Các kiểu khai thác XSS – Phần 2: Stored XSS
Trong bài trước, tôi đã giới thiệu về lỗi XSS (Cross Site Scripting) và hướng khai thác thực tế của XSS Reflected. Có một loại khác của XSS được xem là nguy hiểm hơn, đó là Stored XSS. Khác với Reflected tấn công trực tiếp vào một số nạn nhân mà hacker nhắm đến, Stored XSS hướng đến nhiều nạn ...
Trong bài trước, tôi đã giới thiệu về lỗi XSS (Cross Site Scripting) và hướng khai thác thực tế của XSS Reflected. Có một loại khác của XSS được xem là nguy hiểm hơn, đó là Stored XSS.
Khác với Reflected tấn công trực tiếp vào một số nạn nhân mà hacker nhắm đến, Stored XSS hướng đến nhiều nạn nhân hơn. Lỗi này xảy ra khi ứng dụng web không kiểm tra kỹ các dữ liệu đầu vào trước khi lưu vào cơ sở dữ liệu (ở đây tôi dùng khái niệm này để chỉ database, file hay những khu vực khác nhằm lưu trữ dữ liệu của ứng dụng web). Ví dụ như các form góp ý, các comment … trên các trang web.
Với kỹ thuật Stored XSS , hacker không khai thác trực tiếp mà phải thực hiện tối thiểu qua 2 bước.
Đầu tiên hacker sẽ thông qua các điểm đầu vào (form, input, textarea…) không được kiểm tra kỹ để chèn vào CSDL các đoạn mã nguy hiểm.
Tiếp theo, khi người dùng truy cập vào ứng dụng web và thực hiện các thao tác liên quan đến dữ liệu được lưu này, đoạn mã của hacker sẽ được thực thi trên trình duyệt người dùng.
Đến đây hacker coi như đã đạt được mục đích của mình. Vì lí do này mà kỹ thuật Stored XSS còn được gọi là second-order XSS.
Kịch bản khai thác được mô tả như hình sau:
Reflected XSS và Stored XSS có 2 sự khác biệt lớn trong quá trình tấn công.
- Thứ nhất, để khai thác Reflected XSS, hacker phải lừa được nạn nhân truy cập vào URL của mình. Còn Stored XSS không cần phải thực hiện việc này, sau khi chèn được mã nguy hiểm vào CSDL của ứng dụng, hacker chỉ việc ngồi chờ nạn nhân tự động truy cập vào. Với nạn nhân, việc này là hoàn toàn bình thường vì họ không hề hay biết dữ liệu mình truy cập đã bị nhiễm độc.
- Thứ 2, mục tiêu của hacker sẽ dễ dàng đạt được hơn nếu tại thời điểm tấn công nạn nhân vẫn trong phiên làm việc(session) của ứng dụng web. Với Reflected XSS, hacker có thể thuyết phục hay lừa nạn nhân đăng nhập rồi truy cập đến URL mà hắn ta cung cấp để thực thi mã độc. Nhưng Stored XSS thì khác, vì mã độc đã được lưu trong CSDL Web nên bất cứ khi nào người dùng truy cập các chức năng liên quan thì mã độc sẽ được thực thi, và nhiều khả năng là những chức năng này yêu cầu phải xác thực(đăng nhập) trước nên hiển nhiên trong thời gian này người dùng vẫn đang trong phiên làm việc.
Từ những điều này có thể thấy Stored XSS nguy hiểm hơn Reflected XSS rất nhiều, đối tượng bị ảnh hưởng có thế là tất cả nhưng người sử dụng ứng dụng web đó. Và nếu nạn nhân có vai trò quản trị thì còn có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển web.