Toán tử và biểu thức trong php - Bài 03
Ở bài trước chúng ta đã tìm hiểu các kiểu dữ liệu trong php, vậy thì trong bài này chúng ta sẽ đi vào sâu hơn trong lập trình php, đó là toán tử và biểu thức trong php. Nội dung như ...
Ở bài trước chúng ta đã tìm hiểu các kiểu dữ liệu trong php, vậy thì trong bài này chúng ta sẽ đi vào sâu hơn trong lập trình php, đó là toán tử và biểu thức trong php. Nội dung như sau:
- Biểu thức là gì ?.
- Toán tử quan hệ (Relational Operators).
- Toán tử luận lý (Logical Operators).
- Độ ưu tiên các toán tử
1. Biểu thức là gì?
Biểu thức là một tổ hợp các toán hạng và toán tử. Toán tử thực hiện các thao tác như cộng, trừ, nhân, chia, so sánh, … Toán hạng là những biến hay là những giá trị mà các phép toán được thực hiện trên nó. Ví dụ $a + $b thì $a và $b được gọi là toán hạng, dấu + được gọi là toán tử, cả 2 kết hợp lại thành một biểu thức ($a + $b).
Mỗi biểu thức chỉ có một giá trị nhất định. Ví dụ ta có biểu thức ($a + $b) thì biểu thức này có giá trị là tổng của $a và $b.
Ví dụ:
$ketqua = $a - $b; $ketqua = 7 + 6; $ketqua = 3*$x + 4*$y;
Toán tử gán (Assignment Operator):
Đây là toán tử thông dụng nhất trong mọi ngôn ngữ, ta dùng dấu = để gán giá trị cho một biến bất kỳ nào đó.
$a = 12;
$a = $b = $c = $d = 12;
Biểu thức số học
Các phép toán thường được thực hiện theo một thứ tự cụ thể gọi là độ ưu tiên để đưa ra giá trị cuối cùng (sẽ đề cập đến sau). Các biểu thức số học trong các ngôn ngữ được thể hiện bằng cách sử dụng các toán tử số học cùng với các toán hạng dạng số hoặc ký tự (biến). Những biểu thức này gọi là biểu thức số học.
$ketqua = $a + $b/2; $ketqua = $a / 7; $ketqua = $a + ($b = 5 + 6);
Như ta thấy trên toán hạng có thể là hằng, biến hay kết hợp cả 2, và mỗi biểu thức có thể kết hợp của nhiều biểu thức con. Định nghĩa hằng và biến như thế nào chúng ta đã đề cập ở Biến Và Hằng Số Trong PHP.
2. Toán tử quan hệ
Toán tử quan hệ cũng là một định nghĩa trong bài toán tử và biểu thức trong php, được dùng để kiểm tra mối quan hệ giữa hai biến hay giữa một biến và một hằng số. Ví dụ kiểm tra 2 biến $a và $b xem biến nào lớn hơn ta làm như sau: ($a > $b) và kết quả của biểu thức này sẽ trả về kiểu boolean TRUE hoặc FALSE.
Như tôi đã đề cập ở bài các kiểu dữ liệu trong php, kiểu boolean có giá trị là FALSE cho tất cả các giá trị bằng 0, ký tự rỗng hoặc null. Để so sánh 2 toán hạng ta làm như sau ($a == $b). Các bạn lưu ý rằng phép toán mà có 1 dấu bằng là phép gán, còn 2 dấu bằng là phép so sánh.
Bảng sau đây mô tả ý nghĩa của các toán tử quan hệ.
Lưu Ý: Tất cả các toán tử quan hệ nào có 2 ký tự trở lên đều phải ghi liền không được có khoảng trắng. Ví dụ ! = là sai vì có khoảng trắng giữa 2 ký tự.
Ví dụ:
$a = 12; // Biến $a kiểu INT có giá trị = 12 $t = ($a == 12); // Biến $t có giá trị là TRUE vì biểu thức (12 == 12) đúng $t = ($a > 12); // Biến $t có giá trị là FALSE vì biểu thức (12 > 12) sai $t = ($a >= 12); // Biến $t có giá trị TRUE vief biểu thức (12 >= 12) đúng $t = ($a != 12); // Biến $t có giá trị FALSE vì biểu thức (12 != 12) sai
Toán Tử Quan Hệ === dùng để so sánh giá trị giữa các biến và hằng đúng theo giá trị và kiểu dữ liệu của nó, nếu ta sử dụng 2 dấu bằng == để so sánh ($a == $b) thì lúc này $a và $b chỉ so sánh giá trị và trả về true nếu $a bằng $b.
