07/09/2018, 10:33

Evan Spiegel – Từ gã ăn chơi đến chủ startup tỉ đô

Evan Spiegel – nhà đồng sáng lập và cũng là CEO hiện tại của Snapchat đã trở thành hiện tượng khi được công nhận là tỷ phú trẻ tuổi nhất theo tạp chí Forbesr. Không chỉ nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ 1,5 tỷ dollar ở tuổi 25, thiên tài hay “ gã điên” của giới công nghệ ...

Evan Spiegel – nhà đồng sáng lập và cũng là CEO hiện tại của Snapchat đã trở thành hiện tượng khi được công nhận là tỷ phú trẻ tuổi nhất theo tạp chí Forbesr. Không chỉ nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ 1,5 tỷ dollar ở tuổi 25, thiên tài hay “ gã điên” của giới công nghệ Evan Spiegel còn được biết tới như một cậu bé vàng của thung lũng Sillicon với lý lịch trong mơ, một tay ăn chơi có tiếng tại đại học Stanford dám bỏ học để theo đuổi tham vọng của mình và hiện tại là hôn phu của thiên thần Victoria Secret Miranda Kerr.

Bất kể dư luận về Evan Spiegel là như thế nào, thành công mà anh đạt được với Snapchat là không thể phủ nhận. Snapchat là ứng dụng gửi tin nhắn tự hủy : người dùng gửi tin nhắn cho nhau, các tin nhắn sẽ biến mất ngay sau đó. Trái với những hoài nghi ban đầu cho rằng đây là một ứng dụng “dở hơi”, “điên khùng” – Snapchat đã tạo nên cơn sốt cực lớn thay đổi cách giao tiếp của giới trẻ hiện nay, đồng thời thu hút các thương hiệu, nhà quảng cáo….

1. “Tôi là một chàng trai trẻ da trắng, được giáo dục tốt. Tôi thực sự, thực sự rất may mắn”

Sinh ra và lớn lên trong khu vực sang trọng Pacific Palisades của Los Angeles, Evan là con trai của gia đình luật sư nổi tiếng tốt nghiệp trường Ivy League. Anh có một tuổi thơ vương giả xa hoa với những chiếc xe hơi đắt tiền, những kỳ nghỉ xa hoa và khoản tiêu vặt khổng lồ. Sau khi tốt nghiệp từ Crossroads, một trường trung học tư nhân ở Santa Monica – California, Spieel theo học tại Stanford – trường cũ của cha anh – với chuyên ngành thiết kế sản phẩm.
Evan Spiegel luôn ý thức được mình là một người may mắn đến mức nào. Nhận thức được về lợi thế của mình, Spiegel biết rằng phải biết tận dụng những thuận lợi đó và tiếp tục cố gắng không ngừng mới có thể thành công. Anh cho rằng “ vấn đề quan trọng không phải là làm việc, mà là làm việc có hệ thống

Tại Stanford, anh đã làm được điều đó. Anh đã liên hệ và gặp gỡ với những người có ảnh hưởng bao gồm chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt và đồng sáng lập kiêm chủ tịch điều hành của Intuit Scott Cook – người đã giúp Spiegel có được công việc tại các công ty công nghệ trong khi anh vẫn còn là một sinh viên.

2.“Biết xin lỗi khi mắc sai lầm luôn là ưu tiên của tôi”

Là một trong những người có tài sản cực lớn với tuổi đời rất trẻ, Evan Spiegel luôn thu hút ánh nhìn của giới báo chí, đặc biệt là cuộc sống đời tư trong quá khứ của anh. Trong tháng 5 năm 2014, trang blog công nghệ Valleywag đã lan truyền những email được gửi bởi Evan Spiegel, khi đó vẫn là một sinh viên năm cuối tại Stanford. Chủ đề lặp đi lặp lại của những email này bao gồm cả tình dục, kỳ thị hôn nhân đồng tính và trọng nam khinh nữ. Những nội dung đó là quá rõ ràng và không thể bào chữa, Spiegel đã tự thanh minh khi nói rằng tại thời điểm viết những email đó anh mới chỉ có 23 tuổi và anh cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều sau khoảng thời gian đó.

Phản ứng về vụ việc này, Spiegel đã đưa ra lời xin lỗi thể hiện sự hối hận của mình. “Tôi thực sự hối tiếc vì đã viết những email đó và tôi thật xuẩn ngốc khi viết như vậy. Chúng không phản ánh con người tôi ngày hôm nay hoặc quan điểm của tôi đối với phụ nữ”.

Trong Lễ trao bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Nam California năm 2015, Spiegel đã viện dẫn đến chuyện các bức email này khi chia sẻ rằng, “Bạn có thể sẽ mắc rất nhiều sai lầm. Tôi cũng đã mắc hàng tấn sai lầm – một số trong đó đã được công khai – và bạn sẽ cảm thấy thật kinh khủng, nhưng rồi sẽ ổn thôi. Chỉ cần bạn xin lỗi một cách nhanh chóng nhất có thể và cầu xin sự tha thứ”.Bạn không thể xóa bỏ những sai lầm mà bạn đã mắc phải, nhưng bạn luôn có thể xin lỗi và hy vọng vào điều tốt đẹp nhất.

3.Giá trị của việc chia sẻ những khoảnh khắc chỉ tồn tại trong chốc lát”

Ý nghĩ tưởng chừng như điên rồ và trái với quan niệm thông thường của tất cả mọi người này đã mang về cho “gã điên” thiên tài Evan Spiegel hàng triệu đô-la. Suy nghĩ của Spiegel là người ta chẳng nên cố gắng xây dựng một “bức tường thông tin” của họ trên mạng xã hội làm gì, họ chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, những cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau.

