12/08/2018, 15:22

Tìm hiểu về WordPress

Chào các bạn! Hôm nay mình sẽ viết một bài giới thiệu về WordPress. Bài này dành cho các bạn đang muốn tìm hiểu về WordPress và học cách sử dụng nó. Nhưng trước hết mình sẽ xem WordPress là gì đã nhé. WordPress là một phần mềm mã nguồn mở được viết bằng ngôn ngữ PHP và sử dụng cơ sở dữ liệu ...

Chào các bạn! Hôm nay mình sẽ viết một bài giới thiệu về WordPress. Bài này dành cho các bạn đang muốn tìm hiểu về WordPress và học cách sử dụng nó. Nhưng trước hết mình sẽ xem WordPress là gì đã nhé. WordPress là một phần mềm mã nguồn mở được viết bằng ngôn ngữ PHP và sử dụng cơ sở dữ liệu MySQL. WordPress được phát triển bởi Matt Mullenweg và Mike Little ra mắt lần đầu tiên vào ngày 27/05/2003. Đến thời điểm hiện tại phiên bản mới nhất là 4.7.5. WordPress là một CMS (Content Management System) hỗ trợ tạo blog cá nhân hoặc các doanh nghiệp dùng để tạo các trang web quảng bá thương hiệu. Hiện tại thì WordPress đã phát triển rất lớn mạnh và có thể tạo ra nhiều loại website khác nhau, trong đó bao gồm cả các website về thương mại điện tử. Một thành tựu đáng ghi nhận của WordPress là có đến 23% tổng số website trên thế giới được làm bằng WordPress. Đó quả là một con số lớn, và chúng ta hãy xem vì sao WordPress lại đạt được điều đó nhé.

  • WordPress dễ sử dụng: WordPress cũng cấp một nền tảng thân thiện với người dùng trong việc cài đặt và sử dụng, có thể nói sử dụng WordPress giống như bạn đang sử dụng một phần mềm mà không cần biết quá nhiều về PHP và lõi bên trong của nó.
  • WordPress có cộng đồng đông đảo: WordPress được sử dụng khá rộng rãi và rất phổ biến nên có rất nhiều lập trình viên tham gia phát triển và sử dụng WordPress. Nếu gặp bất cứ lỗi nào của WordPress bạn có thể search google hoặc hỏi các lập trình viên trên facebook có các nhóm vế CMS, WordPress. Lúc đó vấn đề của bạn sẽ được giải quyết. Bên cạnh đó thì hiện tại có rất nhiều website hỗ trợ học lập trình WordPress giúp bạn tiếp cận WordPress một cách tốt nhất.
  • WordPress hỗ trợ nhiều themes và plugins: WordPress có rất rất nhiều themes miễn phí theo các bố cục khác nhau cho bạn tha hồ lựa chọn. Bên cạnh đó để website được chuyên nghiệp hơn thì cũng có rất nhiều themes có phí được biên tập bởi các lập trình viên và bạn có thể mua để sử dụng. Ngoài themes thì WordPress còn có thêm 1 đặc trưng nữa là plugins. Với hệ thống plugins phong phú và miễn phí bạn có thể dễ dàng thêm chức năng cho website của mình tùy theo nhu cầu sử dụng. Và tương tự như themes thì plugins cũng có những phiên bản trả phí và đó là những chức năng độc đáo mà những bản miễn phí sẽ không hề có.
  • WordPress hỗ trợ SEO rất tốt: WordPress cung cấp cho bạn nhiều lợi thế về SEO (Search Engine Optimization) thông qua plugin, giúp nội dung của bạn có thứ hạng tốt hơn trên bảng kết quả tìm kiếm của các công cụ như Google.
  • WordPress hỗ trợ đa ngôn ngữ: WordPress cung cấp nhiều gói với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Và hiện tại WordPress cũng đã hỗ trợ Tiếng Việt.
  • WordPress có thể làm được nhiều loại website: Ngoài blog cá nhân WordPress còn hỗ trợ rất nhiều loại khác ví dụ như trang web giới thiệu công ty, trang web bán hàng thương mại điện tử hay một trang tin tức...

