30/08/2018, 23:43

5 con đường kiếm tiền từ nghề lập trình

Bài viết của tác giả Phạm Huy Hoàng – đăng trên blog toidicodedao.com Một trong những câu hỏi mình hay nhận được về ngành IT là “ngành này ra trường có dễ xin việc, có dễ kiếm tiền không”? Câu trả lời dĩ nhiên là CÓ! Ở bài trước, mình có chia sẻ đôi điều về triển vọng ...

Bài viết của tác giả Phạm Huy Hoàng – đăng trên blog toidicodedao.com

Một trong những câu hỏi mình hay nhận được về ngành IT là “ngành này ra trường có dễ xin việc, có dễ kiếm tiền không”? Câu trả lời dĩ nhiên là CÓ!

Ở bài trước, mình có chia sẻ đôi điều về triển vọng nghề nghiệp trong ngành lập trình. Là lập trình viên, có rất nhiều cách để bạn kiếm tiền. Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu 5 con đường để kiếm tiền từ ngành này nhé!

Freelance hoặc code theo hợp đồng

Kiếm tiền bằng cách lập trình freelance, hoặc code theo hợp đồng, là cách kiếm tiền khá dễ thực hiện, phù hợp với các bạn sinh viên hoặc những người đã đi làm.

Bạn có thể tìm dự án trên các trang freelance trong vào ngoài nước như: vLance.vn, freelancer.com, upwork.com. Các công việc này thường là code web, code app mobile,… với đủ mọi ngôn ngữ và công nghệ.

Nếu có quan hệ, bạn cũng có thể tự kiếm một số hợp đồng với các doanh nghiệp, cá nhân để code app hoặc web kiếm tiền. Ví dụ thấy bà bán xôi ngoài ngõ, bạn có thể dụ dỗ code cho bà cái web bán xôi online, tính giá 1-2 triệu chẳng hạn.

Ưu điểm của cách làm này:

  • Bạn tự chủ được thời gian làm việc, thích thì làm không thích thì nghỉ, không cần nhìn mặt sếp.
  • Nếu có uy tín, biết cách deal giá, đôi khi thu nhập còn cao hơn đi làm.
  • Bạn cũng có thể vừa học vừa làm, không cần chờ tới lúc ra trường (Thời xưa mình học FPT từng nghe có vài bạn sinh viên năm 2-3 làm freelance đã kiến 2-30 củ mỗi tháng)

Nhược điểm của cách làm này cũng khá nhiều:

  • Thu nhập không ổn định, nhiều khi phải căng mặt ra mà tìm job
  • Mặc dù bạn học hỏi được 1 số thứ (làm việc với khách hàng, lấy yêu cầu, học công nghệ yêu cầu v…v), bạn sẽ ít phát triển được khả năng kĩ thuật của bản thân (làm việc không có qui trình, không có team, không có người góp ý code)
  • Đôi khi còn bị khách hàng kì kèo, bị huỷ hợp đồng, xù tiền
  • Ngoài ra, bạn còn phải cạnh tranh với các developer Ấn Độ, Philippine, thậm chí là… Việt Nam. Do nước ta và các nước này đều nghèo nên dân tình đua nhau… hạ giá rất rẻ mạt, công việc làm ăn cũng khá khó khăn.

Tạo ra sản phẩm: web, app di động, khoá học

Một phương pháp kiếm tiền khác là tạo ra sản phẩm để… bán. Do đa phần việc tạo ra một sản phẩm website khá là phức tạp, mất thời giannên thông thường thường là các công ty mới có thể đầu tư làm.

Về phần developer cá nhân, chúng ta có thể làm app di động (game), sau đó đăng lên store để kiếm tiền (tiền quảng cáo, bán app, bán sản phẩm trong game).

Ngoài ra, nếu có khả năng, bạn cũng có thể tạo ra khoá học và đem bán. Điển hình như ở nước ngoài, có bác John Sonmez từng kiếm được 500 nghìn đô/năm nhờ các khoá học trên pluralsight. Ở Việt Nam, bạn có thể bán trên các trang như:  myclass.vn, techmaster.vn, edumall.vn

Một số khoá học trên myclass.vn

Ưu điểm của cách này là có thể rèn luyện kĩ năng cá nhân, có sản phẩm để show ra khi xin việc. Nếu may mắn, tiền thu được từ sản phẩm sẽ trở thành thu nhập thụ động (Tức là bạn chỉ ngồi không, không phải làm việc mà vẫn có tiền hàng tháng, sướng chưa).

