14/11/2019, 09:59

Chuyển đổi số (Digital transformation) – Doanh nghiệp Việt Nam có đang bị bỏ lại phía sau?

Một ngày tháng 9, tôi nhận được email từ Ban tổ chức SingEx – Đại diện là Ông Aloysius Arlando (CEO) mời tham dự Triễn lãm Chuyển đổi số trong các nhà máy công nghiệp tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ITAP 2019, 22-24/10 tại Singapore). Với kinh nghiệm làm sản xuất gần 10 năm, tôi đã ...

Một ngày tháng 9, tôi nhận được email từ Ban tổ chức SingEx – Đại diện là Ông Aloysius Arlando (CEO) mời tham dự Triễn lãm Chuyển đổi số trong các nhà máy công nghiệp tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ITAP 2019, 22-24/10 tại Singapore). Với kinh nghiệm làm sản xuất gần 10 năm, tôi đã không đắn đo khi quyết định nhận lời mời này từ phía SingEx. Và tôi đã đến Singapore trong mùa thu 2019 mang trong mình khát khao tìm hiểu những kỹ thuật & công nghệ mới mẻ của Công nghiệp 4.0 vốn dĩ đã thay đổi mạnh mẽ trong bán kính 5 năm trở lại đây từ các nước phát triển, mà tại Việt Nam chỉ đang được nhắc đến như một khái niệm theo trào lưu.

Triển lãm Chuyển đổi Công nghiệp châu Á-Thái Bình Dương (ITAP 2019), một sự kiện của Singex và Hannover Messe đồng tổ chức tại Singapore từ ngày 22-24/10/2019, được thiết kế như một “Hành trình tiếp nhận kiến thức” nhằm tiếp cận và hỗ trợ nhu cầu học hỏi, áp dụng công nghệ 4.0 và giải pháp số cho các nhà máy sản xuất trong khu vực trong đó có Việt Nam. Khách mời đọc khai mạc triển lãm quan trọng này là Ông Heng Swee Keat – Phó thủ tướng & Bộ trưởng Bộ tài chính Singapore.

Đây là lần thứ 2 triển lãm này được tổ chức, nhưng sức hút của nó lớn đến nỗi đến cuối ngày thứ 3 tôi còn nhớ khi tôi chuẩn bị kéo vali đầy ắp những brochure giải pháp cho sản xuất 4.0 ra ngoài cổng lúc 5h chiều mà vẫn nhìn thấy các doanh nghiệp cũng như cá nhân quan tâm vẫn còn ở đó để trao đổi với các công ty cung cấp giải pháp. Đây là 1 tín hiệu đáng mừng các bạn ah.

Khi bước vào triễn lãm, cái đập ngay vào mắt tôi ấn tương nhất chính là slogan “Rethink Manufacturing”. Đúng vậy, chúng ta thật sự cần nghĩ lại về sản xuất. Sản xuất 4.0 thực chất vẫn là quá trình sản xuất. Điểm khác biệt ở chỗ là với sản xuất thông minh, các nhà máy áp dụng công nghệ thông tin (ví dụ: IoT, MES) để quản lý bất kì máy móc và sản phẩm nào được sản xuất ra từ các nhà máy trên khắp thế giới. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng quản lý và điều phối cũng như nhanh chóng đưa ra các quyết định của mình dựa trên dữ liệu thông minh đựợc cung cấp từ các giải pháp công nghệ 4.0 này. Đó là điều trước đây chúng ta – những người chủ của các xưởng sản xuất vừa & nhỏ (SME) vẫn chưa thể làm được. Hơn nữa, dữ liệu sẽ được cập nhật trên cloud và theo thực tế (realtime) đang diễn ra tại nhà máy để bất kì ai cũng có thể theo dõi được một cách nhanh chóng.

Ngoài ra, hệ thống còn đưa ra những dự báo dựa vào dữ liệu thu thập thực tế để không những hỗ trợ các phòng ban và nhà quản lý vận hành trơn tru mà còn kiểm soát chặt chẽ cả quá trình hoạt động. Có thể nói, chính giải pháp số hóa nhà máy là công cụ tiên tiến nhằm giúp cho các nhà máy sản xuất đa dạng sản phẩm (hoặc sản phẩm có phần phức tạp) và nhiều nơi trên thế giới giảm bớt những lãng phí không đáng có. Theo chuyên gia Singapore – Mr. Brandon Lee thì có 8 loại lãng phí trong các nhà máy hiện nay.

