Việt Nam trong làn sóng trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) thực sự đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chứ không chỉ còn là khoa học viễn tưởng, hứa hẹn sẽ là một cuộc cách mạng công nghệ trong vòng 5 năm tới. Công nghệ này giúp cuộc sống trở nên thông minh ...
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) thực sự đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chứ không chỉ còn là khoa học viễn tưởng, hứa hẹn sẽ là một cuộc cách mạng công nghệ trong vòng 5 năm tới. Công nghệ này giúp cuộc sống trở nên thông minh hơn và nhanh hơn, thậm chí giải những bài toán hóc búa của thế giới hiện đại. Vậy Việt Nam đã phát triển được Trí tuệ nhân tạo (TTNT) chưa và làm gì để không bỏ lỡ cơ hội đón làn sóng công nghệ này?
Lịch sử phát triển
Trên thực tế, việc nghiên cứu TTNT ở Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ đầu những năm 1970 khi môn học về TTNT đã được đưa vào giảng dạy cho sinh viên ngành tin học ở một vài trường đại học. Tiên phong trong giảng dạy và nghiên cứu TTNT ở Việt Nam là các giáo sư Nguyễn Văn Ba, Bạch Hưng Khang, Phan Đình Diệu, Hoàng Kiếm,… những người đã đào tạo nhiều sinh viên và xây dựng nên những tập thể làm nghiên cứu và phát triển về TTNT sau này.
Từ thập niên 80, Việt Nam đã có một số sản phẩm ứng dụng TTNT. Ví dụ: giáo sư Bạch Hưng Khang đã lãnh đạo một tập thể các nhà khoa học nghiên cứu giải quyết bài toán tự động nhận dạng chữ tiếng Việt (Vietnamese Optical Character Recognition). Nhóm đã tạo ra phần mềm VnDOCR là phần mềm số một tại thị trường Việt Nam cho việc nhận dạng chữ Việt từ các văn bản in.
TTNT trong cuộc sống hàng ngày
Trợ lý ảo xuất hiện khắp mọi nơiCó thể nói, TTNT đang hiện hữu ở mọi mặt trong cuộc sống, không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, công nghệ này đã đi vào rất nhiều ứng dụng trong thực tế. Ví dụ gần nhất và đơn giản nhất là hộp thư Email tự động phân loại mail vào các nhóm như spam, thư quan trọng,… hoặc chiếc điện thoại thông minh đang được 37% trong số 94% người Việt Nam có điện thoại di động sử dụng, trong đó có rất nhiều ứng dụng của trí tuệ nhân tạo như: phần mềm nhận dạng giọng nói, phần mềm nhận diện khuôn mặt khi chụp ảnh, trợ lý ảo Siri,…
Trong đời sống hàng ngày, hệ thống điều khiển giao thông thông minh tại thành phố Hồ Chí Minh, y tế thông minh, phòng chống gian lận, tiết kiệm năng lượng,… đều là những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam cần làm gì?
Để không tụt hậu, điều đầu tiên chính là tăng cường nhận thức từ cấp cao cho tới các doanh nghiệp, nhà trường, đơn vị nghiên cứu, từ đó xây dựng nên những chương trình hành động cụ thể như: có kế hoạch cung cấp nguồn lực hàm lượng chất xám cao cho ngành trên cơ sở phát triển giáo dục đào tạo một cách có hệ thống, phối hợp giữa doanh nghiệp và trường học; xây dựng khung cơ chế cũng như những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển nói chung của thị trường công nghệ Việt Nam.
