Đến phóng viên còn có nguy cơ thất nghiệp với phát minh mới nhất!
Người viết: K Nguyễn Tengai là robot đầu tiên trên thế giới được thiết kế để thực hiện các cuộc phỏng vấn trung lập, không thành kiến và đang được các nhà tuyển dụng ở Thụy Điển thử nghiệm. Nhưng nó thực sự có thể hoàn thành nhiệm vụ này tốt hơn con người hay không? Tengai ...
Người viết: K Nguyễn
Tengai là robot đầu tiên trên thế giới được thiết kế để thực hiện các cuộc phỏng vấn trung lập, không thành kiến và đang được các nhà tuyển dụng ở Thụy Điển thử nghiệm. Nhưng nó thực sự có thể hoàn thành nhiệm vụ này tốt hơn con người hay không?
Tengai nặng 3,5 kg và cao 41 cm, ngang tầm mắt với ứng viên mà nó phỏng vấn. Tengai là đứa con tinh thần của Furhat Robotics, một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và công ty robot xã hội ra đời sau một dự án nghiên cứu của Viện Công nghệ Hoàng gia KTH ở Stockholm.
Công ty này đã dành 4 năm để xây dựng một giao diện máy tính giống con người, bắt chước cách giao tiếp và nét mặt của chúng ta. Theo giám đốc khoa học của Furhat Robotics, ý tưởng thôi thúc họ là nhằm tạo ra một robot ít đáng sợ hoặc lạ lẫm hơn so với robot truyền thống.
Kể từ tháng 10/2018, start-up này đã hợp tác với một trong những công ty tuyển dụng lớn nhất của Thụy Điển, TNG với mục tiêu nhằm giúp các ứng viên trải qua các cuộc phỏng vấn việc làm mà không phải đón nhận bất cứ thành kiến vô thức nào trong quá trình tuyển dụng đồng thời vẫn đem lại cảm giác như trò chuyện với người thật.
Elin Öberg Mårtenzon, giám đốc đổi mới tại văn phòng của TNG ở Stockholm, giải thích: “Thông thường, mất khoảng 7 giây để ai đó tạo ấn tượng đầu tiên và khoảng 5-15 phút để nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định. Chúng tôi muốn thách thức điều đó.”
Những thành kiến vô thức bao gồm các giả định về năng lực của ai đó dựa vào giới tính, sắc tộc, giọng nói, giáo dục, ngoại hình hoặc ấn tượng từ các cuộc trò chuyện không chính thức trước hoặc sau một cuộc phỏng vấn.
Ngược lại, Tengai không tham gia vào các cuộc trò chuyện trước phỏng vấn và đặt ra tất cả các câu hỏi tương tự nhau, sử dụng cùng một ngữ điệu và thông thường, theo cùng một thứ tự. Điều này giúp cho một cuộc phỏng vấn trở nên công bằng và khách quan hơn.
Các nhà tuyển dụng hoặc người quản lý sau đó được nhận bản sao của mỗi cuộc phỏng vấn để giúp họ quyết định ứng viên nào sẽ tiếp tục vào vòng trong, chỉ dựa trên các câu trả lời của họ.
Petra Elisson, một nhà tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cho rằng: “Tôi nghĩ rằng có một ai đó, một robot không cảm xúc, không cảm giác là một sự trợ giúp cực kỳ đắc lực trong quá trình sàng lọc – nếu bạn có một quy trình tuyển dụng với rất nhiều ứng viên.”
Cô đã tham gia vào quá trình thử nghiệm Tengai với cả tư cách là một nhà tuyển dụng phân tích các câu trả lời của ứng viên và là một người đi phỏng vấn. Elisson đã rất bất ngờ sau cuộc phỏng vấn với Tengai, cô đã hoàn toàn quên mất nó chỉ là một con robot.
Tuy nhiên, robot được lập trình bởi con người, phân tích các bộ dữ liệu do con người lập trình và học hỏi các hành vi từ con người, liệu chúng có bị ảnh hưởng bởi thành kiến của con người hay không?
Furhat Robotics cho biết họ đã tìm ra cách ngăn chặn điều này bằng cách thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn thử nghiệm với nhóm tính nguyện viên đa dạng. Gabriel Skantze, một nhà khoa học của start-up này, cho biết nhờ học hỏi từ nhiều nhà tuyển dụng khác nhau, Tengai sẽ không bắt chước hành vi cụ thể của một nhà tuyển dụng nhất định nào đó.
Sau vài tháng thử nghiệm, Tengai sẽ bắt đầu phỏng vấn các ứng viên thực sự vào cuối tháng 5. Các nhà tuyển dụng và các nhà phát triển cũng đang nghiên cứu một phiên bản tiếng Anh của Tengai, dự kiến sẽ được ra mắt vào đầu năm 2020.
Mục tiêu cuối cùng là robot như Tengai sẽ đủ tinh vi để tự quyết định xem một ứng viên có thể vượt qua vòng phỏng vấn hay không, mà không cần con người đọc bản sao ghi lại cuộc phỏng vấn nữa. Ông Skantze cho rằng để làm được điều này, công ty của ông cần phải đảm bảo rằng không có thành kiến nào trong dữ liệu của họ.
Thụy Điển dường như là môi trường thử nghiệm thú vị dành cho tuyển dụng bằng AI. Bên cạnh là một quốc gia nhỏ và nổi tiếng nhờ áp dụng công nghệ mới rất sớm, sự đa dạng sắc tộc trong thị trường lao động là một chủ đề đặc biệt nóng sau lượng người nhập cư kỷ lục ở Thụy Điển trong những năm gần đây.
Tỷ lệ thất nghiệp của người dân bản địa là khoảng 4%, nhưng các công dân sinh ra ở nước ngoài thì con số ngày vượt quá 15%. Một cuộc khảo sát gần đây cho TNG cho thấy 73% người tìm việc ở Thụy Điển tin rằng họ bị phân biệt đối xử khi đi xin việc dựa trên sắc tộc, tuổi tác, giới tính, xu hướng tình dục, ngoại hình.
Những robot như Tengai có thể là một bước tiến đầu tiên tuyệt vời trong quá trình đưa quy trình tuyển dụng trở nên khách quan hơn, vì chúng không có bất kỳ định kiến nào về phương ngữ hoặc giọng nói cũng như sắc tộc.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Techtalk via cafebiz