Estonia – Nơi quan tòa không phải con người
Chính phủ điện tử là cái gì đó rất gần gũi với người dân Estonia. Họ sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi thứ có thể, tăng hiệu quả làm việc của tất cả những ngành liên quan. Khi nhắc tới các quan chức cấp cao, ta ít khi nghĩ tới việc họ sẽ là đầu tàu công nghệ, kéo ...
Chính phủ điện tử là cái gì đó rất gần gũi với người dân Estonia. Họ sẵn sàng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào mọi thứ có thể, tăng hiệu quả làm việc của tất cả những ngành liên quan.
Khi nhắc tới các quan chức cấp cao, ta ít khi nghĩ tới việc họ sẽ là đầu tàu công nghệ, kéo ngành IT cả nước đi lên. Thứ “công nghệ cao” duy nhất mà các chính trị gia, những người quản lý trong bộ máy nhà nước sở hữu có lẽ là smartphone; đây đó một hai người sử dụng tài khoản mạng xã hội để nêu quan điểm hay tương tác với dân chúng.
Nhưng khi nhìn sang anh Ott Velsberg, người con của đất Estonia, ta sẽ phải sớm thay đổi suy nghĩ cho hợp với thời đại 4.0. Với tư cách là Giám đốc Dữ liệu, anh chàng 28 tuổi là người quản lý toàn bộ cuộc cách mạng công nghệ tại đất nước Châu Âu nhỏ nhắn, cố gắng đưa trí tuệ nhân tạo vào đời sống của 1,3 triệu cư dân.
“Chúng tôi muốn chính phủ phải gọn nhẹ hết mức có thể“, anh Velsberg nói. Thời điểm hiện tại, chàng trai đang cố gắng hoàn thiện luận án tiến sỹ tại Đại học Umeå, Thụy Sĩ. Những con chữ xoay quanh việc áp dụng Internet Vạn Vật – Internet of Things và cảm biến dữ liệu vào hệ thống quản lý của chính phủ sẽ sớm trở thành đề cương tham khảo cho việc lập pháp tương lai.
Tháng Tám năm ngoái, chính phủ Estonia chiêu mộ Velsberg về cho dự án mới, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều Bộ, ban ngành và dịch vụ hỗ trợ người dân.
Khoảng 22% dân số Estonia đang làm việc cho chính phủ, con số trung bình khi so với các nước Châu Âu, nhưng nhiều hơn 4% so với số liệu của Mỹ.
Giám đốc Công nghệ Thông tin của Estonia, Siim Sikkut bắt đầu những dự án ứng dụng AI từ năm 2017, trước cả khi nhận thấy tài năng của Velsberg để tuyển mộ. Chàng trai 28 tuổi nói vào thời điểm hiện tại, Estonia đã áp dụng hoặc trí tuệ nhân tạo, hoặc machine learning vào 13 nơi. Thuật toán đã có thể thay thế nhân viên chính phủ chậm chạp, nhiêu khê với nhiều lớp thủ tục.
Mỗi mùa hè, các thanh tra sẽ không phải tới tận nông trại của những người nhận trợ cấp chính phủ, kiểm tra tiến độ gặt cỏ khô. Hình ảnh vệ tinh do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ESA cung cấp, được chụp mới mỗi tuần suốt từ tháng Năm tới tháng Mười, phân tích bằng thuật toán deep learning do Đài quan sát Tartu phát triển, sẽ làm đỡ công việc mệt mỏi.
Khi đặt hình ảnh mới chụp lên bản đồ địa hình địa phương, thuật toán sẽ phân tích từng pixel của ảnh để tìm ra từng phần cỏ chưa cắt. Việc chăn dắt gia súc hoặc tự giác cắt cỏ có thể khiến hình ảnh vệ tinh nhầm lẫn, nên vẫn cần tới sự can thiệp của các thanh tra, xuống địa phương kiểm tra thực tế.
Khoảng 2 tuần trước khi hạn cuối, hệ thống nhắn tin tự động sẽ gửi tin nhắn, email cho người nông dân kèm theo đường link dẫn tới hình vệ tinh của chính cánh đồng nhà họ.
Các bản tóm tắt trình độ chuyên môn của những nhân sự đã nghỉ việc sẽ được đưa vào hệ thống machine learning, tự động được đưa về những nhà tuyển dụng phù hợp.
