12/08/2018, 14:08

Tầm quan trọng của việc chia sẻ đối với quá trình học tập

(Nguồn: lược dịch từ trang simpleprogrammer.com) Là một lập trình viên, chúng ta cần dành rất nhiều thời gian để học tập. Thế giới công nghệ luôn chuyển biến từng giờ, từng ngày, dường như là bất khả thi để một người có thể nắm bắt, cập nhật được tất cả mọi thứ. Do đó, khả năng học hỏi kiến thức ...

(Nguồn: lược dịch từ trang simpleprogrammer.com)

Là một lập trình viên, chúng ta cần dành rất nhiều thời gian để học tập. Thế giới công nghệ luôn chuyển biến từng giờ, từng ngày, dường như là bất khả thi để một người có thể nắm bắt, cập nhật được tất cả mọi thứ. Do đó, khả năng học hỏi kiến thức mới nhanh chónghiểu sâu sắc những điều học được là rất quan trọng. Tôi thấy nhiều lập trình viên làm tương đối tốt vế đầu tiên, nhưng vế sau đó thì lại chưa được bởi vì họ còn thiếu điều này: kết hợp học và dạy.

Bí quyết quan trọng: Truyền đạt lại kiến thức cho người khác

Khi tìm hiểu kiến thức, phần lớn chúng ta học nó một cách rời rạc. Ví dụ bạn đọc một cuốn sách, nếu nó là cuốn sách tốt thì tác giả luôn cố gắng trình bày nội dung theo cách dễ nắm bắt. Tương tự với các nguồn tài liệu khác như các video bài giảng hoặc các khóa học online. Tiếc thay, kiến thức chúng ta thu lượm được lại không sắp xếp theo cách ấy.

illustrate.png

Điều thực sự xảy ra trong tâm trí bạn, đó là một mớ bòng bong các kiến thức vụn vặt. Bạn học điều gì đó, nhưng sẽ không thực sự "tiêu hóa" nó cho đến những lần học lại sau này. Khi ấy, bạn hiểu vấn đề rõ ràng hơn, nhưng thực sự thì những tri thức ấy cũng vẫn chưa được tổ chức tốt trong trí nhớ, bất chấp việc bạn đã tiếp cận với nguồn tài liệu tốt đến đâu.

Ngay cả lúc này khi đang viết blog, tôi vẫn đang vật lộn với đống hỗn độn thông tin mà tôi biết về chủ đề này và cố gắng để diễn đạt nó một cách có hiệu quả. Tôi biết mình muốn nói gì nhưng không biết cách thể hiện nó. Chỉ khi viết những suy nghĩ ấy ra, tôi tự buộc mình phải chọn lọc, sắp xếp các kiến thức ấy và khiến chúng trở thành hấp dẫn, có ý nghĩa.

Khi bạn cố gắng dạy lại kiến thức cho người khác, bạn cũng sẽ trải qua quá trình này giống tôi. Bạn cần giải quyết mớ dữ liệu lộn xộn, sắp xếp, cấu trúc lại nó để người khác có thể hiểu được. Quá trình này đòi hỏi bạn phải tổ chức lại cách ghi nhớ thông tin của mình.

Một điều "không thể tránh khỏi" khi chia sẻ tri thức là bạn nhất định sẽ có cơ hội lấp lại các lỗ hổng kiến thức. Lúc ở trong vai trò người học, chúng ta có xu hướng cho rằng mình đã hiểu được nhiều điều. Chúng ta có thể giải một bài toán theo cách rất máy móc và hành động thực hiện theo các bước để đạt được lời giải có thể khiến bạn hài lòng, nhưng việc tìm ra đáp án không có nghĩa là bạn hiểu quy trình ấy. Kiến thức thu được chỉ là tạm thời và nó dễ dàng vuột khỏi tâm trí bạn. Nếu bạn hiểu, nó sẽ ở lại với bạn lâu dài hơn. Hiếm khi chúng ta lãng quên những tri thức mà mình đã hiểu kỹ lưỡng trước đó.

Khi cố gắng chia sẻ hiểu biết với người khác, chúng ta đã "vô tình" ép mình đặt ra câu hỏi quan trọng nhất của quá trình học tập: "Tại sao?". Không có chỗ cho việc hiểu kiến thức hời hợt, nông cạn khi đối mặt với câu hỏi này. Bạn cần hiểu vấn đề sâu sắc để vừa trình bày lại kiến thức, vừa có thể lý giải tại sao nó lại như thế.

Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta cần tìm hiểu, nghiên cứu tỉ mỉ vấn đề. Thỉnh thoảng, bạn chỉ cần ngồi và ngẫm nghĩ kỹ càng về nó trước khi trình bày lại với người khác. Đôi lúc bạn cần viết, nói hoặc vẽ kiến thức ra giấy (hay những thứ khác tương tự giấy) để liên kết chúng với nhau và lĩnh hội chủ đề sâu sắc hơn. Đã có lúc nào bạn đang chia sẻ kiến thức với ai đó và bất chợt nhận ra trước đó mình chưa thực sự hiểu, nhưng khi này bạn đang trình bày nó thật rõ ràng, mạch lạc, cứ y như một chuyên gia vậy? (yeah)

Ai cũng có thể trở thành giáo viên

Với những điều tôi đã trình bày ở trên, có thể bạn đã gật gù đồng ý. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người trong chúng ta lại không phải là giáo viên. Không sao cả, đây là tin tốt lành cho bạn: mọi người đều đã từng hoặc sẽ là giáo viên. Việc dạy bảo, hướng dẫn không phải lúc nào cũng là hoạt động gắn với sách giáo khoa và lớp học. Nhiều khi chỉ đơn giản là bạn sắp xếp lại thông tin mình biết theo cách mà người khác có thể hiểu.

teach.png

Mọi người luôn tham gia vào quá trình giảng dạy này mà đôi khi lại không ý thức được nó. Khi chúng ta giao tiếp với ai đó và nói với họ điều mình biết hoặc cố gắng giải thích một vấn đề, chúng ta đang dạy lại cho họ. Tất nhiên, bạn làm điều này càng nhiều, bạn càng trở nên thành thục hơn và có xu hướng giống với một người giảng dạy chuyên nghiệp.

Bắt đầu viết blog ngay hôm nay

Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu truyền đạt lại kiến thức, và thậm chí còn ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp của bạn, ấy là bắt đầu viết blog. Tôi có nói chuyện với nhiều lập trình viên và họ cho rằng phải đến khi nào đạt được trình độ như một chuyên gia thì mới có thể bắt đầu viết blog. Sự thực là bạn chỉ cần bước trước một bước so với người khác là bạn đã có điều gì đó để chia sẻ với họ. Luôn có những người nào đó ngoài thế giới rộng lớn kia có thể thu được lợi ích từ những kiến thức mà bạn chia sẻ, ngay cả khi bạn chỉ xem mình là một newbie trong một lĩnh vực công nghệ nào đó.

Và khi mới bắt đầu, bạn không nên quá lo lắng cần phải viết blog cho người khác đọc. Bạn đang viết cho chính mình. Quá trình động não để trình bày kiến thức thành văn bản sẽ giúp bạn hiểu nó sâu sắc hơn và tổ chức lại những thông tin ấy trong tâm trí.

Tôi sẽ không nói rằng đây là một hành trình dễ dàng. Khi chúng ta viết những trang blog đầu tiên, nó thực sự không mấy suôn sẻ. Nhưng đừng đắn đo nhiều về chất lượng bài viết. Hãy quan tâm đến cách bạn viết ra các ý tưởng của mình. Theo thời gian, chúng ta sẽ làm tốt hơn và quá trình cụ thể hóa các ý tưởng ra giấy trở nên rất dễ dàng và thú vị!

Dĩ nhiên, như tôi đã nhắc đến ở trên, việc chia sẻ kiến thức với người khác không chỉ bao gồm viết blog. Đơn giản hơn là bạn có thể thực hiện những cuộc trò chuyện với bạn bè, đồng nghiệp hoặc người bạn đời của mình về những điều học được.

Có thể nhờ ai đó hoặc tự mình quay lại video khi bạn đang nói về một chủ đề hoặc đang thực hiện bài trình bày tại nơi làm việc. Sau đó hãy xem lại và rút kinh nghiệm. Bất kể bạn làm gì, nên tạo cho mình thói quen rằng những hành động đó là một phần của quá trình học tập của bản thân. Vì việc học là không ngừng nghỉ!

Chúc bạn thành công.

0