17/09/2018, 22:09

Chứng thư số – giải pháp trong an toàn thông tin Chính phủ điện tử

Năm 2015, Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô, bài bản và nguy cơ sẽ trở thành cuộc chiến tranh mạng. Nhưng tại nhiều cơ quan địa phương, ý thức về an toàn thông tin vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT mỗi tuần đều ...

Năm 2015, Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ nhiều cuộc tấn công mạng có quy mô, bài bản và nguy cơ sẽ trở thành cuộc chiến tranh mạng. Nhưng tại nhiều cơ quan địa phương, ý thức về an toàn thông tin vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT mỗi tuần đều gửi các cảnh báo về an toàn thông tin đến các đầu mối ứng cứu xử lý sự cố Internet ở các tỉnh, nhưng 99% các email cảnh báo không nhận được phản hồi. Chỉ riêng quý I năm nay, trung tâm đã ghi nhận hơn 365 nghìn lượt địa chỉ IP Việt Nam tham gia mạng botnet. Điều này cho thấy rất nhiều máy tính bị nhiễm mã độc và trở thành công cụ sẵn sàng tấn công từ chối dịch vụ đến bất kỳ máy tính nào trên thế giới.

Việt Nam luôn nằm trong top 20 quốc gia bị lây nhiễm và phát tán mã độc nhiều nhất thế giới, trong top 10 nước có số lượng người dùng truy cập và tấn công từ các trang mạng giả mạo lừa đảo. Bộ Thông tin – Truyền thông đã khẳng định an toàn thông tin là 1 trong 5 trụ cột để phát triển công nghệ thông tin cũng như xây dựng Chính phủ điện tử. An toàn thông tin cần được xem xét trên mọi khía cạnh và thực hiện song song với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử.

Chương trình Quốc gia về ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tới hết năm sẽ đạt mục tiêu 60% văn bản, tài liệu giữa các cơ quan trao đổi dưới dạng điện tử; 100% hồ sơ cán bộ, công chức được quản lý trên mạng. Ngoài ra, 100% cơ quan Nhà nước cấp quận, huyện có Cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho nhân dân; 100% hộ chiếu cấp cho công dân là hộ chiếu điện tử,….

Vì vậy, các chuyên gia đánh giá đối với các giao dịch trực tuyến, đặc biệt giao dịch trong ngân hàng cần đảm bảo tính bí mật, xác thực. Và việc sử dụng chữ ký số trở thành giải pháp bảo đảm an ninh cao nhất. Để có thể triển khai sử dụng chữ ký số trên tất cả các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thì yêu cầu đầu tiên là cần có những đơn vị chứng thực chữ ký số. Ông Phùng Huy Tâm – Phó Giám đốc công ty Công nghệ thẻ Nasencom cho biết:

“Là một nhà cung cấp dịch vụ CA, chúng tôi cung cấp các dịch vụ về cấp chứng thư số, quản lý chứng thư số, kiểm soát chữ ký số. Nacencom là đơn vị đầu tiên nghiên cứu chữ ký số từ năm 1999 đã có kinh nghiệm tích hợp triển khai chữ ký số”.

Theo nhận định của các chuyên gia, chữ ký số là giải pháp đảm bảo an ninh nhất trong giao dịch điện tử hiện nay, đồng thời lại tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi toàn dân sử dụng chứng thư số, các cá nhân, tổ chức sử dụng chữ ký số thì việc cần quan tâm là đảm bảo an toàn thông tin khi xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, xây dựng Chính phủ điện tử đòi hỏi phải theo lộ trình đã đề ra cũng như nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Nguyệt Nga, VOV

Bài viết cùng chủ đề Thiếu sót của Oracle trong các phiên bản cập nhật bản vá của Java >>
0