Bất cứ đứa trẻ Estonia nào sinh ra cũng đã có sẵn một suất trong trường học địa phương. Toàn bộ dữ liệu liên quan của bệnh viện đều được cập nhật sang trường sớm nhất có thể, cắt giảm được khoảng thời gian nộp đơn xin học của phụ huynh.
Bộ Tư pháp Estonia nhờ tới Velsberg và đội ngũ các nhà nghiên cứu thiết kế nên một “thẩm phán robot”, có khả năng xử những tranh chấp tài sản nhỏ, dưới 7.000 Euro – tương đương 183 triệu VNĐ. Các nhà hành pháp mong muốn hệ thống mới có thể giải quyết được những vụ án tồn đọng nhiều năm nhưng không có nhân lực giải quyết.
Dự án vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, nhưng nhiều khả năng cuối năm nay, Estonia sẽ có thẩm phán AI đầu tiên, tập trung giải quyết các tranh chấp liên quan tới hợp động giữa hai hay nhiều bên. Về cơ bản, bên bị và bên nguyên sẽ tải lên tài liệu và các thông tin liên quan, thẩm phán AI sẽ đưa ra quyết định không khác gì một thẩm phán bằng xương bằng thịt.
Cần rất nhiều chỉnh sửa để có một hệ thống không phạm sai lầm, quá trình phát triển sẽ cần tới bàn tay chỉnh sửa của toàn bộ đôi ngũ Velsberg và những luật sư, thẩm phán tiếng tăm.
Estonia không phải đất nước nuôi tham vọng đưa yếu tố AI vào khía cạnh hành pháp, nhưng có lẽ họ là nơi đầu tiên cho phép thuật toán nắm quyền quyết định.
Tại Mỹ, thuật toán giúp thẩm phán tìm ra bản án phù hợp tội danh.
Chatbot DoNotPay tới từ Vương quốc Anh, chạy bằng sức mạnh trí tuệ nhân tạo đã đưa ra thành công tới 160.000 vé phạt đỗ xe sai quy định tại cả London và New York.
Eesti Oigusbüroo, công ty luật tại Tallinn, thủ đô của Estonia sử dụng chatbot để đưa ra lời khuyên cho người dùng, tự động tạo ra những văn bản pháp luật đơn giản để đưa về cho các ban ngành liên quan. Toàn bộ dịch vụ của Eesti Oigusbüroo cung cấp qua chatbot đều miễn phí.
Theo lời CEO Artur Fjodorov, họ dự định mở rộng dịch vụ “Trí tuệ nhân tạo Hugo” của mình tới những vùng đất xa hơn, như thủ đô Warsaw của Ba Lan hay Los Angeles, Mỹ. Nội trong năm nay, Eesti Oigusbüroo sẽ hoàn thành dự định của mình.
Có những lý do khiến ta tin thẩm phán AI sẽ thành công tại Estonia. Toàn bộ 1,3 triệu người dân Estonia đã đang sử dụng thẻ căn cước công dân, quen với việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến như bỏ phiếu online, khai thông tin thuế qua các trang web do chính phủ cung cấp.
Cơ sở dữ liệu của các ban ngành trong chính phủ điện tử kết nối qua X-road, một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép chia sẻ dữ liệu dễ dàng hơn. Người dân Estonia có thể kiểm tra thông tin cá nhân của mình qua cổng thông tin điện tử do chính quyền vận hành.
Trên đời không có thứ gì hoàn hảo, hệ thống chính phủ điện tử của Estonia cũng vậy; ta chỉ có thể mong đợi kết quả có ít lỗi nhất có thể. Năm 2017, một số chuyên gia bảo mật không liên quan tới dự án đã chỉ ra lỗ hổng trong hệ thống căn cước của Estonia, cho phép kẻ xấu có thể xâm nhập được vào bất kỳ hoạt động nào của chủ thẻ. Estonia nhanh chóng khắc phục lỗi nghiêm trọng.
Thế nhưng đó có vẻ là trường hợp hiếm gặp, chính phủ Estonia tự tin tuyên bố họ chưa có một đợt rò rỉ dữ liệu lớn nào từ khi dự án số hóa chính phủ bắt đầu, từ hồi những năm 2000 tới giờ. Thông số của năm 2016 cho biết khoảng hơn 2/3 số người trường thành tại Estonia điền mọi mẫu giấy tờ qua Internet, gần gấp đôi con số trung bình trên toàn Châu Âu.