Nhược điểm là cách làm này cũng khá bấp bênh và hên xui. Có vô số ứng dụng trên Android, iOS nên việc cạnh tranh khá gay gắt. May mắn như Nguyễn Hà Đông chỉ là thiểu số (Bằng chứng là sau Flappy Bird không thấy anh có game nào hot như vậy nữa).

Khoá học cũng vậy, có thể bạn sẽ bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng cuối cùng không bán được vì… không biết marketing nên chả ma nào mua.

Làm startup hoặc mở công ty riêng

Hai tấm gương học IT xong ra khởi nghiệp thành công, lừng lẫy thế giới là Mark Zuckerberg và Bill Gates. Hiện tại, ở Việt Nam, có rất nhiều bạn tốt nghiệp IT ra trường và khởi nghiệp ngay.

Ưu điểm thì khỏi cần nói rồi. Tham gia startup, bạn sẽ học hỏi được vô số những điều bổ ích, phát triển bản thân. Nếu startup thành công, bạn vừa có tiền, có quyền lại có tiếng tăm. Chưa kể, cảm giác tự xây dựng được một sự nghiệp cho bản thân cũng rất đáng tự hào nhé.

Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp và mở công ty có khá nhiều chông gai vất vả: đủ thứ sức ép và áp lực từ nhiều phía, tài chính khó khăn, gia đình bạn bè không thông cảm. Mấy thứ này báo đài đã nói nhiều lần nên các bạn cứ Google là ra nhe.

Hai tấm gương bỏ học và khởi nghiệp thành công, còn mấy tấm gương thất bại thì giờ chìm đâu đó rồi

Đi làm ở công ty

Tốt nghiệp, ra trường, xin việc, đi làm, thăng tiến là con đường được rất nhiều người lựa chọn.

Đây là một con đường khá an toàn, ổn định. Hàng tháng bạn không phải lo đi tìm việc mà vẫn có việc làm, có lương. Mức lương của ngành IT cũng khá cao so với mặt bằng chung, nếu biết cách vun vén cũng đủ sống. Khi đi làm, bạn sẽ học hỏi được nhiều điều từ đồng nghiệp và sếp, từ qui trình làm việc của công ty.

Bạn cũng có thể phát triển bản thân lên các vị trí cao hơn, nhiều trách nhiệm hơn, dĩ nhiên lương cũng.. ngon hơn. Các bạn có thể đọc bài này về con đường phát triển nghề nghiệp của ngành IT.

Nhược điểm khi lựa chọn con đường này là bạn phải chịu khó đầu tư kĩ năng tìm việc (viết CV, phỏng vấn). Công việc cũng khá gò bó, đi làm 8 tiếng mỗi ngày, đôi khi phải OT để kịp tiến độ. Ngoài ra, nhiều khi phải làm việc với đồng nghiệp, sếp dở hơi cũng phải… cắn răng chịu đựng vì yêu cầu công việc.

Đôi khi cũng gặp phải sếp hoặc đồng nghiệp dở hơi

Kết hợp nhiều phương thức với nhau

Tất nhiên, nếu muốn kiếm nhiều tiền, bạn có thể kết hợp nhiều phương thức lại với nhau. Ví dụ, sáng đi làm, tối về cày freelance hoặc làm khoá học để kiếm thêm. Đôi khi sẽ hơi stress và mệt mỏi tí, tuy nhiên thu nhập cũng khá là cao.

Hoặc có nhiều bạn chịu khó đi làm vài năm để học hỏi. Sau vài năm, khi đã có vốn, có kinh nghiệm và quan hệ, họ mới bắt đầu mở công ty riêng. Cách này có phần ổn định hơn so với việc mở công ty ngay. Tuy nhiên, cũng cần phải học thêm khá nhiều, vì đôi khi điều hành một công ty cần những skill hoàn toàn khác so với lúc làm việc.

Kết

Qua bài viết, mình đã chia sẻ 5 con đường kiếm tiền từ ngành lập trình. Bản thân mình thì đang áp dụng cách 2 và 4: vừa đi làm, vừa dự tính làm sản phẩm để bán kiếm thêm.

Nếu còn đang phân vân, không biết thuyết phục bố mẹ ra sao khi chọn ngành IT, hãy đưa họ xem bài viết này nhé.

Techtalk Via toidicode

0