12/08/2018, 15:11

Khái quát về nghề BrSE

Cụm từ " Bridge System Engineer (BrSE) - Kỹ sư cầu nối" được nhiều người nói đến như một miêu tả về 1 công việc, nhưng theo ý kiến của cá nhân mình thì nên gọi là nghề BrSE. Tương tự như vậy trong ngành IT sẽ có các nghề như là: nghề developer, nghề PM, nghề tester… Cụ thể thì tìm kiếm khái ...

Cụm từ " Bridge System Engineer (BrSE) - Kỹ sư cầu nối" được nhiều người nói đến như một miêu tả về 1 công việc, nhưng theo ý kiến của cá nhân mình thì nên gọi là nghề BrSE. Tương tự như vậy trong ngành IT sẽ có các nghề như là: nghề developer, nghề PM, nghề tester… Cụ thể thì tìm kiếm khái niệm nghề là gì thì được kết quả như sau: "Nghề là một lĩnh vực hoạt động lao động mà trong đó, nhờ được đào tạo, con người có được những tri thức, những kỹ năng để làm ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần nào đó, đáp ứng được những nhu cầu của xã hội. " Theo như định nghĩa này thì BrSE chắc đủ tiêu chuẩn để là một nghề. Cùng với sự thay đổi của xã hội và theo thời gian có nhiều nghề sinh ra, cũng có nhiều nghề mất đi. Nên tạm thời thì cứ gọi BrSE là nghề BrSE…Ở bài viết này, mình sẽ kết hợp các thông tin có trên internet và từ những kinh nghiệm của bản thân để viết một cách khái quát về nghề BrSE. Mỗi nghề có đặc thù riêng và nghề BrSE cũng vậy, qua bài viết này hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn, cũng như giúp các bạn đang định hướng trở thành BrSE có thể đặt ra mục tiêu rõ ràng hơn.

1. Tại sao lại cần phải có BrSE?

Trong quá trình các công ty của Nhật sử dụng offshore để phát triển phần mềm thì phát sinh nhiều vấn đề do các rào cản về ngôn ngữ, chênh lệch múi giờ, khoảng cách, khác biệt về văn hóa làm cho các yêu cầu của dự án không được truyền đạt một cách đầy đủ, việc báo cáo-liên lạc-trao đổi từ offshore còn nhiều vấn đề...làm ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng của dự án. Chính vì vậy cần có BrSE để giải quyết vấn đề này. BrSE được định nghĩa như sau: "Không chỉ có năng lực về IT mà còn hiểu và nắm rõ ngôn ngữ văn hóa của 2 nước. Đứng ở giữa khách hàng và offshore để giúp cho công việc của dự án được thuận lợi"

2. Công việc của BrSE là gì?

Các công việc của BrSE cũng đã được nêu rõ ràng như dưới đây: Công việc chính của BrSE:

  • Hỗ trợ /Lên kế hoạch cho dự án.
  • Hiểu và triển khai yêu cầu của khách hàng
  • Quản lý tiến độ và rủi ro của dự án
  • Quản lý giao hàng và chất lượng của sản phẩm.

Nếu nói một cách khái quát thì BrSE cần nắm rõ yêu cầu của khách hàng và làm hài lòng khách hàng theo phạm vi đã cam kết ở các khâu của 1 dự án phát triển phần mềm: xác nhận yêu cầu, proposal (đề án), thiết kế, giao hàng, bảo trì… Trong thực tế thì công việc của BrSE gồm nhiều việc không tên khác để giúp kết nối giữa khách hàng và team offshore. Và làm hài lòng khách hàng cũng là một khái niệm chung chung, BrSE phải cần đối làm hài hòa giữa 2 bên dựa trên các cam kết ban đầu. Trong trường hợp không thể đáp ứng các yêu cầu phát sinh trong khi thực hiện dự án như CR (change requirement) phức tạp từ khách hàng, nhưng cần giải thích cụ thể và có tính thuyết phục để khách hàng hiểu và thông cảm.

