12/08/2018, 13:45

Wearables Device : Một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng

Wearables là gì? Wearables dịch nghĩa thô là “những vật dụng gì có thể đeo, mang được trên người”. Nhưng trong thời đại công nghệ ngày nay thì nó được biết đến nhiều hơn như là một từ được dùng để gọi chung tất cả những phụ kiện có tích hợp bộ xử lý máy tính, công nghệ điện tử và nhiều ...

Wearables là gì? Wearables dịch nghĩa thô là “những vật dụng gì có thể đeo, mang được trên người”. Nhưng trong thời đại công nghệ ngày nay thì nó được biết đến nhiều hơn như là một từ được dùng để gọi chung tất cả những phụ kiện có tích hợp bộ xử lý máy tính, công nghệ điện tử và nhiều tính năng hữu ích khác mà người ta có thể đeo trên người được. Những thứ này có thể tương tác được với smartphone, TV, xe hơi và có thể theo dõi sức khỏe, điều khiển thiết bị gia đình... Những sản phẩm như vòng theo dõi thể lực, smartwatch (đồng hồ thông minh) và Google Glass (mắt kính thông minh) là một trong số những sản phẩm wearables đang "hot" nhất hiện nay.

Vì được thiết kế để mặc sát với cơ thể, nhiệm vụ lý tưởng của wearables device là kiểm tra các dấu hiệu về sức khỏe của chúng ta. Chúng sẽ theo dõi nhịp tim, mức độ vận động, lượng calories tiêu thụ, chất lượng của giấc ngủ hay các chỉ số về dinh dưỡng. Những đối tượng như người tập thể thao, người ăn kiêng hay người già sẽ rất phụ thuộc vào những thiết bị này.

ww-total.jpg

Ý tưởng về wearable không mới (đã có từ những năm 1960), nhưng những tiến bộ trong công nghệ di động đã mang lại cho các thiết bị wearables nhiều tính năng mới và chúng trở thành chủ đề được chính thức đề cập đến. Qua thời gian, nhiều thiết bị và ứng dụng sẽ kết hợp với nhau, tất cả đều nhằm gia tăng sự thoải mái, thuận tiện và tính năng cho người dùng đầu cuối, đồng thời mang đến những trải nghiệm đặc sắc. Sẽ có thêm nhiều trang phục và thiết bị mang theo trên cơ thể được tích hợp cảm biến. Những cảm biến này kết hợp với khả năng GPS và kết nối liên tục sẽ tạo nên nhiều tính năng mới. Chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy sự gia tăng các wearable, cụ thể nhất là các thiết bị chăm sóc sức khỏe. Lợi ích khi có một thiết bị trên cơ thể để đo các chỉ số sức khỏe và gửi trực tiếp thông tin đó đến nhà cung cấp dịch vụ y tế hoặc nhà thuốc là vô cùng độc đáo.

Smartphone đã và đang giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống nhưng không phải vì vậy mà không có chỗ cho các wearable. Niềm đam mê của người tiêu dùng và sự phổ biến trong việc sử dụng thiết bị di động chính là động cơ dẫn đến nhu cầu wearable. Bởi wearable sẽ giữ vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo thông tin liên quan liền mạch, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, wearable sẽ không thay thế smartphone mà ngược lại, sự kết hợp của smartphone và thiết bị wearable sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm di động độc đáo hơn. Gartner dự đoán từ 2014 - 2018 sẽ có đến 8 tỷ đơn vị smartphone ra đời so với con số 200 triệu thiết bị đeo HIS được kỳ vọng sẽ xuất xưởng trong năm 2018. Smartphones và thiết bị wearable đang bổ sung cho nhau. Tương lai, wearable sẽ tiếp tục mở rộng chức năng và sự hiện diện của smartphone vượt qua giới hạn vật lý của chúng. Đó chính là lý do Qualcomm đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong hệ sinh thái không dây để hỗ trợ sự phát triển này, thông qua các phát minh di động và cải thiện hạ tầng mạng.

