Luận về UI trên smartphone : tại sao việc liên tục thêm chức năng sẽ phá hỏng một ứng dụng?
Nguồn : http://fladdict.net/blog/2013/08/appli-toomany-function.html Người dịch : Phan Hoàng Minh Trong bức ảnh trên là con dao đa năng Giant Knife, chế tạo bởi công ty chuyên sản xuất dao quân đội danh tiếng Wender của Mỹ. Giant Knife dày 24cm, nặng 1.3kg và được đưa vào sách Guiness ...
Nguồn : http://fladdict.net/blog/2013/08/appli-toomany-function.html
Người dịch : Phan Hoàng Minh
Trong bức ảnh trên là con dao đa năng Giant Knife, chế tạo bởi công ty chuyên sản xuất dao quân đội danh tiếng Wender của Mỹ.
Giant Knife dày 24cm, nặng 1.3kg và được đưa vào sách Guiness với kỉ lục con dao đa năng nhất thế giới : 141 chức năng.
Nếu bạn hỏi tất cả chức năng của 1 vật gì đó nếu tập hợp lại làm một thể duy nhất sẽ thành ra như thế nào, thì đây chính là một ví dụ trực quan đến từ một nhà sản xuất hàng đầu.
Tại sao những chức năng chúng ta thêm vào đều hợp lí, nhưng cứ thêm liên tục sẽ dẫn đến thất bại? Bài viết này là phần tiếp theo của bài viết “Luận về UI trên smartphone : Làm theo tất cả những gì user và khách hàng yêu cầu, 99% sẽ dẫn đến việc phá tan tành một ứng dụng”.
Bài viết này bàn về những rủi ro khi thêm chức năng mới dựa vào 4 luận điểm sau:
-
Nhiều lựa chọn không hẳn là tốt
-
Khả năng phán đoán của con người sẽ yếu đi nếu bị dùng nhiều
-
Không gian màn hình là tài nguyên có hạn
-
Chức năng thêm vào có thể là vô hạn, nhưng những cái cần được nhấn mạnh thì có hạn
Đây cũng là 4 nguyên nhân khiến cho việc thêm nhiều chức năng sẽ dẫn đến việc phá hỏng một ứng dụng.
Quá tự do và quá nhiều lựa chọn sẽ gây phản tác dụng
Việc có nhiều lựa chọn sẽ ảnh hưởng đến người dùng như thế nào?
Có một thí nghiệm nổi tiếng luận về chủ đề này, gọi là thí nghiệm Jam (mứt).
Nội dung của thí nghiệm này là lập 2 gian hàng trong siêu thị, một gian hàng có 24 loại mứt và 1 gian hàng chỉ có 6 loại để điều tra phản ứng và hành động của người mua.
Kết quả là:
-
Bên 24 loại có 60% số người ăn thử , 3% mua
-
Bên 6 loại có 40% só người ăn thử, 30% mua
Nghĩa là, giảm số lựa chọn xuống ¼ thì số người mua tăng lên gấp 10.
Điều rõ ràng nhất có thể thấy sau thí nghiệm này là “Quá nhiều lựa chọn sẽ khiến con người không chọn nữa”. Nguyên nhân của chuyện này là phức tạp nhưng có thể tóm gọn trong 3 ý chính sau:
-
Con người chỉ có thể xử lí hữu hạn số lựa chọn trong cùng một thời điểm
-
Số lựa chọn tăng lên sẽ khiến việc thiết lập giá trị quan của con người gặp khó khăn
-
Việc phải từ bỏ nhiều lựa chọn sẽ khiến con người gặp stress
Nhiều nút chức năng, nhiều option phong phú, một màn hình setting dày đặc – có thể cần thiết đối với những pro user hoặc happy user (user có thời lượng sử dụng cao). Tuy nhiên nhìn từ góc độ của một user bình thường, quá nửa trong số đó chỉ là những thứ cản trở họ trong việc đưa ra quyết định thực hiện bất cứ một hành động gì.
Nếu có hứng thú với nguyên tắc Jam, hoặc chủ đề tính cost cho việc đưa ra quyết định, bạn có thể tham khảo tác phẩm “Khoa học lựa chọn” của chính tác giả thí nghiệm đó, Sheena Iyengar.
