Coder hay P.M, định hướng nào cho sự nghiệp?
Những người làm trong nghề code hay bất kể ngành nghề nào khác đều thuộc một trong hai tuýp người sau đây: người lãnh đạo (leaders) hoặc người thi hành (producers). Một là bạn là Steve Jobs, không thì bạn là Woz. Hai con đường hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai đều có thể dẫn tới ...
Những người làm trong nghề code hay bất kể ngành nghề nào khác đều thuộc một trong hai tuýp người sau đây: người lãnh đạo (leaders) hoặc người thi hành (producers). Một là bạn là Steve Jobs, không thì bạn là Woz. Hai con đường hoàn toàn khác nhau nhưng cả hai đều có thể dẫn tới thành công rực rỡ.
Những coder tài năng coi việc lãnh đạo một team là bước tiếp theo để phát triển sự nghiệp. Vì vậy, nếu bạn chọn con đường này bạn sẽ cần biết những gì để thực hiện sự thay đổi? Dưới đây chúng tôi sẽ cho bạn một vài gợi ý về những bước đầu tiên bạn phải làm, những cạm bẫy bạn có thể gặp phải và giải pháp cho những vấn đề đó.
Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là liệu có nên thay đổi tất cả. Điều gì sẽ xảy ra nếu phần Woz trong bạn nhiều hơn? Bạn cần hiểu bản thân mình để trả lời câu hỏi liệu trở thành một người lãnh đạo có phù hợp với mình hay không.
“Bạn phải suy nghĩ xem khía cạnh nào trong công việc bạn thật sự thích, và ngược lại” Adam Wolf, một kĩ sư phần mềm tại Bloomberg L.P chia sẻ. “Nếu những gì bạn thích làm là cùng với team của mình hoàn thành những công việc, hoặc là xây dựng tầm nhìn và truyền cảm hứng cho mọi người thì trở thành lãnh đạo sẽ mang đến cho bạn cơ hội trở thành một người có ảnh hưởng lớn.”
Ảnh: Các vị trí kỹ thuật cơ bản trong ngành IT
Tố chất của một nhà quản lí
Bạn cần phải thể hiện tố chất của người quản lý ngay trong công việc bạn đang làm dù cho bạn đang ở bất kì vị trí nào trong công ty. Một nhà quản lí cần phải có nhiều trách nhiệm hơn, cần phải truyền đạt được suy nghĩ của mình tới các cộng sự, và phải biết cách làm cho bản thân luôn nổi bật trong mắt người khác. Bởi lẽ đó, bạn luôn phải có ý niệm biết rằng mình làm được điều gì và những người khác mong chờ gì ở bạn.
Giáo sư Rick Hutley có một lời khuyên rằng hãy kiểm tra xem da mặt bạn dày tới đâu trước khi bạn lên làm quản lí người khác. “Tự hỏi bản thân xem bạn có thể chịu đựng rủi ro và chỉ trích tới mức nào” , ông nói. “Thành thật mà nói đôi khi áp lực khiến bạn muốn làm một nhân viên quèn còn hơn là làm quản lí. Tuy nhiên, hãy can đảm để ra khỏi vùng an toàn đó và trở nên trách nhiệm hơn để hoàn thành công việc.”
Đôi khi công việc quản lí đặt bạn vào những tình huống khá khó xử. Những người quản lí giỏi hiểu được điều này, họ biết rằng việc chỉ trích, chỉnh đốn, thậm chí phải mắng mỏ nhân viên đôi khi là cần thiết để giúp họ hoàn thành công việc. Phải làm những việc đó khiến họ mất đi nhiều bạn bè nhưng đó là một phần của công việc.
