Trang web “low tech” chạy bằng năng lượng mặt trời, cứ hôm nào trời âm u là không truy cập được
Low-Tech Magazine – Tạp Chí Công nghệ Thấp nhưng lại chạy web bằng năng lượng của công nghệ hiện đại: năng lượng Mặt Trời Lượng năng lượng điện tiêu tốn trong thời gian bạn đọc bài viết này là rất nhiều. Thiết bị của bạn gửi yêu cầu truy cập tới server, để nhận lại tín hiệu từ ...
Low-Tech Magazine – Tạp Chí Công nghệ Thấp nhưng lại chạy web bằng năng lượng của công nghệ hiện đại: năng lượng Mặt Trời
Lượng năng lượng điện tiêu tốn trong thời gian bạn đọc bài viết này là rất nhiều. Thiết bị của bạn gửi yêu cầu truy cập tới server, để nhận lại tín hiệu từ server gửi về. Trong những thông tin gửi về có từng font chữ, từng hình ảnh độ phân giải cao, những kí tự, những đường link và những video. Những website hiện đại còn có plugin và script khiến website nhiều chức năng hơn, nhưng cũng lại tốn thêm năng lượng.
Giao diện đơn giản và tĩnh như HTML thì không tốn kém đến thế. Lượng năng lượng thiết bị của bạn cần để tải website HTML ít hơn nhiều những website hào nhoáng của hiện tại.
Trang nào cũng vậy thôi, không nhất thiết phải là bài viết bạn đang đọc. Những trang web tồn tại là nhờ hệ thống dây dẫn có và không dây, nối giữa những tòa nhà server khổng lồ. Chúng lại sống nhờ nguồn điện ta sản xuất ra. Chỉ riêng các trung tâm data tại Mỹ đã “ngốn” hết 70 tỷ kilowatts năng lượng mỗi năm (con số ước tính do Bộ Năng lượng Mỹ năm 2016). Con số lớn tương đương với 1,8% năng lượng điện tiêu thụ của toàn nước Mỹ.
“Mạng Internet” là một thứ gì đó vô hình, trừu tượng. Có một dự án nhắm tới việc khiến nó hiện hữu rõ hơn, để người ta dễ dàng cảm nhận được nó: “kính chiếu yêu” của họ là trang blog có tên Tạp chí Low-Tech. Kris De Decker là người đã vận hành Tạp chí Low-Tech từ năm 2007, cho nó chạy trên nền WordPress. Nó có một trang phiên bản web nữa là trang “Low-Tech”, chạy hoàn toàn bằng năng lượng Mặt Trời, sử dụng ít năng lượng nhất có thể.
Trong một bài phỏng vấn qua Skype với Motherboard, De Decker nói rằng anh tin người dùng mạng biết hành động của mình tốn điện tới đâu, có điều không ai rõ vấn đề nghiêm trọng đến mức nào.
“Có người cho rằng mạng Internet là thứ phi vật chất, là cái gì đó nằm lơ lửng trên mây“, anh De Decker nói. “Ừ đúng, nó là thứ vô hình tiêu tốn nguồn năng lượng có thật, những tài nguyên hữu hình ta vẫn thấy. Thực tế là còn dùng nhiều nữa cơ“.
Phiên bản trang web “Low-Tech” tĩnh, tức là mỗi ngày, nó chỉ có duy nhất một phiên bản thôi, những trang web động sẽ là những trang chạy thời gian thực, liên tục cập nhật suốt chiều dài của ngày. Tạp chí Low-Tech dùng font chữ mặc định và hình ảnh đầy pixel để hiển thị nội dung trang web. Nhìn nó toát ra mùi của Internet thời xưa, nơi mà hình ảnh mờ màu xám dùng ít năng lượng hơn ảnh độ phân giải cao đến 10 lần.