Vậy, đâu là thiết bị wearable "lý tưởng" cho người dùng? Câu hỏi này không có câu trả lời chính xác, bởi những người dùng khác nhau có yêu cầu khác nhau trong những hoàn cảnh khác nhau. Bởi, thiết bị wearable sẽ được đeo trên cơ thể nên qua thời gian chúng sẽ càng trở nên mỏng hơn, nhẹ hơn và mịn màng hơn. Để hoạt động cả ngày, thiết bị wearable sẽ có dung lượng pin rất lớn và chức năng sạc không dây giản tiện. Các thiết bị sẽ luôn phải ở trạng thái kết nối, luôn hoạt động và luôn cảm nhận môi trường xung quanh, trở thành một phần của cuộc sống một cách hài hòa.

Bên cạnh chăm sóc sức khỏe, thiết bị wearable có rất nhiều tiềm năng phát triển trong phân khúc người tiêu dùng và doanh nghiệp. Theo dõi và phân tích thể lực cao cấp (“tự định lượng”), mạng xã hội và nhắn tin, định vị và vị trí trong nhà, bảo mật danh tính và thanh toán, an toàn cá nhân, bất động sản gia tăng và giải trí... là một vài ví dụ về các mục đích sử dụng mới. Chẳng hạn, doanh nghiệp đang khai thác các thiết bị wearable cho công nhân nhà máy sử dụng để đọc hướng dẫn theo từng bước và bảo trì, cảnh báo hư hỏng, đem lại hiệu quả cao hơn và an toàn hơn trong một số trường hợp. Smartwatch có thể đem lại một ngày làm việc hiệu quả hơn bằng cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cuộc gọi đến, email và các thông báo khác để người làm văn phòng có thể tập trung vào các cuộc họp và thảo luận trực tiếp. Khách hàng có thể tận hưởng kinh nghiệm mua sắm hoàn hảo hơn bằng khả năng xem được đánh giá sản phẩm và các kinh nghiệm khác qua việc sử dụng thiết bị đeo mắt kỹ thuật số trong cửa hàng. Tương lai của việc chơi game cũng có thể sẽ khác về trực giác và xúc giác, các lập trình viên đang hướng đến việc đưa ra trò chơi mà trong đó người chơi có thể cảm nhận hành động trong game bằng cách sử dụng cảm biến của thiết bị wearable.

Thiết bị wearable hoạt động thế nào với Internet of Things?

Hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một thế giới mà mọi vật đều kết nối với nhau và có thể đáp ứng những gì bạn cần và muốn một cách thông minh và nhanh chóng. Các thiết bị trong nhà bạn và thế giới xung quanh bạn có thể khám phá lẫn nhau, kết nối và giao tiếp, trong lúc đưa thêm bối cảnh cá nhân vào các tình huống để có thể hỗ trợ bạn. Đây là sự hứa hẹn mà các nhà cung cấp thấy ở Internet of Things, hình dung ba giai đoạn trong Internet of Things – thiết bị bạn đeo trên người (smart wearables), thiết bị trong-và-quanh nhà, và thiết bị thông minh xunh quanh thành phố.

Các tiêu chuẩn và kết nối mở là điểm then chốt, và là lí do các nhà cung cấp (ví dụ như Qualcomm Technologies) đã làm việc chặt chẽ với các tổ chức trong ngành như AllSeen Alliance để cho phép và thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi đối với sản phẩm, hệ thống và dịch vụ hỗ trợ Internet of Things với một cơ cấu phát triển mở và toàn cầu được hỗ trợ bởi một hệ sinh thái sôi động và cộng đồng công nghệ mạnh mẽ. Để đảm bảo một mạng di động ổn định và đáng tin cậy, họ đang hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng trên thế giới để phát triển hạ tầng, hỗ trợ việc cải thiện mạng di động và thương mại hóa 4G LTE.

Một số Wearables Device điển hình

Đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo tay

smartwatch-comparison.jpg

Trước tiên phải nói đến đồng hồ thông minh (smartwatch), đang là sản phẩm nóng bỏng nhất trong thời gian gần đây. Chúng ta bắt đầu râm rang nghe tin về loại smartwatch từ năm 2013 và từ lúc đó đến nay các ông lớn như Samsung, Google, Apple, Sony, LG, Toshiba .v.v… đều đã lần lượt nhảy vào sân chơi này. Samsung tung ra sản phẩm Samsung Galaxy Gear như là một linh kiện đi cùng và hỗ trợ các dòng điện thoại và tablet như Note 3 và Tab 10.1 từ năm 2013, nối tiếp theo đó là sản phẩm Gear 2 ra mắt hồi tháng 4 năm 2014 vừa qua và mới gần đây nhất là Samsung Gear S.

