13/09/2018, 08:51

Định hướng phát triển công nghệ thông tin tới năm 2020

Theo quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2020, công nghệ thông tin sẽ trở thành một trong những ngành mũi nhọn để nước ta sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong tất cả các ngành và lĩnh vực. Theo quyết định đã ...

Theo quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2020, công nghệ thông tin sẽ trở thành một trong những ngành mũi nhọn để nước ta sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong tất cả các ngành và lĩnh vực.

Theo quyết định đã được phê duyệt cuả thủ tướng chính phủ, phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung là tiền đề quan trọng để công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phát triển góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.

Trước hết, phải xác định rõ các địa phương có lợi thể về hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó, các trung tâm công nghệ thông tin phải là nơi có nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào đồng thời có mức độ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu đề ra. Việc quy hoạch có xác định rõ ba trung tâm lớn về công nghệ thông tin của cả nước sẽ nằm ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Sẽ có các vệ tinh xung quanh đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn tài nguyên và  nhân lực cần thiết cho các trung tâm chính, đồng thời nhằm đẩy mạnh sự phát triển công nghệ thông tin trên toàn quốc. Các viện nghiên cứu, trường đại học cũng như các đơn vị đào tạo, cơ quan nhà nước cũng sẽ nằm trong mạng lưới đó. Nhiệm vụ chính của các trung tâm lớn là tạo ra nguồn nhân lực công nghệ thông tin với chất lượng cao, đáp ứng mọi yêu cầu của thời đại mới; nghiên cứu triển khai các dự án phát triển các sản phẩm đặc thù phục vụ cho hoạt động của nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội; tăng cường quảng bá hình ảnh, thương hiệu các khu công nghệ thông tin tập trung ở Việt Nam cũng như thương hiệu công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam nói chung góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Không chỉ là kế hoạch phát triển trong nước, chúng ta cũng cần nhận biết những hạn chế cơ bản và giải quyết trong thời gian sớm nhất để tạo những tiền đề tốt nhất cho việc vươn ra thế giới. Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, chúng ta cần sớm giải quyết tính trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Đó là việc cần giải quyết sớm và triệt để nếu Việt Nam muốn khẳng định vị thế về công nghệ thông tin trên trường quốc tế.

Thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin không phải vấn đề mới, nhưng với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, chúng ta vẫn chưa giải quyết được thực trạng này. Theo ước tính, từ nay tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 400.000 nhân lực cho ngành công nghệ thông tin. Hơn thế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là không hề dễ. Hiện tại, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông liên tục săn đón sinh viên ngay từ năm 3,4 đại học; sẵn sàng trả lương cao đồng thời cử họ sang nước ngoài du học.

Công nghệ thông tin chắc chắn sẽ trở thành đầu tàu của Việt Nam trong 10 thậm chí hơn 20 năm nữa. Đó là cơ hội cho hàng triệu doanh nghiệp Việt Nam có thể đổi đời. Những người có tư duy và nhiệt huyết hoàn toàn có thể làm trong lĩnh vực này bởi công nghệ thông tin đang phát triển ở nhiều mảng khác nhau và có liên hệ mật thiết với các ngành dịch vụ chứ công nghệ thông tin không chỉ riêng những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao hay những công việc quá phức tạp.

Techtalk Via smartjob

0