3. Những khó khăn mà BrSE phải vượt qua

Theo lý thuyết thì có các khó khăn chung sau: a) Trở ngại về ngôn ngữ Khi công ty Nhật sử dụng offshore thì việc giao tiếp sẽ quan trọng và cần nhiều hơn so với khi sử dụng một công ty nội địa (nearshore). Nếu ngôn ngữ gặp vấn đề thì là một trở ngại lớn trong việc liên lạc hay xác nhận yêu cầu.

b) Trở ngại về khoảng cách Do sử dụng offshore nên sẽ có khoảng cách về địa lý. Phương tiện để liên lạc chính là qua email hay qua skype. Sẽ khác với việc cùng ngồi gần nhau làm việc hay có thể trao đổi trực tiếp, gọi điện trực tiếp để trao đổi.

c) Trở ngại về chênh lệch múi giờ Nếu cùng ở Châu Á thì ít bị ảnh hưởng bởi chênh lệch múi giờ, nhưng nếu 2 nước ở xa nhau thì việc họp hay trao đổi thông tin sẽ bị chậm đi rất nhiều.

d) Trở ngại về văn hóa Sự khác biệt về văn hóa, dẫn tới nhiều sai lầm, hiểu lầm kéo theo nếu không có người ở giữa hiểu cả văn hóa của khách hàng và văn hóa của nước ở offshore. Từ cách biểu hiện của ngôn từ, tới cách nói, cách viết, cách làm việc sẽ có sự khác nhau và BrSE sẽ phải tìm cách để trung hòa các yếu tố, giúp hai bên hiểu nhau hơn. Nguồn: https://imitsu.jp/matome/offshore/2025141162111087

Trong thực tế thì có rất nhiều khó khăn không có tên mà người làm BrSE phải vượt qua. Để đạt mục tiêu giao hàng cho khách hàng theo như đúng cam kết ban đầu. Có thể kể ra một số khó khăn điển hình như: yêu cầu không rõ ràng/ yêu cầu chưa đầy đủ đến khi bắt tay vào làm cụ thể mới đánh giá hết được, sản phẩm nhiều lỗi hơn dự kiến, tiến độ bị chậm, báo cáo từ offshore bị sai tình hình thực tế (hay xảy ra với BrSE ngồi ở site khách hàng, ở offshore cố tình đưa ra 1 báo cáo đẹp hơn tình hình thực tế...), member ở offshore tự nhiên nghỉ việc, estimate sai ngay từ ban đầu, yêu cầu thay đổi liên tục, khách hàng và offshore không có sự thấu hiểu lẫn nhau.... Và còn rất nhiều khó khăn nữa phải vượt qua thì mới có thể đạt được mục tiêu chung chung giúp cho dự án thành công và giao hàng theo như đúng cam kết ban đầu.

4. Những yếu tố cơ bản để trở thành BrSE

Có 3 yếu tố cơ bản để trở thành BrSE là: a) Năng lực ngôn ngữ (Khả năng giao tiếp) Không chỉ là khả năng ngoại ngữ mà cần khả năng giao tiếp, nói chuyện được với khách hàng. Để hiểu khách hàng thực sự cần gì, muốn gì. Nếu chỉ dựa vào email hay tài liệu thì không thể nắm bắt được hết những gì khách hàng thực sự muốn.

b) Năng lực kỹ thuật Không cần ở mức Guru nhưng cũng cần có thời gian học IT trong trường đại học hoặc tiếp xúc với các dự án IT trong một khoảng thời gian nhất định. Để hiểu được những nội dung khách hàng nói liên quan tới kỹ thuật.

c) Năng lực quản lý Năng lực quản lý dự án, quản lý tiến độ, quản lý rủi ro. Nhiều bạn thiếu kỹ năng này hoặc không để ý, khách hàng nói gì làm vậy. Đến lúc sản phẩm không thành hình hài thì cả team khổ theo. Cần xác định cuối cùng khách hàng cần là gì? Là sản phẩm được giao hàng đúng theo thời gian và sản phẩm có chất lương theo như đã cam kết ban đầu. Nên trong quá trình làm dự án, luôn ý thức về tiến độ, rủi ro từng mục phát sinh, từng ngày để có thể thông báo cho các bên liên quan cũng như điều chỉnh các yếu tố liên quan…

