23/12/2018, 23:14

Lock trong Java

Lock là một cơ chế đồng bộ thread giống với synchronized block nhưng phức tạp hơn. Lock (và các cơ chế đồng bộ tiên tiến khác) được tạo thành bằng việc sử dụng synchronized block, nên không phải là chúng ta có thể hoàn toàn bỏ keyword đó đi. Kể từ Java 5 package java.util.concurrent.locks có chứa ...

Lock là một cơ chế đồng bộ thread giống với synchronized block nhưng phức tạp hơn. Lock (và các cơ chế đồng bộ tiên tiến khác) được tạo thành bằng việc sử dụng synchronized block, nên không phải là chúng ta có thể hoàn toàn bỏ keyword đó đi.

Kể từ Java 5 package java.util.concurrent.locks có chứa rất nhiều các implementation của lock nên bạn không cần phải tự tạo ra lock của mình nữa. Nhưng bạn vẫn sẽ cần phải biết cách sử dụng chúng, và cũng sẽ tốt hơn nếu chúng ta hiểu được cơ chế đằng sau những implementation này.

Lock cơ bản

Hãy bắt đầu bằng việc xem đoạn code về synchronized block trong Java:

public class Counter{

  private int count = 0;

  public int inc(){
    synchronized(this){
      return ++count;
    }
  }
}

Hãy chú ý vào block synchronized(this) trong hàm inc(). Block này đảm bảo rằng chỉ một thread có thể được truy xuất và trả về ++count ở một thời điểm. Đoạn code trong synchronized block có thể phức tạp hơn trong những project thật nhưng ở ví dụ này chỉ cần ++count là đủ để chúng ta tìm hiểu bản chất vấn đề rồi.

Class Counter có thể được viết lại thành thế này bằng cách sử dụng Lock thay vì synchronized block:

public class Counter{

  private Lock lock = new Lock();
  private int count = 0;

  public int inc(){
    lock.lock();
    int newCount = ++count;
    lock.unlock();
    return newCount;
  }
}

Hàm lock() khóa lại instance Lock nên tất cả các thread gọi đến lock() sẽ bị chặn cho đến khi unlock() được gọi đến.

Dưới đây là một implementation cơ bản của class Lock:

public class Lock{

  private boolean isLocked = false;

  public synchronized void lock()
  throws InterruptedException{
    while(isLocked){
      wait();
    }
    isLocked = true;
  }

  public synchronized void unlock(){
    isLocked = false;
    notify();
  }
}

Hãy để ý đến vòng lặp while(isLocked), hay còn được gọi là "khóa xoay" (spin lock). Khóa xoay và các hàm wait() và notify() được miêu tả chi tiết hơn trong bài Thread Signaling. Khi isLocked là true, thread gọi đến lock() sẽ được đưa vào hàng chờ với hàm wait(). Trong trường hợp thread cần trả về đột ngột từ hàm gọi wait() mà không cần chờ đến hàm notify() (được gọi là "đánh thức giả mạo" - Spurious Wakeups), thread đó sẽ kiểm tra lại biến isLocked để xem nó đã được phép đi tiếp chưa. Nếu isLocked là false, thread đó sẽ thoát khỏi vòng lặp while sau đó set lại isLocked là true, để khóa lại instance của Lock dành cho những thread gọi đến hàm 'lock()`, nếu có.

Khi một thread đã xong việc với đoạn code trong critical section (đoạn code nằm giữa lock() và unlock()), thread đó sẽ gọi đến unlock(). unlock() khi được gọi đến sẽ set isLocked lại thành false, và thông báo (đánh thức) một trong những thread đang chờ trong lời gọi đến hàm wait() trong hàm lock(), nếu có.

Lock Reentrance

Synchronized block trong Java có thể lặp lại. Điều đó có nghĩa là nếu một thread Java truy xuất vào một synchronized block, đồng nghĩa với việc khóa lại object giám sát của synchronized block đó, thread này sẽ có thể truy xuất bất cứ một synchronized block nào được đồng bộ bằng object nói trên. Dưới đây là ví dụ:

public class Reentrant{

  public synchronized outer(){
    inner();
  }

  public synchronized inner(){
    //do something
  }
}

Hãy chú ý là cả 2 hàm outer() và inner() đều được khai báo với từ khóa synchronized, trong Java thì nó tương ứng với block synchronized(this). Nếu một thread gọi đến outer(), sẽ không có vấn đề gì nếu nó gọi inner() từ trong outer(), vì cả 2 hàm đều được đồng bộ trên cùng một object giám sát (this). Nếu một thread đã giữ khóa của một object giám sát, nó có khả năng truy xuất mọi synchronized block của object đó. Điều này được gọi là "reentrance". Một thread có thể tái truy xuất bất cứ một đoạn code nào mà nó đang nắm giữ khóa.

