12/08/2018, 14:37

Cách giải tỏa căng thẳng hiệu quả trong công việc

Giới thiệu Trong cuộc sống hay công việc hiện đại với bao bộn bề, không tránh khỏi những lúc bạn căng thẳng, mệt mỏi vì hay phải đối mặt với áp lực nặng nề. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến công việc của bạn mà còn tác động không tốt đến mọi người xung quanh. Vậy làm cách nào để giải tỏa ...

Giới thiệu

Trong cuộc sống hay công việc hiện đại với bao bộn bề, không tránh khỏi những lúc bạn căng thẳng, mệt mỏi vì hay phải đối mặt với áp lực nặng nề. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến công việc của bạn mà còn tác động không tốt đến mọi người xung quanh. Vậy làm cách nào để giải tỏa những áp lực, căng thẳng ngay tại bàn làm việc ?

1. Tập thở sâu

Hít thở sâu là một cách giảm căng thẳng hữu ích, vì bạn có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào, vào mọi thời điểm trong ngày ngay tại bàn làm việc của mình. Bạn chỉ cần đứng lên, thả lỏng cơ thể, sau đó vươn vai và hít thở thật sâu để lồng ngực tràn đầy sinh khí. Bạn sẽ cảm nhận được hơi thở đi vào, đi ra khỏi cơ thể. Việc này giúp bạn không cảm thấy mệt mỏi, tinh thần luôn được điều hòa, chịu đựng được áp lực trong công việc và tăng khả năng tập trung.

2. Học cách chia sẻ công việc

Nếu bạn chưa từng giao việc cho bất kỳ một ai, thì bây giờ hãy học làm việc đó. Điều này không có nghĩa là bạn dồn hết việc cho người khác. Trong bất kì việc gì, làm việc theo nhóm luôn đóng vai trò quan trọng.

3. Âm nhạc giúp bạn cải thiện tâm trạng

Hãy nghe những loại nhạc vui tươi, sôi nổi. Chúng sẽ giúp kích thích tâm trạng của bạn thay vì các bài hát buồn bã âu sầu.

4. Biết lượng sức mình và tuân theo khoá biểu làm việc

Trong danh sách những việc cần làm luôn có những việc tốn nhiều công sức và thời gian của bạn. Phải biết sắp xếp thời gian và công việc một cách hợp lý, tránh sự lãng phí công sức. Lúc bạn có nhiều năng lượng nhất và đầu óc thoải mái nhất, hãy tập trung vào việc quan trọng; khoảng thời gian còn lại lần lượt giải quyết những việc chưa làm.

5. Tập nói không và kết thúc các mối quan hệ không cần thiết

Nếu đang tiêu phí thời gian và tình cảm cho một người mà bạn không còn điểm tương đồng hoặc loại người chỉ xem tình bạn là để lợi dụng một chiều, hay mối quan hệ đó làm cho bạn cảm thấy phiền muộn khó chịu… hãy khéo léo tìm cách loại bỏ nó.

6. Tăng cường vận động, gây hưng phấn tinh thần

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, hoạt động nhẹ nhàng giúp bạn cải thiện tâm trạng. Bởi vận động sẽ tăng cường oxy, giúp máu lưu thông tốt.

Nếu đang ở công sở, bạn chỉ cần đứng lên đi lại sau khoảng một vài giờ làm việc thay vì cứ ngồi lì một chỗ.

7. Trang trí góc làm việc

Những thay đổi nhỏ tại bàn làm việc có thể thay đổi tâm trạng của bạn. Một chậu hoa nhỏ, chiếc khung ảnh gia đình hay những vật dụng dễ thương có thể khiến góc làm việc của bạn trở nên gần gũi và ý nghĩa. Bạn cũng có thể thúc đẩy cảm hứng cho bản thân bằng những gam màu trung tính tạo cảm giác êm dịu, màu vàng khơi gợi sự sáng tạo hay màu xanh tạo cảm giác thư giãn. Hoặc đơn giản nhất là một chậu cây xanh không chỉ tạo cảnh quan đẹp hơn mà còn giúp bạn giảm căng thẳng, gia tăng những cảm giác tích cực.

8. Nghỉ ngơi

Giữa những thời điểm công việc căng thẳng hoặc mệt mỏi, nhất là vào buổi trưa, hãy cố gắng dành ra 5 đến 10 phút để nhắm mắt lại và cho phép mình thoát khỏi công việc. Đây là cách đơn giản và ít tốn kém nhất để gia tăng hiệu suất công việc cũng như giải tỏa căng thẳng hiệu quả. Chỉ cần một thời gian ngắn ngủi nhưng lại có tác dụng tuyệt vời trong việc giúp bạn bình tĩnh hơn và làm việc hiệu quả hơn.

9. Bày tỏ cảm xúc

Thông qua việc nói chuyện, tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn không còn cảm giác lạc lõng trong suốt một ngày làm việc căng thẳng. Việc trao đổi với đồng nghiệp rất quan trọng bởi giao tiếp là cách khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp và thân thiện hơn.

10. Chia dự án lớn thành những phần nhỏ

Một số người trong chúng luôn cảm giác bị áp lực với những dự án lớn ngay khi ta vừa mới bắt đầu. Bằng cách chia một dự án lớn thành những phần nhỏ lẻ, bạn sẽ xóa tan áp lực và nhẹ nhàng “nhấm nháp” từng phần một của dự án.

11. Xem lại thành quả, điểm lại mục tiêu

Trầm cảm là một chứng bệnh tâm lý khi người bệnh không còn niềm tin, hi vọng vào bất cứ điều gì xung quanh mình nữa. Điều này dễ xảy đến với những ai đang trong giai đoạn khó khăn, liên tiếp thất bại. Những lúc này hãy xem lại các thành quả đã đạt được ở quá khứ để thấy rằng mình cũng là người có khả năng, hoặc điểm lại mục tiêu để tiếp thêm động lực.

12. Không thức quá khuya

Nếu bạn thức quá khuya, bạn sẽ cảm thấy thèm ngủ và lúc nào cũng muốn ngủ, mỗi ngày không nên ngủ ít hơn 7 tiếng. Ngủ đủ, bạn sẽ thấy thoải mái hơn và tập trung làm việc hiệu quả hơn.

Biết cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn, đáng sống hơn, và bạn sẽ có nghị lực tiếp tục làm việc tốt hơn.

Kết Luận

Trong cuộc sống hiện đại, mỗi người chúng ta, dù nhiều dù ít, đều có những mối bận tâm, những điều phải lo nghĩ, từ đó dẫn đến căng thẳng và áp lực. Hy vọng những cách giải tỏa áp lực ngay tại bàn làm việc trên sẽ giúp bạn trở nên vui vẻ và lạc quan. Chúc bạn thành công.

0