“Thiếu hụt lập trình viên?”- Tất cả chỉ là ngụy biện
Trang techcrunch vừa đề cập một sự thật hiển nhiên tồn tại trong ngành IT nhưng chẳng nhà tuyển dụng nào dám thừa nhận. Thay vào đó, họ ngụy biện rằng:” Chúng ta đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng các lập trình viên giỏi”. Sự thật đó là gì? Ai cũng biết, hiện ...
Trang techcrunch vừa đề cập một sự thật hiển nhiên tồn tại trong ngành IT nhưng chẳng nhà tuyển dụng nào dám thừa nhận. Thay vào đó, họ ngụy biện rằng:” Chúng ta đang trong giai đoạn thiếu hụt trầm trọng các lập trình viên giỏi”. Sự thật đó là gì?
Ai cũng biết, hiện nay tình trạng thiếu hụt nhân lực ở các công ty công nghệ cao luôn nằm ở mức báo động. Một dự báo từ Hội đồng cố vấn về Khoa học và Công nghệ của Mỹ cho biết, vào năm 2020 thế giới sẽ thiếu hơn một triệu lập trình viên chuyên nghiệp. Trên thực tế, hơn 90% các nhà tuyển dụng được khảo sát cũng chia sẻ, họ đang đấu tranh để tuyển dụng và giữ chân các lập trình viên giỏi. Trong khi đó, thất nghiệp cũng là vấn đềđáng quan tâm của rất nhiều sinh viên mới ra trường, thậm chí là sinh viên thuộc khối ngành khoa học – công nghệ.
Vậy chúng ta có tự hỏi tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy – giữa những nhà tuyển dụng và những người đi tìm việc?
Vấn đề nằm ở đâu?
Trên thực tế, cái gọi là “thiếu hụt lập trình viên” chỉ là một lời nói dối – vấn đề thực sự nằm ở các công ty công nghệ, họ có sẵn sàng đầu tư vào thế hệ trẻ tài năng hay không. Hầu hết các công ty công nghệ hiện nay luôn có xu hướng cạnh tranh nhau để tìm kiếm và mời các lập trình viên giỏi nhất đầu quân vào tổ chức của mình. Họ sẵn sàng đưa ra các điều kiện hấp dẫn về mức lương, cơ hội phát triển, môi trường làm việc để thu hút những lập trình viên giỏi nhất, chỉ những lập trình viên giỏi nhất!
Ở các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google họ quản lý lập trình viên của mình như các quân cờ. Họ không để các lập trình viên của mình có cơ hội tiếp xúc với các công ty công nghệ khác. Họ sợ những lập trình viên của mình sẽ bị “Săn” mất. Điều này có lợi cho tổ chức của họ nhưng chính nó đã vô tình đóng lại cánh cửa cơ hội của rất nhiều tài năng – những người đang cần một nơi để phát triển và chứng minh khả năng của họ.
Thật sự, chúng ta không hề thiếu hụt các tài năng trẻ, thậm chí là rất dồi dào. Nhìn nhận một cách khách quan, hầu hết các lập trình viên trẻ nếu được đào tạo, họ sẽ làm tốt công việc rất nhiều. Họ giống như những hạt giống vậy. Vấn đề của chúng ta đó chính là làm sao cho những tài năng, những hạt giống đó phát huy được khả năng mình bằng cách đưa họ vào những môi trường thích hợp.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm phát triển tài năng?
Một mặt, chúng ta có những người nhiệt tình, đam mê nhưng không có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, chúng ta có nhiều nhà tuyển dụng, muốn những người có kinh nghiệm nhưng không muốn tự mình đầu tư. Và giữa họ, chúng ta có các trường đại học, cung cấp cho sinh viên cơ sở giáo dục về khoa học máy tính nhưng lại không cho họ kinh nghiệm thực tiễn. Trong khi đó yêu cầu KINH NGHIỆM lại nằm trong rất nhiều thông báo tuyển dụng của hầu hết các công ty.
Có rất nhiều lập trình viên trẻ và ham học hỏi. Và công việc của trường học chỉ là giáo dục, chứ không phải đào tạo. Do đó nhiệm vụ của việc nuôi dưỡng tài năng nằm ở nhà tuyển dụng. Vậy vấn đề của sự thiếu hụt nhân lực thực sự không nằm ở những người có tài (chúng ta cả một nguồn nhân tài dồi dào và vẫn đang hiện diện như đã nói ở mục trước); Vấn đề nằm ở những nhà tuyển dụng, những người sử dụng lao động – Họ có sẵn sàng hay có khả năng nuôi dưỡng tài năng hay không.