Implementation của Lock mà chúng ta đã xem ở đầu bài không phải là reentrance. Nếu chúng ta viết lại class Reentrant như dưới đây, thread nào gọi đến outer() sẽ bị chặn bởi hàm lock.lock() trong hàm inner().

public class Reentrant2{

  Lock lock = new Lock();

  public outer(){
    lock.lock();
    inner();
    lock.unlock();
  }

  public synchronized inner(){
    lock.lock();
    //do something
    lock.unlock();
  }
}

Một thread gọi đến outer() đầu tiên sẽ khóa lại instance của Lock. Sau đó nó gọi đến inner(). Bên trong hàm inner(), thread đó sẽ một lần nữa thử khóa lại instance của Lock. Nó sẽ thất bại (nghĩa là thread sẽ bị chặn), bởi vì instance Lock lúc này đã bị khóa từ ngoài hàm outer() rồi.

Lý do thread bị chặn ở lần thứ hai nó gọi đến lock() mà không gọi đến unlock() trước đó sẽ rõ ràng hơn nếu chúng ta nhìn vào implementation của lock():

public class Lock{

  boolean isLocked = false;

  public synchronized void lock()
  throws InterruptedException{
    while(isLocked){
      wait();
    }
    isLocked = true;
  }

  ...
}

Điều kiện trong vòng lặp while (khóa xoay) sẽ quyết định nếu một thread được phép thoát hàm lock() hay khộng. Hiện tại thì điều kiện đó là isLocked phải là false, bất kể thread nào thực hiện khóa.

Để làm cho class Lock trở thành reentrance chúng ta cần thay đổi một chút:

public class Lock{

  boolean isLocked = false;
  Thread  lockedBy = null;
  int     lockedCount = 0;

  public synchronized void lock()
  throws InterruptedException{
    Thread callingThread = Thread.currentThread();
    while(isLocked && lockedBy != callingThread){
      wait();
    }
    isLocked = true;
    lockedCount++;
    lockedBy = callingThread;
  }


  public synchronized void unlock(){
    if(Thread.curentThread() == this.lockedBy){
      lockedCount--;

      if(lockedCount == 0){
        isLocked = false;
        notify();
      }
    }
  }

  ...
}

Hãy chú ý là vòng lặp while (khóa xoay) giờ sẽ xem xét rằng thread nào đã khóa instance của Lock. Nếu khóa đã được mở (isLocked = false) hoặc thread gọi đến chính là thread đã khóa instance của Lock, vòng lặp while sẽ không được chạy, và thread gọi đến lock() sẽ được phép thoát khỏi hàm này.

Thêm nữa, chúng ta cần đếm số lần mà lock bị khóa bởi cùng một thread. Nếu không thì chỉ một lời gọi duy nhất đến unlock() sẽ mở khóa lock, kể cả khi lock đã được khóa rất nhiều lần. Chúng ta không muốn lock được mở khóa cho đến khi thread thực hiện khóa đã gọi đủ số hàm unlock() tương ứng với số hàm lock().

Class Lock giờ đã trở thành reentrance.

Tính công bằng

Synchronized block trong Java không đảm bảo về thứ tự gán truy xuất cho các thread. Vì thế, nếu có nhiều thread cùng đồng thời yêu cầu truy xuất đến cùng một synchronized block, có một vấn đề có thể xảy ra là một hoặc nhiều thread sẽ không bao giờ được gán quyền truy xuất - quyền truy xuất sẽ luôn được gán cho những thread khác. Điều đó được gọi là "chết đói" (starvation). Để tránh việc này thì Lock cần phải công bằng. Do implementation của Lock ở trên có sử dụng synchronized block, nó không đảm bảo được tính công bằng. Chết đói và tính công bằng được thảo luận kỹ hơn ở bài Starvation and Fairness.

Gọi unlock() trong finally

Khi bảo vệ một critical section với Lock, và critical section đó có thể ném ra exception, chúng ta cần phải nhớ việc gọi đến unlock() trong finally. Điều đó sẽ đảm bảo rằng Lock được mở khóa để các thread khác có thể khóa lại. Dưới đây là một ví dụ:

lock.lock();
try{
  //do critical section code, which may throw exception
} finally {
  lock.unlock();
}

Làm như trên sẽ đảm bảo là Lock được mở khóa trong trường hợp một exception được ném ra từ đoạn code nằm trong critical section. Nếu unlock() không được gọi trong mệnh đề finally, một exception ném ra từ critical section sẽ làm cho Lock bị khóa vĩnh viễn, dẫn đến mọi thread gọi đến lock() sẽ không bao giờ chạy tiếp được nữa.

Bài viết được dịch từ Locks in Java.

0