WordPress hiện tại được chia làm 2 loại chính:

  • WordPress.com: Đây là dịch vụ tạo website miễn phí của nhà cung cấp dựa trên mã nguồn WordPress.Vì vậy khi đăng kí bạn sẽ có 1 website đứng dưới tên miền http://user.wordpress.com. VÌ là dịch vụ miễn phí nên có nhiều hạn chế. Bạn không thể cài themes, plugins bên ngoài mà phải sử dụng những gì có sẵn vì vậy dùng dịch vụ này thì bạn sẽ bỏ lỡ những ưu điểm về sự phong phú themes và plugins của WordPress. Dịch vụ này phù hợp với những người dùng muốn có một website nhanh chóng mà không cần cài đặt phức tạp, không cần thuê host. Nếu muốn sử dụng tên miền riêng thì WordPress.com vẫn hỗ trợ bạn nhưng đương nhiên là mình phải trả phí.
  • WordPress.org: Đây chính là trang chủ mã nguồn của WordPress, là nơi chứa mã nguồn, các tài liệu hướng dẫn và là nơi chứa số lượng khổng lồ các themes và plugins miễn phí. WordPress.org không như WordPress.com, nó không phải là một dịch vụ để bạn có thể tạo blog trực tiếp lên đó. Bạn cần phải có domain, host hổ trợ PHP/MySQL,.. để cài đặt mã nguồn này. Vì tự cài đặt nên bạn có toàn quyền quản trị nó, có thể tận dụng hết các ưu thế của WordPress.

Bên cạnh những điều tuyệt vời mà WordPress mang lại chúng ta cũng không thể không nói đến những vấn đề còn hạn chế của WordPress như sau:

  • Vấn đề đầu tiên thường được nhắc đến là bảo mật. WordPress là mã nguồn mở và rất phổ biến. Điều này có những ưu điểm nhưng cũng có những khuyết điểm. Bởi vì nó quá phổ biến nên nó là mục tiêu chính cho nhiều hacker - họ có thể tìm kiếm các trang WordPress và tìm ra bạn ngay cả khi bạn chỉ sở hữu một website nhỏ. Bởi vì WordPress là mã nguồn mở nên hacker dễ dàng tìm thấy kẽ hở và điểm yếu về bảo mật, khiến cho những website này dễ bị hack hơn. Việc các website WordPress bị hack xảy ra liên tục. Bởi vì bị hack liên tục và luôn được cải thiện, WordPress đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Việc này không mất nhiều thời gian, nhưng có thể trở thành sự phiền phức khi bạn chỉ muốn cài đặt và quên chúng đi để tập trung vào những việc khác.
  • Một vấn đề quan trọng ở WordPress là cách dùng bộ nhớ của nó. Các trang web được xây dựng với WordPess thường lớn và tiêu thụ rất nhiều tài nguyên máy chủ. Điều này vượt quá mức cần thiết cho nhu cầu của hầu hết những người sử dụng (cũng như không thích hợp).
  • Theme của WordPress khó chỉnh sửa, trừ khi bạn hiểu được bạn đang làm gì. Thậm chí đối với những người làm về code không quen thuộc với cấu trúc themes của WordPress có thể mất nhiều thời gian để chỉnh sửa.
  • Rất nhiều WordPress themes và plugins miễn phí không được cập nhật và hỗ trợ, gây ra nhiều khó khăn trong việc giữ cho mọi thứ hoạt động ổn định khi nền tảng WordPress được cập nhật. Giải pháp đơn giản nhất cho điều này là dựa chủ yếu vào các plugins cao cấp.

Qua bài viết này chúng ta cũng có thể hiểu được cơ bản về WordPress và các ưu nhược điểm của nó. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!

0