Chẳng cần cao siêu như phim giả tưởng, 5 công nghệ đáng sợ nhất 2019 này vẫn đang hiển hiện khắp mọi nơi
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ liệu có khiến người ta cảm thấy an toàn hơn, hay thật sự đang sống trong nỗi lo sợ tiềm ẩn? Không phải tự nhiên mà nhiều bộ phim điện ảnh bom tấn lại lấy nội dung chủ đạo về cuộc chiến giữa con người và máy móc suốt nhiều năm trở lại đây. ...
Không phải tự nhiên mà nhiều bộ phim điện ảnh bom tấn lại lấy nội dung chủ đạo về cuộc chiến giữa con người và máy móc suốt nhiều năm trở lại đây. Đó đã và đang là vấn đề khiến nhiều người lo ngại trong cuộc sống hàng ngày, về sự thống trị của công nghệ hiển hiện trước mắt nhưng chúng ta chưa kịp nhận ra.
“Kẻ Hủy Diệt” là tựa phim quen thuộc trong chủ đề máy móc-con người.
2019 chứng kiến sự bùng nổ về những thành tựu khoa học và công nghệ đạt được, nỗi lo về những Facebook, Google theo dõi người dùng có lẽ cũng chỉ là một phần nhỏ trong hằng hà sa số các giả thuyết khác. Viễn cảnh máy móc và robot vùng lên chống lại con người trong phim có xảy ra hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn 5 công nghệ sau đây đang khiến nhiều người tranh cãi vì tiềm năng và ứng dụng “đáng sợ” của nó trong cuộc sống hiện nay.
Nhận diện khuôn mặt
Không hẳn là những cảm biến giúp mở khóa cá nhân trên smartphone, mà việc công nghệ này được xây dựng thành cả một hệ thống rộng lớn với quy mô quốc gia mới là điều cần chú ý. Rất nhiều những tụ điểm công cộng trên thế giới hiện nay như sân bay, siêu thị, trung tâm giải trí… đã được tích hợp nhận diện khuôn mặt trên các camera, thậm chí cả đường phố và khu dân cư đông đúc như ở Trung Quốc.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt được lắp đặt công cộng ở Trung Quốc trên rất nhiều đường phố.
Chúng được lắp đặt với rất nhiều công dụng: Theo dõi tự động, nhận biết nhanh các hành vi tiêu cực, nhận diện khuôn mặt khớp với dữ liệu hình ảnh tình nghi… và hàng tá những thứ khác chúng ta chưa biết hết. Được biết, tại một số địa điểm nhất định, cảnh sát thậm chí đã cho ứng dụng các hệ thống có khả năng đoán biết tâm trạng và rủi ro phạm tội hoặc làm điều tiêu cực của một người, dựa trên các dấu hiệu về cử chỉ và nét mặt, thậm chí giọng nói nếu có thu âm được.
Người ảo
Không đơn giản là những nhân vật ảo trong game hay phim ảnh, “người ảo” khác biệt ở chỗ chúng sẽ tham gia tự nhiên vào các hoạt động và mục đích hàng ngày trong cuộc sống, trong khi vẻ ngoài được thiết kế rất giống người thật và gần như không thể nhận ra sự khác biệt.
Một MC trên TV của Trung Quốc thực ra chỉ là ảnh ảo được tạo nên bởi con người.
Nếu chăm theo dõi tin tức, chắc hẳn các bạn còn nhớ những cô phát thanh viên hay MC ảo xuất hiện ở một số show đặc biệt, xem trên màn hình cứ ngỡ đó là một nhân viên nhà đài đang đứng trên trường quay nhưng thật ra chỉ hình ảnh đồ họa ảo được chèn vào khung hình. Thậm chí, các trợ lý ảo như Siri, Google Assistant phổ biến ngày nay cũng sẽ sớm có khả năng tự ứng biến, nói chuyện chủ động với con người như cách mà Google đã thử nghiệm trước hàng nghìn fan đầu năm nay.
Giả mạo hình ảnh
Deepfake – khái niệm tưởng như xa lạ nhưng đã khiến rất nhiều người, đặc biệt là những tên tuổi nổi tiếng – phải e ngại. Đây là công nghệ tự động nhận diện thông minh hình ảnh khuôn mặt của một mẫu video gốc, sau đó thế chỗ vào đó một khuôn mặt của người khác một cách hoàn chỉnh và khớp gần như hoàn toàn. Mọi cảm xúc và nét mặt gốc đều được chuyển hóa sang khuôn mặt ghép mới, khiến cho nhiều kẻ xấu lợi dụng điều này để tạo ra các video giả mạo, tung tin đồn thất thiệt hoặc đôi khi là tống tiền.
Obama là một trong những người đầu tiên bị lợi dụng làm ra các video giả mạo ghép mặt.
Theo dõi công sở
Năng suất lao động và làm việc là những tiêu chí được chú ý hàng đầu ở các công ty, nhất là những thương hiệu lớn hàng đầu thế giới. Vì thế, bên cạnh việc đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe, họ còn áp dụng một số công nghệ có sẵn cho hàng loạt nhân viên của mình, kể cả khi chúng có phần khiên cưỡng.
Chẳng hạn như Amazon và một sáng chế về vòng tay thông minh của mình, những nhân viên đeo chúng sẽ liên tục gửi và phát tín hiệu về cho hệ thống, thông báo vị trí cũng như các cử chỉ sai trái nào đó. Một số khác thì dùng các cảm biến chuyển động lắp đặt quanh khuôn viên làm việc để bao quát dễ dàng hơn hoạt động trong công ty.
Theo dõi nhà ở
Công sở là vậy, còn nhà ở cá nhân thì sao? 2018 chứng kiến hàng loạt những phát minh mới dưới lĩnh vực “nhà ở thông minh” (smart home). Rất nhiều các dịch vụ và thiết bị nhỏ gọn được giới thiệu, đặc biệt là từ những ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Amazon… với Portal gọi thoại video, Alexa trong loa thông minh Echo của mình.
Mark Zuckerberg từng giới thiệu ngôi nhà thông minh của mình có thể nghe lệnh như JARVIS của Iron Man.
Đó là chưa kể tới những phụ kiện khác giúp biến các thiết bị vô tri vô giác thành thiết bị thông minh, có khả năng điều khiển bằng giọng nói hoặc học tập thói quen sử dụng của người dùng. Nếu viễn cảnh máy móc vùng lên là có thật, đây có thể là nguồn cơn hữu ích để theo dõi nhất cử nhất động của con người.
TechTalk via ictnews