Motorola cũng nhanh chóng nhúng tay vào cuộc chơi khi cho ra mắt sản phẩm smartwatch Moto 360 vào đầu tháng 9 năm 2014. Cùng thời điểm đó LG cũng không chịu đứng ngoài khi cho ra mắt sản phẩm LG G Watch và đang trên đà chuẩn bị để sắp tới sẽ tung ra phiên bản thứ hai mang tên G Watch R. Sony cũng chào sân với sản phẩm Sony SW2, hỗ trợ tất cả thiết bị Android.

Và đó là chưa kể đến đối thủ nặng ký nhất đến từ Apple: Apple Watch (hay iWatch), vừa được giới thiệu chính thức trong sự kiện vừa qua cùng với iPhone 6 và 6 Plus.

Trong cuộc chiến long trời lở đất của các ông lớn, thị trường cũng không thiếu các tay chơi nhỏ hơn nhưng không kém cạnh như Pebble với các sản phẩm đang được đánh giá cao.

Chưa bao giờ, kể từ khi cơn sốt smartphone bắt đầu năm 2008, chúng ta lại có dịp thấy thị trường sản phẩm thiết bị di động lại sôi động như thế này một lần nữa. Các nhà sản xuất đang rất háo hức vì sắp tới họ sẽ có rất nhiều thứ để bán cho người tiêu dùng. Họ đang lăn lộn để thử nghiệm và nhận phản hồi từ người dùng để biết xem khách hàng muốn gì trong chiếc đồng hồ thông minh nhỏ xíu. Nhưng thành thật mà nói, ngay cả người dùng còn chẳng biết là họ sẽ muốn gì với chiếc đồng hồ kia nữa. Một thị trường thật là mới, thật sơ khai và thật hỗn độn nhưng đó chính là điều khiến nó thật sự thú vị.

Bây giờ có thể còn quá sớm để có thể biết được rằng những chiếc smartwatch – đồng hồ thông minh này liệu có thể trở thành thứ gì đó lớn lao và có tiềm năng như smartphone đã làm hay không. Tuy nhiên nhìn vào những tính năng hiện đang có của một chiếc smartwatch như theo dõi nhịp tim, nhận diện bằng vân tay, nhận diện bằng giọng nói, theo dõi tình trạng sức khỏe (nhịp tim, mức độ vận động, lượng calories tiêu thụ), bảo mật 2 factor, giao dịch bằng NFC v.v… thì ta có thể thấy smartwatch cũng có những đặc tính riêng và phục vụ những nhu cầu rất đặc trưng của nó.

wearable-2.gif

Tất cả thông tin về thế giới và cả cơ thể bạn giờ nằm gọn trên cổ tay.

Sự phát triển của các loại smartwatch – đồng hồ thông minh được dự đoán là sẽ khiến cho thị trường các thiết bị đeo tay chuyên theo dõi sức khỏe như Fitbit và Nike Fuelband sẽ có nhiều biến động vì bây giờ chiếc đồng hồ của bạn cũng đã có thể đảm đương việc theo dõi sức khỏe này. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một tương lai khi mà chúng ta có thể theo dõi tất cả các chỉ số và thông tin về cơ thể mình và luôn luôn online không còn xa nữa.

Những thiết bị đeo chuyên dụng cho người tập thể thao

Trên thị trường hiện có khá nhiều thiết bị đeo tay thông minh có khả năng đo bước đi, đạp xe, nhịp tim…, nhưng để theo sát tình trạng cơ thể của người tập và nâng cao hiệu quả luyện tập, các nhà sản xuất đã tung ra những thiết bị đeo chuyên dụng dành cho vận động viên hoặc những người đam mê thể thao.

Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên hiệu quả cao trong tập luyện là cường độ bài tập phù hợp với thể trạng. Sử dụng thiết bị đo nhịp tim là cách giúp người tập giám sát hoạt động của hệ thống tim mạch, dựa vào số nhịp tim trong quá trình vận động để tìm ra cường độ tập luyện tối ưu. Thiết bị cho người dùng biết tim mình đang làm việc ra sao dựa trên số nhịp đập của tim trong mỗi phút và tỷ lệ phần trăm của nhịp tim tối đa khi tập, giúp chủ nhân chủ động luyện tập trong phạm vi nhịp tim cho phép.

