31/08/2018, 17:36

UX Review – Tản mạn về cái menu của Skype

Không biết các bạn thì sao, còn riêng tôi trong công việc hàng ngày cần sử dụng Skype thường xuyên. Có thể có mấy lí do như: 1) Sau thời đại của Yahoo Messenger thần thánh thì Skype gần như là công cụ chat thứ 2 được phổ biến rộng rãi nhất tại Việt Nam, và trong một thời gian cũng khá ...

Không biết các bạn thì sao, còn riêng tôi trong công việc hàng ngày cần sử dụng Skype thường xuyên. Có thể có mấy lí do như: 1) Sau thời đại của Yahoo Messenger thần thánh thì Skype gần như là công cụ chat thứ 2 được phổ biến rộng rãi nhất tại Việt Nam, và trong một thời gian cũng khá dài. Vì vậy thì nó như là một thói quen của tôi hay các bạn tôi rồi. Ngoài ra còn lí do 2) Có vẻ trong tiềm thức của những người thế hệ tôi thì Skype là công cụ chat chuyên nghiệp dành cho “người đi làm” (kiểu như Gmail vậy) chứ không phải dạng dành cho giải trí hay riêng tư như Facebook Messenger hay các sản phẩm khác. Chính vì các lí do này mà hiện tại tôi cũng như các bạn tôi và rất nhiều người khác vẫn gắn bó với Skype.

Tôi nghĩ là sau khi về một nhà với Microsoft, Skype đã có những bước phát triển đáng kể về mặt công nghệ như chất lượng cuộc gọi, cách đồng bộ trên nhiều thiết bị, việc push thông tin nhanh chóng…Tuy nhiên, về mặt UX thì có vẻ như ảnh hưởng của dòng họ nhà Micro nên tôi thấy nó chả theo kịp thời đại và xu thế gì cả, vẫn là một lô một lốc các thứ rối rắm.

Và, điển hình cho sự rối rắm đó chính là cái Menu. Các bạn đã ai dùng qua Skype chưa, 1 người, 2 người, uhm, khá nhiều người như tôi nhỉ. Vậy thì trong số các bạn, có ai hay dùng cái Menu của nó không? Thú thật, tôi thì hầu như chả bao giờ dùng, trừ khi phải setting cái gì đó thì vào Tool thôi, haha. Tôi không nghĩ trong thời đại tên lửa này, khi tất cả mọi thứ đều quy về lướt và chạm, tất cả mọi món ăn đều cần bày ra trước mặt người dùng để chỉ việc dùng thôi, thì cái bạn Skype này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc thiết kế của cả thập kỷ trước với cái Menu hoa mắt của mình. OK ok, tôi sẽ chỉ cho các bạn những cái cổ truyền tốt đẹp của Skype ngay dưới đây

1. Thiếu tính đồng nhất

Không biết các bạn có để ý khi mở các Menu của Skype không, riêng tôi thì ngay khi mở bất kì Menu nào đều thấy một cái rất khó chịu, đó là dấu “…”

Tôi cũng chưa biết ý nghĩa của dấu “…” ở đây là để làm gì, nhưng rõ ràng có 2 điểm bất hợp lý ở đây

  • Có cái menu button thì có “…”, có cái thì không. Vậy đâu là sự khác nhau? Nhờ các bạn giải thích với, Microsoft.
  • Thường cái “…” trong suy nghĩ người Việt mang ý nghĩa là sẽ còn có thêm cái gì nữa, vì vậy việc sử dụng “…” trong trường hợp này mà ý nghĩa không đúng như thế thì sẽ gây hiểu lầm cho người dùng
    Ngoài ra, một ví dụ nữa cho tính thiếu đồng nhất trong cái menu này, đó chính là việc sử dụng phím tắt. Có rất nhiều menu button có hiển thị phím tắt, trong khi một số khác lại không, nên tôi cũng không biết quy tắc được sử dụng phím tắt do ông Product designer đặt ra là gì cả, haizz

2. Làm khó người dùng

Tôi không biết có tồn tại trào lưu “phân tán” và “hợp nhất” trong sản phẩm trên thế giới hay không, vì trong cơ cấu công ty thì có vẻ có. Ví dụ trước đây các tập đoàn thường chia thành các công ty nhỏ hoạt động độc lập nhau, sau đó lại có phong trào tái cấu trúc để thống nhất (ví dụ thế giới thì có Google, Blackberry, Việt Nam thì có ông FPT). Quay trở lại sản phẩm, nếu cũng có phong trào này thì tôi nghĩ xu thế hiện tại sẽ là “hợp nhất”, tất cả trong một, với hai mục đích:

  • Đơn giản cho người dùng
  • Để người dùng tập trung trải nghiệm sản phẩm hơn
    Thế nhưng, bạn Skype này thì lại vẫn đang chạy tại chỗ với việc vẫn cho tồn tại các menu button link người dùng tới Website chứ không hiển thị trên app

Việc này, như tôi đã nói ở trên, sẽ có một vài bất lợi cho người dùng

  • Khó sử dụng, đang dùng app lại phải vào Website
  • Gây mất tập trung, vì khi đã mở website lên thì biết đâu ta lại muốn lướt Facebook tí, đọc tin tức tí, check mail tí,… Thôi xong, mình đang định làm gì với Skype ấy nhỉ, mà thôi đến giờ ăn trưa rồi, để đấy chiều làm.
  • Chiếm tài nguyên và hiệu năng của máy, chỉ làm mỗi chức năng cỏn con mà bắt chạy cả cái web browser vốn nổi tiếng ngốn Ram rồi

3. Khó hiểu

Ví dụ 1: Account hay Profile?

