NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TRÁNH VỚI MỘT TESTER
Là một Tester, đặc biệt với một Tester mới bạn cần định hướng rõ đường đi và mục đích cho bản thân mình. Và để con đường đó bằng phẳng hơn, bạn cần phải tìm hiểu nó trước và khi đi nên tránh những “cái bẫy” mà những người đi trước hoặc cũng có thể là bạn đã vô tình tạo ra, có như thế ...
Là một Tester, đặc biệt với một Tester mới bạn cần định hướng rõ đường đi và mục đích cho bản thân mình. Và để con đường đó bằng phẳng hơn, bạn cần phải tìm hiểu nó trước và khi đi nên tránh những “cái bẫy” mà những người đi trước hoặc cũng có thể là bạn đã vô tình tạo ra, có như thế thì đôi chân bạn mới có thể vững vàng và nhanh chóng tiến đến cái đích bạn đã mơ ước.
1. Không có kế hoạch.
Khi nhận một dự án thay vì bắt tay vào viết Testcase, tiến hành Test thì bạn hãy lập kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cho mình sau khi tìm hiểu về dự án đó. Công việc này không làm mất quá nhiều thời gian của bạn nhưng hiệu quả của nó thì vô cùng lớn, nó giúp bạn trả lời các câu hỏi what? Where? How? Who? và why? và dựa vào đó để điều chỉnh công việc của mình cho phù hợp với thời gian, nhân sự và yêu cầu của mỗi dự án.
** 2. Làm việc một cách máy móc.**
Lỗi này các bạn Tester mới thường gặp phải. Bạn được dạy khi bắt tay vào làm việc thì phải có công đoạn này rồi mới đến công đoạn kia, làm cái này thì không được để sót vấn đề kia, nhưng điều đó không đúng với tất cả các trường hợp. Nhiều khi các bạn bị chìm trong những bài học, các bạn đọc lý thuyết nhưng không hiểu sẽ vận dụng nó như thế nào hay vận dụng vào rồi thì cũng không biết làm thế để làm gì. Mỗi dự án nó có đặc thù riêng, đặc thù về yêu cầu, đặc thù về thời gian, đặc thù về nhân sự,... chính vì vậy bạn phải linh động để điều chỉnh plan của mình sao cho phù hợp. Hãy tìm cho mình một con đường ngắn nhất, dễ đi nhất, nếu không tim thấy nó, bạn hãy tạo ra nó.
3. Kỹ năng trong lĩnh vực Software Testing.
-
Nhiều người cho rằng mình không biết code thì nên làm Tester. Để kiểm tra trực tiếp trên source code (mã nguồn) của các lập trình viên hay “chọc” vào cơ sở dữ liệu, các Tester cần phải hiểu và thông thạo ít nhất một ngôn ngữ lập trình. Vì thế kiến thức chuyên môn về lập trình là điều đầu tiên cần có của một tester. Điều này giúp tăng tính tin cậy cho chất lượng của sản phẩm.
-
Tester thì chỉ cần ngồi nghịch phần mềm cho ra lỗi là được? Tester cần trang bị cho mình kỹ năng tìm hiểu và phân tích hệ thống. Bạn phải làm chủ được phần mềm mà mình cần test, hiểu nó hoạt động như thế nào, các chức năng, màn hình liên hệ, gắn kết với nhau làm sao thì mới không bị thụ động và bỏ sót bug khi test.
-
Không giỏi ngoại ngữ thì chỉ làm cho công ty Việt Nam thôi. Đối với dân IT nói chung và Tester nói riêng thì ngoại ngữ là điều không thể thiếu, nó giúp bạn đọc hiểu tài liệu, update công nghệ, giao tiếp với khách hàng,... điều đó cũng có nghĩa bạn có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
4. Kỹ năng mềm.
Tester không phải là người chỉ biết ngồi trước máy tính và các devices mà còn phải biết giao lưu, tạo mối quan hệ, chia sẻ với đồng nghiệp cũng như khách hàng.
Trong công việc thường thì ai cũng có cái chủ kiến, cái tôi riêng nhưng không phải ai cũng biết cách dùng nó đúng lúc. Đối với Tester nếu họ tìm ra Bug mà không được developer chấp nhận và fix bug thì họ sẽ thấy mình bị coi thường, họ nghĩ developer không chịu hợp tác với họ.
Còn với developer, nếu một Bug Tester đưa ra, họ đã nói nó không quan trọng, có thể fix hoặc không nhưng Tester vẫn cứ khăng khăng phải fix, trong khi có cả núi công việc cần thiết hơn đang chờ họ giải quyết, họ sẽ thấy Tester thật phiền hà, Tester không hiểu hệ thống, chỉ có họ mới biết cái gì là cần thiết vì họ chính là người làm ra sản phẩm.
Và khi 2 bên không đưa ra được tiếng nói chung, chất lượng sản phẩm sẽ giảm dần, số lượng Bug ít đi, mối quan hệ ngày càng căng thẳng, điều đó bắt nguồn từ đâu? bắt nguồn từ cái tôi của bạn quá lớn, bạn luôn cho rằng mình đúng mà không chịu lắng nghe đồng nghiệp của mình, bạn không cần biết đồng nghiệp của mình đang làm gì và cần gì, chỉ cần biết mình đã làm đúng việc của mình là được.
Là một Tester bạn phải hướng đến mục tiêu phần mềm của mình dù không hết sạch Bug nhưng phải là hoàn hảo nhất, đừng nhanh chóng bằng lòng với sự nỗ lực của bản thân, muốn như vậy hơn ai hết bạn cần có sự giúp đỡ và chia sẻ từ phía đồng nghiệp của mình, trong đó quan trọng nhất là developer.
Những buổi họp, buổi nói chuyện giữa hai bên sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn. Developer có thể đưa ra những gợi ý giúp bạn tìm ra phương pháp test nhanh và hiệu quả hơn, còn bạn có thể phân tích sản phẩm cùng họ để đưa ra hướng giải quyết cho sản phẩm, tránh việc lặp lại các lỗi đã từng fix hay đơn giản chỉ là giúp họ có cách nhìn khác về phần mềm.
Ngoài đồng nghiệp, một nhận vật quan trọng khác không thể không nhắc tới là khách hàng, đôi khi vấn đề giao tiếp của bạn lại chính là chìa khóa thành công cho dự án. Họ đưa ra ý kiến và ý tưởng về sản phẩm, ngoài việc tiếp nhận nó, bạn có thể trao đổi và phân tích cho họ thấy nên phát triển hoặc thay đổi chức năng, giao diện nào đó. hãy đặt lợi ích và sự hài lòng của khách hàng lên trên tất cả, có như thế thì chất lượng và tiến độ sản phẩm của bạn mới thực sự đạt yêu cầu.
5. Lời kết.
Khi mới vào nghề bạn không thể tránh khỏi những sai lầm, có những sai lầm nhỏ, cũng có những sai lầm nghiêm trọng, nhưng điều đó sẽ giúp bạn trưởng thành hơn nếu bạn biết rút ra kinh nghiệm và đi lên từ những lần vấp ngã đó. Bạn mắc sai lầm không có nghĩa bạn không thể làm được, chỉ là bạn cần một hướng đi khác đúng hơn mà thôi.