Giai đoạn lập trình khốn khổ đã kết thúc
Tại sao ở Việt Nam, những tư tưởng và thực hành XP không được coi trọng? Theo tôi quan sát, có ba lý do chính. Một là , ngành CNTT của Việt Nam chủ yếu vẫn đang tiếp cận theo hướng top-down; những vấn đề về công nghệ, phương pháp luận, thực hành vẫn chủ yếu được định hình bởi các ...
Tại sao ở Việt Nam, những tư tưởng và thực hành XP không được coi trọng? Theo tôi quan sát, có ba lý do chính.
Một là, ngành CNTT của Việt Nam chủ yếu vẫn đang tiếp cận theo hướng top-down; những vấn đề về công nghệ, phương pháp luận, thực hành vẫn chủ yếu được định hình bởi các quản lý cấp cao, cấp trung. Và XP thường không bao giờ nằm trong danh sách lựa chọn của những nhà quản lý dự án hay quản lý tổ chức thuần tuý, bởi XP không phải là phương pháp luận về “quản lý”.
Hai là, tên. eXtreme Programming chết bởi cái tên. Kent Beck có lẽ nên chọn một cái tên khác, có thể là vô nghĩa thì tốt hơn. XP cho thấy sự coi trọng hoá programming một cách cực đoan. Và thực sự, điều đó là đúng. Gốc rễ của mọi sản phẩm phần mềm là lập trình. Song nếu như vậy, ngành công nghiệp phần mềm sẽ là quá chật hẹp; và những nhà tư vấn cần phải làm phức tạp nó lên, để mở ra nhiều vị trí khác, nhiều công việc khác. Tư tưởng này được đẩy tới những nhà quản lý, và họ thành ra không coi trọng vấn đề lập trình; họ hiểu rằng để làm ra sản phẩm phần mềm phức tạp, thì tổ chức phải cần những phương pháp phức tạp; và nhiều công việc, nhiều quản lý chính là cách hiện thực hoá điều đó. Có lẽ eXtreme Managing sẽ được lòng hơn là eXtreme Programming.
Và dẫn tới lý do thứ 3 thị trường XP ngày càng yếu. Những nhà tư vấn, đào tạo không hào hứng với việc đào tạo XP. XP là những gì hand-on rất cụ thể, tốn kém hơn, nhưng nhu cầu ít hơn, là mảnh đất khô cằn của thị trường tư vấn, đào tạo; trong khi những phương pháp quản lý tiếp tục lên ngôi trên một mảnh đất màu mỡ hơn. Và do ít được đào tạo, XP ít được biết đến và ít được thực hành; nên dữ liệu cũng ít, nên càng khó chứng minh được sức mạnh một cách rõ ràng.
Vậy là XP chết.
Đó là tình hình ở Việt Nam. Trên thế giới? XP cũng đã chết. Ít nhất là cái tên.
Ở Việt Nam, các tổ chức không coi trọng XP, họ coi trọng những phương pháp luận về quản lý dự án và quản lý tổ chức mới. Họ mải miết với việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, vui vẻ. Nhưng vui vẻ sao được khi chất lượng sản phẩm không cao? Vui vẻ sao được khi các lập trình viên phải fix bug trên production? Phải căng thẳng khi merge code và lo lắng rằng việc deploy không thành công? Phải để tester chờ tới đêm mới có một bản build?
Trên thế giới, trừ một số người “học hành tử tế”, bây giờ cũng ít ai nhắc tới XP. Nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. TDD, pair programming, code refactoring… là những khái niệm và thực hành rất căn bản, ai cũng có thể làm. Continuous Integration (với Jenkins, TeamCity…) xuất hiện ở mọi dự án, đến nỗi người ta không nhớ rằng đó là practices của XP, trừ những người nghiên cứu chi tiết. Và XP chết vì nó đã trở thành bình thường, trở thành “chuẩn” kỹ năng của mọi lập trình viên, không còn là eXtreme nữa. XP là extreme của những năm 2000. Sau gần 20 năm ra đời, XP giờ đây là chuẩn theo nghĩa phổ thông. Hãy thử tìm xem có IDE nào tử tế không hỗ trợ unit test và TDD? Hãy thử tìm xem có framework nào tử tế không có test?
Trong khi thị trường thế giới cạnh tranh gay gắt về những công cụ hỗ trợ tư tưởng, thực hành XP, thì ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa dùng nhiều. XP chết, ở hai nơi, theo hai cách khác nhau.
Techtalk Via Gurunh