Nhận diện khuôn mặt là chưa đủ, Trung Quốc muốn học sinh mặc “smart uniform” có gắn định vị
Công ty đứng sau loại đồng phục này khẳng định, nó chỉ theo dõi học sinh khi đến trường chứ không phải 24/24. Khi cả thế giới vẫn đang tranh cãi về quyền riêng tư, một công ty công nghệ ở Trung Quốc chuyên sản xuất đồng phục gắn chip theo dõi chuyển động, đã bác bỏ cáo buộc theo ...
Công ty đứng sau loại đồng phục này khẳng định, nó chỉ theo dõi học sinh khi đến trường chứ không phải 24/24.
Khi cả thế giới vẫn đang tranh cãi về quyền riêng tư, một công ty công nghệ ở Trung Quốc chuyên sản xuất đồng phục gắn chip theo dõi chuyển động, đã bác bỏ cáo buộc theo dõi học sinh 24/24.
Cụ thể, “smart uniform” hay đồng phục thông minh của Guizhou Guanyu Technology Ltd. có thể giúp giáo viên và phụ huynh theo dõi hoạt động của học sinh. Công ty này đang hợp tác với 11 trường tiểu học và trung học ở tỉnh Qúy Châu. Thậm chí, có những cơ sở giáo dục đã áp dụng loại đồng phục với chức năng tương tự từ năm 2014.
Ông Li Daguo, đại diện pháp lý của công ty, nói với Beijing News rằng, chỉ có phụ huynh và giáo viên mới có thể truy cập thông tin được ghi lại bởi bộ đồng phục. Ông khẳng định, công ty đã cảm kết bảo vệ quyền riêng tư của học sinh.
Trên website chính thức của Guizhou Guanyu Technology Ltd. cho hay: Đồng phục thông minh được tạo ra nhằm mục đích tự động hóa các hoạt động hành chính – giáo dục, từ giám sát học sinh có đến lớp đúng lịch hay không cho tới giao bài tập về nhà và quản lý điểm số.
Trên đồng phục sẽ có cả định vị GPS để ghi lại hoạt động ra/vào trường của học sinh. Những dữ kiện kể trên sẽ được kiểm tra chéo với công nghệ nhận diện khuôn mặt tại mỗi trường học.
Dù còn có thể giúp ngăn chặn nạn cờ bạc và bắt nạt trong trường học, nhiều dân mạng vẫn chỉ trích công ty này đã “nhiệt tình quá mức”. Họ còn gọi đó là vi phạm quyền riêng tư trong khi chưa chắc cải thiện được chất lượng giáo dục.
Ngày càng có nhiều trường học thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dùng các công nghệ tiên tiến để cải thiện chất lượng giáo dục – từ drone nhận diện khuôn mặt, phân tích hành vi của học sinh đến robot “quản sinh”.
Tuy nhiên, những công nghệ như vậy không phải không có khuyết điểm. Vào năm 2017, một nền tảng live-stream giúp phụ huynh giám sát con cái của họ trong lớp đã bị đánh sập vì vi phạm quyền riêng tư sau khi bị phát hiện phát video trên một kênh công cộng.
Techtalk via Tri Thức Trẻ