17/09/2018, 16:56

Nguy cơ chiến tranh mạng bùng nổ tại Việt Nam

Trong những ngày vừa qua, hàng trăm website của VN bị tấn công và ngược lại cũng có hàng trăm website của TQ bị các Hacker Việt Nam xâm nhập. Nếu xảy ra chiến tranh mạng bùng nổ tại Việt Nam, các website Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì? Để hiểu rõ hơn về việc này Ban biên tập ...

Trong những ngày vừa qua, hàng trăm website của VN bị tấn công và ngược lại cũng có hàng trăm website của TQ bị các Hacker Việt Nam xâm nhập. Nếu xảy ra chiến tranh mạng bùng nổ tại Việt Nam, các website Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy cơ gì?

Để hiểu rõ hơn về việc này Ban biên tập SecurityDaily xin dẫn một bài viết về nguy cơ chiến tranh mạng của chuyên gia Dương Ngọc Thái (2011), hiện tại thì quan điểm, nhận định cá của Thái về vấn đề này vẫn rất đúng đắn.

Những cuộc tấn công, kêu gọi tấn công, phòng thủ đều xuất phát từ việc “muốn làm gì đó

Trong vài ngàyvừa rồi có khá nhiều website của VN bị tấn công và ngược lại cũng có khá nhiều website của TQ bị hacker Việt Nam xâm nhập. Trên khắp các diễn đàn về an toàn thông tin. Có rất nhiều câu hỏi và lời kêu gọi được đưa ra trên các Group Facebook. Có bạn nói rằng chúng ta phải tiếp tục tấn công, tấn công mạnh hơn nữa. Có bạn phê phán việc tấn công với lý do TQ mạnh hơn VN rất nhiều về hacking và như vậy sẽ gây nên không khi căng thẳng giữa đôi bên. Có bạn hỏi nếu xảy ra chiến tranh mạng (cyber war) thì chúng ta nên làm gì, tấn công lại hay là phòng thủ ra sao. Một số bạn thì tiếp cận theo hướng giúp các quản trị website khắc phục lỗ hổng hoặc cảnh báo để các quản trị biết và phòng ngừa trước. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, dẫu ý kiến có khác nhau, hành động có khác nhau nhưng hầu hết mọi người đều “muốn làm một cái gì đó“, nhất là những bạn đang học và làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin. Đó là một điều rất đáng trân trọng.

Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là những việc hack qua hack lại như vừa qua là hoàn toàn bình thường. Mỗi ngày có hàng trăm hàng ngàn sự vụ như thế, bí mật hay công khai. Không có gì bất thường ở đây cả. Cái khác và cũng là cái làm mọi người phản ứng là lần này không phải vì hack cho vui hay hack vì tiền mà ở đây là hack với động cơ chính trị. Nhưng việc đổi động cơ không làm thay đổi bản chất của hành động này là mấy: một nhóm người, đa số là trẻ, hack đơn giản vì họ có thể hack. Nói cách khác, nếu như trước đây chúng ta không quan tâm đến hiện tượng này, thì bây giờ tôi nghĩ cũng không có lý do gì chính đáng để quan tâm đến nó nhiều hơn trước.

Một người bình thường cũng có thể trở thành một hacker khi có chiến tranh mạng

Thực tế là không cần phải được nhà nước hỗ trợ, không cần phải có trang thiết bị dụng cụ hiện đại, chỉ cần một máy tính kết nối Internet và một ít thời gian, bất kỳ ai ở cả hai phía, với một chút kỹ thuật hacking, đều có thể tự phát thực hiện những vụ tấn công như vừa rồi. Và như chúng ta thấy cả hai phía đều có những “thành công” tương đối. Điều đó nói lên rằng, những nạn nhân trong vụ tấn công vừa qua, nếu không bị tấn công bây giờ bởi TQ, thì ngày mai ngày kia sẽ bị tấn công, bởi các hacker từ Mỹ, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia hay bởi bất kỳ một anh sinh viên chán học nào đó.

Các website này bị xâm nhập đơn giản vì an toàn thông tin không phải là thứ mà người quản lý quan tâm. Đôi khi họ có lý do chính đáng, đôi khi là do họ vô trách nhiệm; nhưng tựu trung lại, họ không quan tâm nhiều đến việc đó. Việc bị TQ phá hoại hay bị anh Tèo nào đó xâm nhập đối với họ đều như nhau. Họ không quan tâm cũng đúng. Thử nhìn xem sau vài ngày hàng trăm và có thể đã lên tới hàng ngàn website bị tấn công, có thiệt hại đáng kể nào về kinh tế hay con người hay không? Nếu tôi là chủ của một cửa hàng bán giày dép, và tôi trả cho FPT 2 triệu/tháng để duy trì một website quảng bá cửa hàng, thì tôi và cả FPT sẽ chẳng bận tâm nếu như website tự dưng bị biến dạng. Không riêng gì website quảng bá doanh nghiệp, website của các cơ quan bộ ngành cũng sẽ cùng chung số phận. Tóm lại, việc các website này bị xâm nhập là không thể tránh khỏi.