“Làm lãnh đạo là phải đưa ra các quyết định khó khăn trong nhiều thời điểm- nhiều lúc phải bất đồng với những người từng là đồng nghiệp, điều đó làm bạn trở nên cô đơn”, ông Hutley chia sẻ. ”Bạn càng lên cao thì càng dễ thất bại trong con mắt người khác”
Hãy tự hỏi liệu đồng đội của bạn có muốn bạn làm leader hay không? Tại sao có? Hoặc tại sao không. Tới khi bạn nghĩ mình đã sẵn sàng để lên chức, bạn cần phải làm công việc hiện tại một cách thật tốt, thể hiện rằng bạn là người có trách nhiệm tốt, và làm người khác tin rằng bạn vẫn có thể làm tốt hơn ở một công việc mới.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa từng quản lí người khác trước đây, làm sao bạn có thể biết rằng công việc đó là phù hợp với bạn? Giáo sư Hutley chia sẻ một số kinh nghiệm :”Bạn có phải là một trong những người suy nghĩ sâu xa trong các công việc bạn phải làm và các vấn đề xã hội? Bạn có đưa ra những ý tưởng mới và hiệu quả khi công việc đi vào bế tắc? Những người khác có thường tìm đến bạn để hỏi ý kiến và lời khuyên khi họ gặp khó khăn? Nếu bạn có tất cả những điều trên, bạn chính là một người sinh ra để lãnh đạo người khác và chính mọi người cũng công nhận điều đó.
Ảnh: Minh họa sự khác biệt trong góc nhìn của P.M và các vị trí khác
Nói ra các kế hoạch của bạn
Nếu bạn nghĩ rằng chỉ cần chăm chỉ và chú trọng những chi tiết là đủ để sếp chú ý tới bạn và cho bạn thăng chức thì bạn cần suy nghĩ lại về kế hoạch đó. Nhảy sang công việc quản lí có nghĩa bạn phải thiết kế lại hoàn toàn đời sống công việc của mình. Bước đầu tiên là phải gây sự chú ý với sếp của bạn.
Jennifer Selby Long, giám đốc điều hành tại một công ty ở thung lung Silicon Valley, từng dành hơn 20 năm để giúp những lập trình viên mong muốn trở thành người quản lí có những kĩ năng lãnh đạo và kinh nghiệm giúp họ thành công trong công việc, anh nói rằng chỉ làm việc tốt thôi là chưa đủ để cho sếp bạn nhận ra mong muốn của bạn, bạn cần phải thẳng thắn đề cập và việc này không hề dễ dàng.
“Gần như tất cả các kỹ sư phần mềm không muốn làm việc khác, do đó, sếp của bạn sẽ không biết rằng bạn muốn nhận được làm quản lý, trừ khi bạn nói như vậy trực tiếp”, ông Long nói. “Thảo luận về mong muốn của bạn để đóng góp nhiều hơn cho công ty và chấp nhận một thử thách mới, điều đó không có nghĩa là bạn đang yêu cầu một điều chỉ có lợi cho bản thân”.
Một cuộc hẹn trực tiếp với sếp để review lại năng lực của bản thân luôn là thời điểm tốt để đề đạt nguyện vọng được thăng chức. Sếp của bạn có thể nói cho bạn biết bạn cần hoàn thiện kĩ năng gì để làm điều đó trở thành hiện thực.
Tìm trợ giúp từ đâu
Bạn có thể dùng kiến thức học được từ trường lớp, kiến thức từ những buổi đi thực tập hoặc tham dự các buổi chia sẻ của những diễn giả đã thành công trong nghề để có những kĩ năng làm công việc quản lí của mình. Tuy nhiên, ngay tại văn phòng của bạn, có rất nhiều cơ hội và cách thức để giúp bạn có thể đưa ra những quyết định chính xác trong công việc.
Nhiều người nói rằng họ cảm thấy kiến thức từ sách vở, trường lớp không giúp họ nhiều trong công việc quản lí bằng nhận những lời góp ý từ đồng nghiệp, từ sếp, từ team của họ, và quan sát những người thành công trước đó để có một hình mẫu học tập xem điều gì đã làm họ làm việc hiệu quả tới vậy.