Giả sử $a = ’123′ là kiểu string, $b = 123 là kiểu int thì phép ($a == $b) cho kết quả là true, còn phép ($a === $b) sẽ cho kết quả là false vì 2 biến tuy giá trị bằng nhau nhưng không cùng kiểu dữ liệu.
3. Toán tử luận lý
Toán tử luận lý là ký hiệu dùng để kết hợp hay phủ định biểu thức có chứa các toán tử quan hệ, những biểu thức dùng toán tử luận lý trả về giá trị TRUE hoặc FALSE.
Bảng sau đây mô tả các toán tử luận lý trong PHP
Lưu ý: Tất cả các toán tử luận lý nào có 2 ký tự trở lên đều phải ghi liền không được có khoảng trắng. Ví dụ | | là sai vì có khoảng trắng giữa 2 ký tự.
Ví dụ:
$a = 100; $b = 200; $tong = $a + $b; $check = ($a < $b) && ($tong > 200);
Kết quả của đoạn mã trên biến $check sẽ có giá trị là TRUE vì:
- ($a > $b) <=> (100 < 200) => TRUE
- ($tong > 200) <=> (300 > 200) => TRUE
- $check = (1) && (2) <=> TRUE && TRUE => TRUE
Độ ưu tiên toán tử luận lý
Độ ưu tiên theo thứ tự như sau: NOT -> AND -> OR
Ví dụ: Tính độ ưu tiên sau ( 7 > 5 && !(-5 > 1) || 10 == 10 ) (1)
Bước 1: trong biểu thức này có một phép toán NOT đó là !(-5 > 1) nên ta tính trước phép này. Trong PHP cũng như các ngôn ngữ lập trình khác biểu thức !(biểu thức) cùng ý nghĩa với biểu thức (biểu thức) == false nên biểu thức ở trên ta biến đổi thành ( (-5 > 1 ) == false ). Biểu thức này trả về giá trị TRUE vì (-5 > 1) là sai.
Bước 2: Lấy kết quả bước 1 ta viết lại biểu thức (1) như sau: ((7>5) && true || 10 == 10) Theo độ ưu tiên thì ta tính phép AND trước tức là tính ((7 > 5) && true) trước. Phép tính này trả về TRUE bởi vì (7 > 5) = true suy ra true && true => true
Bước 3: Bước này lấy kết quả ở bước 2 ta ráp vào thì biểu thức (1) như sau: (true || 10 == 10). Phép OR sẽ trả về TRUE nếu một trong 2 biểu thức có giá trị true => biểu thức (1) là biểu thức có giá trị TRUE.
4. Độ ưu tiên các toán tử
Độ ưu tiên các toán tử thiết lập thứ tự ưu tiên tính toán của một biểu thức. Tóm lại độ ưu tiên trong PHP đề cập đến thứ tự các phép tính mà PHP sẽ biên dịch trước. Các toán tử và biểu thức trong php có sự liên hệ lẫn nhau, toán tử kết hợp toán hạng tạo thành biểu thức.
Bảng thứ tự ưu tiên của các toán tử số học.
Những toán tử nằm cùng một hàng có cùng độ ưu tiên và cấp độ ưu tiên đi từ trên xuống dưới. Việc tính toán biểu thức số học sẽ được tính toán từ trái qua phải và ưu tiên trong ngoặc trước kết hợp với độ ưu tiên trong bảng (như trong tính toán thường thì nhân chia trước, cộng trừ sau ưu tiên trong ngoặc).
Ví dụ: $t = -8 * 4 – 3
Bước 1: tính -8 trước vì đây là oán tử một ngôi cố độ ưu tiên cao nhất. Kết quả = -8
Bước 2: -8 *4 vì phép nhân có độ ưu tiên cao hơn phép -. Kết quả = -32
Bước 3: -32 – 3: vì đây là phép cuối cùng, ko cần phải so sánh với phép tính khác nữa. Kết quả = -35
5. Lời kết
Trong bài học này các bạn được tìm hiểu các toán tử và biểu thức trong php, nó là các kiểu logic căn bản trong các ngôn ngữ lập trình, nó là tiền đề để các bạn viết những biểu thức phức tạp trong quá trình làm dự án, nếu các bạn nắm vững phần này thì tư duy các bạn sẽ lên rất cao, gặp vấn đề là có ý tưởng giải quyết ngay. Trong bài tới chúng ta sẽ tìm hiểu câu lệnh if else trong php.
Nguồn: code24h.com