Hội nghị toàn cầu về phòng chống mã độc – Avar 2015
Từ ngày 02 đến ngày 04 tháng 12, Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 – AVAR 2015 có quy mô quốc tế về An toàn Thông tin đầu tiên đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam với chủ đề chính: “ Kỷ nguyên Chiến tranh mạng – The Age of Cyber ...
Từ ngày 02 đến ngày 04 tháng 12, Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 – AVAR 2015 có quy mô quốc tế về An toàn Thông tin đầu tiên đã được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam với chủ đề chính: “Kỷ nguyên Chiến tranh mạng – The Age of Cyber Warfare”.
Hội nghị có sự góp mặt của ông Allan Dyer – Chủ tịch hiệp hội AVAR, Ông Mikko Hypponen – Giám đốc nghiên cứu F-Secure Phần Lan, Ông Dennis Batchelder – Giám đốc nghiên cứu Trung tâm phòng chống mã độc toàn cầu Microsoft… cùng hơn 150 chuyên gia hàng đầu về An ninh mạng, các Giám đốc Công nghệ, Giám đốc Bảo mật, các Phó Chủ tịch phụ trách An toàn Thông tin đến từ 50 hãng sản xuất phần mềm chống mã độc danh tiếng nhất thế giới như Intel (McAfee), Symantec, Kaspersky, Microsoft, BitDefender, Huawei, Baidu,…
Về phía Việt Nam có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Phan Diễn – Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Tổng Cục Cảnh sát Bộ Công an, Thiếu tướng Lê Danh Cường – Cục trưởng Cục Khoa học kỹ thuật B42 Tổng Cục 5 Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào – Phó Trưởng ban cơ yếu Chính phủ, ông Đặng Đức Mai – Cục Tin học & Thống kê Bộ Tài chính, ông Nguyễn Công Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, ông Nguyễn Trung Chính – Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC… cùng các Lãnh đạo cấp cao đến từ các cơ quan Chính phủ, Bộ, Ban ngành Nhà nước như: Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng,… Tập đoàn Công nghệ CMC và các đơn vị khác thuộc khối doanh nghiệp.
Khai mạc Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã đọc thư chúc mừng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi Hội nghị. Trong thư Phó Chủ tịch nước có viết: “Tại Hội nghị AVAR 2015, Việt Nam không chỉ được đón tiếp những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực An ninh An toàn Thông tin mà còn chính thức ghi dấu trên bản đồ công nghệ thế giới về một lĩnh vực chuyên sâu và cao cấp nhất, lĩnh vực An ninh Bảo mật”. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng cho hay, ông nhiệt liệt hoan nghênh một sự kiện quốc tế về An ninh An toàn Thông tin lần đầu tiên đã được tổ chức tại Việt Nam. Ông đã thông báo vắn tắt trước Hội nghị về hoạt động An ninh An toàn Thông tin nước nhà, đặc biệt là việc thông qua Luật An ninh An toàn Thông tin mạng và phối hợp tổ chức thành công ngày An ninh An toàn Thông tin Việt Nam (11/11). Ông cũng hy vọng sự thành công của Hội nghị sẽ góp phần xây dựng và đảm bảo một thế giới số an toàn.
Trong 02 ngày 03 – 04/12, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực An ninh An toàn Thông tin trên toàn cầu sẽ tập hợp và bàn xét mọi khía cạnh nóng nhất và khó nhất trong “kỷ nguyên chiến tranh mạng”.
Ngày đầu tiên Hội nghị sẽ được nghe bài diễn thuyết của những nhân vật “đình đám” nhất trong giới Bảo mật đó là: Mikko Hypponen – một trong những “huyền thoại” về An ninh An toàn Thông tin của thế giới, Dennis Batchelder – Giám đốc Trung tâm phòng chống mã độc Microsoft và Righard Zwienenberg – Chủ tịch tiêu chuẩn đánh giá phần mềm mã độc.
Diễn giả chính của Hội nghị – ông Mikko Hypponen, người đứng vị trí thứ 61 trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” và “50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet” đã có bài diễn thuyết với chủ đề: “Bảo vệ cho tương lai”. Ông Mikko Hypponen đặc biệt nhấn mạnh về các mối nguy cơ đang de dọa an toàn mạng và ảnh hưởng của chúng trong tương lai tới Chính phủ mạng, các dạng khủng bố và tội phạm mạng. Từ đó, ông đã đưa ra các xu hướng an ninh cần bảo vệ cho tương lai như vấn đề giao thông, ứng dụng Internet of Things và đồng tiền ảo….