“Những điều thật sự thầm kín và bí mật không nằm trong tay chính phủ, mà thuộc về các nhân hàng và các công ty dịch vụ mạng“, Tanel Tammet, giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ Tallinn cho hay. Tammet cũng là thành viên thuộc đội ngũ nghiên cứu số hóa của chính phủ, đội ngũ của giáo sư sẽ sớm đưa ra báo cáo nghiên cứu mới và công bố 35 dự án AI mới, từ giờ tới năm 2020.
Có những người lo lắng cho tương lai dự án. David Engstrom từ Đại học Stanford, một chuyên gia về khía cạnh chính phủ điện tử cho hay người dân Estonia có thể đặt niềm tin vào chính phủ ở thời điểm này, nhưng nếu hệ thống hành pháp trí tuệ nhân tạo xảy ra biến cố, niềm tin đó sẽ khó bền vững.
Tại Mỹ, nhiều ban ngành mới chỉ sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán machine learning để tăng tốc quá trình lọc và xử lý tài liệu, một số nơi sử dụng vào mục đích phức tạp hơn như đo mức độ ô nhiễm. Nhưng theo lời Engstrom, tốc độ ứng dụng giữa các ban bộ và các bang vẫn rất chậm.
Lý do chính là bộ luật mỗi nơi lại khác, việc chia sẻ thông tin giữa các ban ngành vẫn chậm chạp. “Chúng ta chưa thể chạm tới giới hạn tiếp theo”, Engstrom nói.
Hoa Kỳ không sở hữu một hệ thống căn cước “cả nước như một”, nhiều bộ phận người dân không tin tưởng vào cách quản lý thông tin của nhà nước. Điều đó vẫn không ngăn được Engstrom mơ về tương lai trợ lý trí tuệ nhân tạo sẽ giúp sức thẩm phán tại tòa, sẽ là tấm nền công nghệ tạo nên được những quyết định lạnh lùng, đúng với luật pháp.
“Khi áp dụng AI, ta sẽ có những quyết định nhất quán hơn so với thời điểm hiện tại“, Engstrom nói. “Và có thể một hệ thống hành pháp chạy bằng AI sẽ chính xác hơn một hệ thống điều hành bởi con người“.
Trí tuệ nhân tạo chỉ giỏi được bằng bàn tay lập trình tạo nên nó. Mà hành động con người nhiều khi bị chi phối bởi cảm xúc, nhất là khi phải ngồi trong phòng tối, gõ ra hàng chục hàng trăm dòng code, “bón” từ ký tự cho con AI khôn lớn. Nếu một AI bị ảnh hưởng xấu từ quá trình lập trình, những quyết định nó đưa ra sẽ không đủ công bằng, chính xác.
“Bạn hiển nhiên phải lo lắng về thành kiến xuất hiện sau quá trình tự động hóa“, Engstrom nói, ý rằng khi hệ thống tự động thấy nhóm người nhất định thường xuyên phạm tội, nó sẽ có xu hướng buộc tội một cách máy móc.
Khi trao quyền tự hành cho các cỗ máy, tầm ảnh hưởng của con người ngày một ít dần đi, sẽ đến ngày tương tác duy nhất giữa người và máy là quá trình bảo trì hệ thống. “Đây là một trong những mối lo hàng đầu với các luật sự, khi chính phủ được số hóa theo cách này“.
Lo lắng có, nhưng nó không ngăn được Estopia thử nghiệm hệ thống đầy hứa hẹn. Các quan chức địa phương hồ hởi với dự án mới: khi trí tuệ nhân tạo lãnh trách nhiệm giải quyết những vụ án nhỏ lẻ, thảm phán và luật sư sẽ rảnh tay để xử những vụ án hóc búa hơn.
Việc ứng dụng AI vào các dịch vụ chính phủ cung cấp “sẽ cho phép ccon người chuyên môn hóa được những khía cạnh máy móc không bao giờ làm được“, tổng thống Estonia, bà Kersti Kaljulaid nói trong một hội nghị AI mới diễn ra.
“Tôi muốn ta chuyên môn hóa được việc làm một cá nhân ấm tình người. Để làm được điều đó, ta cần những trí tuệ nhân tạo an toàn, thực tế phải chứng minh được rằng chúng an toàn“.
Techtalk via genk