Ví dụ : Strap Polar H7 là thiết bị đo nhịp tim đeo trước ngực, có chức năng đo tín hiệu nhịp tim (không cần phải nghỉ giữa chừng để đo) và truyền tín hiệu không dây đến đồng hồ đeo tay chuyên dụng hoặc smartphone, tablet thông qua ứng dụng Polar Bear. Thiết bị có khả năng chống nước nên có thể dùng cả khi bơi lội. Không chỉ giúp người sử dụng xác định ngưỡng tập luyện tối ưu, máy còn lưu lại chuỗi nhịp tim liên tục, giúp người dùng phân tích thông số kỹ hơn trên máy tính hoặc smartphone.

Hoặc như Tangram Smart Rope - chiếc dây thông minh dành cho người luyện tập bằng cách nhảy dây. Người dùng có thể dễ dàng đếm số lần nhảy và biết được lượng calorie đã tiêu thụ. Dây được gắn 23 chiếc đèn LED, tạo ra các hiệu ứng ánh sáng và còn có tính năng hiển thị số lần nhảy dây trong không trung. Bên cạnh đó là chế độ ước tính và hiển thị lượng calo đã tiêu thụ trong quá trình nhảy. Tangram còn có một hệ thống ghi điểm, giúp những người cùng tập so sánh thành tích với nhau. Tính năng này được đánh giá là rất quan trọng trong các cuộc thi nhảy dây. Dây được hỗ trợ kết nối Bluetooth 4.0 LE hai chiều với smartphone. Người dùng có thể cài ứng dụng Smart Gym Pro đồng bộ với ứng dụng Apple Health để theo dõi và đếm từng lần nhảy, lượng calo được đốt cháy và thời gian luyện tập. Sản phẩm này còn được thiết kế để hướng dẫn bài tập phù hợp cho từng đối tượng.

............

Google Glass và các thiết bị đeo trên đầu (head-mounted devices)

w3-google-glass.png

Bên cạnh các smartwatch đang gây sốt thì có một làn sóng về các thiết bị wearables khác cũng đang tạo rất nhiều sự chú ý mà dẫn đầu là Google Glass. Chiếc kính của Google cũng tương tự như smartwatch, được ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của con người muốn được tiếp cận với thông tin bất cứ lúc nào, bất kể khi đang làm gì. Google Glass ngoài các tính năng như quay phim, chụp hình, nghe nhạc, cặp mắt kính này còn tích hợp thêm các chức năng fitness giúp người dùng có thể theo dõi quá trình tập thể dục của mình và cải thiện sức khỏe, hay bản đồ hoặc cung cấp bất cứ thông tin gì người dùng cần tìm kiếm.

Google Glass đương nhiên là một sản phẩm đang rất được nhiều người quan tâm nhưng nó không phải là wearable duy nhất mà người dùng có thể lựa chọn. Cho các nhu cầu khác nhau, còn có các sản phẩm khác nhau phục vụ cho người dùng. Một sản phẩm wearables khác hiện nay cũng không kém phần nổi bật phải kể đến Oculus Rift – thiết bị Virtual Reality – VR (thực tại ảo) hàng đầu, đây cũng là công ty mà gần đây đã được Facebook mua lại với giá 2 tỷ USD. Hãy tưởng tượng bạn có thể chơi game hoặc xem phim với các trải nghiệm ngay trước mắt và mình là một phần trong đó, thật là tuyệt vời đúng không?

w4-oculus-rift.jpg

Đây là một thị trường cực kỳ tiềm năng gắn liền với các dịch vụ giải trí như phim ảnh, video game và còn nhiều hơn thế nữa. Đó là lý do tại sao các ông lớn như Samsung (Samsung VR Gear) và Sony (Morpheus) đều đã bắt đầu tấn công mảng này.

Ngoài các loại sản phẩm được nêu bên trên, thị trường wearables vẫn còn rất nhiều sản phẩm khác cũng rất thú vị và đang phát triển rất nhanh.

Trước khi đi xa hơn thì bạn nên hiểu 3 vấn đề liên quan đến các sản phẩm này:

Wearables là phần mở rộng : các thiết bị này không thể thay thế chiếc điện thoại hay máy tính của bạn, chúng chỉ là phần mở rộng thêm, một phụ kiện để giúp người dùng kết nối tốt hơn, tìm thông tin dễ dàng hơn.

