Chuyện khởi nghiệp táo bạo của “gã điên thiên tài” Evan Spiegel: Thiếu gia “vượt sướng” dựng cơ nghiệp tỷ đô, cạnh tranh với cả Facebook
Evan Spiegel trở thành tỷ phú vào tháng 12/2014, thời điểm giá trị thị trường của Snapchat lên tới 10 tỷ USD. Cả thế giới ngỡ ngàng trước thành công của chàng trai trẻ tuổi và ứng dụng trò chuyện tưởng như “điên rồ” của anh. “Tôi thực sự là một ...
Evan Spiegel trở thành tỷ phú vào tháng 12/2014, thời điểm giá trị thị trường của Snapchat lên tới 10 tỷ USD. Cả thế giới ngỡ ngàng trước thành công của chàng trai trẻ tuổi và ứng dụng trò chuyện tưởng như “điên rồ” của anh.
“Tôi thực sự là một người rất rất may mắn”, Spiegel từng nói về hoàn cảnh gia đình tại một hội nghị kinh doanh. Xuất thân trong gia đình giàu có, bố và mẹ đều là luật sư, từ nhỏ Evan đã có cuộc sống thoải mái với những chiếc xe đắt tiền, kỳ nghỉ dài xa hoa. Anh từng theo học tại đại học danh tiếng Stanford nhưng bỏ dở khi chỉ còn vài môn học để tự lập nên đế chế Snapchat của riêng mình.
Có nhận thức về lợi thế của bản thân khá sớm nhưng Evan Spiegel cũng biết, điều đó là chưa đủ để thành công. Ngoài những “bệ đỡ”, bản thân anh phải tiếp tục cố gắng không ngừng: “Đó không chỉ là vấn đề làm việc chăm chỉ, mà còn là cách làm việc có hệ thống và khoa học”.
Tại Stanford, Evan Spiegel đã liên hệ và gặp gỡ với những người có ảnh hưởng lớn trong giới công nghệ như Chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt và đồng sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của Intuit Scott Cook – người giúp Evan vào làm tại các công ty công nghệ khi còn là một sinh viên.
Snapchat bắt đầu từ một ý tưởng rất “nhảm”. Ứng dụng trò chuyện này được nảy ra khi Spiegel cùng những người bạn Frank Reginald Brown và Bobby Murphy bàn tán về những cô gái “nóng bỏng” ở trường đại học.
Một ứng dụng trò chuyện đã ra đời ngay tại phòng ký túc xá của họ. Sau đó, nhóm bạn trẻ quyết định nghỉ học hẳn ở Stanford để xây dựng sự nghiệp khi đã sắp tốt nghiệp.
Tuy nhiên, trong lần đầu tiên ra mắt, ứng dụng này thất bại. Evan Spiegel và các cộng sự đã nỗ lực tới 34 lần trước khi quyết định đổi tên nó thành Snapchat. Năm 2011, ứng dụng trò chuyện mới mẻ này bắt đầu nổi lên như một hiện tượng.
Tại thời điểm đó, Mark Zuckerberg với thành công của Facebook đang làm mưa làm gió, Snapchat của Spiegel như một hiện tượng của làng công nghệ. Ý tưởng về một ứng dụng nhắn tin tự động xóa tin nhắn sau khi người nhận đã xem là điều không ai nghĩ tới, thậm chí bị coi là “điên rồ”.
Spiegel suy nghĩ rằng, mọi người không nên xây dựng một “bức tường thông tin” trên mạng xã hội làm gì. Họ chỉ nên chia sẻ những khoảnh khắc, cảm xúc tại thời điểm trò chuyện với nhau mà thôi. Chính sự “khác người” trong ý tưởng đó đã giúp Snapchat chinh phục giới trẻ tại Mỹ.
Snapchat được ưa chuộng bởi người ta có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng mà chẳng lo chúng bị phát tán như trên Facebook. Người sử dụng Snapchat chỉ đơn giản là giao tiếp, chia sẻ và… quên nó đi vì tin nhắn, hình ảnh sẽ được xóa tự động sau đó.
Tuy nhiên, thành công không hề đến với Spiegel dễ dàng như vậy. Năm 2012, khi Snapchat còn rất non trẻ và chưa ai biết Evan Spiegel thì Mark Zuckerberg đã chú ý tới anh. Có lẽ bởi vì sự ra đời của Snapchat và sự ủng hộ của giới trẻ dành cho nó đã khiến ông chủ Facebook e ngại.
“Chào Evan. Tôi rất hâm mộ ứng dụng Snapchat mà anh tạo ra. Thật vui nếu có thể gặp và nghe anh nói về hướng đi sắp tới. Nếu anh đồng ý, chúng ta có thể gặp nhau ở trụ sở của Facebook một chiều nào đó và cùng nhau thảo luận”, Mark Zuckerberg đã lịch sự gửi một bức thư tới chàng trai trẻ tuổi. Nhưng cuối cùng, chính Mark mới là người tới Los Angeles – nơi Spiegel và các cộng sự sống để gặp gỡ.
Tại cuộc gặp, Mark đã giới thiệu cho các chàng trai trẻ về ứng dụng Poke (có tính năng tượng tự Snapchat) sắp ra mắt. Rõ ràng, Mark có ngụ ý sẽ “lấn át” Snapchat, bao phủ thị trường.
Đáp lại lời tuyên chiến đó, Spiegel đã lẳng lặng quay về phòng làm việc và đặt mua 6 cuốn sách The Art of War (Binh pháp Tôn Tử) cho 6 nhân viên của Snapchat lúc đó.
