Alex Zhu: Từ startup thất bại tới người điều hành ứng dụng khiến Facebook phải kiêng dè
TikTok là ứng dụng “hát nhép” được người trẻ ưa chuộng hàng đầu hiện tại. Tuy nhiên, với Alex Zhu, nó lại là dự án sinh ra từ nỗi tuyệt vọng. Tiktok và cơn khát sự nổi tiếng của những đứa trẻ khu ổ chuột Ấn Độ “Tân binh" TikTok đe doạ các ...
TikTok là ứng dụng “hát nhép” được người trẻ ưa chuộng hàng đầu hiện tại. Tuy nhiên, với Alex Zhu, nó lại là dự án sinh ra từ nỗi tuyệt vọng.
Mùa hè năm 2014, Alex Zhu cùng Louis Yang vẫn đang quay cuồng với thất bại của đứa con tinh thần đầu tiên – ứng dụng giáo dục muốn kết hợp cả Coursera và Twitter trong một sản phẩm. Anh phát hiện mọi người không thực sự muốn dùng smartphone để học. Thay vào đó, họ chủ yếu duyệt Facebook, chơi game, nhắn tin. Điện thoại chỉ dùng để giải trí và kết nối.
Với ít tiền còn sót lại từ 250.000 USD huy động được từ các nhà đầu tư mạo hiểm trước đó, Zhu nảy ra ý tưởng tiếp theo trên chuyến tàu tới Mountain View, California, Mỹ. Tại đây, anh nhìn thấy thanh thiếu niên nghe nhạc, chụp ảnh, quay video tự sướng rồi cho nhau xem màn hình của mình. Nó khiến anh nghĩ rằng họ có thể yêu thích ứng dụng kết hợp tất cả các yếu tố ấy.
Kết quả là Musical.ly ra đời. Với Musical.ly, ai cũng trở thành một ngôi sao giải trí.
Chỉ trong vòng một năm, Musical.ly đã đứng đầu bảng xếp hạng App Store tại Mỹ. Đây là trường hợp hiếm gặp đối với một ứng dụng do người Trung Quốc phát triển. Zhu từng làm việc tại hãng phần mềm SAP của Đức tại Mỹ nhưng sau đó chuyển về Thượng Hải, nơi phần lớn nhóm Musical.ly đang sinh sống. Hơn 10 năm trước, anh học kỹ sư dân sự tại Đại học Triết Giang.
Tháng 8/2016, CEO Facebook Mark Zuckerberg mời Zhu đến trụ sở công ty ở Menlo Park, California để đàm phán mua lại Musical.ly, theo nguồn tin của BuzzFeed. Các cuộc thảo luận diễn ra trong tháng sau đó khi một nhóm Facebook ghé thăm Zhu và Yang tại Thượng Hải. Có lẽ, Facebook xem Musical.ly là một nguy cơ.
Nếu xem một số video Zhu phát biểu tại các sự kiện công nghệ khác nhau, điều đầu tiên bạn có thể nhận ra là anh khá hài hước, dễ tính và nhận được nhiều tràng cười từ khán giả. Tham vọng của anh đối với Musical.ly cũng rất rõ ràng.
Năm 2016, trong cuộc nói chuyện với nhà đầu tư Josh Elman, Zhu so sánh xây dựng mạng xã hội cũng giống như lập quốc. Mục tiêu đầu tiên là lôi kéo mọi người từ nơi khác chuyển đến vương quốc mới, tương tự nước Mỹ đã làm trong thế kỷ 18.
“Bạn muốn xây một nền kinh tế, bạn muốn có cư dân và bạn muốn mọi người chuyển từ châu Âu sang nước bạn. Với Musical.ly, Instagram là châu Âu, Facebook là châu Âu”. Anh ví những thanh thiếu niên gia nhập Musical.ly với người nhập cư theo đuổi giấc mơ Mỹ. Họ chứng kiến người bình thường trở nên nổi tiếng nhờ ứng dụng và muốn bản thân cũng được như vậy.
Về sau, Musical.ly được mua lại nhưng không phải do Facebook. Cuối năm 2016, startup Trung Quốc ByteDance ra mắt ứng dụng có tên Douyin gần giống Musical.ly. ByteDance mua công ty của Zhu với giá 1 tỷ USD cuối năm 2017. Năm 2018, nó hợp nhất với TikTok, phiên bản quốc tê của Douyin.
Sau khi hỗ trợ chuyển dịch, Zhu dành vài tháng nghỉ ngơi, đi club ở Thượng Hải và nghe jazz. Người đàn ông 40 tuổi vẫn luôn giữ cho mình tính nghệ sỹ và triết lý. Blog cá nhân của anh có tên “Đam mê của Sisyphus”, đặt theo tên của anh hùng Hy Lạp bị trừng phạt vì tự cao tự đại, gian dối, buộc phải lăn tảng đá lớn lên đồi. Blog được cập nhật lần cuối vào năm 2012, chứa đầy thơ và truyện ngắn.
Hiện tại, Zhu đứng đầu TikTok và báo cáo trực tiếp cho CEO ByteDance Zhang Yiming. Điều đó đồng nghĩa anh phải đảm bảo thuyết phục được nhà chức trách Mỹ rằng nguồn gốc Trung Quốc của ứng dụng không phải điều phải lo sợ. Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo New York, khi được hỏi về tình huống nếu Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu gỡ video hay cung cấp dữ liệu người dùng, anh trả lời: “Tôi sẽ từ chối ông ấy”.
TechTalk via Ictnews