11/08/2018, 20:30

JAVASCRIPT WEB WORKER – CHẠY JAVASCRIPT Ở BACKGROUND

Có thể bạn thừa biết, JavaScript là một ngôn ngữ chạy đơn luồng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn thực hiện một tác vụ quá lớn trên giao diện chính thì khả năng cao là giao diện sẽ bị đơ. Để giải quyết vấn đề này, JavaScript đã đưa ra một khái niệm là Worker. Vậy JavaScript Web Worker là gì và dùng nó ...

Có thể bạn thừa biết, JavaScript là một ngôn ngữ chạy đơn luồng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn thực hiện một tác vụ quá lớn trên giao diện chính thì khả năng cao là giao diện sẽ bị đơ. Để giải quyết vấn đề này, JavaScript đã đưa ra một khái niệm là Worker. Vậy JavaScript Web Worker là gì và dùng nó như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sau đây.

JavaScript Web Worker là gì?

Web Worker là một phương tiện đơn giản giúp cho trang web có thể chạy JavaScipt ở background. Luồng này có thể chạy mà không can thiệp gì đến giao diện chính. Một khi đã được khởi tạo, Worker có thể giao tiếp với luồng chính thông qua việc gửi và nhận message. Vì vậy, khi áp dụng JavaScript Web Worker một cách chính xác và phù hợp, trang web của bạn sẽ hoạt động mượt mà hơn rất nhiều.

Cách sử dụng JavaScript Web Worker

Kiểm tra trình duyệt có hỗ trợ Web Worker hay không

Để kiểm tra xem trình duyệt bạn đang sử dụng có hỗ trợ JavaScript Web Worker hay không, bạn có thể sử dụng typeof:

if (typeof(Worker) !== "undefined") {
    // Có hỗ trợ JavaScript Web Worker
} else {
    // Không hỗ trợ JavaScript Web Worker
}

Tạo file JavaScript cho Web Worker

Một ví dụ đơn giản cho file JavaScript Web Worker:

for(var i = 0; i < 10000000000; i++) {
  if (i % 1000000000 == 0) postMessage(i);
}

self.onmessage = function(msg) {
  // Được gọi khi có message gửi từ luồng chính
}

Khởi tạo Web Worker

Giả sử bạn đã tạo một file web_worker.js. Để khởi tạo Web Worker, bạn làm như sau:

var w;

function startWorker() {
    // Kiểm tra xem trình duyệt có hỗ trợ JavaScript Web Worker
    if(typeof(Worker) !== "undefined") {
        // Kiểm tra đối tượng Web Worker đã được khởi tạo hay chưa
        if(typeof(w) == "undefined") {
            // Khởi tạo Web Worker
            w = new Worker("web_worker.js");
        }
        w.onmessage = function(event) {
            // Được gọi khi có message từ Web Worker gửi đến
        };
        w.onerror = function() {
            // Khi có lỗi xảy ra với Web Worker
        };
    } else {
       // Trình duyệt không hỗ trợ JavaScript Web Worker
    }
}

Bạn thấy sau khi khởi tạo JavaScript Web Worker, ta có thể implement hai function quan trọng là Worker.onmessage và Worker.onerror để xử lý event. Trong đó, Worker.onerror được gọi khi có lỗi với Web Worker sau khi khởi tạo. Và Worker.onmessage được gọi khi có message từ Worker Thread lên giao diện chính.

Dừng Web Worker

Sau khi khởi tạo Web Worker thì code JavaScript ở background sẽ chạy. Để dừng Web Worker lại, bạn có thể sử dụng phương thức terminate().

w.terminate();

Giao tiếp giữa Web Worker ở luồng chính và background

Để có thể thực hiện được điều này, bạn có thể sử dụng phương thức postMessage(), ở cả hai phía luồng chính và background. Khi đó, hàm onmessage() sẽ được gọi ở đầu còn lại. Đối với hàm postMessage() sẽ có hai cách sử dụng:

  • Truyền đi message thông thường.
  • Sử dụng Transferable Object

Truyền Message thông thường

Trong phương pháp này, tham số truyền vào sẽ là một object. Dữ liệu sẽ được copy từ phía gửi sang phía nhận. Ví dụ như sau:

function startWorker() {
  if(typeof(myWorker) != 'undefined') {
    myWorker.postMessage({cmd : 'start', msg : 'hello'});
  } else {
    console.log('[Main]', 'Worker is undefined.');
  }
}