Ứng dụng Poke đã ra mắt vào ngày 21/12/2012, nhưng chỉ tồn tại trên các bảng xếp hạng App Store của Apple một thời gian ngắn trước khi bị Snapchat “đá bay” khỏi vị trí top 1.
Năm 2013, Mark một lần nữa liên lạc với Spiegel để đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Theo nhiều chuyên gia, đây là một cái giá điên rồ cho một ứng dụng mới chỉ 2 năm tuổi và chưa tạo ra đồng lợi nhuận nào.
Thế nhưng, Spiegel có lẽ còn điên rồ hơn khi nói “không” với lời mời chào đó. Sự mạo hiểm và táo bạo này của Spiegel trong cuộc cạnh tranh với Mark Zuckerberg đã mang lại thành công cho anh ngày nay.
Evan Spiegel là một người có suy nghĩ đặc biệt và cách anh làm việc cũng chẳng giống ai. Thậm chí, anh còn được tạp chí Forbes đánh giá là một trong 100 cá nhân sáng tạo nhất thế giới.
Sau khi phát triển bùng nổ với hơn 100 triệu người dùng thường xuyên, Snapchat cũng bắt đầu xây dựng nội dung quảng cáo cho video. Nhưng thay vì chấp nhận những quảng cáo được thiết kế theo chiều ngang (như nhiều nội dung quảng cáo hiện nay), Evan Spiegel yêu cầu các nhà quảng cáo phải làm video chiều dọc. Bởi việc phải quay màn hình điện thoại sang ngang để xem video là rất bất tiện. Theo Spiegel, không có gì là bắt buộc, anh chỉ muốn làm sao cho kết quả vừa ý nhất.
Nhiều nhà quảng cáo quay lưng với Spiegel, nhưng điều đó không khiến anh thay đổi quan điểm. Và thực tế đã chứng minh, những gì Spiegel theo đuổi đã đem anh đến với thành công.
Là một người trẻ tài năng nhưng cũng không ít tật xấu, khuyết điểm. Nhưng Evan Spiegel không ngại thừa nhận thiếu sót của bản thân. Anh thẳng thắn chấp nhận những sai lầm của tuổi trẻ khi những email có nội dung “nhạy cảm” thời sinh viên bị tiết lộ.
Không có gì để bào chữa cho mình, Evan Spiegel xin lỗi vì đã viết những email như vậy.
Rõ ràng, bất kỳ ai cũng có thể mắc những sai lầm khi còn trẻ. Điều quan trọng là bạn có đủ dũng khí để thừa nhận và sửa chữa nó hay không.
Một công ty non trẻ, chưa tạo ra lợi nhuận nhưng Evan Spiegel có những suy nghĩ, quan điểm của riêng mình và cương quyết bảo vệ nó đến cùng. Dù nhiều nhà quảng cáo từ chối hợp tác với Snapchat vì điều đó, nhưng CEO trẻ vẫn không thay đổi quan điểm của mình. Điều anh quan tâm hơn cả lợi nhuận là chất lượng sản phẩm và làm sao để người dùng có trải nghiệm thoải mái nhất.
Lối suy nghĩ đó đã thuyết phục được nhiều thương hiệu nổi tiếng như CNN, MTV, Daily Mail, National Geographic, Yahoo… kí hợp đồng với Snapchat. Họ chấp nhận những nội dung quảng cáo được xây dựng để chỉ tồn tại trong… 24 giờ. Điều này khuyến khích người ta chú tâm hơn đến nội dung mỗi ngày thay vì suy nghĩ lướt qua và nghĩ rằng sẽ quay lại xem vào một lúc nào đó.
Spiegel cho rằng, chúng ta chỉ nên sống và chia sẻ những khoảnh khắc hiện tại với nhau và Snapchat là công cụ tuyệt vời giúp bạn làm điều đó. Anh cũng thẳng tay xóa hết những dòng Tweet của mình, và xây dựng Snapchat là một mạng xã hội không lưu giữ nội dung cá nhân của người dùng được ưa chuộng.
Nói về trách nhiệm của ngành công nghệ đối với thế giới, Spiegel cho rằng: “Tôi nghĩ điều thú vị về con người và các giá trị không chỉ thuộc về các con số. Đối với tôi, điều sai lầm của hầu hết mọi người là quan trọng hóa những thứ có thể đếm được thay vì những thứ không nhìn thấy khác. Bởi vì những thứ không đong đếm được mới là yếu tố quan trọng hình thành con người bạn và đáng để bảo vệ nhất”.
Ở tuổi 25, Evan Spiegel đã làm được điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Hiện tại, anh đang sở hữu một ứng dụng trăm triệu người dùng và khối tài sản 2,6 tỷ USD (5/2019), được cả thế giới biết đến với tư cách là một trong những tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất thế giới.
Sinh ra đã “ngậm thìa vàng” không có nghĩa là Evan Spiegel lựa chọn một cuộc sống an nhàn và hưởng thụ. Evan Spiegel có đủ tài năng, bản lĩnh và sự táo bạo để tạo ra những sản phẩm độc đáo, vượt lên trên những “cái bóng lớn” từng trực chờ lấn át mình.
Tuy nhiên, anh vẫn còn cả một chặng đường dài để chứng tỏ bản thân trong việc điều hành Snapchat trước những hoài nghi và rất nhiều đối thủ cạnh tranh đang ngày một lớn mạnh ngoài kia.
TechTalk via Trí Thức Trẻ