Bằng những dẫn chứng, số liệu hết sức cụ thể, Giám đốc Trung tâm phòng chống mã độc Microsoft – Dennis Batchelder – đã trình bày về mối nguy với người dùng cuối theo từng nhóm tuổi, giới tính…. khi sử dụng Internet qua các máy tính bị tấn công và nhiễm mã độc. Qua đây, các cách bảo vệ từ Microsoft cũng được ông giới thiệu.
Diễn giả Righard Zwienenberg trong bài diễn thuyết của mình lại đề cập tới vấn đề hợp tác chia sẻ thông tin giữa các công ty làm về phòng chống mã độc trên toàn cầu nhằm giải quyết các mối nguy có hiện hữu trên toàn cầu. Chỉ ra điểm đc cần phát huy và điểm chưa được cần khắc phục.
Đại diện cho giới Bảo mật Việt Nam trình bày tại Hội nghị năm nay là hai chuyên gia Nguyễn Lê Thành & Nguyễn Phi Kha đến từ nhóm VNSECURITY, nhóm nghiên cứu Bảo mật hàng đầu tại Việt Nam. Hai diễn giả đã có bài chia sẻ chi tiết về một số hoạt động tấn công, bao gồm kỹ thuật tấn công, các công cụ, các phần mềm độc hại được sử dụng đồng thời thuyết minh về các kỹ thuật hữu ích, các công cụ để phát hiện và phân tích mã độc. Có thể thấy, Việt Nam hiện vẫn đang là mục tiêu của các cuộc tấn công có chủ đích, tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy chi tiết về các cuộc tấn công như vậy. Các cuộc tấn công nhắm đến mục tiêu là các tổ chức viễn thông, Internet hàng đầu tại Việt Nam trong nhiều năm liền. Hầu hết các cuộc tấn công đều được vận hành chuyên nghiệp, tinh vi và được hậu thuẫn bởi các tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên hầu hết các tổ chức tại Việt Nam hoặc là không nhận thức được các cuộc tấn công, hoặc là không có giải pháp để phát hiện và ngăn chặn chúng.
Cùng với những bài thuyết trình của các diễn giả chính, tại ngày thứ hai của Hội nghị, các thành viên sẽ được tham dự 20 phiên trình bày và thảo luận khác từ các diễn giả đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực Bảo mật như AV Test, Tencent, AVIRA, Quick Heal, Kaspersky, BitDefender, Symantec, Trendmicro… Xoay quanh chủ đề chính, các nội dung về các cuộc tấn công có chủ đích, các cuộc tấn công trong không gian mạng, đảm bảo an toàn trong kỷ nguyên Internet of Things và bảo vệ điện thoại thông minh….thu hút rất nhiều sự chú ý và bàn luận của các hội viên cũng như khách mời của Hội nghị.
Bên cạnh phần Hội thảo, các diễn giả cũng như khách mời của Hội nghị đã cùng thưởng thức đan xen các tiết mục văn hóa nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Tour du lịch khám phá thành phố xinh đẹp – Đà Nẵng với những thắng cảnh nổi tiếng và ẩm thực giàu phong vị địa phương cũng sẽ là điểm nhấn đặc biệt, tạo ấn tượng tốt đẹp cho các vị khách quốc tế đến với Hội nghị lần này.
Hy vọng, Hội nghị AVAR 2015 đã là nơi kết nối, giúp cho các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam có được cơ hội gặp gỡ các chuyên gia Bảo mật tầm cỡ quốc tế và giúp người dùng Internet nói chung nhận thức đầy đủ hơn về tính hai mặt của Internet. “Internet không chỉ đem lại vô vàn lợi ích về giải trí, học tập, Chính phủ điện tử… mà Internet còn rất không an toàn, không an toàn với mọi thành phần tham gia – trải rộng từ thiết bị cá nhân đến hạ tầng Chính phủ” (Dẫn lời Chủ tịch AVAR 2015, Tổng Giám đốc CMC InfoSec – Triệu Trần Đức).
Dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông và được ủy quyền của Hiệp hội AVAR từ Hồng Kông, Tập đoàn Công nghệ CMC vinh dự đại diện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị AVAR 2015.