Trung quốc có thể lấy chiến tranh mạng làm cái cớ để thực hiện dã tâm của mình?

Tôi không cổ vũ, ủng hộ việc xâm nhập và phá hoại các website TQ của nhiều bạn như thời gian vừa rồi. Giới lãnh đạo TQ đã thể hiện rõ họ sẵn sàng “đổi trắng thay đen”, chà đạp lên sự thật và công lý để đạt được mục tiêu. Do đó hành động xâm nhập website TQ, dẫu chỉ là tự phát, manh mún và cũng chẳng đem đến thiệt hại gì đáng kể cho TQ, có thể sẽ được “nhào nặn” thành một cái cớ có lợi cho TQ hơn là VN, nhất là khi VN là phía khơi mào cho “cuộc chiến” trên mạng hiện nay. Việc này khó có thể xảy ra, nhưng cái “lưỡi bò” vô lý đến thế mà họ còn dám đưa ra, thì tôi tin là chẳng việc gì mà họ không làm. Vả lại sự thật là TQ rất mạnh về hacking (vì họ đông đúc hơn), nên tôi e là những hành động tự phát vừa rồi nếu kéo dài có thể dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho VN, nếu như giới hacker lành nghề của TQ bắt đầu tham gia.

Phát triển an toàn thông tin là việc đầu tư vào con người

An toàn thông tin là một ngành học cần sự đầu tư dài hơi, bởi nó đòi hỏi kiến thức chuyên sâu trong hầu hết các phân ngành của khoa học máy tính cũng như các lĩnh vực khó nhai như mật mã học, xác suất thống kê. Đó là chưa kể kiến thức cơ bản về luật pháp, thiết kế, quản trị, tâm lý và thậm chí kinh tế học hành vi. Sự thật là cho đến bây giờ tôi vẫn luôn là người mới và vẫn học đều đặn mỗi ngày mới hi vọng là sau vài năm nữa mới đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm việc cho tốt. Đó cũng là điều thứ ba mà tôi muốn nói đến: cách duy nhất để có thể chiến thắng, hoặc ít nhất là tự vệ là xây dựng và duy trì một đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu tại chỗ. Dẫu vậy, tôi sẽ không nói về việc chủ động tấn công bởi nó không áp dụng được cho các doanh nghiệp dân sự, đối tượng mà tôi muốn hỗ trợ ở đây, nên tôi chỉ tập trung vào việc làm sao để phòng thủ.

Cần phải nhận ra rằng, đối với một doanh nghiệp, một vụ tấn công có chủ đích (targeted attack) do hacker TQ thực hiện dưới sự chỉ đạo của nhà nước TQ thật ra không khác gì mấy với một vụ tấn công do hacker được thuê bởi một đối thủ kinh doanh nào đó. Vả lại, như đã nói ở trên, bất kỳ một anh sinh viên chán học nào cũng có thể tấn công và xâm nhập vào mạng máy tính của các doanh nghiệp, chỉ vì anh ấy tò mò và không có gì để làm. Đó là còn chưa kể đến hàng ngàn anh học trò khác luôn rình mò lấp ló hễ thấy chỗ nào chui vào được là chui vào. Tôi cho rằng các hacker tham gia vào các vụ tấn công từ cả hai phía trong thời gian vừa qua là thuộc nhóm này. Đây cũng là nhóm ít nguy hiểm nhất, bởi lẽ chúng không phải là dạng tấn công có chủ đích như các nhóm kể trên.

Một sự thật là đa số doanh nghiệp VN tập trung vào các giải pháp “sản xuất hàng loạt” để hòng ngăn chặn nhóm đối tượng tấn công không có chủ đích. Họ mua tường lửa, phần mềm chống virus, thiết bị phát hiện và phòng chống xâm nhập. Họ dành nhiều tiền để đạt các chứng chỉ PCI DSS, ISO 27001. Đã có rất rất nhiều vụ tấn công trong quá khứ và trong một năm vừa qua nhắm vào các công ty đã đầu tư hàng triệu đô la thậm chí là nhà sáng chế của các giải pháp này. Rất nhiều công ty công nghệ lớn của thế giới đã gục ngã khi bị chọn làm đích ngắm. Một khi kẻ tấn công đã chọn bạn làm mục tiêu, thì tất cả những giải pháp “sản xuất hàng loạt” kể trên đều dễ dàng bị vô hiệu hóa. Một phương thức phòng thủ hiệu quả phải là một phương thức có thể phát hiện và ngăn chặn được nhóm đối tượng tấn công có chủ đích. Chỉ có một cách duy nhất là đầu tư vào con người, xây dựng hệ thống chuyên biệt giám sát tất cả các hoạt động của hệ thống thông tin.

Dương Ngọc Thái: là một chuyên gia đầu ngành với kinh nghiệm nhiều năm về An toàn thông tin của Việt Nam. Với rất nhiều các nghiên cứu, công bố, cảnh báo về an toàn thông tin có mức độ ảnh hưởng tới toàn thế giới internet. Hiện tại Dương Ngọc Thái là chuyên gia phụ trách mảng “An Toàn Sản Phẩm” của Google.

0