Những từ khóa quen thuộc được nhắc đi nhắc lại trong 3 ngày tại triễn lãm này chính là sản xuất thông minh (smart manufacturing), nhà máy thông minh (smart factory, digital factory), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu thông minh (smart data), tiêu chuẩn của trí tuệ nhân tạo (AI), VR & AR, machine learning, blockchain, cảm biến, v..v.. Và tất cả những điều đó đang được áp dụng cho các nhà máy như Bosch, ABB, Siemen, Sanofi, DHL,…

3 ngày với hơn 350 công ty tham gia triễn lãm đến từ khắp nơi trên thế giới, 50 chuyên gia đầu ngành chia sẻ theo những chủ đề ứng dụng (Techtalk) vào thực tiễn như Quản lý  dữ liệu trong sản xuất 4.0 (Oracle), Nhân sự trong công nghiệp 4.0, nông nghiệp 4.0 hay Tương lai của tự động hóa của Siemens, làm thế nào chính phủ & doanh nghiệp sản xuất phát triển giải pháp cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với bài học từ Brazil… cùng một ngày Standard Forum & workshop quan trọng để lắng nghe từ chuyên gia Nhật & Singapore cách triển khai IoT hay sản xuất thông minh theo lộ trình thực tế cụ thể như thế nào kèm các tiêu chuẩn phải có hoặc các giao thức (protocol) mặc định dành cho 4.0 từ UL.

Điều quan trọng ở đây mà tôi nhận thấy chính là các giải pháp hoàn thiện của họ đã được triển khai vào thực tiễn rất nhiều nhà máy trên khắp thể giới. Đó không còn là nghiên cứu hay lý thuyết nữa. Theo bức ảnh bài chia sẻ của chuyên gia đến từ Siemens thì họ đã chuẩn bị vào bước thứ 3 rồi.

Ngoài ra, trong triễn làm này, tôi cũng được biết việc áp dụng AR/VR để đào tạo nhân viên mới tại các công ty & tập đoàn lớn đã được triển khai mạnh mẽ để tránh lãng phí nhân lực đào tạo theo cách truyền thống. Đây cũng là minh chứng cho việc công nghệ 4.0 đang đi song hành cùng doanh nghiệp gần đến mức như thế nào.

Bên cạnh đó, các trường Đại học cụ thể như Singapore Polytechnic (SP) cũng đã nhanh nhẹn cập nhật các khóa học trong chương trình SkillsFuture như Kỹ sư 4.0, Chuyển đổi số trong sản xuất, Xây dựng dự án IoT, Phân tích dữ liệu áp dụng trong công nghiệp, v..v..để mang lại kiến thức thực tế cho học viên nhanh nhất.

Từ triễn lãm này, một suy nghĩ trong tôi (một đơn vị sản xuất công nghiệp) chính là các nhà sản xuất vừa & nhỏ ở Việt Nam đã bị bỏ lại sau lưng thật. Các công ty hay tập đoàn sản xuất lớn đã áp dụng sản xuất 4.0 mà sản phẩm nhìn thấy từ các nhà máy thông minh chính là sản phẩm đồng nhất về chất lượng để giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng. Chắc có lẽ tại Việt Nam hiện nay, chỉ các nhà sản xuất nằm trong Top 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hoặc một phần nào doanh nghiệp FDI mới có thể chạy kịp xu hướng này. Những nhà máy vừa và nhỏ của Việt Nam chúng ta có gì ngoài con người và máy móc đơn giản? Những nhà máy của Việt Nam chúng ta có gì ngoài những người chủ không chịu học hỏi và chưa bắt kịp xu hướng của thời đại? Những nhà máy của Việt Nam chúng ta có gì ngoài sự dễ dãi với sản phẩm?

Cuối cùng, tôi mong rằng chúng ta hãy thật sự nghiêm túc nhìn về sản xuất 4.0. Hãy bước ra ngoài để nhìn thấy các nhà máy hiện đại như thế nào và chọn cho mình một giải pháp phù hợp với quy mô sản xuất. Tôi tin rằng cho dù nhà máy SME tại Việt Nam quy mô như thế nào thì cũng đều áp dụng được sản xuất 4.0 để biến nó trở thành nhà máy thông minh để giúp tối ưu hóa 8 lãng phí trong một nhà máy truyền thống. Và việc chúng ta cần làm ngay bây giờ là chọn 1 triển lãm về chủ đề chuyển đổi số để tiếp cận thông tin này sớm nhất. Mọi thứ sẽ thay đổi rất nhanh trong bán kính 5 năm tới đây tại các nhà máy ở Việt Nam. Và bí quyết thành công trong cuộc cách mạng 4.0 này không nằm ở giải pháp số hóa nhà máy mà nằm ở sự thay đổi tư duy của các vị chủ nhà máy kèm một lộ trình triển khai rõ ràng và quyết tâm theo đến cùng.

Không quên cảm ơn ban tổ chức Singapore expo (SingEx) đã hỗ trợ tôi có chuyến đi trọn vẹn này.

Ông Aloysius Arlando (CEO, Singex) & tác giả

Theo: Hoài Trần – Phó Giám Đốc Công ty TNHH Công Nghệ Năng Lượng Potech

0