Khả năng đưa ra quyết định là một tài nguyên hữu hạn
Nghiên cứu với chủ đề “Do you suffer from decision fatigue?” gần đây chỉ ra rằng, khả năng phán đoán của con người cũng giống như cơ bắp vậy – càng dùng nhiều thì càng mệt mỏi.
Điều này đồng nghĩa với việc user sẽ gặp stress khi họ phải đứng trước nhiều lựa chọn.
Sẽ có người nói “không thích dùng thì không dùng là xong, có ai bắt ép đâu” nhưng bản thân việc đưa ra quyết định “không dùng” mới chính là thứ tiêu tốn năng lượng của user.
Vì lẽ đó, 1 màn hình càng có nhiều thứ khiến user phải quyết định thì màn hình đó càng khó dùng. Sau đó, user do tiêu tốn sức lực vào việc đưa ra quyết định, sẽ bắt đầu ngại làm những gì phức tạp và sinh ra tâm lí không muốn thao tác gì trên app nữa.
Không gian màn hình là tài nguyên, đồng thời cũng là thứ bảo đảm cho sinh mạng của ứng dụng
Thêm chức năng là việc không thể undo được.
Tại sao? Vì những user sử dụng chức năng đó sẽ xuất hiện, dù đó chỉ là một chức năng không ra đâu vào đâu đi nữa.
Nếu bạn undo chức năng đó, nghĩa là bạn sẽ nhận một loạt những phàn nàn từ phía user. Thường thì những người có vai trò đưa ra quyết định trong 1 dự án sẽ không đánh đổi việc bỏ chức năng để gánh lấy rủi ro đó. Kết quả là, chức năng thường chỉ có thêm vào chứ không có bớt đi.
Mặt khác, diện tích màn hình smartphone là rất nhỏ, cộng với một điều kiện tiên quyết khi dùng app là “không ấn vào thì không hoạt động”. Do đó, những button quá nhỏ có thể coi như là vô dụng.
Vì lẽ đó, “mỗi yếu tố chiếm mấy phần màn hình?” là câu hỏi lớn nhất khi thiết kế giao diện cho smartphone. Ví dụ đối với iPhone, việc đặt nhiều hơn 5 button ở bar hoặc table được xem là rất khó.
Thêm chức năng cũng đồng nghĩa với việc lấy khả năng mở rộng của app, tính bao quát và diện tích màn hình ra để đánh đổi lấy tính tiện lợi.
Nếu chức năng mà bạn thêm vào đó không quá cần thiết thì nghĩa là bạn đang mất nhiều hơn là được.
Diện tích màn hình có thể coi như tiền bảo hiểm, bạn có thể dùng xả láng tùy ý. Tuy nhiên, đến lúc thật sự cần đến nó bạn sẽ bó tay không làm được gì.
Trong ảnh là MS-Word ở tình trạng hiển thị toàn bộ chức năng của toolbar. Muốn chức năng nào cũng có nhưng chỗ để viết thì chỉ còn lại 3 dòng.
User không thích học lại từ đầu
Nếu bạn muốn user học lại cách sử dụng để dùng app được tiện hơn, rất nhiều khả năng user sẽ rời bỏ bạn cùng với cuộc “cách mạng” đó của bạn.
Bàn phím QWERTY, cách lái ô tô là những minh chứng điển hình. Việc khiến user học lại cách sử dụng bàn phím hay cách lái khác là việc vô cùng khó.
Lí do là bởi vì bản thân việc học sẽ mất thời gian. Và nhất là, vì một chút tiện lợi hơn thôi mà phải trải nghiệm, làm quen lại từ đầu là một cái giá quá đắt.
Với tâm lí đó, user thường ghét việc layout và vị trí các button trong app bị thay đổi cho dù đó là những thay đổi hợp lí đi chăng nữa. Còn nếu những thay đổi thậm chí không thật sự hợp lí mà chỉ là kết quả của việc mở rộng chức năng vô tổ chức thì bạn nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận việc user sẽ xóa app, hơn là việc họ học lại cách sử dụng nó.