Một số công ty cố gắng khai thác nhân lực từ thực tập sinh nhưng không hiệu quả. Rất ít công ty có thể hỗ trợ thực tập sinh những kinh nghiệm cần thiết như một nhân viên thực thụ. Nhiều công ty không thể hoặc sẽ không trả lương cho thực tập sinh và chỉ đánh giá năng lực qua vài tháng thực tập, cuối cùng là từ chối hợp tác. Điều này là không công bằng. Bởi vì thời gian để một kỹ sư có thể thành thạo mất từ 5 đến 10 năm. Tức là những người sử dụng lao động chỉ muốn được sử dụng những kỹ sư thạo việc nhưng không chấp nhận bỏ ra thời gian đào tạo hay chờ đợi sự phát triển của họ. Vấn đề này sẽ không được giải quyết thông qua những tranh cãi xung quanh các kỹ sư tốt nhất hiện nay; Nó đòi hỏi chúng ta đầu tư vào những người đầy hứa hẹn, thông minh và nhận ra tài năng mà chúng ta hiện đang bỏ qua.
Những rào cản thực sự trong ngành công nghệ.
Hiện nay có rất nhiều người có năng lực và quan tâm đến công nghệ, những có hai rào cản rất lớn : Sự bất bình đẳng về chủng tộc và giới. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến cơ hội của các lập trình viên. Nhưng phải thừa nhận rằng, chất lượng nguồn nhân lực không xuất phát từ họ là dân tộc nào, họ là nam hay nữ.
Những nhà tuyển dụng thông minh sẽ tỉnh táo để chiến đấu chống lại sự bất bình đằng này, điều có thể giúp họ khai thác triệt để giá trị của nguồn nhân lực. Không thể nói dân tộc này thông minh hơn dân tộc kia, điều đó phụ thuộc vào từng cá nhân, chứ không xuất phát từ nguồn gốc tổ tiên họ.
Không chỉ có vấn đề về chủng tộc mà còn là giới tính. Gần đây, số lượng nữ giới tham gia vào ngành công nghiệp máy tính đã nhiều hơn trong vòng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh viên nữ chọn học khoa học máy tính đã giảm đi một nửa so với thời hoàng kim của nó vào giữa những năm 1990. Phụ nữ không còn chọn con đường nghiên cứu nữa, thậm chí việc nữ giới chọn học và tham gia nghiên cứu trở nên đặc biệt. Điều này khiến chúng ta bỏ qua một lượng rất lớn những người đủ đam mê và năng lực trong nghiên cứu dẫn đến sự thiếu hụt.
Những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết từ các nhà tuyển dụng, Khi họ công nhận một cách công bằng về năng lực và khả năng làm việc. Thật sự rất cần những nhà tuyển dụng có tiếng nói tiên phong đứng ra thừa nhận vấn đề này và kêu gọi sự công bằng. Phải công nhận rằng bất cứ ai, nếu đủ khả năng và đam mê thì đều có thể tham gia vào ngành công nghệ cao.
Rất nhiều các công ty công nghệ có xu hướng thuê những người có đặc quyền về bằng cấp, quốc tịch, nơi ở cũng như ngôn ngữ, văn hóa khi có nhu cầu tuyển dụng. Điều đó giúp họ ngăn chặn được những rủi ro về chất lượng nhân lực. Nhưng vẫn còn một rủi ro lớn : “Tuyển những người không đáp ứng được yêu cầu công việc mặc dù họ đủ đặc quyền”. Những yêu cầu đặc quyền đó cũng đánh mất cơ hội gia nhập của những người đủ năng lực nhưng lại không đem lại hiệu quả cho các công ty.
Lời kết.
Cuối cùng, điều chúng ta cần phải làm là giải quyết nguyên nhân, không phải nói về hậu quả. Những người giỏi nhất – và họ nhận ra mình giỏi thì luôn muốn được làm việc tại những công ty tốt nhất. Vì vậy, để giữ chân người giỏi thì những nhà tuyển dụng phải đảm bảo được điều kiện quyền lợi và môi trường tốt nhất đủ để hấp dẫn họ ở lại phát triển và tạo ra giá trị cho công ty.
Và tranh giành những lập trình viên giỏi không phải là cách giải quyết lâu dài. Thay vào đó, tự tạo cho mình thế hệ lập trình viên tiếp theo. Nhà tuyển dụng chỉ cần chủ động đầu tư phát triển nguồn nhân lực tương lai, tức là tạo điều kiện để đầu tư cho những người có khả năng – ngay cả khi một công ty khác có thể cướp đi họ. Và chúng ta cần phải đảm bảo làm việc một cách bình đẳng, bỏ qua những rào cản không mang ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực như chủng tộc, giới tính, quốc tịch…
Khi giải quyết được các vấn đề này, sẽ chẳng còn cuộc chiến nào giữa các nhà tuyển dụng nữa. Mặt khác, nó cũng mở ra tương lai tốt hơn cho các các lập trình viên trẻ, tạo ra những cơ hội phát triển cho ngành IT trên toàn thế giới.
Techtalk Via ITworks