Toàn bộ trang chạy bằng năng lượng Mặt Trời, một tấm pin Mặt Trời đặt tại Barcelona. Nếu một ngày mây bỗng kéo kín bầu trời Bacelona, Tạp chí Low-Tech sẽ đóng cửa nghỉ “bán hàng”.
De Decker nói rằng mục tiêu dài hạn của anh là cố gắng “chuyển nhà”, đưa nội dung suốt 11 năm trời của Tạp chí Low-Tech sang một website mới. “Tờ tạp chí mạng, như bạn thấy đó, hoàn toàn dễ hình dung được“, anh De Decker nói. “Có một cái server, một tấm pin Mặt Trời hướng ra cửa sổ, bạn có thể thấy chúng. Bạn có thể sờ, chạm và thậm chí phá hủy nó“.
Nếu bạn đặt câu hỏi tại sao không ai tiết kiệm điện giống anh Decker? Bởi vì làm được khó hơn bạn tưởng nhiều. Phiên bản hiện tại hoạt động được là nhờ bàn tay hai nhà thiết kế web Roel Roscam Abbing và Marie Motsuka, mất một năm chuẩn bị và 4.600 USD để sắm sửa “cơ sở hạ tầng”.
“Tôi không chắc ý tưởng ‘offline’ mỗi khi thiếu năng lượng tái tạo sẽ thịnh hành nổi”, De Decker buồn rầu nói. Ta vẫn chưa ý thức được năng lượng mỗi trang web tiêu tốn nhiều nhường nào.
Vẫn có những người nêu ý kiến rằng nên phát triển trang web nhẹ, nhưng việc dùng điện vẫn chưa phải lý do chính để khiến những website kiểu Tạp chí Low-Tech xuất hiện nhiều hơn. Thực tế mà nói, các nhà khoa học tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ nói rằng lượng điện máy tính tiêu thụ là rất nhỏ, quá nhỏ so với việc các máy móc nặng tiêu thụ năng lượng – họ nói tới ô tô và máy bay. Có những người nêu một luồng ý kiến khác: website nhẹ để giúp những người có Internet chậm có trải nghiệm tốt hơn. Cũng là một ý.
“Tôi có nhận những email kiểu ‘Khu nhà tôi vẫn đang dùng mạng dial-up cơ, may mà trang web của anh load nhanh lắm’“, De Decker nói. “Thú vị lắm chứ, vì phải có tới hơn nửa số người dùng mạng trên thế giới có kết nối Internet ổn định. Theo nghĩa này mà hiểu, dùng web nhẹ hơn không phải là để dùng ít năng lượng hơn, mà là mang kết nối đến với nhiều người“.
Riêng ở Mỹ, phải 24 triệu người không có Internet tốc độ cao, rất nhiều người sống tại vùng sâu vùng xa, những làng bản khó tiếp cận hay những khu vực có mức sống thấp. Với họ, họ không thể tìm việc, tìm tới những nguồn tin, không thể sử dụng mạng Internet tiện lợi như chúng ta.
Trang web Tạp chí Low-Tech của anh De Decker còn được thiết kế để sử dụng ít năng lượng đến mức nó vẫn duy trì hoạt động được khi trời thiếu nắng. “Chúng tôi tạo ra blog sử dụng năng lượng hiệu quả đến mức bạn có thể sử dụng chế độ offline của nó; chúng tôi dựng nên những máy phát điện cho phép Tạp chí Low-Tech hoạt động được về đêm”.
Anh Decker thừa nhận việc trang web “đóng cửa mỗi khi trời râm mát” chỉ mang mục đích quảng cáo thôi, để người ta hiểu được ý nghĩa dự án. Anh nhìn về quá khứ để tìm nguồn cảm hứng, chứ không chỉ mang tính hoài cổ.
“Trước mắt, phản hồi của người dùng vẫn rất tích cực“, De Decker vui vẻ bộc lộ. Mọi người vẫn thấy được ý nghĩa của dự án, đã dần hiểu được mức tiêu thụ năng lượng hiện tại lớn đến mức nào.
Techtalk Via GenK