Ngoài FPT, FPT.AI, Viettel cũng đẩy mạnh những nghiên cứu và cho ra đời những giải pháp Chính phủ điện tử, quản lí giáo dục (SMAS), quản lý và đôn đốc bán hàng cho chuỗi phân phối (DMS.One), hệ thống công tơ điện tử một pha hộ gia đình (SMMS.One), hệ thống văn phòng điện tử (Voffice),… Tổ hợp giáo dục trực tuyến lớn nhất Việt Nam cũng khởi động Topica AI Lab với mong muốn đưa những ý tưởng phát triển sản phẩm ứng dụng AI thực sự đi vào đời sống,… Có thể kể đến vài cái tên khác với những nghiên cứu liên quan đến ngành này như: VNG, VC Corp, Viện công nghệ thông tin IOIA,…
Miếng bánh lớn AI không phải chỉ dành cho những ông lớn
Đối với các doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp trong bất kì lĩnh vực nào cũng có nhiều thuận lợi cũng như khó khăn và thách thức. TTNT là lĩnh vực mới, thị trường vẫn là mảnh đất màu mỡ cho nhiều doanh nghiệp, cũng là lợi thế lớn cho các doanh nghiệp trẻ Việt Nam khi sở hữu nguồn lực năng động, sáng tạo, tiếp thu tri thức nhanh, dễ dàng tiếp cận thông tin từ các nguồn tài liệu công khai và các mã nguồn mở.
Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo là khá cao dành cho cơ sở vật chất kĩ thuật, trung tâm dữ liệu,… đây có thể coi là một khó khăn lớn cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Ngành này cũng đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao và sở hữu kho dữ liệu có giá trị. Bài toán cạnh tranh với những ông lớn trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi những doanh nghiệp khởi nghiệp có lời giải.
Việt Nam liệu có thể ghi tên mình trên bản đồ AI?
Tiến sĩ Lê Việt Quốc – Nhà nghiên cứu khoa học tại GoogleĐể trả lời câu hỏi này, trước hết, hãy cùng tìm hiểu về Lê Việt Quốc. Kỹ sư phần mềm Lê Việt Quốc, 34 tuổi, từng học trường chuyên quốc học Huế và lấy bằng tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Mỹ. Anh đã làm việc cho dự án Google Brain được 5 năm nay. Google Brain một trong nhiều dự án cho tương lai của Google với tham vọng tạo ra một bộ não nhân tạo, một ngày nào đó có thể tự đưa ra quyết định như con người. Google Brain sẽ xử lý dữ liệu siêu tốc và đa dạng hơn, thông qua cả nhận diện giọng nói, tìm kiếm hình ảnh nâng cao… Được thành lập năm 2011, Google Brain thu hút những kỹ sư phần mềm hàng đầu của Google, trong đó có Lê Việt Quốc. Với nền tảng học sâu, nghĩa là máy móc cũng có thể học, hệ thống của Lê Việt Quốc đã học cách nhận thức được hơn 3.000 sự vật khác nhau bằng cách xem 10 triệu hình ảnh từ Youtube. Hệ thống này đã cho thấy máy móc có thể tự học mà không cần sự trợ giúp của con người mà vẫn đạt được độ chính xác đáng kinh ngạc. Với những nghiên cứu của mình, từ năm 2014, Lê Việt Quốc đã nằm trong danh sách 35 nhà sáng chế dưới 35 tuổi năm 2014 của học viện công nghệ Massachuset Mỹ và được đánh giá là một trong những bộ óc thực sự thông minh và xuất chúng.
Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ, Đại học Khoa học tự nhiên,… đều đang là những cái nôi ươm nhiều ý tưởng trong lĩnh vực này. Nhóm nghiên cứu của phó giáo sư, Tiến sỹ Phan Xuân Hiếu, Đại học công nghệ Hà Nội đã ra mắt trợ lý ảo – VAV với hơn 160 nghìn lượt tải về. Ứng dụng Trợ lý ảo cho phép người dùng có một trợ lý mà không phải trả lương. Trợ lý ảo này có thể tự động gọi xe tắc xi, tự đồng tìm kiếm phòng khám, đặt lịch bác sỹ, gọi điện thoại cho người thân,… và vô vàn ứng dụng khác.
Vậy Việt Nam có thua kém bất cứ cường quốc công nghệ nào không? Không thể nhắc 2 từ “thua kém”, nếu không muốn nói là chúng ta đang chứng minh khả năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bởi những dấu ấn đầy ấn tượng. Việc tụt hậu hay không phụ thuộc vào mỗi cá nhân, khả năng sáng tạo của con người là không giới hạn, đặc biệt là khi máy móc có thể thay thế con người ở một số công việc, nhưng những công việc đòi hỏi sự bứt phá thì con người là không thể thay thế.
Techtalk Via tech.fpt