Tất cả đều kết nối với nhau : kết nối chính là xu thế tương lai cho tất cả các thiết bị wearables này. Chúng ta ngày càng có nhiều sản phẩm điện tử mang theo bên mình, từ laptop, tablet cho đến điện thoại di động và bây giờ có thể có thêm smartwatch, Google Glass và nhiều thứ khác nữa. Do đó việc các thiết bị này có thể cùng kết nối, cùng sync(đồng bộ) với nhau nhằm giúp cho người dùng có thể tập trung hơn, tiến hành các việc họ đang làm từ thiết bị này sang thiết bị khác mà không bị gián đoạn.

Khả năng thu thập các thông tin cá nhân chưa bao giờ có : các sản phẩm này có thể thu thập được rất nhiều thông tin mà trước đó chưa bao giờ có. Như smartwatch có thể ghi nhận các chỉ số về sức khỏe của bạn, chỉ số về sự vận động của bạn, trong khi đó Google Glass có thể ghi nhận được việc bạn đang nhìn gì, theo dõi gì.

Công nghệ đi sâu hơn vào cuộc sống

Chúng ta đã có PC, Laptop trên bàn làm việc, smartphone và table trong phòng ngủ, rồi chúng ta sẽ có chiếc đồng hồ đeo tay mà có thể không bao giờ tháo ra ngay cả lúc đi ngủ, thậm chí đi tắm cũng vậy. Mỗi ngày chúng ta sẽ lái xe đi làm, chiếc kính thông minh sẽ giúp ta không bỏ lỡ tin nhắn hay cuộc gọi trên đường đi, thậm chí chúng ta sẽ không bao giờ nhầm đường vì bản đồ có định vị hiện nay trước mắt. Nếu bạn có vấn đề tim mạch hay bị bệnh tiểu đường thì chiếc vòng đeo tay sẽ luôn theo dõi và cảnh báo bạn, mỗi khi nhịp tim nhanh quá mức cho phép, chiếc vòng sẽ báo động, nếu không được phản hồi, chúng sẽ gửi tin nhắn đến người thân của bạn. Khi chạy bộ trên đường, chúng ta sẽ theo dõi được số bước chạy, lượng calo bị đốt cháy, lượng nước đang cần bổ sung,... bằng thiết bị mà chúng ta đang đeo có kết nối với đôi giày đang mang ở chân. Có thể nói công nghệ đang đi sâu vào cuộc sống của chúng ta hơn, khiến chúng ta một lần nữa lại định hình lại thói quen của mình trong cuộc sống với sự hỗ trợ của công nghệ mọi lúc mọi nơi. Ngoài những thứ trên, TV thông minh cùng với Airplay của Apple và những công nghệ tích hợp trong ngôi nhà thông minh như chiếc tủ lạnh side by side của Samsung thì chúng đang khép kín quy trình cuộc sống của chúng ta.

Công nghệ wearable thông qua các thiết bị như vòng tay thông minh, đồng hồ, máy ảnh, kính, tai nghe..., đã tạo điều kiện cho người lao động trong nhiều lĩnh vực có thể kết nối, ghi chép, truyền nhận dữ liệu, chia sẻ với các đồng nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian thực ngay cả khi di chuyển.

Chẳng hạn, các thiết bị wearable đang tạo nên bộ mặt mới trong lĩnh vực bán lẻ khi giải phóng sự liên kết giữa nhân viên bán hàng và khách hàng. Như việc PayPal gần đây đã công bố kế hoạch hợp tác với Samsung để ra mắt một ứng dụng thanh toán cho Samsung Galaxy Gear và Gear 2. Ứng dụng sẽ sử dụng công nghệ sinh trắc học độc đáo từ Synaptics, gửi thông tin chương trình khuyến mãi của các cửa hàng trong khu vực gần nơi chủ sở hữu đang đứng (dựa trên dữ liệu vị trí), từ đó người dùng có thể chọn những gì mình muốn ngay trước khi bước vào cửa hàng.

Hay một dự án gần đây mang tên LikeAGlove nhằm giải quyết những trở ngại trong mua sắm trực tuyến. LikeAGlove thiết kế một chiếc áo có khả năng thu thập các số đo cần thiết như rộng vai, vòng eo... giúp người dùng lựa chọn một bộ đồ ưng ý phù hợp với số đo của mình mà không cần đến cửa hàng.

