Tội phạm mạng đang gia tăng tấn công khối Chính phủ
Theo Microsoft, ngoài đối tượng người dùng cá nhân, doanh nghiệp, tội phạm mạng hiện nay đang hướng vào các cơ quan, tổ chức của Chính phủ với hoạt động gián điệp đánh cắp thông tin kinh tế, thông tin bí mật trọng yếu. Ngày 30/5 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chiến dịch “Play IT ...
Theo Microsoft, ngoài đối tượng người dùng cá nhân, doanh nghiệp, tội phạm mạng hiện nay đang hướng vào các cơ quan, tổ chức của Chính phủ với hoạt động gián điệp đánh cắp thông tin kinh tế, thông tin bí mật trọng yếu.
Ngày 30/5 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chiến dịch “Play IT Safe” nâng cao nhận thức người dùng về nguy cơ bị mã độc tấn công trên thiết bị máy tinh cài phần mềm không bản quyền, Microsoft đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất do IDC cùng Đại học Quốc gia Singapore thực hiện tại 11 quốc gia về sự xâm nhập của mã độc và những tổn thất khi sử dụng phần mềm không bản quyền.
Nghiên cứu đã khảo sát trên 1.700 người (trong đó 807 người đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) bao gồm người tiêu dùng, nhân viên doanh nghiệp, các nhân sự cấp cao trong ngành CNTT, cán bộ khối Chính phủ.
Theo đó, năm 2014 được dự báo tiếp tục là một năm đầy biến động về an toàn mạng trên toàn cầu với sự phát triển nhanh về số lượng, mức độ tinh vi của tội phạm mạng.
Mục tiêu tấn công của tội phạm mạng đang chuyển hướng, không chỉ nhắm đến người dùng cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp, mà đang hướng thẳng đến các cơ quan và tổ chức nhà nước của các Chính phủ, với hoạt động gián điệp, kinh tế bí mật trọng yếu.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chính phủ các nước Châu Á – Thái Bình Dương bày tỏ sự lo lắng tập trung vào các vấn đề: sự xâm nhập trái phép vào thông tin bí mật cấp quốc gia (57%), cơ sở hạ tầng trọng yếu bị tấn công (56%) bí mật thương mại, thông tin cạnh tranh bị đánh cắp.
Ước tính, khối Chính phủ toàn cầu mất hơn 50 tỷ USD, khối doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương gần 230 tỷ USD trong năm 2014 để đối phó với các rủi ro gây ra bởi các phần mềm độc hại được cài trên những chương trình không bản quyền.
Ngoài ra, qua phân tích 203 máy tính bị cài đặt phần mềm không bản quyền, nghiên cứu chỉ ra rằng có 61% máy tính đã bị xâm nhập bởi các phần mềm độc hại bao gồm mã độc Trojan, sâu máy tính, virus…
“Tội phạm mạng đang tận dụng cơ hội từ các chuỗi cung ứng không an toàn để phát tán phần mềm độc hại, gây tổn thất lớn. Nghiên cứu này tiếp tục là hồi chuông cảnh báo giúp người dùng nâng cao nhận thức về bảo mật máy tính, bảo vệ mình tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng”, bà Rebecca Ho, Giám đốc về Sở hữu trí tuệ, Microsoft Đông Nam Á nói.
Nguồn: ictnews.vn