19/09/2018, 15:35

Các công ty công nghệ thu hút nhân tài thế nào?

Ở những quốc gia phát triển hay ngay cả Việt Nam, các “đại gia” ngành công nghệ vẫn luôn ra sức xây dựng những chính sách từ chu đáo đến “kỳ quặc” nhất để giữ chân những lập trình viên, chuyên gia an ninh mạng… có tài. Thế giới: Chuyện như đùa Nếu ...

Ở những quốc gia phát triển hay ngay cả Việt Nam, các “đại gia” ngành công nghệ vẫn luôn ra sức xây dựng những chính sách từ chu đáo đến “kỳ quặc” nhất để giữ chân những lập trình viên, chuyên gia an ninh mạng… có tài.

Thế giới: Chuyện như đùa

Nếu như trong các công ty công nghệ lớn, chuyện nhân viên có những bữa trưa miễn phí, uống bia hay chơi game dường như đã trở thành thông lệ, thì vào đầu năm 2014, Apple và Facebook đã đưa ra một chính sách mới: Chi ra 20.000 USD cho mỗi nhân viên nữ để đông lạnh trứng phục vụ việc tái sinh sản về sau. Trong đó còn bao gồm các lợi ích khác như được tiếp cận các dịch vụ điều trị sinh sản, mang thai hộ hay ngân hàng tinh trùng. Nếu nhân viên có em bé mới sinh, Facebook sẽ cung cấp thêm cho họ 4.000 USD cùng với 4 tháng được nghỉ làm.

Không chỉ với trẻ em, một số công ty còn cung cấp dịch vụ chăm sóc người già cho bố mẹ của nhân viên, cho nhân viên đi du lịch nước ngoài trong vòng 1 tháng. Đặc biệt hơn, tại Automattic, nhân viên được khuyến khích nghỉ phép từ 2 – 3 tháng sau 5 năm làm việc.

Tuy nhân viên của Epic chỉ có 1 tháng nghỉ phép nhưng Công ty sẽ tài trợ toàn bộ cho một chuyến đi 2 người nếu nhân viên muốn du lịch tới nước họ chưa từng ghé thăm bao giờ.

Việt Nam: Nhà, xe, cổ phiếu và sữa mẹ

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT – trong hội nghị ICT Summit 2015 đã cảnh báo: “Thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đã ở mức báo động đỏ”. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm về CNTT, tức mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người.

Trong khi đó, mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT mà số có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không nhiều, nhất là những người có khả năng làm việc tại nước ngoài.

Chỉ tính riêng FPT thu hút nhân lực cho các dự án mới về xu hướng SMAC (Social, Mobility, Analytic, Cloud) và IoT (Internet of Things) cũng đã cạn kiệt nguồn cung.

Để giải bài toán này, ông Bình yêu cầu đưa ra mức lương cho chuyên gia công nghệ ngang bằng với mức lương của lãnh đạo với cam kết “các chuyên gia công nghệ FPT sẽ có nhà, xe mà không cần phải làm lãnh đạo”.

Biết rằng rất khó để nhân viên hài lòng với mức lương, một số công ty công nghệ như VNG, FPT còn “tung chiêu” giữ chân nhân tài, tạo hấp dẫn bằng cổ phiếu. Tháng 4/2015, FPT phát hành thành công hơn 1,7 triệu cổ phiếu ESOP (Employee Stock Ownership Plan) dành cho các nhân viên xuất sắc.

Cụ thể, theo Quy định chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ công nghệ cấp tập đoàn, FPT cam kết cán bộ công nghệ được hưởng mức thu nhập tối thiểu 500 triệu đồng/năm và chi 5 tỷ USD cho các dự án nghiên cứu và phát triển. Công ty này hiện cũng đã ban hành và thực hiện Bảng cấu trúc chức danh cán bộ công nghệ.

Khác với FPT, Intel Products Việt Nam, theo chia sẻ của Tổng giám đốc Sherry S. Boger, Công ty hướng tới môi trường làm việc mà mọi nhân viên đều thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau để đạt những kết quả xuất sắc.

Cụ thể, tại Intel có chế độ hỗ trợ cho bà mẹ sau sinh, cho phép nhân viên có thể tạm thời điều chỉnh lịch làm việc trong thời gian đầu khi quay trở lại làm việc. Ngoài các phòng tập thể dục, Công ty còn có phòng dành riêng cho các bà mẹ (Mothers room) để lấy sữa và bảo quản sữa trong thời gian làm việc.

Cuối giờ, nhân viên Intel sẽ đem nguồn dinh dưỡng ngọt ngào ấy về cho bé yêu của mình sau giờ làm việc. Ngoài ra Công ty còn có những chương trình học bổng cho con em nhân viên.

Techtalk Via Thoibao

0