“Tìm những người có kinh nghiệm”, Giáo sư Hutley chia sẻ. “Đó không cần phải là những nhà cố vấn, mặc dù họ làm điều đó rất tốt. Tìm những nhà quản lí mà bạn ngưỡng mộ, những người mà thể hiện chất lượng trong công việc, người mà bạn mong muốn được trở nên giống họ. Sau đó quan sát họ tới khi bạn hiểu tại sao bạn lại ngưỡng mộ họ đến thế : Làm thế nào mà họ có thể kiểm soát những tình huống như vậy? Cách họ ăn mặc, diễn thuyết một vấn đề, cử chỉ, phong thái,…
Bắt đầu thay đổi:
Dưới đây là một số lời khuyên để bạn bắt đầu thay đổi:
Đầu tiên, hãy sẵn sàng cho sự thay đổi hoàn toàn của sự nghiệp. Sẽ chẳng có các thông số kĩ thuật hay cách tính toán nào trong việc quản lí con người. Là một người quản lí, 90% công việc của bạn sẽ là thuyết phục người khác, một công việc không thể hoàn thành nếu chỉ dựa vào logic và lí lẽ.
Phần thứ hai là một phần rất khó khăn. Liệu bạn đã sẵn sàng nới lỏng quyền kiểm soát và để nhân viên tự do làm công việc của họ?
“Những người quản lí tệ nhất là những người luôn cố để điều khiển người khác phải làm theo cách của mình”, ông Long nói “Tiếc rằng những người quản lí cầu toàn đó luôn nghĩ rằng họ đúng”. Nếu người quản lí hiểu rằng cống hiến bản than mình để chỉ dẫn, trợ giúp và ủng hộ nhân viên thì bạn sẽ là một quản lí tuyệt vời. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu điều này.
Điều gì sẽ xảy ra nếu team của bạn có những người từng là đồng nghiệp của bạn? Bạn sẽ giữ mối quan hệ bạn bè trước đây bằng cách nào?
Bạn vẫn phải tạo một khoảng cách nhất định để giữ sự khách quan và đưa ra những quyết định khó khăn. Rất khó để đưa ra những nhận xét tiêu cực, và điều đó khó cho cả hai phía chứ không riêng gì người leader. Tuy vật, bạn không nhất thiết phải xa cách hoàn toàn với những người đồng nghiệp cũ.
Hãy để những cộng sự của bạn phát triển kĩ năng của họ, mặc dù họ có thể thất bại khi tự làm việc gì đó nhưng điều đó là không thể tránh khỏi. Một lần nữa, kĩ năng giao tiếp, thuyết phục và giữ bình tĩnh trong thời điểm khó khăn sẽ không đến một cách tự nhiên nhưng bạn có thể học điều đó.
Hãy nghĩ kĩ trước khi thay đổi
Những kĩ sư giờ đã thành quản lí đôi lúc ước ao được quay lại thời điểm mà lập trình, gõ những dòng code là công việc chính, giờ đây công việc chính của họ là quản lí ngân sách, con người và sản phẩm.
Là một nhà quản lí, trách nhiệm của bạn sẽ không còn là tự tay hoàn thành công việc mà là giúp đỡ người khác hoàn thành công việc. Bây giờ vấn đề của bạn sẽ là hành xử ra sao với thái độ, hành vi của nhân viên, và rất nhiều những vấn đề về đạo đức khác của họ.
Và một suy nghĩ cuối cùng trước khi leo lên bậc tiếp theo của sự nghiệp. Làm quản lí chưa chắc đã được mức đãi ngộ tốt hơn so với một kĩ sư giỏi. Giờ đây, các kĩ sư hàng đầu trong ngành đang được trả một mức lương chẳng kém gì so với những người quản lí nếu không muốn nói là cao hơn.
Vì vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi chọn thay đổi sự nghiệp của mình, đảm bảo rằng bạn chọn sự nghiệp đó là vì niềm đam mê muốn lãnh đạo chứ không phải là vì tiền.
TopDev tổng hợp từ Internet