Lý thuyết chung thì gồm 3 yếu tố trên, còn trên thực tế thì tùy vào mỗi người tùy vào mỗi dự án mà lại có sự khác nhau. Có dự án thành công bởi có BrSE cứng về kỹ thuật, có dự án thành công do BrSE có khả năng chịu áp lực tốt, khả năng ứng biến mềm dẻo, có dự án do kỹ năng quản lý tốt, phát hiện sớm rủi ro mà giúp dự án thành công.... Ngoài các yếu tố trên thì BrSE cũng cần có các kỹ năng mềm, sự thấu hiểu văn hóa làm việc của người Nhật, tinh thần nhẫn nại và có trách nhiệm cao. Khả năng linh hoạt ứng biến cũng rất quan trọng, đặc biệt ở những dự án có quy mô lớn và phía khách hàng dồn nhiều áp lực về phía team offshore.

BrSE cũng có những cấp độ (level) khác nhau, có thể chia ra theo 3 cấp độ như dưới đây. Ở cấp độ dưới thì BrSE thường hay tập trung vào kỹ thuật, khách hàng bảo gì làm đó, đè nén offshore chết thôi, thỉnh thoảng lại mượn lời "khách hàng bảo thế..". Đến cấp độ cao hơn thì bắt đầu biết cân bằng giữa khách hàng và offshore nhưng còn yếu về khả năng quản lý dự án, chưa phát hiện sớm các yếu tố rủi ro mà gây ảnh hưởng không tốt về sau này. Ở cấp độ cao hơn nữa, thì bắt đầu biết tách mình khỏi phần kỹ thuật, biết cách để hiểu khách hàng, hiểu offshore và là cầu nối tốt để hai bên hiểu nhau không chỉ trên công việc mà cả cách làm việc, văn hóa cũng có sự hiểu lẫn nhau. Khả năng quản lý dự án cũng tốt hơn, biết phát hiện các rủi ro còn trong trứng nước, biết cách chấp nhận, từ chối các yêu cầu, biết cách đàm phán với khách hàng. Khi ở cấp độ này thì có thể quản lý được 1 team BrSE để làm các dự án lớn.

5. Vai trò của BrSE

BrSE đóng vai trò như tên gọi của nó, đó là kỹ sư cầu nối, làm sao để khách hàng và developer hiểu nhau hơn, giúp vượt qua các rào cản để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thời gian giao hàng như cam kết ban đầu và làm hài lòng khách hàng. Có báo cáo viết về vai trò của BrSE trong dự án như sau: "Có thể nói chìa khóa của thành công với dự án sử dụng offshore là BrSE. Vì chắc chắn người developer ở nước ngoài sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đọc và hiểu yêu cầu, hơn là những gì chúng ta đang nghĩ". Nhưng cũng tùy theo dự án, tùy theo mô hình phát triển phần mềm mà vai trò của BrSE có sự khác nhau, có dự án vai trò của BrSE là quan trọng, nhưng có dự án dù không có BrSE thì cũng không vấn đề gì. Ví dụ mô hình agile thì vai trò của BrSE khá mờ nhạt, không có thì vẫn vận hành được nếu phía khách hàng có PM có kinh nghiệm làm việc với offshore. Hoặc dự án qui mô nhỏ và mọi thành viên trong dự án ( kể cả phía khách hàng ) đều dùng được tiếng Anh để giao tiếp.... Nhưng nhìn chung các dự án chạy theo mô hình water fall có qui mô lớn hơn 5 người, đặc biệt dự có tài liệu yêu cầu dự án viết chưa đầy đủ, thay đổi yêu cầu dự án nhiều, hoặc dự án mà PM bên khách hàng chưa làm việc với offshore bao giờ.... thì vai trò của BrSE theo mình là quan trọng.

0