|
Thẻ ATM dùng công nghệ từ có tính bảo mật thấp hơn thẻ Chip. Ảnh: Internet
|
Ngày 18/6 vừa qua, Công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ Feng Hai Qiang mang quốc tịch Trung Quốc, một đối tượng trong ổ nhóm tội phạm làm và sử dụng thẻ ATM giả tại Hà Nội.
Với thủ đoạn sử dụng thẻ ATM giả, chỉ trong khoảng 1 tháng gần đây, các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền lên đến trên 100 triệu đồng tại các cây ATM của một số ngân hàng.
Đáng chú ý, ngoài vụ việc nói trên, từ đầu năm 2014 đến nay cơ quan chức năng cũng đã phát hiện đối tượng người nước ngoài làm giả thẻ ATM để rút trộm tiền. Ví dụ, ngày 14/3, công an TP.HCM đã bắt giữ đối tượng Stoyanoy Yuliyan Georgiev người Bungari tại điểm ATM của ngân hàng ACB tại đường Đỗ Quang Đẩu, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Khám xét trong người và tại nơi lưu trú của Stoyanoy Yuliyan Georgiev ở TP.HCM, cơ quan công an thu giữ lượng lớn cùng tang vật gồm 55 triệu đồng tiền mặt, 55 thẻ tín dụng các loại, 240 thẻ các loại…
Trước đó, vào tháng 1/2014, công an TP.HCM cũng đã bắt giam một người Nga và hai người Ukraina vì tình nghi sử dụng thẻ ATM giả để rút ít nhất khoảng 33.000 USD.
Liên quan đến vấn đề này, theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ ngân hàng – tài chính, vấn nạn làm thẻ giả ATM để rút tiền đã không còn là chuyện mới tại Việt Nam, đây là vấn nạn thường xuyên xảy ra tại những quốc gia mà thẻ thanh toán vẫn chỉ là loại sử dụng dải từ để ghi dữ liệu.
Đó có thể là thẻ ATM nội địa, thẻ quốc tế VISA, MasterCard mà khá nhiều các ngân hàng ở Việt Nam vẫn đang sử dụng cũng như các ngân hàng nước ngoài chưa chuyển đổi sang thẻ chip.
Trao đổi với ICTnews, đại diện MK Smart (công ty chuyên sản xuất thẻ thông minh EMV và thẻ SIM viễn thông) nhận định: Để có thể đánh cắp, kẻ gian đã gắn thiết bị tự động đánh cắp dữ liệu chủ thẻ trên các máy ATM, hoặc copy dữ liệu chủ thẻ trong quá trình giao dịch thanh toán mà họ không hay biết. Và tất nhiên, cùng với việc dự liệu bị đánh cắp thì mật khẩu mà chủ thẻ sử dụng cũng bị lộ cùng thời điểm đó.
Khi có được dữ liệu, kẻ gian đã sử dụng thẻ trắng chưa có dữ liệu (thẻ phôi) được in ở nước ngoài để ghi dữ liệu đánh cắp lên dải từ. Cùng dữ liệu đó, kẻ gian cũng dùng để dập nổi tên, số thẻ và các thông tin khác lên bề mặt thẻ và mang đi rút tiền, thanh toán trên POS hoặc thanh toán online.
Vì vậy, đại diện MK Smart nhấn mạnh, khi dùng thẻ chỉ có dải từ ghi dữ liệu, nếu chủ thẻ không có kinh nghiệm hoặc không để ý thì rất dễ bị kẻ gian lấy cắp dữ liệu và làm thẻ giả.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng hiện nay trên thế giới và một số ngân hàng Việt Nam đang làm là chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip để đảm bảo an toàn hơn khi sử dụng trong rút tiền mặt và thanh toán.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rủi ro vẫn có thể xảy ra khi một số ngân hàng tại Việt Nam đặt mua thẻ từ nước ngoài. Khi đó, thiết kế của thẻ sẽ được gửi ra nước ngoài và quá trình sản xuất, vận chuyển thẻ rất khó kiểm soát.
“Cũng không loại trừ thẻ phôi sẽ bị thất thoát và làm giả trong quá trình này. Thẻ chỉ sử dụng dải từ để ghi dữ liệu dễ bị làm giả hơn nhiều so với thẻ sử dụng chip để ghi dữ liệu. Việc chậm trễ chuyển đổi sang sử dụng thẻ chip cho thẻ quốc tế hoặc đã chuyển đổi rồi nhưng vì lý do chi phí mà chưa áp dụng trong việc phát hành sẽ là một lỗ hổng bảo mật lớn cho thị trường thẻ ở Việt Nam”, một chuyên gia khẳng định, đồng thời cho rằng khi nhiều nước đã áp dụng thẻ chip EMV cho thẻ quốc tế hoặc có chuẩn thẻ chip riêng cho thẻ ATM nội địa, thì tội phạm thẻ ở quốc gia đó chắc chắn sẽ nhắm tới quốc gia như Việt Nam.
Và khi đó, sẽ ngày càng nhiều chủ thẻ bị mất trộm tiền trong tài khoản khi bị đánh cắm dữ liệu thẻ. Các ngân hàng cũng sẽ bị suy giảm uy tín hoặc chịu một phần chi phí khi khách hàng của mình bị mất cắp dữ liệu thẻ và bị kẻ gian làm thẻ giả.
Cũng liên quan đến vấn đề này, gần đây đại diện Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng đã từng lên tiếng cho biết dù Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo các ngân hàng chuyển sang dùng thẻ chip nhưng nhiều ngân hàng do chưa tìm được lời giải cho bài toán chi phí nên cho rằng “tốn kém không cần thiết”.
Hạn chế rủi ro khi giao dịch bằng ATM cách nào?
Việt Nam hiện có khoảng 15.300 máy ATM và gần 130.000 POS (máy đọc thẻ). Đối với chủ thẻ khi dùng thẻ rút tiền nên tới các máy ATM ở địa điểm đông dân cư, an ninh tốt. Khi thấy máy ATM có hiện tượng bất thường như cậy phá, khe vào thẻ cong vênh hoặc ở vị trí bất thường thì không nên sử dụng.
Khi thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán thẻ, khi đưa thẻ cho nhân viên thanh toán nhưng vẫn phải theo dõi quản lý thẻ của mình, theo dõi thao tác thanh toán và không được rời mắt vì quá trình copy dữ liệu có thể được thực hiện rất nhanh chóng.
Theo ICTNews.vn