Bí quyết viết CV dành cho dân IT
Khi viết CV ứng tuyển vào một vị trí trong ngành công nghệ thông tin (IT), bạn có biết mình cần tập trung vào những mục quan trọng nào không? Trình độ chuyên môn? Bằng cấp? Hay kinh nghiệm làm việc? Tất cả đều cần thiết, tuy nhiên làm nổi bật những điều này trong CV để tạo ấn tượng ...
Khi viết CV ứng tuyển vào một vị trí trong ngành công nghệ thông tin (IT), bạn có biết mình cần tập trung vào những mục quan trọng nào không? Trình độ chuyên môn? Bằng cấp? Hay kinh nghiệm làm việc? Tất cả đều cần thiết, tuy nhiên làm nổi bật những điều này trong CV để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng ngay từ vòng hồ sơ thì không phải một việc dễ dàng.
Nếu bạn vẫn băn khoăn không biết phải bắt đầu như thế nào, thì hãy đọc kỹ phần hướng dẫn dưới đây nhé.
1. Khởi đầu bằng trình độ chuyên môn, bằng cấp
Vì đây chỉ là bước tạo đà đầu tiên để đi sâu vào kinh nghiệm bản thân nên bạn hãy tóm lược mọi thông tin ngắn gọn và súc tích nhất có thể. Bạn chỉ cần liệt kê bằng cấp, giấy chứng nhận, GPA và các trường mà bạn đã từng theo học ngành IT.
2. Mô tả kỹ năng kỹ thuật
Do tính chất đặc thù của IT là chú trọng đến kỹ thuật, nên khi trình bày phần kỹ năng công nghệ, bạn nên liệt kê tất cả kiến thức chuyên môn cũng như khả năng lập trình mà bạn có, điều này sẽ là điểm nhấn quan trọng khiến bạn khác biệt với các ứng viên khác.
Một điểm bạn cần lưu ý, đó là chỉ liệt kê những kỹ năng mà hoặc có kinh nghiệm và nêu chính xác mức độ hiểu biết của bạn trong từng mục. Nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, chỉ nên phân loại theo thời gian làm việc với từng kỹ năng, ví dụ:
- Level 1: Biết qua (học hoặc tự nghiên cứu)
- Level 2: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 6 tháng
- Level 3: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 2 năm
- Level 4: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế dưới 5 năm
- Level 5: Có kinh nghiệm sử dụng thực tế trên 5 năm
Đừng vì mục đích gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà để kỹ năng nào cũng đạt cấp 3 hoặc 4 vì điều này có nghĩa là bạn có hiểu biết rất hẹp về những kỹ năng này và không thể tự đánh giá.
3. Kinh nghiệm
Lời khuyên chung dành cho việc viết CV của tất cả các ngành là bạn nên sắp xếp những kinh nghiệm của mình theo thứ tự thời gian gần đây nhất trở về sau. Bạn có thể tạo một bảng kinh nghiệm việc làm IT trong đó có tên công ty từng làm việc, vị trí đảm nhiệm, thời gian, nhiệm vụ và trách nhiệm của bạn khi ở vị trí đó.
Chìa khóa cho phần này là kể về thành tựu mà bạn đạt được. Hãy mô tả những dự án hoặc kế hoạch bạn đã đề ra cùng với kết quả mà nó mang lại, đưa ra những dẫn chứng bằng những con số thiết thực để tăng sức thuyết phục.Việc mô tả đầy đủ thông tin về các dự án rất quan trọng vì điều này giúp nhà tuyển dụng biết được những gì bạn đã làm, những kỹ năng bạn áp dụng trong quá khứ, từ đó hình dung ra bạn sẽ có thể đóng góp như thế nào khi tham gia công ty của họ.
4. Thông tin tham khảo
Đây là lúc bạn cung cấp thông tin liên lạc với những người quản lý cũ hay thậm chí thầy cô (trong trường hợp bạn chưa từng đi làm) để nhà tuyển dụng có thể liên lạc và trao đổi thông tin về bạn. Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ đưa thông tin những người chắc chắn sẽ nói những điều tốt về bạn.
Cuối cùng, điều nhà tuyển dụng quan tâm nhất khi tuyển dụng là bạn có những kỹ năng phù hợp với công ty cũng những định hướng phát triển lâu dài sau này hay không. Với những hướng dẫn viết CV trên, bạn sẽ dễ dàng chứng minh được bạn chính là một sự lựa chọn thích hợp ngay từ đầu và thuyết phục được nhà tuyển dụng gọi bạn đến buổi phỏng vấn tiếp theo.
Theo internship.edu.vn
Techtalk Via Ybox