17/09/2018, 15:49

Hacker tấn công doanh nghiệp qua tivi, tủ lạnh có kết nối Internet

Sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ thông minh như tivi, tủ lạnh có kết nối Internet cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ mới đối với doanh nghiệp. Theo thông tin ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Security World 2014, con người ...

Hacker tấn công doanh nghiệp qua tivi, tủ lạnh có kết nối Internet

Sự xuất hiện của các thiết bị công nghệ thông minh như tivi, tủ lạnh có kết nối Internet cũng đang đặt ra nhiều thách thức, nguy cơ mới đối với doanh nghiệp.

Theo thông tin ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam chia sẻ tại sự kiện Security World 2014, con người đang kết nối ngày càng nhiều với thế giới thông qua các thiết bị thông minh được tích hợp Wi-Fi, Bluetooth, NFC, từ thiết bị gia dụng, y tế, công nghiệp…, mang lại những phương thức mới để chia sẻ thông tin và thay đổi cuộc sống (quá trình chuyển đổi công nghệ này được gọi là Mạng Internet của sự vật – The Internet of Things, viết tắt là IoT).

Ông Sơn cho rằng, thực tế phát triển đó cũng đang đặt ra hàng loạt thách thức mới liên quan tới an ninh bảo mật đối với các cá nhân, doanh nghiệp, đòi hỏi phải có một mô hình an ninh mạnh mẽ hơn, đảm bảo IoT phát huy được tối đa tiềm năng, sự an toàn.

7a7d80f3446fdd4b2d2ef33c8fb1159b

Ông Phan Thanh Sơn.

Nhận định của ông Phan Thanh Sơn không còn là chuyện xa xôi ngay cả với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bởi ngay đầu năm 2014, hãng công nghệ Proofpoint đã phát hiện hacker thâm nhập vào nhiều trung tâm đa phương tiện, tivi, tủ lạnh có kết nối Internet, dùng chính những hệ thống này để phát tán hàng trăm nghìn e-mail chứa mã độc đến đối tượng doanh nghiệp trên toàn cầu.

Nhận định của Cisco còn cho thấy, cùng với sự phát triển của IoT, công nghệ điện toán đám mây cũng đang được ứng dụng rộng rãi, đặt ra áp lực lớn hơn đối với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây một cách an toàn.

Đại diện Cisco nhấn mạnh, tội phạm mạng ngày càng tinh vi hơn, đó có thể chính là các chuyên gia và được trang bị nhiều nguồn lực để tấn công doanh nghiệp, tổ chức. Báo cáo an ninh thường niên năm 2014 của Cisco cũng đã chỉ rõ các cuộc tấn công của hacker, mã độc nhắm vào đối tượng doanh nghiệp liên tục gia tăng với tốc độ chóng mặt. Giữa bối cảnh hiện nay, việc chỉ bảo vệ những đường biên giới của mạng Internet doanh nghiệp không còn đáp ứng được yêu cầu nữa do các nguy cơ an ninh đang ngày càng thâm nhập sâu vào bên trong hệ thống, rất khó phát hiện hoạt động phá hoại đang diễn ra.

Vì thế, giải pháp an ninh thông minh trong môi trường điện toán đám mây cũng đồng nghĩa với việc cần đảm bảo sự tin tưởng vào hoạt động quản lý rủi ro, bảo vệ hiệu quả các đường biên giới mạng, phát hiện ra các vấn đề để áp dụng chính sách bảo mật phù hợp.

Trước các thách thức mới liên quan đến an ninh mạng điện toán đám mây, IoT đang được đặt ra, ông Phan Thanh Sơn cho rằng, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần tự trang bị cho mình kiến thức để hiểu về nguồn gốc của những dạng tấn công an ninh mới, về lý do phải quan tâm cũng như họ có thể nhận được hỗ trợ ra sao từ những người có chuyên môn kỹ thuật để giải quyết hiệu quả thách thức.

Nguồn: ictnews.vn

0