24/08/2018, 00:02

Con đường sự nghiệp của một Lập trình viên!

Có một sự thật đắng lòng mà nhiều lập trình viên không muốn phải đối mặt đó là sự nghiệp lập trình của họ sẽ tiến đến một đỉnh cao và sau đó là một sự suy tàn không thể tránh khỏi. Cuối cùng sẽ rất khó khăn để bạn có thể tìm thấy và giữ được một công việc với tư cách là một lập ...

Có một sự thật đắng lòng mà nhiều lập trình viên không muốn phải đối mặt đó là sự nghiệp lập trình của họ sẽ tiến đến một đỉnh cao và sau đó là một sự suy tàn không thể tránh khỏi. Cuối cùng sẽ rất khó khăn để bạn có thể tìm thấy và giữ được một công việc với tư cách là một lập trình viên. Đối với nhiều người, họ phát hiện ra sự thật này mà không chuẩn bị trước và thường bị sốc. Ở bài viết này chúng ta sẽ cùng đề cập tới một số thông tin nghề nghiệp quan trọng mà bạn cần phải suy nghĩ, từ đó có thể chuẩn bị trước cho tương lai của mình.

Nghề lập trình, 2 – 3 năm đầu chỉ là khởi điểm

Có thể bạn quan tâm:

  Cựu kỹ sư của Microsoft bị bắt vì có liên quan đến lừa đảo qua mạng
  Một số tips để nâng cao hoạt động ứng dụng Web của bạn

Đa phần các Lập trình viên khi mới vào nghề thường rất ham học hỏi, muốn thử sức trên rất nhiều ngôn ngữ và vai trò khác nhau.

Không ít nhà tuyển dụng phải lắc đầu đầy tiếc nuối, khi gặp những lập trình viên rất tiềm năng, nhưng sau hai đến ba năm đầu chinh chiến, họ chưa khẳng định được hướng đi của bản thân, kinh nghiệm của họ chưa rõ ràng trong bất kỳ vai trò nào. Điều này gây khó khăn cho nhà tuyển dụng khi cân nhắc cho các vị trí senior hơn.

Mới tốt nghiệp, bạn tham gia những buổi phỏng vấn đầu tiên, Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá tiềm năng của bạn qua hàng tá những bài test, kiến thức căn bản về lập trình, khả năng tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề, và cả tính cách, sự phù hợp với môi trường làm việc, … Khi đó, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng một núi kiến thức và kỹ năng lý thuyết để có thể vượt qua được thử thách đầu tiên này. Tuy nhiên sau 2 – 3 năm làm việc, nhìn lại quá trình cố gắng và phát triển bản thân, nếu bạn chỉ khựng lại ở 1 điểm thôi, thì bản thân cũng sẽ trượt dốc ngay vì công nghệ không ngừng thay đổi, nên người làm công nghệ không được phép dừng lại, dù chỉ một giây

Đã đến lúc bạn phải xác định được con đường đi cho chính bản thân mình, vạch ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để từng bước đạt được nó.

Những nhánh nghề chính của con đường sự nghiệp

Từ góc nhìn khái quát, con đường sự nghiệp của software developer có thể chia làm 3 hướng chính: Career developer, Freelancer, và Entrepreneur.

Cụ thể như sau:

  • Career developer – Phát triển kỹ năng

Trên thực tế, hầu hết các Lập trình viên, hoặc tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ đều là các Developer. Developer làm việc toàn thời gian cho một công ty/tổ chức và nhận lương từ đơn vị này. Hầu hết họ đều muốn chọn công ty phù hợp để gắn bó lâu dài, đôi khi có thể nhảy việc do không phù hợp với môi trường, để tăng lương, hay thăng chức, …

Đây là con đường nghề nghiệp phổ biến nhất và gần như mặc định cho một Developer

Với con đường sự nghiệp của Fulltime developer, bạn có thể đạt được các level sau:

  1. Khởi điểm chung: Fresher/Junior Developer, Developer
  2. Hướng quản lý: Team Leader, Project Manager, Manager/Director
  3. Hướng kỹ thuật: Senior Developer, Technical Lead, Software Architect, CTO (Chief Technical Officer – Giám đốc Kĩ thuật)
  • Freelancer developer – Lính đánh thuê

Một nhà phát triển phần mềm tự do, tự làm việc, thời vụ, không cộng tác dài hạn hày trở thành nhân viên chính thức của bất kỳ tổ chức doanh nghiệp nào.

Hấp dẫn hơn nữa khi trở thành một freelancer là bạn không cần phải tất bật thức dậy vào mỗi sáng, lao đến công ty để “điểm danh” chịu ánh nhìn khó chịu của sếp khi đi làm muộn hay tuân thủ những luật lệ gò bó cứng nhắc tại cơ quan.

Bạn có thể thoả sức tung hoành, nghỉ hay làm tuỳ thích, chọn lựa công việc, dự án mà bạn thấy sẽ mang lại lợi ích cùng tiền thù lao tương xứng. Tóm lại bạn được hoàn toàn chủ động về mặt thời gian, làm chủ và điều khiển những gì mình đang làm và muốn làm mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai.

Không phải ai cũng làm Freelancer được. Sau khi bạn đã trang bị đủ kinh nghiệm trong việc phát triển các dự án thực tế, đó là lúc bạn đã sẵn sàng để làm việc như một freelancer.

  • Entrepreneur developer

Entrepreneur thường được hiểu là doanh nhân, chủ doanh nghiệp, có khi là nhà khởi nghiệp. Trong ngữ cảnh này, nó được hiểu là người tự phát triển sản phẩm cho riêng mình, trực tiếp kinh doan và phân phối sản phẩm đó đến người dùng.

Ví dụ: Xây dựng app rồi bán trên Google Store, Viết Blogs, …

Tự phát triển sản phẩm cho chính mình. Tự kinh doanh sản phẩm do mình làm ra. Cả một bầu trời tự do! (Thậm chí còn tự do hơn cả Freelance Developer – những người thực ra vẫn chịu sự quản lý/giám sát của khách hàng!)

Tuy nhiên, đây không phải con đường bằng phẳng dễ dàng chút nào. Để thành công, bạn sẽ cần thêm rất nhiều kiến thức về thị trường, phát triển sản phẩm, marketing, sự nhạy bén, quyết liệt và cả sự may mắn nữa!

Và ôm đồm cùng lúc từ A đến Z tất cả mọi việc là rất khó, nên khả năng cao là bạn nên thuê người để hỗ trợ, hoặc thành lập doanh nghiệp.

Kết luận

Cơ hội cho các lập trình viên là rất phong phú và dồi dào. Thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện nay đang có nhu cầu cao hơn so với bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử. Đây là một thời điểm tuyệt vời để trở thành một lập trình viên. Nhưng nó sẽ chẳng bao giờ là quá sớm để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình. Tôi hy vọng bài viết này đã cho bạn một số hướng dẫn và những hành trang để bạn có thể chuẩn bị cho tương lai phía trước.

Techtalk via Viblo

0