26/11/2018, 22:08

Lập trình viên nhí khiến cả hai “ông lớn” Google và Microsoft để mắt tới: Viết code từ năm 6 tuổi, làm CEO khi mới lên 10

Samaira Mehta – cô bé 10 tuổi lớn lên tại thung lũng Silicon đã thu hút sự theo dõi và ngưỡng mộ của nhiều người, đặc biệt là các công ty nổi tiếng trong làng lập trình bởi công việc lập trình viên khi tuổi đời còn rất trẻ. Samaira Mehta là nhà sáng lập kiêm CEO của công ty ...

Samaira Mehta – cô bé 10 tuổi lớn lên tại thung lũng Silicon đã thu hút sự theo dõi và ngưỡng mộ của nhiều người, đặc biệt là các công ty nổi tiếng trong làng lập trình bởi công việc lập trình viên khi tuổi đời còn rất trẻ.

Samaira Mehta là nhà sáng lập kiêm CEO của công ty CoderBunnyz. Cô bé không chỉ nhận được sự công nhận của truyền thông quốc gia mà còn giữ vai trò diễn giả tại nhiều hội nghị được tổ chức tại thung lũng Silicon. Mọi thứ bắt đầu từ khi em mới 8 tuổi và tạo ra một trò chơi có tên CoderBunnyz nhằm dạy những trẻ em khác cách viết code nhưng thực sự thì em đã học viết code kể từ khi lên 6.

“Powerpuff Girl” ngoài đời thực

Trò chơi CoderBunnyz đã giúp cô bé giành được giải nhì với số tiền thưởng lên tới 2.500 USD trong cuộc thi Think Tank Learning năm 2016. Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhân viên marketing tại kênh Cartoon Network, những người đang tìm kiếm những cô gái trẻ có khả năng truyền cảm hứng như những “Powerpuff Girls” (*) đời thực. Mehta trở nên nổi tiếng hơn từ khi nhận lời tham gia vào một số video của Cartoon Network.

Kèm theo đó, cô bé được giới thiệu trên một số bản tin và bắt đầu bán trò chơi của mình trên Amazon. Cô bé hồ hởi chia sẻ với Business Insider: “Chúng cháu bán được 1.000 bộ, thu được khoảng 35.000 USD và trò chơi này xuất hiện trên thị trường chỉ mới một năm”.

Lập trình viên nhí khiến cả hai ông lớn Google và Microsoft để mắt tới: Viết code từ năm 6 tuổi, làm CEO khi mới lên 10 - Ảnh 1.

Bé Samaira Mehta bên giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà cô bé làm được điều này. Khi cho ra mắt trò chơi CoderBunnyz, cô đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cha – một kỹ sư tại Intel và Sun Microsystem về chiến lược marketing.

Mehta đã sử dụng trò chơi để thực hiện các hội thảo về viết code cho các trẻ em đang trong độ tuổi đến trường. Cô cũng tiến hành một chiến dịch mang tên “Yes, 1 Billion Kids Can Code” cho phép những người quan tâm mua tặng nhiều bộ trò chơi này cho các trường hoc. Sau đó, cô bé còn tiến hành nhiều hội thảo nhằm giúp các học sinh ở những trường học đó chơi thật thành thạo.

Mehta cho hay từ đầu 2018 tới nay, đã có tới 106 trường học đã sử dụng trò chơi của em để dạy học sinh về code. “Trong một thế giới có khoảng 1 tỷ trẻ em, có nhiều người sẵn sàng ủng hộ những bộ trò chơi Coder Bunnyz cho các trường học và cho những người cần tới trò chơi này trên toàn thế giới, những người muốn học về code,” Mehta nói thêm.

Doanh thu ổn định khiến Mehta quyết định bắt tay thực hiện dự định tiếp theo: một trò chơi nhằm dạy trẻ em viết code sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Trò chơi mới có tên gọi là CoderMindz và cô bé dự định đây sẽ là AI boardgame đầu tiên.