Ở đây object gửi đi sẽ là {cmd : 'start', msg : 'hello'}. Thực tế, object ở đây có thể là bất kì kiểu dữ liệu nào: Number, String, Boolean, Array. Và ở Worker Thread, hàm onmessage sẽ được gọi:

self.onmessage = function(event) {
  handleMessage(event);
}

function handleMessage(event) {
  console.log('[Worker]', 'Worker Thread receives command: ', event.data.cmd, event.data.msg);
  if(event.data.cmd == 'start') {
    for(var i = 0; i <= 10000000000; i++) {
      if(i % 1000000000 == 0) postMessage({cmd : 'resp', msg: i});
    }
  }
  else if(event.data.cmd == 'stop') {
    postMessage({cmd : 'stop', msg: 'Good Bye!'});
    self.close();
  }
}

Object nhận được từ phía giao diện chính sẽ được lấy từ data trong event.

console.log('[Worker]', 'Worker Thread receives command: ', event.data.cmd, event.data.msg);
// => [Worker] Worker Thread receives command: start hello

Để test chức năng này, tôi có chuẩn bị một ví dụ nhỏ trên Github và

mà bạn có thể tham khảo. Cách này có một nhược điểm là nếu như bạn gửi dữ liệu lớn, chẳng hạn 500MB, thì sau khi gửi đi, nó sẽ được sao chép. Vì vậy, tổng dữ liệu chiếm sẽ là 500MB + 500MB = 1GB. Điều đó có thể dẫn đến hết bộ nhớ cho phép. Để khắc phục tình trạng này, ta có thể sử dụng Transferable Object như sau.

Sử dụng Transferable Object

Khi sử dụng Transferable Object, dữ liệu được chuyển toàn bộ từ phía gửi sang phía nhận. Dung lượng dữ liệu phía gửi sẽ bị xóa về 0. Ví dụ: Phía Main Thread:

function startWorker() {
  if(typeof(myWorker) != 'undefined') {
    var arrBuf1 = new ArrayBuffer(1000);
    var arrBuf2 = new ArrayBuffer(100000);

    console.log('[Main]', 'Before Transfering:');
    console.log('[Main]', 'Length of Array Buffer 1:', arrBuf1.byteLength);
    console.log('[Main]', 'Length of Array Buffer 2:', arrBuf2.byteLength);

    myWorker.postMessage({cmd : 'start', buf1 : arrBuf1, buf2 : arrBuf2}, [arrBuf1, arrBuf2]);

    console.log('[Main]', 'After Transfering:');
    console.log('[Main]', 'Length of Array Buffer 1:', arrBuf1.byteLength);
    console.log('[Main]', 'Length of Array Buffer 2:', arrBuf2.byteLength);
  } else {
    console.log('[Main]', 'Worker is undefined.');
  }
}

Phía Worker Thread:

self.onmessage = function(event) {
  handleMessage(event);
}

function handleMessage(event) {
  console.log('[Worker]', 'Worker Thread receives command: ', event.data.cmd);
  if(event.data.cmd == 'start') {
    console.log('[Worker]', 'Length of Array Buffer 1:', event.data.buf1.byteLength);
    console.log('[Worker]', 'Length of Array Buffer 2:', event.data.buf2.byteLength);
  }
}

Ở đây, Transferable Object là ArrayBuffer. Kết quả:

[Main] Init Web Worker
[Main] Before Transfering:
[Main] Length of Array Buffer 1: 1000
[Main] Length of Array Buffer 2: 100000
[Main] After Transfering:
[Main] Length of Array Buffer 1: 0
[Main] Length of Array Buffer 2: 0
// Độ dài của Array Buffer sau khi gửi sẽ là 0 vì nó được chuyển sang phía Worker Thread.

[Worker] Worker Thread receives command: start
[Worker] Length of Array Buffer 1: 1000
[Worker] Length of Array Buffer 2: 100000

Chú ý:

  • Việc thực hiện lệnh tại onmessage sẽ được thực hiện tuần tự. Nghĩa là khi bạn gửi 10 lệnh postMessage, thì ở phía nhận, nó sẽ thực hiện lần lượt từng lệnh một, hết lệnh này mới đến lệnh khác.
  • Worker Thread có thể tự đóng nó bằng cách gọi: self.close().

Bài viết hôm nay dừng lại tại đây. Để tìm hiểu thêm về JavaScript Web Worker thì bạn có thể tìm hiểu thêm ở những link phía dưới đây. Xin chào và hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo trong series JavaScript nâng cao. Thân ái,

Xem thêm

  • HTML5 Web Worker
  • Using Web Worker
  • The basics of Web Worker
  • Web Worker Test
  • Inline Web Worker
  • Web Worker using Transferable Object.
  • Bản gốc: Blog Complete JavaScript

Theo dõi Lam Pham trên Kipalog để nhận thông báo khi có bài viết mới nhất:

  • Facebook Fanpage: Complete JavaScript
  • Facebook Group: Hỏi đáp JavaScript VN
  • Portfoflio : Lam Pham
0