Với những tính năng mới, các thiết bị wearable có thể sớm thách thức vị trí của smartphone trong các lựa chọn của doanh nhân và người dùng khó tính. Từ vị trí là một phụ kiện cho smartphone, các thiết bị wearable ngày càng độc lập hơn. Chẳng hạn, hầu hết các smartwatch hiện nay đều có tính năng kết nối 3G, Bluetooth và Wi-Fi để đọc email, cập nhật mạng xã hội và các thông báo. Chúng cũng có thể thực hiện cuộc gọi, kiểm tra lịch và các ứng dụng, nhận cuộc gọi chuyển tiếp từ smartphone và gửi tin nhắn. Các thiết bị wearable đeo tay mới còn hỗ trợ một loạt các ứng dụng chăm sóc sức khỏe.

Samsung gần đây tăng cường hợp tác với SAP để mở rộng danh mục các ứng dụng dành cho doanh nghiệp trên các thiết bị wearable, đặc biệt trong mảng bán lẻ, dầu khí, y tế và các ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Sự hợp tác này kết hợp phần cứng của Samsung và phần mềm của SAP trên nền tảng đám mây, tăng tốc độ phân tích, xử lý dữ liệu và khả năng tiên đoán trong thời gian thực.

Trong tháng 12/2014, Trường Đại học Kelley khảo sát cho thấy, người tiêu dùng thời trang trẻ đang nghiêng về công nghệ wearable nhiều hơn những năm trước. Do đó, để bắt kịp nhu cầu của giới trẻ, các thiết bị wearable cũng ngày càng gắn liền với yếu tố thời trang hơn. Chẳng hạn, tại triển lãm CES 2015, những thế hệ đầu tiên của quần áo thông minh đã xuất hiện. Dự án đầu tiên có thể được nhắc đến là dự án Cityzen Sciences với sản phẩm D-Shirt. Bên trong chiếc áo này có cảm biến chuyển động, thiết bị đo nhịp tim, tốc độ, nhịp thở và cả hệ thống định vị GPS. Hay bộ quần áo thông minh Synapse Dress có thiết kế không khác những mẫu thiết kế trên sàn thời trang. Tuy nhiên, Synapse Dress được trang bị chip Intel Edison, cho phép bạn điều khiển ánh sáng của các thiết bị ánh sáng hay chiếc camera bằng cách ra lệnh bằng suy nghĩ...

Kèm theo những nguy cơ

w4-wearable-gadgets-669x1024.jpg

Bạn ngày càng đeo nhiều sản phẩm trên người hơn. Bạn có biết bạn đang ngày càng cung cấp nhiều dữ liệu hơn cho các công ty? Việc các sản phẩm này thu thập thông tin của bạn giúp cho các công ty sử dụng các thông tin đó để đưa quảng cáo thích hợp đến bạn (cung cấp đến người dùng các quảng cáo chính xác với những gì họ đang cần ngay lúc đó). Đối với Google Glass, hiện nay vẫn chưa có động tĩnh gì về việc cho phép quảng cáo trên thiết bị này nhưng đã có thông tin về việc Google đăng ký bản quyền cho việc quảng cáo với hình thức pay per gaze, trả tiền mỗi khi nhìn. Ngoài ra, thông tin này còn nhắc đến khả năng thiết bị có thể nhận dạng được biểu hiện tâm lý của người dùng khi nhìn thấy quảng cáo này. Tức là nếu bạn nhìn thấy một quảng cáo nào đó và bạn không thích thì có thể bạn sẽ không bao giờ thấy quảng cáo đó nữa. Đương nhiên tất cả chỉ đang còn là phỏng đoán, và bản quyền này cũng không đề cập tới Google Glass mà chỉ là nói tới thiết bị đeo trên đầu chung chung. Nhiều tiện ích như vậy nhưng cũng không thể phủ nhận sự quan ngại về tính bảo mật thông tin người dùng và sự riêng tư. Hẳn bạn cũng sẽ có lúc cảm thấy không thoải mái nếu để những công ty như Google, Facebook... biết tất tần tật về những gì bạn làm, những gì bạn thích và ngay cả những gì bạn đang xem tại thời điểm này. Liệu bạn có sẵn sàng đánh đổi sự riêng tư cá nhân để đổi lấy chút sự tiện lợi?

