Công việc của BrSE
Hẳn là các bạn đang làm trong công ty phần mềm với Nhật thì ít nhiều đều biết về vị trí Kỹ sư cầu nối -Bridge Software Engineer, gọi tắt là BrSE (có chữ "r" là để tránh nhầm với bệnh bò điên - BSE). Tôi chắc rằng có không ít người đang mơ ước một vị trí như vậy. Nhưng đằng sau những giá trị đó là ...
Hẳn là các bạn đang làm trong công ty phần mềm với Nhật thì ít nhiều đều biết về vị trí Kỹ sư cầu nối -Bridge Software Engineer, gọi tắt là BrSE (có chữ "r" là để tránh nhầm với bệnh bò điên - BSE). Tôi chắc rằng có không ít người đang mơ ước một vị trí như vậy. Nhưng đằng sau những giá trị đó là những khó khăn mà nếu chưa từng làm một lần thì không thể biết được. Vâng, cá nhân tôi cũng đang trên đà theo đuổi công việc này. Tại sao tôi lại theo đuổi công việc tường chừng như không thể đạt được này ư ? lý do rất đơn giản vì tôi là con gái, công việc này không phù hợp với con gái ư ? thuyết phục hơn nữa là tôi chỉ là dân ngoại ngữ ư ? Thú thật là tôi cũng không chắc chắn về lý do chọn công việc này làm mục tiêu nữa. Thực ra thì trước khi bước vào nghề tôi cũng đã tìm hiểu về công việc này rồi. Nhưng bạn có như thế không ? tìm hiểu là một chuyện đến lúc cá nhân mình trải nghiệm thì lại là một thực tế hoàn toàn khác. Sau đây là tóm tắt về những tìm hiểu của tôi về công việc kỹ sư cầu nối này, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trẻ cùng là dân ngoại ngữ giống như tôi lại đang hướng về công việc này.
Kỹ sư Cầu nối là công việc như thế nào?
Kỹ sư Cầu nối - Bridge Software Enginee (BrSE) là công việc đặc thù trong các công ty sản xuất và cung cấp giải pháp Công nghệ Thông tin (outsourcing) cho thị trường Nhật Bản. BrSE là kỹ sư CNTT làm việc trực tiếp với khách hàng, kết nối giữa khách hàng và người làm kỹ thuật, chịu trách nhiệm truyền đạt yêu cầu, dung hoà cách làm việc giữa các quốc gia có văn hoá khác nhau như Việt Nam và Nhật Bản. BrSE nhất thiết phải có hiểu biết về kỹ thuật và khả năng sử dụng song ngữ Việt – Nhật thành thạo.
BrSE – họ là ai?
BrSE là một nghề đặc thù! Người làm BrSE phải là Kỹ sư IT, phải có kinh nghiệm làm việc trên 1 năm và trình độ Nhật ngữ tương đương N2. BrSE làm việc dài hạn tại Nhật Bản hoặc Việt Nam. Các BrSE làm việc tại Việt Nam thường xuyên tham gia những chuyến công tác ngắn hạn tại Nhật, giữ vai trò chủ chốt trong những đội dự án CNTT với khách hàng Nhật Bản.
Về điều này thì tôi chưa thực sự trải nghiệm, cơ bản là tôi chưa thực sự là BrSE nên tôi không comment gì nhiều về điều này. Sau này nếu có cơ hội được thực sự trải nghiệm các chuyến công tác kiểu ngắn hạn mà hao tổn sinh lực như trên thì tôi hứa sẽ có một bài về cảm nhận của các chuyến đi ^^
BrSE là thông dịch viên tiếng Nhật?
Yêu cầu sử dụng tiếng Nhật thành thạo, lưu loát, truyền đạt yêu cầu của khách hàng nhưng BrSE không phải là thông dịch viên đơn thuần. Điều này là tất nhiên rồi, vì nói thực chứ nếu chỉ cần xuất sắc về ngôn ngữ thôi là đủ thì tôi cũng đang làm kha khá rồi , ít ra là tôi nghĩ như vậy, mong các bạn lượng thứ. Người làm BrSE phải thành thạo kỹ thuật, tư vấn kỹ thuật cho khách hàng, đưa ra các giải pháp hỗ trợ thực hiện. Sau đó, BrSE mô tả yêu cầu của khách hàng cho đội dự án ở Việt Nam, giám sát quá trình sản xuất, đảm bảo tiến độ dự án, kiểm tra sản phẩm cuối cùng. Một quy trình đòi hỏi 1 BRSE giỏi chuyên môn, xuất sắc về ngôn ngữ tiếng Nhật và kỹ năng mềm. Bên cạnh kỹ thuật “cứng”, BrSE phải sở hữu những kỹ năng mềm bổ sung cho công việc như: kỹ năng giao tiếp xã hội, tạo dựng niềm tin, am hiểu văn hoá Nhật Bản, tác phong làm việc Nhật Bản và luôn tỉnh táo trong mọi tình huống. Nhiều câu chuyện thú vị về văn hoá được cộng đồng BrSE người Việt làm việc tại Nhật Bản được kể lại như một bài học trong công việc như: hôm qua còn đi hát hò vui vẻ cùng khách hàng, hôm nay vào công việc, gặp điểm chưa vừa ý, họ sẵn sàng lớn tiếng mắng mỏ suốt mấy tiếng đồng hồ. Sau đó, họ nói BrSE truyền đạt như vậy cho đơn vị thực hiện. Nhưng những cảm xúc giận dữ lúc ấy làm sao có thể truyền đạt… Tuy nhiên, sự khác biệt văn hoá giữa Việt Nam và Nhật Bản không làm các BrSE nản lòng. Ngược lại, chính tư duy khác biệt của người Nhật khiến các BrSE người Việt phải thốt nên rằng tại sao người Nhật có thể nhìn ra, có thể làm được điều đó mà người Việt thì không. Từ đó, các BrSE luôn kiên nhẫn học hỏi để trau dồi kiến thức và mang về đất nước mình.
