17/09/2018, 16:51

VN có lượng IP tăng đột biến trong mạng máy tính ma quốc tế

Năm 2013, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về số lượng địa chỉ IP trong nước được dùng trong các mạng máy tính ma (botnet) tấn công nước khác, chiếm 2,67% tổng số địa chỉ IP trong các mạng botnet quốc tế, trong khi năm 2012 chỉ đứng thứ 23 với tỷ lệ 0,78%. Số liệu vừa được Symantec công bố tại ...

Năm 2013, Việt Nam xếp thứ 6 thế giới về số lượng địa chỉ IP trong nước được dùng trong các mạng máy tính ma (botnet) tấn công nước khác, chiếm 2,67% tổng số địa chỉ IP trong các mạng botnet quốc tế, trong khi năm 2012 chỉ đứng thứ 23 với tỷ lệ 0,78%.

Số liệu vừa được Symantec công bố tại Hà Nội chiều nay, 8/5/2014, trong buổi họp báo về Báo cáo hiện trạng các mối đe dọa bảo mật Internet lần thứ 19 (ISTR) của hãng bảo mật này.

So với năm 2012, trong năm 2013, Việt Nam đã tăng 17 bậc về thứ hạng quốc gia có nguồn IP tấn công mạng thế giới. Tỷ lệ địa chỉ IP từ Việt Nam được dùng trong các mạng botnet cũng tăng mạnh từ con số 0,78% của năm 2012 lên tới 2,67%.

Theo ông Raymond Goh, Giám đốc khu vực cấp cao phụ trách mảng Kiến trúc hệ thống, Symantec khu vực Nam Á, nguyên nhân của sự gia tăng đột biết nêu trên là do tại Việt Nam, mật độ thuê bao Internet và thuê bao di động tăng khá nhanh, tần suất sử dụng thiết bị di động, máy tính kết nối mạng cũng tăng mạnh, nhưng hầu hết người dùng lại không có ý thức cảnh giác về an ninh mạng, gia tăng cơ hội cho tin tặc biến các thiết bị thành bàn đạp để tấn công các hệ thống khác. Đây cũng là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều quốc gia khác. Theo ước tính của Symantec, vẫn còn tới 38% người dùng smartphone trên thế giới từng bị tin tặc tấn công trong khoảng 12 tháng qua; 50% người dùng không dùng các biện pháp bảo vệ cơ bản như mật khẩu, phần mềm an ninh hoặc có biện pháp sao lưu dự phòng dữ liệu cho các thiết bị di động.

VN có lượng IP tăng đột biến trong mạng máy tính ma quốc tế

Ông Raymond Goh, Giám đốc khu vực cấp cao phụ trách mảng Kiến trúc hệ thống, Symantec khu vực Nam Á chia sẻ thông tin với báo giới tại Hà Nội chiều 8/5/2014. Ảnh: X.B.

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của Symantec về các mối đe dọa bảo mật Internet tại Việt Nam là năm 2013, Việt Nam vẫn đứng ở vị trí số 6 thế giới về lượng mã độc, nhưng xét về tỷ lệ thì chỉ chiếm 2,8% tổng số mã độc trên thế giới, giảm nhẹ so với tỷ lệ 3% của năm trước đó.

Việt Nam cũng đã “thăng hạng” về việc phát tán thư rác, “leo” lên vị trí số 7 trong khi năm 2012 đứng ở vị trí số 10 thế giới. Tỷ lệ thư rác của Việt Nam chiếm 5% thế giới, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ 2,6% của năm 2012.

Về số lượng dịch vụ web, máy chủ tạm thời bị tin tặc dùng để gài mã độc, Việt Nam vẫn chiếm 0,5% tổng số toàn cầu nhưng thứ hạng đã được cải thiện 5 bậc, đứng ở vị trí 29, trong khi năm 2012 giữ vị trí 24.

Trước hiện trạng này, ông Raymond Goh khuyến cáo: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật, vá các lỗ hổng để hệ thống CNTT không bị tin tặc sử dụng làm bàn đạp để tấn công các hệ thống khác; cần hiểu rõ dữ liệu đang nằm ở đâu, ai sử dụng và sử dụng thế nào để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn nhân viên về cách thức bảo vệ thông tin và tuân thủ chính sách về an toàn thông tin. Đồng thời phải áp dụng các biện pháp bảo mật mạnh mẽ như mã hóa, cơ chế xác thực hai nhân tố.

Với người dùng cuối, việc cần làm là phải cập nhật các bản vá, thường xuyên rà soát sao kê tài khoản thẻ tín dụng để phát hiện các khoản bất thường, phải biết rõ người mình giao dịch để tránh mắc bẫy khi bấm vào đường link hoặc gọi vào số điện thoại khả nghi gắn trong email lạ…

Báo cáo Hiện trạng các mối đe dọa bảo mật Internet (ISTR) của Symantec được thực hiện với việc thu thập thông tin xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1/1/2013 đến 31/12/2013 qua mạng lưới hơn 41 triệu cảm biến trên thế giới, 8,4 tỷ email được đảm bảo quét xử lý an ninh hàng ngày và trên 1,4 tỷ web được quét hàng ngày. Sau 5 tháng nghiên cứu và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được, hôm nay, kết quả báo cáo mới được công bố chính thức tại Việt Nam.

Nguồn ICTNews

0