Tất cả không thể cùng đóng vai chính
Khi trên một màn hình đã có quá nhiều thứ rối rắm thì một giải pháp thường được đưa ra là “hãy làm cho cái X nổi bật lên”.
Nói về tính dễ nhìn, về interface nói chung người ta thường có suy nghĩ “cứ nổi bật là sẽ dễ nhìn”. Đây là một sai lầm rất lớn. “Nổi bật” là một khái niệm có tính tương đối, tất cả không thể cùng nổi bật được. “Làm nổi bật cái A” cũng đồng nghĩa với việc “khiến những gì ngoài cái A bớt nổi bật đi”.
Độ quan trọng của các yếu tố cũng là một khái niệm tương đối. Bạn càng thêm nhiều chức năng, nhiều button thì độ quan trọng của từng thứ một trong số đó sẽ giảm đi. Mặt khác như đã nói ở trên, việc khiến một thứ nổi bật lên sẽ được đánh đổi bằng tính dễ nhìn. Việc bạn muốn tất cả các yếu tố đều nổi bật sẽ khiến app của bạn trở nên khó nhìn hơn về tổng thể, bởi vì thứ tự độ quan trọng của các yếu tố không thay đổi.
Giải quyết việc thêm nhiều chức năng bằng cách làm nổi bật mọi thứ sẽ đưa bạn về đâu? Câu trả lời là những trang web đầy ảnh GIF nhấp nháy rối rắm của thập niên 90.
Trong ảnh là màn hình của app Foursquare. Việc chỉ nhấn mạnh 1 đến 3 yếu tố là đúng đắn. Không thể nhấn mạnh tất cả mọi thứ được.
Kết luận
Bài viết này đã nói về lí do tại sao việc thêm chức năng lại phá hủy một ứng dụng, dựa trên một vài luận điểm.
Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều sự tự do sẽ khiến cho user khó đưa ra quyết định và tinh thần họ mỏi mệt hơn là đem đến sự tiện lợi. Những gì được thêm vào đồng thời cũng sẽ làm giảm tính mở rộng của app vì diện tích màn hình là tài nguyên hữu hạn. Việc sắp đặt độ ưu tiên của các yếu tố cũng sẽ trở nên khó khăn khi số lượng tăng lên và tất cả sẽ trở thành một đống hỗn tạp. Cuối cùng hãy nhớ, thêm chức năng là việc một đi không trở lại.
Khi số chức năng của bạn tiến dần đến cực hạn, thì app của bạn tiến dần đến thất bại.
Thiết kế layout cho smartphone cũng gần giống với việc nghĩ xem trước khi đi du lịch, nên bỏ những thứ gì trong nhà vào vali để xách đi. Nhà bạn có thể hiểu là ứng dụng trên PC, còn vali của bạn có thể hiểu là ứng dụng trên smartphone.
Về lí mà nói, mang theo tất cả những gì có trong nhà là tiện nhất. Tuy nhiên vấn đề là cái vali của bạn chỉ chứa được một số lượng đồ nhất định thôi. Một chiếc vali nhét đầy những đồ linh tinh, ngược lại sẽ trở thành gánh nặng của bạn. Bạn nhét chúng vào vì muốn tiện lợi nhưng rồi chính chúng sẽ khiến cho tính tiện lợi của chuyến du lịch mất đi.
Đối với app hay đối với chuyến du lịch của bạn cũng vậy, vấn đề không phải là “thứ gì ta cần mang theo?” mà là “thứ gì mà ta không cần mang theo cũng được?”.
Sau khi cho đồ vào vali bạn sẽ cảm thấy nặng lên ngay, nhưng đối với app thì khác – bạn không thể cảm nhận sức nặng đó bằng các giác quan được. Bạn sẽ tiếp tục thêm nhiều thứ vào mà không cảm thấy gì, đến lúc giật mình nhận ra thì app của bạn đã ở tình trạng không thể cứu vãn được nữa rồi.
Mang theo toàn bộ đồ đạc trong nhà đi du lịch là một việc làm vô nghĩa. Đối với app cũng vậy.
100 Things Every Designer Needs to Know about People