Giống như CoderBunnyz, trẻ em sẽ được học những nguyên tắc cơ bản của AI với những nội dung như đào tạo một mô hình AI, suy luận và học cách thích nghi. Cuối cùng, những đứa trẻ có thể sử dụng những kỹ năng đó để chế tạo robot. Cô bé phát triển trò chơi này với sự giúp đỡ của em trai, Aadit, 6 tuổi – cùng độ tuổi với Mehta khi cô bé bắt đầu được cha dạy viết code.

Lập trình viên nhí khiến cả hai ông lớn Google và Microsoft để mắt tới: Viết code từ năm 6 tuổi, làm CEO khi mới lên 10 - Ảnh 2.

Em trai cô bé, Aadit Mehta.

Ngôi sao trẻ của thung lũng Silicon

Khi trò chơi ra mắt thành công, Mehta được mời tới nhiều hội thảo, trong đó có khoảng 60 hội thảo được tổ chức tại thung lũng Silicon với hơn 2000 trẻ em. Trong số đó cũng có một loạt các hội thảo được tổ chức tại trụ sở chính của Google ở Mountain View, California (Mỹ). Và đó cũng là nơi em gặp Stacy Sullivan, CCO của Google.

Mehta nói: “Sau nhiều hội thảo tại trụ sở của Google, cháu và cô Sullivan đã nói chuyện với nhau cả tiếng đồng hồ. Cô ấy nói cháu đang làm rất tốt và khi cháu tốt nghiệp đại học, cháu có thể tới làm việc cho Google”. Nữ coder trẻ tuổi tài năng đã đáp lại Sullivan rằng cô bé không biết liệu mình có muốn tới làm việc cho Google hay không vì cô thích làm một doanh nhân hơn.

Trong khi đó, Sullivan và nhiều người ở Google vô cùng ấn tượng với lập trình viên nhỏ tuổi này và mời cô bé làm diễn giả chính tại Hội thảo về đa dạng trong công nghệ diễn ra tại Google Launchpad, một startup của Google ở San Francisco (Mỹ), vào tháng 8.

Ngoài ra, cô bé cũng tham gia hàng loạt các buổi diễn thuyết khác, bao gồm cả một buổi diễn thuyết ở Microsoft và tại Girl’s Festival do World Wide Women (Trung tâm tài nguyên toàn cầu cho phụ nữ và các trẻ em gái về giáo dục, sức khỏe, giải trí, kế hoạch tài chính, công việc và quyền của phụ nữ) tài trợ vào đầu tháng này.

Lập trình viên nhí khiến cả hai ông lớn Google và Microsoft để mắt tới: Viết code từ năm 6 tuổi, làm CEO khi mới lên 10 - Ảnh 3.

Kể từ khi ra mắt trò chơi CoderBunnyz, cô bé cũng có cơ hội gặp gỡ với nhiều tên tuổi lớn khác. Một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của cô là khi nhận được bức thư khích lệ từ cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Cô bé cũng từng gặp Mark Zuckerberg vào dịp Halloween khi cô đi xin kẹo trong khu phố của anh và nói chuyện về công việc viết code của cô. “Cháu cuối cùng đã gặp chú ấy. Chú ấy cho cháu socola. Cháu bảo với chú ấy cháu là một coder trẻ tuổi và chú ấy nói với cháu là cứ tiếp tục đi, cháu đang làm rất tốt,” Mehta nhớ lại.

Mehta hiện đang bắt đầu một loạt các cuộc phỏng vấn trên trang web CoderBunnyz, nơi cô bé giao lưu với những người trong lĩnh vực robot, trò chơi và giáo dục. Trong khi tái đầu tư toàn bộ tiền từ doanh nghiệp trẻ của mình vào việc sản xuất nhiều bộ trò chơi CoderBunnyz hơn và tạo ra trò chơi AI mới, cô bé cũng trích một phần lợi nhuận cho tổ chức từ thiện PATH. “Tổ chức này nhằm giúp đỡ những người vô gia cư và cũng giúp mọi người xây dựng lại các kỹ năng và cháu quan tâm tới người vô gia cư,” cô bé cho hay.

Techtalk via cafef

0