17/09/2018, 13:58

Higher Order Components trong ReactJs

Hiện nay việc sử dụng ReactJs + Redux đang trở nên rất phổ biến, và khi làm việc với Redux có lẽ việc nghe đến khái niệm Higher Order Components hay nhìn thấy đoạn code như dưới đây là điều chắc hẳn đã xảy ra: import { withRouter } from 'react-router-dom' ; @withRouter export ...

Hiện nay việc sử dụng ReactJs + Redux đang trở nên rất phổ biến, và khi làm việc với Redux có lẽ việc nghe đến khái niệm Higher Order Components hay nhìn thấy đoạn code như dưới đây là điều chắc hẳn đã xảy ra:

import {withRouter} from 'react-router-dom';

@withRouter
export default class EgComponent extends React.Component {
}
import {connect} from 'react-redux';
// code
export default connect(mapStateToProps, mapDispatchToProps)(EgComponent);

Trông vừa lạ vừa quen =)) Khi mới động vào chính mình cũng không hiểu @withRouter hay connect kia nhét vào một component của React có mục đích gì.

Bài viết này của mình sẽ giải thích cho câu hỏi đó.

Khái niệm

Cơ bản có thể hiểu, HOCs là một kỹ thuật nâng cao trong React để dựng lại các component, vì là kỹ thuật nên đương nhiên sẽ không nằm trong React API. Nó là một pattern tuyệt vời, được implement trong các component như một function (có thể thấy điều đó ở 2 ví dụ trên kia :v)

Cụ thể, HOCs là một function, nhận vào một component và trả về component mới:

const EnhancedComponent = higherOrderComponent(WrappedComponent);

Khởi tạo một HOC

Có 2 cách để khởi tạo một HOC:

  1. Chuyển tiếp Props (Props Proxy):
function propsProxyHOC(WrappedComponent) {
    return class PropsProxy extends React.Component {
        render() {
            return <WrappedComponent {...this.props}/>
        }
    }
}

Có thể thấy, HOC trả về một React Element với kiểu của component nhận vào và truyền theo props mà HOC nhận được.

  1. Kế thừa ngược (Inheritance Inversion):
function inheritanceInversionHOC(WrappedComponent) {
    return class InheritanceInversion extends WrappedComponent {
        render() {
        return super.render()
      }
    }
}

Ở đây, HOC trả về một class kế thừa ngược lại chính component mà HOC nhận được thay vì mở rộng nó.

Mỗi cách sử dụng sẽ cho chúng ta những tác dụng tuyệt vời khác nhau, dưới đây sẽ là chi tiết về chúng.

Với mỗi cách triển khai HOCs sẽ đem lại những tác dụng khác nhau, chúng ta sẽ đi vào tác dụng của từng cách.

Props Proxy

Điều khiển props

Như tên của nó, chúng ta có thể CRUD props được truyền cho component tham số của HOC (là WrappedComponent).

Chú ý đến việc sửa hoặc xoá props quan trọng và đặt namespace cho HOC props.

Ví dụ:

import React from 'react';

export function propsProxyHOC(WrappedComponent) {
    return class PropsProxy extends React.Component {
        render() {
            const newProps = { type: 'props proxy' };

            return <WrappedComponent {...this.props} {...newProps}/>
        }
    }
}

Truy cập instance của WrappedComponent qua Refs

Để có thể truy cập instance của WrappedComponent (this) bằng refs thì trước tiên component này cần được render đầy đủ đã, vì vậy cần sử dụng phương pháp Props Proxy để trả về WrappedComponent ở method render() để React có thể đối chiếu và ta sẽ có refs đến instance của WrappedComponent.

Ví dụ:

export function refsPropsProxy(WrappedComponent) {
    return class RefsPropsProxy extends React.Component {
        proc = wrappedComponentInstance => {
            wrappedComponentInstance.method();
    }

    render() {
        const props = Object.assign({}, this.props, { refs: this.proc.bind(this) });
        
        return <WrappedComponent {...props}/>
    }
}

Khi WrappedComponent được render xong thì refs callback sẽ được thực thi, và chúng ta sẽ có ref đến WrappedComponent instance. Điều này có thể được sử dụng để đọc/thêm các props và gọi các instance method.