Tại sao chọn nghề BrSE?
Một trong những rào cản khiến nhiều người không thể tiếp cận được nghề nghiệp này đó là tiếng Nhật – ngôn ngữ được đánh giá là khó học nhất trên thế giới. Muốn làm nghề, kỹ sư CNTT phải dành ít nhất 01 năm để học tập, đạt trình độ tương đương N2. Tuy nhiên, phần lớn học viên đều đánh giá công việc IT rất thuận lợi cho việc học một ngôn ngữ mới bởi tư duy logic cao luôn giúp họ nhanh nhạy trong việc liên kết và tìm ra quy luật của mọi ngôn ngữ.
Đúng như vậy. Đối với dân IT muốn trở thành BrSE thì chỉ cẩn học tiếng thôi. Dễ dàng hơn rất nhiều so với dân ngoại ngữ như tôi mà cứ đâm đầu vào nghề này. Tôi tự hỏi sao các thanh niên công nghệ ở không phấn đấu học nốt tiếng thôi là có thể trở thành BrSE nhỉ ? Phần lớn các BrSE ở các công ty Nhật hiện nay vốn xuất thân từ chuyên ngành phần mềm, có thời gian dài làm việc tại Nhật Bản, thành thạo tiếng Nhật và văn hóa Nhật, có khả năng thương thảo với khách hàng về kỹ thuật và có thể quản lý dự án. Hoặc là những du học sinh tốt nghiệp chuyên ngành IT tại Nhật, có kiến thức kỹ thuật và trình độ tiếng Nhật cao, cũng có thể đáp ứng những yêu cầu khắt khe của công việc này. Tổng kết lại bài viết bằng một vài commet của tôi – người đang trên con đường phấn đấu trở thành BrSE như sau :
- Cần phải trao đổi trực tiếp với khách hàng, cụ thể là bằng họp skype, email, gặp trực tiếp… lúc công việc trơn tru thì không sao nhưng nếu có vấn đề gì khúc mắc thì thực sự là những lần trao đổi trực tiếp đó khiến tôi đổ mồ hôi hột … suy ra là kỹ năng tiếng không tốt thì không thể khéo léo phần này.
- Cân bằng giữa 2 phía hay còn gọi là điều hòa cả 2 bên. Ví dụ nếu có trường hợp khách hàng Nhật họ bực mình mắng té tát vào mặt mình rồi bảo dịch lại đi thì đúng là rất dở khóc dở cười… suy ra là phải biết kiềm chế, nói một hiểu hai chứ đừng có truyền đạt thẳng câu nói của khách hàng.
- Thực sự có những lúc cá nhân tôi ( không có kiến thức về kĩ thuật) có những lúc dev rất cần tôi phải hiểu nội dung mà dev muốn truyền tải tới khách hàng… suy ra là còn phải học hỏi nhiều.
- Có những khách hàng viết tài liệu đặc tả rất khó hiểu, mình có thể hỏi lại họ vài ba lần nhưng không có nghĩa là hỏi được tất cả… suy ra là cần phải có kỹ năng đọc hiểu nhanh nhạy.
- Với những khách hàng cứ thích kiểu xoay như chong chóng hôm nay thay đổi cái này mai lại thay đổi cái hôm nay thay đổi… suy ra cần phải thử thách độ kiên trì của bản thân cùng với kỹ năng quản lý tài liệu.
Trên đây là những chia sẻ cũng như tình trạng thực tế của tôi, nếu các bạn có góp ý gì xin comment ở dưới bài viết này. Hy vọng những comment của các bạn sẽ giúp tôi tiếp tục phấn đấu mà không bỏ cuộc giữa chừng. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi.