18/12/2018, 22:59

CHI PHÍ MARKETING CHO ỨNG DỤNG DI ĐỘNG: KHÉO ĂN THÌ NO, KHÉO CO THÌ ẤM

Bài toán chi phí marketing cho ứng dụng di động (app), về lý thuyết, cũng giống như câu chuyện đầu tư “bỏ ra một đồng, thu về đồng rưỡi”. Lẽ dĩ nhiên, bài toán quản trị chi phí hoạt động marketing trên thực tế phức tạp hơn nhiều. Quản trị chi phí marketing là một chủ ...

Bài toán chi phí marketing cho ứng dụng di động (app), về lý thuyết, cũng giống như câu chuyện đầu tư “bỏ ra một đồng, thu về đồng rưỡi”. Lẽ dĩ nhiên, bài toán quản trị chi phí hoạt động marketing trên thực tế phức tạp hơn nhiều.

Quản trị chi phí marketing là một chủ đề hay, thú vị và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà phát triển ứng dụng di động tại Workshop “Quản trị nguồn vốn hiệu quả cho Game/App Studio” do AppotaXAdsota tổ chức tuần qua. Theo anh Trần Thơ – Founder đồng thời cũng là Giám đốc của Sonat Game Studio – một trong các diễn giả góp mặt trong chương trình, chiến lược và chi phí marketing của mỗi studio phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển sản phẩm.

Giai đoạn thăm dò: Kiên nhẫn, chịu chi tiền và đừng mong lãi

Một ứng dụng thành công hay không phần nhiều là nhờ vào các hoạt động trong giai đoạn mới phát hành. Mục tiêu của giai đoạn đầu là thử nghiệm (test) liên tục và gia tăng người dùng, đồng thời đạt được các chỉ số tốt, ví dụ như số lượng cài đặt, thời gian lưu lại trên app hay tỉ lệ người dùng quay trở lại app.

Đây là giai đoạn chạy đà và giúp studio hoạch định ra chiến lược phát triển lâu dài. Khi game/app mới ra mắt, studio hay các nhà phát triển nên lưu tâm đến một vài điều như sau:

Đổ chi phí vào quảng cáo, thăm dò thị trường: Dựa trên kinh nghiệm của mình, anh Thơ có chia sẻ, do tính chất, đối tượng người dùng của các game/app có thể sẽ khác nhau, quảng cáo chéo, tận dụng tập người dùng của các ứng dụng sẵn có chưa hẳn là một phương pháp hiệu quả. Vì vậy, các mạng quảng cáo như Adwords hay Facebook là những lựa chọn không tồi.

Diễn giả Trần Thơ tại Adsota – AppotaX Workshop – Quản trị nguồn vốn hiệu quả cho GameApp Studio

Lựa chọn đúng thị trường quyết định tới 70% sự thành bại. Vì thế, đây là giai đoạn khuyến khích tập trung vào các thị trường vừa và nhỏ, với giá quảng cáo CPI thấp, dao động trong khoảng $0.2 đến $0.3. Hoặc nếu có điều kiện, đủ ngân sách, có thể chia thị trường ra làm 3 nhóm, đầu tư tiền để thử nghiệm: (1) thị trường nền có CPI rẻ (như Ấn Độ, Philippine); (2) thị trường phát nổ (như Hàn Quốc, Mỹ); (3) thị trường thăm dò – đang phát triển (như Brazil, Nga) dựa trên các báo cáo về giá CPI cũng như nghiên cứu về thói quen người dùng tại các quốc gia khác nhau.

Tuy nhiên, nên tránh các điểm nóng cạnh tranh cao nêu không đủ nguồn lực tài chính và không quá tự tin vào mức độ phù hợp của ứng dụng.

Liên tục test và điều chỉnh, gia tăng người dùng: Sử dụng các công cụ phân tích như Firebase, Appsflyer, GA để hiểu người dùng, tự đặt và tìm đáp án cho bài toán người dùng. Người dùng ở đất nước này có phù hợp không? Họ hay bỏ game/app vào lúc nào? Tỉ lệ mua đồ (in-app purchase) là bao nhiêu?

Nhà phát triển cần đặc biệt kiên trì, liên tục test và điều chỉnh đều đặn vì đây là quy trình test kéo dài, thậm chí lên đến hơn 30 ngày (D30), tốn kém và chưa mang lại nhiều lợi nhuận.

Giai đoạn phát triển: Liên tục tối ưu ứng dụng và tìm cách gia tăng doanh thu

Giai đoạn thứ 2 xoay quanh ba yếu tố chính: (1) tạo đa hóa User Lifetime Value (LTV) – giá trị tương lai người dùng sẽ mang lại trong suốt thời gian gắn bó với ứng dụng; (2) ASO – tối ưu hiển thị trên kho tải; (3) tối ưu quảng cáo.

Liên tục tối ưu ứng dụng

Sau khi đã xác định được thị trường, đối tượng người dùng phù hợp, bài toán chi ra bao nhiêu tiền trở thành muốn lời bao nhiêu. Quyền quyết định nằm trong tay người làm app hay chính studio. Giả dụ, mục tiêu đặt ra là tỉ suất lợi nhuận trên đầu tư đạt 2%, với con số doanh thu cụ thể, người làm mobile marketing sẽ xác định được ngân sách dành cho marketing là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, các nhà phát triển và marketer nên tham khảo các dòng game/app tương tự cũng như chỉ số CPI tại những thị trường chính nhằm cân đối chi phí quảng cáo sao cho phù hợp.

Cũng trong giai đoạn này, các chỉ số liên quan đến app, đến người dùng vẫn phải liên tục cập nhật, đặc biệt là con số về doanh thu. Liệu chi phí bỏ ra và doanh thu mang lại đã đạt mục tiêu chưa? Liệu nên tái đầu tư, hay dừng lại?

Ứng dụng di động là cuộc chơi khốc liệt. Nếu như game/app không thu hút được người dùng ngay từ những ngày đầu tiên thì coi như thất bại. Vậy nên, đầu tư chi phí quảng bá game/app cần phải được chú trọng, liên tục tối ưu dựa trên các chỉ số thực tế, đồng thời, cân đối ngân sách cho các hoạt động khác.

0