Bọc WrappedComponent bằng element khác

Việc này nghe có vẻ thừa vì Parent Component có thể thực hiện một cách dễ dàng, tuy nhiên chúng ta có thể sử dụng HOCs để có thể linh hoạt hơn trong cách phát triển.

Ví dụ:

export function elementPropsProxy(WrappedComponent) {
    return class ElementPropsProxy extends React.Component {
        render() {
            return (
                <div className='with-div'>
                    <WrappedComponent {...this.props}/>
                </div>
            );
        }
    }
}

Trừu tượng hoá State

Bằng cách cung cấp props và callback cho WrappedComponent, chúng ta có thể trừu tượng hoá state gần giống cách thực hiện với refs.

Ví dụ:

function propsProxyHOC(WrappedComponent) {
    return class PropsProxy extends React.Component {
        constructor(props) {
            super(props);
            this.state = {
                name: '
            };
      
            this.onNameChange = this.onNameChange.bind(this)
        }
        
        onNameChange(event) {
            this.setState({
                name: event.target.value
            });
        }
    
    render() {
        const newProps = {
            name: {
                value: this.state.name,
                onChange: this.onNameChange
            }
        };
        
        return <WrappedComponent {...this.props} {...newProps}/>
    }
}

Inheritance Inversion

Chiếm quyền render

Ở đây, HOC sẽ kiểm soát render output của WrappedComponent và ta có thể làm bất kỳ điều gì với nó.

Ví dụ:

function conditionalHOC(WrappedComponent) {
    return class ConditionalRendering extends WrappedComponent {
        render() {
            if (this.props.loggedIn) {
                return super.render()
            } else {
                return <div>Not loggedIn</div>
            }
        }
    }
}

Ở ví dụ này, chỉ cần props truyền vào loggedIn thì WrappedComponent sẽ được render nguyên vẹn.

Điều khiển State

HOC có thể CRUD state của WrappedComponent instance, tuy nhiên thử tưởng tượng ra nếu thực sự như thế thì mọi thứ trở nên rất rối và khó có thể kiểm soát được, vì vậy nên tự giới hạn ở mức độ chỉ đọc hoặc thêm state và thêm namespace để dễ quản lý state cho WrappedComponent.

Ví dụ:

export function IIHOCDEBUGGER(WrappedComponent) {
    return class II extends WrappedComponent {
        render() {
            return (
                <div>
                    <h2>HOC Debugger Component</h2>
                    <p>Props</p> <pre>{JSON.stringify(this.props, null, 2)}</pre>
                    <p>State</p><pre>{JSON.stringify(this.state, null, 2)}</pre>
                    {super.render()}
                </div>
            )
        }
    }
}

HOC này sẽ hiện props và state của WrappedComponent

Naming

Vấn đề đặt ra khi dev và debugging đấy là HOCs sau khi bao WrappedComponent thì sẽ mất tên gốc của WrappedComponent đó, vì vậy có một cách đấy là:

import getDisplayName from 'recompose/getDisplayName';

export function HOC(WrappedComponent) {
    ...
    
    HOC.displayName = `HOC${getDisplayName(WrappedComponent)}`;
}

HOC với tham số truyền vào

Điển hình với HOC connect của react-redux, khi sử dụng chúng ta cần truyền vào 2 tham số là mapStateToProps và mapDispatchToProps như ví dụ đầu bài, chúng ta sẽ có một function có tham số truyền vào và return về một HOC =))

function connect(mapStateToProps, mapDispatchToProps) {
    return function (WrappedComponent) {
        return class extends React.Component {
            render() {
                return (
                    <WrappedComponent
                        {...this.props}
                        {...mapStateToProps(store.getState(), this.props)}
                        {...mapDispatchToProps(store.dispatch, this.props)}
                    />
                )
            }
      
            componentDidMount() {
                this.unsubscribe = store.subscribe(this.handleChange.bind(this))
            }

            componentWillUnmount() {
                this.unsubscribe()
            }

            handleChange() {
                this.forceUpdate()
            }
        }
    }
}

Trên đây là một số kiến thức xoay quanh Higher Order Components, thực sự đây là một phần phức tạp tuy nhiên không thể bỏ qua sự mạnh mẽ của nó mang lại cho React Redux hay những thư viện khác nữa. Cám ơn mọi người đã theo dõi.

0