Thỉnh thoảng tôi cũng hay xem các bài viết và tranh luận về UX trên mạng Internet, và có thấy một chủ đề khá hay ho liên quan đến việc dùng My hay Your trong các sản phẩm. Chi tiết này tôi nghĩ là khá nhỏ trong sản phẩm, tuy nhiên đã được các chuyên gia bàn tán sôi nổi rất nhiều và kết luận thì có thể chưa ngã ngũ, nhưng cũng đã có những giải pháp thỏa hiệp cả hai bên. Tình cờ hôm nay tôi lại thấy Skype mắc lỗi này

Chưa bàn đến việc My đúng hay Your đúng, mà ở đây thằng Skype lúc dùng thế này lúc dùng thế kia là đã sai nguyên tắc cơ bản rồi. Chưa kể, tôi cũng không hiểu rõ Account và Profile thì khác nhau ở điểm nào, vì theo tôi hiểu (và rất nhiều sản phẩm tôi sử dụng cũng đang định nghĩa như thế), thì hoặc là Account = Profile, hoặc là Account thì đã bao gồm Profile trong đó rồi. Vậy thì tách hai cái này ra là cần thiết?

Ví dụ 2: Contact List phân loại trên tiêu chí gì?

Hầu như cái chức năng Contact List này (trong phần Contacts) tôi không sử dụng bao giờ, hôm nay nhân tiện có bài review thì tôi mở ra xem thôi. Và tôi cũng thấy có đôi chút khó hiểu về các tiêu chí phân loại của chức năng này, vì tôi chỉ hiểu cái Online là status thì phải so sánh với Offline, Away hay gì đấy, chứ không phải với Skype hay Messenger. Và tôi cũng chưa rõ Skype hay Messenger là từ đâu ra

Ví dụ 3: Hide Conversation liệu có cần thiết?

Cứ cái gì cần Hide là nghe có vẻ nguy hiểm rồi, hehe. Tôi nghĩ đối với đa số người dùng thì chức năng này chắc sẽ không cần thiết, trừ một số người có nhiều bí mật. Anyway, dù sao có biết đâu có lúc cần dùng, tôi thử cái xem sao, và thấy có một điều khó hiểu là vì sao chức năng Hide thì để ở một menu, còn muốn show trở lại thì để ở menu khác

Phải chăng là để tăng tính bảo mật? Đối với tôi thì nó chỉ làm khó thêm cho người dùng

Ví dụ 4: Sao lại phải Learn?

Thông thường, các nội dung liên quan tới việc training người dùng về cách sử dụng sản phẩm đều sẽ được để trong chức năng Help, và người dùng chỉ việc vào đó để xem, hoặc chat với supporter. Thế nhưng tôi không hiểu chức năng Call có gì đặc biệt hơn các chức năng khác mà phải có mục Learn riêng, hay đây là chiêu marketing?

4. Quy tắc thỏa mãn Nhanh

Như tôi có chia sẻ trong một bài viết khác liên quan tới việc tối giản hóa sản phẩm tại đây, thì Nhanh là một trong ba tiêu chí quan trọng đem lại thành công cho sản phẩm về mặt trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, đối với Skype thì có vẻ điều đó chưa được chú trọng lắm, thể hiện qua chức năng tìm kiếm tài khoản để Add vào Contacts.

Mong muốn của tôi là tìm kiếm tên tài khoản trong hệ thống Skype (mà chưa có trong Contact List của tôi) để thêm mới vào, vì vậy tôi sử dụng chức năng Add Contacts -> Search Skype Directory…

Sau khi vào chức năng này, tôi gõ cụm từ gợi nhớ để tìm kiếm tài khoản mà tôi muốn Add vào, và tôi nhận được cái gì ở đây

Đó là danh sách các tài khoản đang có trong Contact list của tôi thỏa mãn tiêu chí tìm kiếm, và để tìm kiếm thêm những tài khoản chưa có trong Contact list (chính là mong muốn cuối cùng của tôi), cần phải làm thêm một bước là click vào button Search Skype. Thế là, cái cần nhanh hóa ra lại chậm, và tất nhiên tôi không thích điều này một chút nào

5. Và một số điều cần phải làm nếu muốn tốt hơn

Theo tôi đánh giá thì UX/UI của Skype vẫn theo lối cũ ngày xưa, khá chắp vá và chưa bắt kịp với xu thế mới, không những chỉ cái menu mà còn một số vấn đề trong thiết kế như các ví dụ phía dưới nữa, vì vậy để làm một sản phẩm tốt hơn thì có lẽ Microsoft nên đầu tư nhiều hơn và làm một cách đồng bộ tất cả các yếu tố của sản phẩm. Ở đây, tôi chỉ show một vài trường hợp cơ bản, còn chi tiết xin mời các bạn chém tiếp
– Style chưa đồng nhất

– Có nhất thiết phải để chức năng trong menu

– Cách dùng Combobox

– Cách dùng Icon

Nguồn: viblo.asia

0