Khi cuộc sống chúng ta bị bao quanh bởi công nghệ, cũng có nghĩa là những nguy cơ cũng đang gần kề ta, ngay cả lúc đi ngủ. Chúng ta đã cung cấp cho các hãng Google, Facebook những thông tin về cá nhân, những mối quan hệ, những hành vi của cuộc sống, giờ chúng ta cho Apple và Google biết chúng ta lái xe đi đâu, dừng chân tại đâu, chúng ta nhìn thấy gì hàng ngày, sức khoẻ chúng ta ra sao, rồi chúng ta cũng sẽ nói cho họ biết cảm xúc chúng ta thế nào, thế là chúng ta thuộc về họ. Nếu trước đây, hacker chỉ có thể xâm nhập dữ liệu cá nhân, trộm tiền tài khoản, theo dõi dấu vết các nơi chúng ta từng đến thì giờ họ sẽ biết chúng ta chính xác là đang ở đâu, có thể kết liễu chúng ta bằng tai nạn đụng xe hay vòi nước nóng trong nhà tắm. Những nguy cơ sẽ theo chúng ta moi lúc mọi nơi, càng ngày chúng ta càng bị kiểm soát chặt hơn trong khi lại có cảm giác mình tự do hơn với công nghệ. Trong tương lai, nguyên nhân của sự diệt vong không chỉ là cuộc chiến tranh hạt nhân mà có thể là một loại virus máy tính.

Hoặc là việc chiếc kính Google Glass đang là đề tài của một vụ kiện tụng vì nó có thể làm người đeo mất tập trung khi lái xe. Một số chiếc đồng hồ đeo tay Fitbit Force đang bị thu hồi vì gây ra kích ứng da của người đeo ...

Tuy nhiên cũng không phải vì vậy mà có cái nhìn hoàn toàn tiêu cực với thiết bị wearables. Như đã đề cập, thiết bị wearables là một sự mở rộng tất yếu của các thiết bị di động hiện có và bảo mật là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu khi sử dụng smartphone. Smartphone yêu cầu mức độ bảo mật thế nào, thì thiết bị wearables cũng sẽ yêu cầu các chức năng bảo mật tương ứng. Đối với các yếu tố mới, có thể cần phải phát triển các công nghệ mới hoặc tái sử dụng công nghệ hiện có. Giải pháp bảo mật của Qualcomm Technologies được thiết kế để việc bảo mật trở nên đơn giản, trực quan, và vì vậy dễ tiếp cận hơn cho tất cả người dùng trên mọi thiết bị. Họ cũng tham gia các tổ chức hỗ trợ nâng cao bảo mật như Liên minh FIDO (Fast IDentity Online), mục tiêu của liên minh này là đưa ra các thông số kĩ thuật có thể hỗ trợ toàn bộ các công nghệ xác thực, bao gồm sinh trắc học như vân tay và máy quét mống mắt, giọng nói và nhận diện khuôn mặt.

Lời kết

Vẫn còn sớm để có thể chắc chắn tại thời điểm này đó là không ai biết được rằng liệu smartwatch hay Google Glass hay VR có thể trở thành xu thế của tương lai hay không hay sẽ chỉ là một cơn sốt nhất thời rồi lại sẽ qua đi và trở thành một món sản phẩm có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Còn quá sớm để có thể nói bất cứ điều gì vì wearables vẫn đang là một thị trường rất mới mẻ và chỉ mới ở giai đoạn đầu tiên. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận những tiềm năng của các sản phẩm này và việc chúng bùng nổ trở thành xu hướng trong thời gian tới cũng không có gì là lạ.

Mức độ nhận biết và mong đợi thiết bị wearables đang gia tăng trên khắp thế giới, và là cộng đồng ngày càng mang tính quốc tế. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng thiết bị này trên thế giới như – khả năng chi trả, sự thoải mái, dung lượng pin, và tính thẩm mĩ... Chúng ta hãy cùng đợi xem con đường phát triển và xu hướng dành cho các Wearables Device này là như thế nào. Bài viết trên đây còn sơ sài, nếu bạn quan tâm có thể tìm hiểu thêm thông tin ở nhiều nguồn khác. Cảm ơn bạn đã theo dõi.

Link tham khảo :

http://www.comtechsam.info/2014/03/20-trao-luu-cong-nghe-moi-wearable.html http://conversion.vn/wearables-quang-cao/

0