Khái quát về Offshore và nhu cầu BrSE (2/3)
Rất vui được gặp lại các bạn. Ở bài viết trước mình đã giới thiệu với các bạn về khái niệm Phát triển Offshore cũng như khái niệm BrSE (kỹ sư cầu nối). Để tiếp tục, ở bài viết số 2 này mình sẽ giới thiệu với các bạn những kỹ năng mà một BrSE cần phải có để làm việc với tư cách là chiếc cầu nối giữa ...
Rất vui được gặp lại các bạn. Ở bài viết trước mình đã giới thiệu với các bạn về khái niệm Phát triển Offshore cũng như khái niệm BrSE (kỹ sư cầu nối). Để tiếp tục, ở bài viết số 2 này mình sẽ giới thiệu với các bạn những kỹ năng mà một BrSE cần phải có để làm việc với tư cách là chiếc cầu nối giữa 2 đầu dự án. Bên cạnh đó thì mình cũng xin được nói qua về nhu cầu ngày một tăng cao đối với nghề BrSE hiện nay.
4 kỹ năng thiết yếu của một BrSE
Nhắc đến một vai trò quan trọng trong dự án như BrSE thì mọi người thường nghĩ rằng để làm một BrSE thì cần những skill rất khó. Tuy nhiên nếu tạm chia ra thì một BrSE cần sở hữu cho mình 4 skills sau ・Communication skill ・Management skill ・Technical skill ・Cultural differences understanding
Communication skills
Vai trò chính của BrSE là đứng giữa 2 đầu dự án (Nhật - Việt), sẽ là người lắng nghe, phân tích và truyền đạt yêu cầu, thắc mắc,... giữa 2 bên cho nên kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng không thể thiếu. Một người BrSE có kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp việc truyền đạt yêu cầu dự án chính xác, dễ hiểu hơn, giúp giải quyết mâu thuẫn trong trường hợp quan điểm về spec giữa 2 bên khác biệt, xung đột với nhau,...
Management skill
Thời gian gần đây thì BrSE sẽ kiêm luôn cả vai trò quản lý dự án. BrSE sẽ có nhiệm vụ thảo luận và đưa ra mô hình phát triển phù hợp với dự án, đồng thời trong cả quá trình phát triển sẽ quản lý và theo dõi tiến độ của đội dự án. Ngoài việc chọn mô hình phát triển, hay quản lý sao cho kịp tiến độ release,... thì BrSE cũng sẽ phải tiến hành quản lý và theo dõi chất lượng sản phẩm (testing, QA).
Như vậy công việc của BrSE cũng gần giống như một PM vậy. Những người đang định hướng hoặc đang theo sự nghiệp BrSE thì nên học và lấy những chứng chỉ về quản lý dự án như PMP. Điều đó sẽ giúp công việc quản lý dự án dễ dàng hơn. Và tất nhiên, CV của bạn cũng sẽ đẹp hơn khi có thêm những chứng chỉ được công nhận quốc tế có giá trị cao.
Technical skill
Năng lực kỹ thuật ở đây chính là kỹ năng hiểu và phân tích yêu cầu dự án (specifications, requirements), flow phát triển dự án. Ngoài ra thì cũng có trường hợp dự án đòi hỏi BrSE có kinh nghiệm coding, khi đó thì kinh nghiệm, năng lực coding cũng rất cần thiết.
Cultural difference understanding
Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều điểm khác biệt trong văn hoá nói chung và văn hoá làm việc nói riêng. Người BrSE sẽ có nhiệm vụ quản lý và điều chỉnh đội dự án sao cho không xảy ra mẫu thuẫn, xung đột trong phong cách làm việc với phía Nhật Bản. Ví dụ như trường hợp phía Nhật Bản làm việc theo phương pháp phát triển A, nhưng đội phát triển Việt Nam lại quen làm với phương pháp B. Khi đó người kỹ sư cầu nối sẽ phải hiểu được ưu nhược điểm của 2 phương pháp, mô hình phát triển từ đó chọn được phương pháp phát triển phù hợp nhất cho team mình.
Xu hướng gia tăng của phát triển Offshore kéo theo nhu cầu BrSE cũng tăng cao
Tại Nhật Bản thì thiếu hụt nhân lực IT luôn là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp IT cho nên khuynh hướng phát triển Offshore đang ngày một gia tăng. Vì vậy nên nhu cầu BrSE cũng tăng rất cao và đang trở thành một "hot job".
Nhật Bản thường xuyên phải hứng chịu động đất nên số công ty muốn đặt văn phòng làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng
Một trong những lý do chính khiến xu hướng phát triển Offshore ngày càng tăng chính là vụ thiên tai xảy ra ngày 11/3/2011 tại miền đông Nhật Bản. Động đất, sóng thần, thảm hoạ rò rỉ hạt nhân liên tiếp xảy ra khiến các công ty mất đi cả trụ sở làm việc. Hoặc ít hơn thì có những công ty phải dừng hoạt động. Chính vì lo ngại sẽ bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ thiên nhiên như vậy nên số lượng những công ty đặt trụ sở làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng lên. Thậm chí có những công ty không chỉ đặt 1 mà nhiều trụ sở tại nhiều quốc gia khác nhau.
Tuy nhiên, so với lý do trên thì nguyên nhân chính của việc gia tăng phát triển Offshore được cho là việc có thể giảm thiểu rất lớn chi phí phát triển. Dù muốn cắt giảm chi phí nhân lực nhưng chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố được coi trọng hàng đầu cho nên những kỹ sư có trình độ tương đương với kỹ sư Nhật Bản sẽ có rất nhiều cơ hội.
Ngược lại thì cũng có những công ty nước ngoài thuê phát triển Offshore tại Nhật Bản. Nhật Bản nổi tiếng với phong cách làm việc chuyên nghiệp đi cùng với chất lượng sản phẩm rất cao cho nên có nhiều công ty nước ngoài lại muốn thuê các công ty Nhật Bản phát triển Offshore. Phần lớn các công ty này phát triển ở 2 lĩnh vực là ô tô và game.
Phát triển Offshore chủ yếu tập trung ở Đông/Nam/Đông Nam Á
Những năm gần đây, so với Mỹ hay Châu Âu thì phát triển Offshore ở các nước thuộc Đông/Nam/Đông Nam Á đang gia tăng mạnh mẽ hơn. Có 2 nguyên nhân chính cho việc đó là quỹ đất dồi dào và giá nhân công rẻ. Quỹ đất dồi dào sẽ thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc phát triển. Bên cạnh đó thì vật giá, giá nhân công cũng rẻ nên các nước Đông/Nam/Đông Nam Á đang được các công ty Nhật Bản hướng đến nhiều hơn trong việc lựa chọn để phát triển Offshore.
Như vậy nội dung của phần 2 - "Kỹ năng cần thiết của 1 BrSE, xu hướng gia tăng nhu cầu Offshore và BrSE" đến đây xin được kết thúc. Ở phần tiếp theo và cũng là phần cuối, mình xin phép chia sẻ một số thông tin khác liên quan đến nghề BrSE, trong đó có thống kê về mức thu nhập bình quân của một Kỹ sư cầu nối.