Tôi không dùng toán học phổ thông dù là thạc sĩ cơ khí
Không phủ nhận vai trò của toán học, nhưng nếu cứ cái gì tốt lại ép học mà không cần biết ý nghĩa thực tiễn của nó là lãng phí. Đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết ‘Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều’, nhiều độc giả VnExpress ...
Không phủ nhận vai trò của toán học, nhưng nếu cứ cái gì tốt lại ép học mà không cần biết ý nghĩa thực tiễn của nó là lãng phí.
Đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết ‘Học sinh Việt phí hoài 12 năm phổ thông vì phải giải toán quá nhiều’, nhiều độc giả VnExpress chia sẻ những câu chuyện thực tế của bản thân:
Tôi năm nay 43 tuổi, có bằng thạc sĩ tốt nghiệp tại Singapore về Cơ khí (Đại học Nanyang), là trưởng phòng R&D một công ty cơ khí Đài Loan. Tôi khẳng định là sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chẳng dùng gì đến các kiến thức đã học công phu ở phổ thông và 2 năm đại cương trước đây. Tuy nhiên, tôi vẫn là một nhà kỹ thuật có trình độ đươc đánh giá là chuyên nghiệp. Nói tóm lại, các bạn đã công nhận là hầu hết người trong xã hội không cần học toán. Tôi không phủ nhận rằng toán học là tốt nhưng nếu cái gì cứ tốt lại ép học mà không cần biết tính thực tế thực dụng của nó thì là đại lãng phí. Sao không dạy AI cho dì Tám bán hủ tiếu đầu hẻm? Hay dạy GS Ngô Bảo Châu nấu hủ tiếu?
NewGod
Tôi từng là học sinh chuyên Toán, Lý, đạt nhiều giải cấp tỉnh, quốc gia ở cấp 2, 3, nhưng giờ hầu như quên sạch trơn các công thức đã học. Đúng là không học thực hành thì người ta không có kỷ niệm gì để nhớ cả. Thời sinh viên, tôi cũng dạy ôn thi cho vài em và họ đã đỗ đại học hết. Nhưng sau khi ra trường 2 năm (chuyên ngành Công nghệ thông tin), tôi đã quên sạch mọi thứ. Tôi tin nếu không phải sinh viên sư phạm chuyên ngành, mọi người đều quên hết thời phổ thông mình đã học Toán, Lý như thế nào? Điều đó thể hiện sự bất cập trong giáo dục của nước ta.
Hoang Anh Vu
Tôi cũng là kỹ sư cơ khí, đến bây giờ tôi cũng thấy 2 năm học đại cương không biết để làm gì? Cái tích phân 3 lớp ứng dụng vào đâu? Trong khi đó rất nhiều kỹ sư ra trường, thước kẹp còn không biết đo chứ đừng nói tính bánh răng.
Hatcong
Tôi làm chủ. Nhưng tôi chỉ sử dụng cộng, trừ, nhân, chia thôi. Kiến thức cấp 1 là đủ sử dụng. không phải học giỏi các môn học thì được đánh giá là thông minh. Cũng chỉ vì định kiến này mà làm cho bao nhiêu đứa trẻ bị áp lực trong cuộc sống, bị cha mẹ đánh, mắng… Tôi là một đứa trẻ như vậy nhưng bây giờ tôi là chủ một doanh nghiệp. Chỉ cần có ý tưởng đúng và phương pháp đúng là thành công mỹ mãn.
Hòa Phú
Chúng ta dạy cách làm toán, giải toán nhưng không dạy ý nghĩa và mục đích của bài toán, không thực hành và đẩy độ khó của lý thuyết đi quá xa. Tôi là học sinh giỏi toán, tôi thấy đúng là 90% thời gian 12 năm học của tôi chỉ là giải những bài toán, hứng thú với các bài toán mà không hiểu ý nghĩa của chúng để làm gì cả. Rèn luyện tư duy ư? Đâu chỉ có môn toán là rèn luyện tư duy? Các môn khác cũng có thể cơ mà.
Hoa nguyen
Chúng ta bình luận nhiều nhưng nên học tư duy logic của phương Tây và nghiên cứu của Havard. Để thuyết phục phải có quá trình thống kê và theo dõi các đối tượng nghiên cứu nhiều năm sẽ biết liền tỉ lệ thành công của những người giỏi toán với giỏi các môn khác. Thời của tôi và kể cả thể hệ sau này, cuối cùng những người giỏi ngoại ngữ mới là những người thành công nhất, ở vị trí quản lý cao, thu nhập tốt nhất. Tất nhiên tính theo tỷ lệ, một cá nhân phát triển còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường, cơ hội, sự đam mê, tính năng động, chăm chỉ… Như vậy, thực sự những người có chỉ số IQ cao thành công là khá khiêm tốn. Họ có thể trở thành con người khá lập dị hoặc không theo đúng nghề nghiệp. Còn tỷ lệ bao nhiêu học sinh yêu thích môn toán, có thiên hướng về môn toán trong hơn mấy chục năm qua ở Việt Nam thành công? Hãy chờ một ai đó nghiên cứu.
TechTalk via Vnexpress