team mình phát triển hơn. Ngoài ra, trong công ty, anh luôn khuyến khích mọi người làm các buổi “tech talk” khuyến khích mọi người tìm hiểu những công nghệ mới, chia sẻ cho nhau.

Anh có lời khuyên nào dành cho những bạn đang muốn trở thành một CTO?

Từ kinh nghiệm của mình, anh có một lời khuyên dành cho các bạn, đó là hãy nhìn nhận vấn đề mang tầm tổng quát khi xây dựng một hệ thống. Cụ thể là phải nhận ra được vì sao hệ thống mình cần tồn tại, hơn là đi tiểu tiết vào chỗ này làm như thế nào, chỗ kia làm như thế nào. Nhìn nhận vấn đề trên tầm tổng quát giúp ích cho mình rất là nhiều trong việc định hình đầu óc quản lý.

Anh Giang (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng đại gia đình ZIGExN VeNtura

Anh Giang (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng đại gia đình ZIGExN VeNtura

Vậy làm sao để nhìn nhận vấn đề trên tầm tổng quát? Bí quyết của anh là hỏi “tại sao” 3 lần. Nếu lần 1 trả lời được, lần 2 không trả lời được, tức là mình chưa hiểu rõ vấn đề. Khi nghe nhân viên đề xuất ý kiến, anh thường sẽ đặt 3 câu hỏi “tại sao” cho các bạn. Cứ “tại sao” 3 lần, nếu các bạn không trả lời được, tức là các bạn không hiểu vấn đề, anh yêu cầu các bạn quay lại tìm hiểu vấn đề lần nữa.

Anh có thường tham khảo những resources nào giúp anh phát triển sự nghiệp của mình trên con đường trở thành một CTO như hôm nay?

Sách công nghệ

– Code Complete 2nd: Sách về software development & techniques nói chung

– Don’t make me think: Sách về UI, đặc biệt hữu ích cho những bạn làm trong công ty product

– Clean code: Sách về cách viết code tốt

Sách quản lý dự án

– Peopleware: Sách về lý thuyết quản lý dự án + team

– The Agile samurai: Sách về cách làm project theo Agile

Sách quản lý tổ chức

– The lean startup: Sách về cách khởi nghiệp

– The hard thing about hard things: Lập nghiệp không chỉ có màu hồng. Sách này dạy về cách quản lý startup

Các nguồn thông tin

– TechCrunch: Tin tức startup news, xu hướng công nghệ

– Inc.com: Tin tức startup news, xu hướng công nghệ

– High Scalability: Giải thích cấu trúc hệ thống của nhiều website, dịch vụ nổi tiếng

– Slideshare: Nơi có thể tìm thấy nhiều nguồn tài liệu hay về lập trình nói chung

– Tech blog của những công ty lớn: Airbnb, Etsy, Twitter, Facebook

Trong quá trình làm CTO, anh đã mắc phải sai lầm nào? Anh vượt qua như thế nào và rút ra được bài học gì từ nó?

Hồi đó, có một khách hàng yêu cầu anh làm một sản phẩm mà yêu cầu của họ không rõ ràng. Nhưng do còn thiếu kinh nghiệm, anh không làm rõ yêu cầu khách hàng ngay từ đầu mà tiến hành dự định thời gian thực hiện và nguồn lực. Anh đã lựa chọn quy trình theo hướng ‘waterfall’ một tí, tức là họ yêu cầu cái gì thì mình làm cái đó, nó tương đối là những công việc cố định theo từng ngày. Tuy nhiên giữa chừng thì khách hàng thay đổi quá là nhiều, dẫn đến cả kế hoạch của anh chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mà anh đã cam kết ban đầu là 3 tháng giao hàng nên khách hàng vẫn muốn nhận sản phẩm đúng thời hạn, dù cho trong quá trình làm việc thì chính khách hàng thay đổi quá nhiều yêu cầu khiến anh không quản lý được.

Anh nghĩ đây cũng là lỗi đương nhiên, vì khi đó anh chưa có nhiều kinh nghiệm. Bài học anh rút ra ở đây là: việc khách hàng thay đổi yêu cầu là chuyện đương nhiên thôi. Có thể ngày hôm nay họ thích cái nút ở chỗ này, nhưng ngày hôm sau họ thích cái nút ở chỗ khác. Có rất nhiều cái thay đổi có thể xảy ra nên mình phải nhìn nhận vấn đề là việc thay đổi là việc đương nhiên, và mình phải tạo sự linh động trong quy trình làm việc, linh động trong việc giao tiếp với khách hàng, để làm sao họ có thể hiểu được việc họ thay đổi yêu cầu dẫn đến sự thay đổi về thời gian dự án như thế nào.

Anh từng công tác tại nhiều công ty của Nhật, vậy theo anh điểm cộng và điểm trừ của các công ty Nhật là gì ạ?

