09/09/2018, 21:50

Business Analyst – Con đường không chỉ dành riêng cho IT-ers

Có rất nhiều bạn đã đặt câu hỏi với chúng tôi rằng: “Mình không có học về IT, mình không biết gì về kỹ thuật hết, vậy mình có làm BA được không?” Câu trả lời là “CÓ” bạn nhé! Dù bạn đến từ bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào, thì việc trở thành một chuyên viên Phân tích ...

BA

Có rất nhiều bạn đã đặt câu hỏi với chúng tôi rằng: “Mình không có học về IT, mình không biết gì về kỹ thuật hết, vậy mình có làm BA được không?”

Câu trả lời là “CÓ” bạn nhé!

Dù bạn đến từ bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào, thì việc trở thành một chuyên viên Phân tích nghiệp vụ (Business Analyst – BA) không phải là điều không thể. Và thực tế, có rất nhiều BA không xuất thân từ Công nghệ Thông tin – CNTT nhưng lại phát triển rất nhanh trên con đường này.

BA chính là “cầu nối”, là “thông dịch viên” giữa bộ phận CNTT và hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp. Do đó, ngoài những kỹ năng “hành nghề” cần thiết, thì một người BA cần có kiến thức về lĩnh vực của cả hai bên để có thể thực hiện tốt công việc của mình.

Người BA sẽ chịu trách nhiệm phân tích nhu cầu của khách hàng, các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp để tìm hiểu và đề xuất phương pháp giải quyết phù hợp. Họ giúp cải thiện quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu chi phí hoạt động, tận dụng hiệu quả tối đa nguồn lực mà doanh nghiệp cho phép và họ sẽ là người “chăm sóc khách hàng” tốt hơn.

Ví dụ, bạn là một BA, bạn sẽ đi thu thập yêu cầu khách hàng, sau đó, thực hiện nghiên cứu, phân tích và xác thực những yêu cầu này (yêu cầu có thể liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như tài chính, kế toán, quản trị, CNTT, v.v…) . Từ đó, bạn tiến hành hoàn thiện các tài liệu liên quan đến đặc tả yêu cầu và chuyển giao cho bộ phận phát triển phần mềm (hay gọi là lập trình viên, coder,…) . Và cuối cùng, bạn sẽ là người hỗ trợ khách hàng/các phòng ban khác,… hay viết những tài liệu liên quan đến đào tạo, hướng dẫn người dùng.

Nếu bạn làm việc lâu trong nghề BA, bạn sẽ có cơ hội cọ xát với nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính điều này sẽ giúp bạn tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân, giải quyết công việc hiệu quả hơn, đồng thời giúp bạn phát triển nhanh hơn trong nghề.

Với những phân tích trên, bạn cũng có thể thấy rằng không phải chỉ có những người thuộc lĩnh vực CNTT mới làm được công việc này.

Vậy đối với từng đối tượng ở các lĩnh vực ngành nghề khác nhau, thì họ sẽ cần bổ sung kiến thức gì để trở thành một BA chuyên nghiệp?

Để trả lời câu hỏi này, tạm thời chúng tôi sẽ chia ra 3 nhóm đối tượng:

Nhóm những người chỉ chuyên về lĩnh vực CNTT (ví dụ: lập trình viên, QC,….) Nhóm những người chuyên về các lĩnh vực khác (ví dụ: kinh tế, dịch vụ,…) Nhóm những người vừa có kiến thức về CNTT, vừa nắm được kiến thức cơ bản ở các lĩnh vực khác (ví dụ: hệ thống thông tin quản lý,…)

Nhóm 1: Nhóm những người chỉ chuyên về lĩnh vực CNTT.

Đối với nhóm đối tượng này, họ có thể là lập trình viên (developer), chuyên viên kiểm thử phần mềm (QC, Tester),…

Kiến thức của họ chuyên về kỹ thuật, nên nếu muốn trở thành một BA, họ cần bổ sung thêm những kiến thức cơ bản về các nghiệp vụ phi kỹ thuật (ví dụ như kế toán, nhân sự, tài chính…).

Và thường thì những người thuộc lĩnh vực này sẽ dễ dàng hơn trong việc trở thành một chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Bởi ngoài kiến thức nền tảng chuyên về CNTT, thì tuỳ vào từng lĩnh vực dự án và tuỳ vào mức độ chuyên sâu của lĩnh vực đó, mà họ sẽ chỉ cần tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan và chuyên sâu đến cỡ nào mà thôi.

BA xuất thân từ “IT” thường làm trong các công ty outsource, hay các công ty chuyên về phần mềm, bởi những công ty này đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật cao hơn nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp và có được sản phẩm bàn giao tốt nhất.

Tuy nhiên, đa phần thì “dân IT” thường có kỹ năng mềm (soft-skills) không tốt mấy, nên để làm BA tốt hơn, họ cần cải thiện rất nhiều về những kỹ năng này, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp (communication skills) và kỹ năng tương tác (interactive skills).

Nhóm 2: Nhóm những người chuyên về các lĩnh vực khác, không phải CNTT.

Nhóm đối tượng này bao gồm những người ở các lĩnh vực như nhân sự, tài chính, kế toán, ngân hàng, du lịch… (chúng tôi tạm gọi chung là kinh tế)

Họ không chuyên, đôi khi không hiểu được các thuật ngữ, cũng như những vấn đề liên quan đến kỹ thuật. Vậy để trở thành BA, họ cần cố gắng rất nhiều.

Ngoài nền tảng chuyên môn về kinh tế sẵn có, họ cần học, hiểu thêm và nắm được những công cụ, kỹ thuật liên quan đến CNTT mà một BA thường sử dụng. Đồng thời, họ cũng cần tìm hiểu thêm những thuật ngữ thông dụng về kỹ thuật để có thể thực hiện tốt vai trò “cầu nối” của mình.

Lợi thế thường thấy của nhóm đối tượng này đó là về kỹ năng mềm, đa phần những người thuộc lĩnh vực kinh tế họ sẽ có xu hướng năng động, linh hoạt, và kỹ năng giao tiếp cũng tốt hơn.

BA không xuất thân từ kỹ thuật thường làm trong các công ty/tổ chức/doanh nghiệp chỉ liên quan đến một lĩnh vực chuyên môn nào đó nhất định (ví dụ như ngân hàng,…). Bởi thông thường ở những nơi này thì BA vẫn đóng vai trò cầu nối, nhưng sản phẩm cuối cùng mà BA cùng nhóm phát triển phần mềm tạo ra phục vụ cho mục đích sử dụng nội bộ. Do đó, BA lúc này cần có kiến thức chuyên sâu về nghiệp vụ hơn.

Nhóm 3: Nhóm những người vừa có kiến thức về CNTT, vừa nắm được kiến thức cơ bản ở các lĩnh vực khác.

Những người thuộc nhóm này thường là những lập trình viên/quản lý dự án lâu năm, đã trải qua nhiều dự án ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc họ được đào tạo với chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS – Management Information System).

Kiến thức chuyên môn của họ sẽ bao quát hết mọi lĩnh vực (vừa CNTT, vừa kinh tế). Do đó, nhóm đối tượng này sẽ dễ dàng trở thành BA nhất. Tuy nhiên nếu đo hai cán cân kiến thức về CNTT và kinh tế, thì tỷ lệ thường là 7:3 (70% CNTT, 30% kinh tế).

0