17/09/2018, 16:46

Chiếc nhẫn bảo mật của chàng giáo sư người Việt

Dự án nghiên cứu về nhẫn bảo mật của giáo sư Vũ Ngọc Tâm vừa được Google tài trợ 55.000 USD, nột dự án đầy tiềm năng có thể giúp hàng triệu người bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng. Cách đây 2 năm, Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Tâm (30 tuổi) cùng với GS Marco Gruteser đã sáng chế ra chiếc nhẫn ...

Dự án nghiên cứu về nhẫn bảo mật của giáo sư Vũ Ngọc Tâm vừa được Google tài trợ 55.000 USD, nột dự án đầy tiềm năng có thể giúp hàng triệu người bảo vệ thông tin cá nhân quan trọng.

Chiếc nhẫn bảo mật của chàng giáo sư người Việt

Cách đây 2 năm, Giáo sư (GS) Vũ Ngọc Tâm (30 tuổi) cùng với GS Marco Gruteser đã sáng chế ra chiếc nhẫn bảo mật có thể lưu trữ gần như không giới hạn các loại mật khẩu (password).

Khi chạm chiếc nhẫn đó vào màn hình cảm ứng (touch screen), nó có thể trao đổi dữ liệu, xác nhận người dùng. “Tính bảo mật của chiếc nhẫn cao hơn hẳn các thiết bị lưu trữ trên thi trường”, GS Tâm nói. Ông giải thích điểm nổi bật của chiếc nhẫn là nó không dùng tín hiệu không dây như wifi, bluetooth hay NFC để giao tiếp với thiết bị chủ như điện thoại, máy ATM, máy tính bảng… Nếu dùng sóng không dây sẽ rất dễ bị ăn cắp dữ liệu còn nếu dùng vân tay tính bảo mật cũng không cao, ví dụ bạn bám vào cửa, chạm lên mặt kính là người ta có thể dễ dàng lấy mẫu vân tay của bạn.

“Để tăng tính bảo mật của chiếc nhẫn, tôi sẽ tích hợp công nghệ nhận dạng chủ nhân thông qua tín hiệu nhịp tim, một thông số duy nhất cho mỗi người, vì vậy dù có mất chiếc nhẫn, chủ của nó cũng không bị mất thông tin quan trọng”, GS Tâm nói thêm.

Chiếc nhẫn có hình dáng như một đồ trang sức nhưng nó có thể ứng dụng trong việc lưu trữ và sử dụng cho mật mã tài khoản ngân hàng, bảo mật các thông tin quan trọng. Ngoài ra, nó có thể ứng dụng trong việc ngăn ngừa tình trạng người không có thẩm quyền sử dụng vũ khí bằng cách khóa vũ khí bằng mật khẩu, chỉ khi chủ nhân của chiếc nhẫn chạm vào thiết bị thì thiết bị đó mới có thể sử dụng được.

“Chiếc nhẫn bảo mật” chỉ là một trong những thành quả nghiên cứu được đánh giá cao của GS Vũ Ngọc Tâm. Bởi ông còn được biết đến với việc tham gia những nghiên cứu đáng chú ý trong giới khoa học ở Mỹ như: Thiết kế mạng internet tương lai cho thiết bị di động, một trong 4 dự án trọng điểm của chính phủ Mỹ mà Quỹ phát triển khoa học NSF đầu tư tổng cộng hơn 12 triệu USD.

Hoặc dự án Phát hiện việc tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe để ngăn ngừa tai nạn giao thông vì lơ đễnh (kết quả này được giới thiệu trên kênh thông tin đại chúng của Mỹ như CNN, The New York Times, The Wall Street Journal, National Public Radio, MIT Tech review)…

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, GS Ngọc Tâm đang hợp tác với ĐH Colorado để thiết kế một chương trình máy tính nhằm dự đoán tiến trình hồi phục của bệnh nhận.  Nếu có dữ liệu đầu vào như: nhịp tim, huyết áp, sự thay đổi thể tích lồng ngực…, phần mềm đó có thể đưa ra dự báo bệnh nhân sẽ nặng hơn hoặc bình phục trong bao lâu. Điều này giúp người nhà bệnh nhân đưa ra quyết định hợp lý như đưa đến viện ngay lập tức hoặc có thể đợi bác sĩ gia đình tới; họ cũng có thể biết được khi nào có thể đưa bệnh nhân ra viện để tiết kiệm chi phí …

Một thành tích xuất sắc mà GS Vũ Ngọc Tâm đạt được trong thời gian ở Mỹ, đó là số lượng và chất lượng bài báo khoa học. Chỉ trong 4 năm rưỡi, anh đã có hơn 10 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu trong ngành công nghệ di động như: American Computing Machine (ACM), Mobile Computing Conference (MobiCom),  ACM Mobile Systems (MobiSys), IEEE InfoCom, IEEE Transaction on Mobile Coputing (TMC).

“Tất cả các nghiên cứu của tôi đều hướng tới 4 tiêu chí: có tác động đến xã hội, có giá trị kinh tế, có tác động đến các ngành khoa học công nghệ khác và nằm trong khả năng chuyên môn”. “Tôi mong có thể giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập cùng với việc mỗi năm thực hiện 1-2 lần Dự án Teaching tour, để cùng bạn bè về Việt Nam trao đổi kiến thức mới nhất với sinh viên trong nước”, GS Tâm tâm sự.

Nguồn: Thanhnien.vn

0