Điểm cộng thì anh thấy là môi trường làm việc thoải mái, và tất cả các mối quan hệ bên trong công ty thì dựa trên sự tin tưởng khá là nhiều. Nếu mình làm tốt, mình trung thực, thật thà thì sẽ nhận được nhiều tin tưởng từ các sếp người Nhật, con đường sự nghiệp cũng tự động rộng mở.

Công ty Nhật rất quan trọng về vấn đề con người, nên họ hỗ trợ hết mình cho nhân viên của công ty. Họ sẽ cố gắng xây dựng từng cá nhân với mục tiêu sự nghiệp lâu dài, chứ không phải cần bạn hôm nay rồi mai không cần nữa thì cho bạn ra rìa chẳng hạn. (Cười.)

Tuy nhiên, khi làm việc thì anh nghĩ là môi trường Nhật không thoải mái như môi trường Âu Mỹ để bạn có thể đùa giỡn trong công ty chẳng hạn. Tức là khi làm việc thì họ tương đối nghiêm túc. Không có chuyện linh động cho bạn vào trễ một tiếng thì có thể làm thêm giờ một tiếng.

Ngoài ra, mọi quyết định trong công ty thường mất nhiều thời gian. Vì mgười Nhật rất cẩn trọng trong việc ra quyết định, nên khi nhân viên yêu cầu một cái gì thì thường mất nhiều thời gian họ mới được duyệt để thực hiện được yêu cầu đó.

Theo anh thì những yếu tố nào giúp một Developer thành công tại các công ty Nhật?

Anh nghĩ là có 3 yếu tố giúp các bạn thành công tại các công ty Nhật.

Thứ nhất, tính trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Không bịa ra lí do, có gì nói đó, không che dấu. Vì như anh nói ở trên thì mối quan hệ trong công ty dựa trên sự tin, nên mình mà không trung thực thì không tài nào trụ lâu được.

Thứ hai là tính kỉ luật và tính trách nhiệm cao trong công việc. Nghĩa là khi mình làm một project, hay bất cứ việc gì, mà xảy ra lỗi thì nên tự giác nhận lỗi. Anh thấy đa số mọi người có thói quen đổ lỗi do môi trường thế này, hoàn cảnh thế kia. Tuy nhiên việc nhận lỗi ngoài giúp bạn dễ dàng sửa đổi và tiến bộ, còn giúp bạn nhận được nhiều sự tin tưởng hơn từ cấp trên.

Còn cái cuối cùng thì anh nghĩ là lúc nào cũng phải có tư tưởng cải thiện (Kaizen) việc mình đang làm. Ví dụ, lúc trước, công ty anh, một bạn code xong thì sẽ có một bạn khác kiểm tra lại để xem có gì sai cần sửa không. Một bạn đã đề xuất với anh về làm việc kiểm tra code tự động. Vì những cái mình kiểm tra tương đối là cố định. Thì khi bạn đó có ý kiến như vậy, anh nghĩ cũng hợp lý nên anh bàn bạc với ban giám đốc để thực hiện. Việc này vừa giúp giảm bớt nhân sự + thời gian kiểm tra code, đồng thời giúp tăng độ chính xác trong việc cải thiện chất lượng của sản phẩm. Đây là ví dụ cụ thể về việc có tư tưởng cải thiện (Kaizen) trong đầu.

Cuối cùng, anh có muốn nhắn nhủ gì cho các bạn developer muốn trở thành CTO trong 5 – 10 năm nữa?

Có. Anh muốn nhắn nhủ các bạn rằng:

Hãy làm hết mình với công việc hiện tại, tìm hiểu đào sâu hơn các kiến thức kĩ thuật từ nhiều nguồn khác nhau. Anh có đề cập đến một số sách kỹ thuật + nguồn thông tin kỹ thuật ở trên.

Học hỏi và hoàn thiện các soft-skills, human-skills. Vì đây là các kĩ năng không thể thiếu của một người quản lí, quản lí về kĩ thuật cũng không phải là ngoại lệ. Anh cũng nói đến ở trên về một số sách quản lý hay mà anh tham khảo trong suốt sự nghiệp quản lý của mình.

Cuối cùng là học hỏi, rèn luyện tư tưởng không bằng lòng với những giải pháp hiện tại, luôn ‘Kaizen’, đổi mới không ngừng.

ITviec Robby

Bạn có biết về tư tưởng ‘Kaizen’ và đang áp dụng cho công việc hàng ngày? Hoặc bạn có biết một tư tưởng khác, góp phần làm nên sự thành công của chính bản thân bạn? Hãy chia sẻ cùng các bạn developer khác tại phần bình luận cuối bài viết :).

Bài Viết Liên Quan

Evolable Asia CTO: Lời khuyên cho bạn từ sai lầm c...
0