Và bắt nguồn từ đó, vào tháng 9 năm 2011 hay cũng chính là thời điểm đỉnh cao phát triển của Facebook, Snapchat của Spiegel xuất hiện như một hiện tượng của làng công nghệ. Ý tưởng độc đáo về một ứng dụng nhắn tin… tự động xóa tin nhắn sau khi người đọc đã xem giúp Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ. Ứng dụng này được ưa chuộng bởi người ta có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà chắng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook. Với Snapchat, mọi thứ chỉ đơn giản là giao tiếp, chia sẻ và… quên nó đi (bạn có muốn nhớ cũng chịu vì Snapchat sẽ tự động xóa tin nhắn).

Thay vì đa dạng chức năng như nhiều mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin hiện nay, Snapchat theo đuổi lối thiết kế đơn giản đến mức nó chẳng có tính năng nào khác ngoài chụp ảnh, quay video, gửi tin nhắn đến bạn bè trong danh sách.

Thế nhưng Snapchat là một sản phẩm thành công, ít nhất là tính cho tới thời điểm hiện tại. Sau khi từ chối lời đề nghị mua lại của Facebook (3 tỷ USD) và Google (4 tỷ USD), giờ đây Snapchat được định giá thị trường lên tới 16 tỷ USD. Ứng dụng “điên rồ” của Spiegel đã trở thành một trong những sản phẩm công nghệ đáng chú ý nhất thế giới hiện nay.

4. “Tôi luốn muốn mình là một nhà lãnh đạo tài ba”

Người ta biết đến một Spiegel không chỉ vì ý tưởng lập dị tạo nên ứng dụng Snapchat đình đám mà còn là thương vụ giữa anh và Mark Zuckerberg – CEO của Facebook. Ở thời điểm năm 2012, khi Snapchat còn rất non trẻ và Evan Spiegel chẳng phải là một nhân vật nổi tiếng thì Mark đã chú ý tới anh. Lí do thì có lẽ ai cũng đoán ra: sự ra đời của Snapchat và sự yêu thích của giới trẻ dành cho nó đủ để khiến Facebook lo ngại.

Mark Zuckerberg gửi tới chàng trai trẻ lời thách thức bằng cách giới thiệu cho họ Poke, một ứng dụng mới của Facebook với tính năng gần như y hệt. Đáp lại lời tuyên chiến, Spiegel chỉ lịch sự từ chối lời đề nghị từ ông lớn của Facebook. Và điều thần kì đã xảy ra, từ một ứng dụng cực hot thời điểm ra mắt, chỉ sau 3 ngày Poke nhanh chóng lụi tàn và bị chính Snapchat đá bay khỏi vị trí top 1 trên App Store.

Đến đây, chắc nhiều người sẽ hiểu được tại sao Mark một lần nữa liên lạc với Spiegel vào năm 2013 để đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Với nhiều chuyên gia phân tích, đây là cái giá điên rồ cho một ứng dụng OTT chỉ 2 năm tuổi và chưa từng tạo ra bất cứ đồng lợi nhuận nào. Thế nhưng còn “điên” hơn cả quyết định của Mark, Spiegel đã đáp đơn giản: “Không”.

5. “Video? Phải xem chiều dọc mới đúng!”

Suy nghĩ “lập dị” góp phần tạo nên phong cách làm việc vô cùng độc đáo của Spiegel. Sau khi phát triển bùng nổ và có hơn 100 triệu người dùng thường xuyên, Snapchat cũng bắt đầu xây dựng nội dung quảng cáo cho video. Vậy nhưng thay vì chấp nhận quảng cáo màn hình ngang (như nhiều video quảng cáo hiện nay), Spiegel bắt các nhà quảng cáo phải… làm quảng cáo cho video chiều dọc. Lí do là bởi anh cho rằng việc phải quay màn hình chiếc smartphone sang ngang để xem video là “rất bất tiện”. Với Spiegel, chẳng có gì là bắt buộc cả và anh chỉ muốn làm sao cho kết quả vừa ý nhất.

Quyết định của Spiegel nhận được sự nghi hoặc và thậm chí là quay lưng của nhiều đơn vị quảng cáo. Giá tiền để thuê quảng cáo trên Snapchat lên đến 20 USD cho mỗi 1000 lượt xem là rất cao, thêm vào đó các nhà đầu tư không thể tái sử dụng các đoạn video vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên Facebook, Youtube….Liệu một dịch vụ chưa hề có các công cụ quảng cáo chuyên nghiệp như Snapchat có xứng đáng với số tiền đó?

Đáp lại sự nghi hoặc, Spiegel cho biết anh sẽ không thay đổi quan điểm của mình. Spiegel quyết định như vậy bởi anh chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, và làm người dùng cảm thấy thoải mái mới là điều mà anh hướng đến. Cách suy nghĩ của Spiegel đã thuyết phục được nhiều thương hiệu nổi tiếng. Snapchat đã kí hợp đồng với hơn 11 kênh nội dung, bao gồm cả CNN, MTV, Daily Mail, National Geographic, Yahoo… và mang lại cho Snapchat nguồn lợi nhuận khổng lồ

Chỉ mới 26 tuổi, những gì mà Evan Spiegel làm được có thể xem là một điều thần kỳ. Với tính cách khác người và lối suy nghĩ “điên rồ”, chắc chắn thành công của Spiegel sẽ không chỉ dừng ở đó.

Techtalk Via Viecbonus

0